Trí tuệ cổ nhân: Làm quan tích thiện, gia tộc hưởng phúc
- Vũ Tường
- •
Người xưa có câu: “Tích thiện chi gia, tất hữu dư khánh”, gia đình tích thiện, phúc đức dồi dào. Nhân ái với mọi người, duy hộ chính nghĩa và thiện lương là lựa chọn của những người minh trí sáng suốt, nhất là đối với những người làm quan. Nó không chỉ mang lại phúc báo cho chính họ, mà cho cả con cháu các thế hệ sau trong dòng tộc. Dưới đây là câu chuyện về Thương Lộ, một trong rất nhiều câu chuyện lịch sử đã minh chứng cho điều này.
Thương Lộ là một vị quan vào triều Minh. Mặc dù xuất thân bình dân, Thương Lộ đã đỗ đầu trong cả ba kỳ thi, sau này trở thành Văn uyên các Đại học sĩ, thời đó danh dự của chức vị này có thể sánh với tể tướng. Thương Lộ nổi tiếng là một người ngay thẳng, chính trực, luôn bảo vệ công lý và giúp đỡ người nghèo.
Cha của Thương Lộ là một viên quan nhỏ luôn giúp đỡ người nghèo. Tiếp bước cha, Thương Lộ được dân chúng yêu mến và ca ngợi. Thương Lộ suốt cuộc đời đã luôn hành thiện tích đức, nên cuối cùng gia tộc họ Thương đã được phúc báo trong nhiều thế hệ.
Xuất thân bình dân
Thương Lộ xuất thân từ một gia đình bình dân. Ông nội của ông sống dựa vào đốn củi và săn bắt. Cha của Thương Lộ là Thương Lâm, từng giữ một chức quan nhỏ ở phủ Nghiêm Châu (nay là huyện Kiến Đức, tỉnh Chiết Giang). Cha ông đã sống một cuộc sống thanh bần, nhưng lại là một người rất quảng đại rộng lượng, luôn làm việc thiện, sẵn sàng giúp đỡ những người bần hàn khó khăn. Ông thường khuyên các đồng sự cần phải tôn trọng luật pháp, không được lạm dụng chức quyền để hại người và tư lợi. Các quan viên đều nghe theo ông. Phạm nhân ở các huyện trực thuộc khi bị áp giải lên Châu phủ, nếu ai có oan khuất thì ông đều nhất định giúp họ khiếu nại, chính vì vậy mà nhiều người đã bảo toàn được tính mệnh.
Một đêm nọ, Thái thú Nghiêm Châu bỗng nhiên nhìn thấy ánh sáng rực rỡ lấp lánh phát ra từ nhà của Thương Lâm. Ông đến để kiểm tra, phát hiện ra rằng đó không phải là ánh lửa, cảm thấy vô cùng kinh ngạc. Sáng hôm sau, Thái thú hỏi Thương Lâm xem đêm qua đã xảy ra chuyện gì. Thương Lâm trả lời: “Gia đình đã sinh được một nhi tử.” Thái thú nghĩ đến ánh sáng rực rỡ đêm qua, liền nói: “Đây nhất định là một quý tử. Sau khi đầy tháng thì hãy bồng đứa bé đến đây cho ta xem.”
Khi Thương Lâm bồng đứa bé đến, Thái thú nhìn ngắm đứa bé xinh đẹp, trong lòng cảm thấy vừa kinh ngạc vừa mến mộ. Thái thú nói với cha của đứa bé: “Nhi tử của ngươi tất không phải người phàm, sau này nhất định sẽ là may mắn của triều đình, làm rạng danh đất nước.” Đứa bé đó chính là Thương Lộ.
Đỗ đầu trong cả ba kỳ thi
Thương Lộ ngay từ bé đã có thiên tư thông tuệ, tài trí hơn người, đọc sách đến đâu là nhớ đến đó, xuất khẩu thành thơ, ăn nói lưu loát.
Năm 20 tuổi, Thương Lộ đỗ đầu trong kỳ thi Hương (Giải nguyên), sau đó ông đỗ đầu trong kỳ thi Hội (Hội nguyên) và đỗ đầu trong kỳ thi Đình (Trạng nguyên). Theo “Minh sử”, trong suốt 300 năm triều đại nhà Minh, Thương Lộ là người duy nhất đỗ đầu trong cả ba kỳ thi, là người đứng đầu về khoa bảng.
Thương Lộ làm quan qua ba triều Đại Tông, Anh Tông, Hiến Tông và đã từng giữ các chức quan Lại bộ Thượng thư, Binh bộ Thượng thư, Hộ bộ Thượng thư, Thái tử thiếu bảo, Văn uyên các Đại học sĩ. Cha mẹ của ông cũng đều được phong tước. Mọi người đều tin rằng Thương Lộ được ban phúc như vậy là do cha của ông đã vì dân mà giải oan cho họ, nên gia tộc của ông đã tích được âm đức.
Trình tấu thư đề xuất tu chỉnh đạo đức
Vâng theo lời cha, Thương Lộ luôn lấy lợi ích của bách tính, và sự rạng danh của quốc gia làm trọng. Ông rất quả cảm và dám nói những lời chính nghĩa trước mặt Hoàng thượng. Thời Minh Hiến Tông, nhiều vùng trong cả nước xuất hiện thiên tai lũ lụt. Thương Lộ đã trình tấu thư “Tu đức nhị tai” lên Hoàng thượng, đề xuất rằng muốn tiêu trừ tai họa thì trước tiên triều đình phải dẫn dắt dân chúng tu chỉnh đạo đức.
Trong tấu thư này, Thương Lộ đã liệt kê ra tám điều cần phải tu chỉnh, đó là: học tập đạo đức của các bậc thánh hiền; cho phép chúng thần trực ngôn lên tiếng; phân công sứ giả của bộ Hình thẩm tra hồ sơ vụ án và sửa lại các án oan; đình chỉ các hạng mục thi công không cần thiết; cắt giảm các chức quan dư thừa ở tỉnh; xây dựng kho lương thực dự trữ; tôn sùng tiên thánh danh hiệu; phổ biến chế định pháp luật. Hiến Tông khen ngợi đề xuất này và đã ra lệnh thực thi những chính sách đó.
Thương Lộ còn trình lên tấu thư “Chính vụ sơ”, trong đó nhấn mạnh rằng quân vương cần lắng nghe những lời khuyên can của quần thần. Ông nói: “Thần hy vọng từ nay về sau, nếu ai đó nói lời khuyên can Hoàng thượng, xin Hoàng thượng hãy khoan dung lắng nghe. Nếu đề xuất đó dùng được, tức là có thể thi hành được. Nếu đề xuất đó không dùng được, thì cũng không nên giáng tội cho họ.”
Giúp đỡ bách tính
Nội quan cai quản điền trang của Thái hậu Nhân Thọ tranh đoạt đất đai và xâm chiếm điền sản của hơn 80 hộ dân địa phương. Tranh chấp giữa dân chúng và nội quan khiến Thái hậu tức giận, Hiến Tông định trừng phạt những hộ dân này bằng cách di rời họ đến một vùng đất khắc nghiệt phía Bắc Trường Thành.
Tại một buổi chầu triều, Thương Lộ đã nghiêm nghị nói: “Thiên Tử coi thiên hạ là nhà, chứ sao lại coi điền trang là nhà? Thần mới chỉ nghe thấy quan lại chiếm đoạt đất đai của bách tính, chứ chưa bao giờ nghe thấy bách tính dám xâm chiếm đất đai của quan lại.”
Các đại thần trong buổi chầu triều hết sức kinh ngạc trước lời can gián thẳng thắn của Thương Lộ, nhưng cuối cùng đều bước ra và ủng hộ ông. Cuối cùng Hoàng đế Hiến Tông đã phải thu hồi mệnh lệnh của mình.
Khi Hiến Tông muốn xây dựng một lầu các ở phía Bắc của cung điện, Thương Lộ cũng cực lực can gián Hoàng đế cắt bỏ những khoản chi tiêu không cần thiết. Đương thời, các lưu dân từ phủ Khai Phong và phủ Phượng Dương di cư đến Tế Ninh và Lâm Thanh đều bị các quan viên ở đây đuổi đi. Thương Lộ đã tập hợp các lưu dân đó lại, cho phép họ khai khẩn những vùng đất hoang gần kinh thành, cấp cho họ hạt giống để trồng trọt, giúp họ có được chỗ để ổn định cuộc sống.
Dâng sớ khuyên Hoàng đế bãi bỏ Tây xưởng
Công lao lớn nhất của Thương Lộ trong thời gian phục vụ triều đình là ông đã hết sức khuyên can Hoàng đế bãi bỏ “Tây xưởng”. Tây Xưởng là một tổ chức sử dụng như tai mắt của Hoàng đế. Uông Trực, hoạn quan thân tín của Hoàng đế là Tổng quản của “Tây xưởng”. Uông Trực và những người theo ông ta vô cùng hung ác và ngang ngược, qua mặt cả bộ Hình, lấy cớ là “điều tra” mà tùy ý bắt người và giết người, tạo nên vô số án oan, trong lòng dân chúng và các quan viên đều kinh hoàng và lo sợ.
Thương Lộ dẫn đầu một nhóm quần thần dâng tấu thư “Thỉnh bãi Tây xưởng” lên Hoàng thượng. Tấu thư đã liệt kê 11 tội trạng của Uông Trực, và còn nêu rõ Uông Trực và Tây xưởng là “nguy hại của quốc gia”, cần phải triệt để trừ bỏ.
Hiến Tông xem xong tấu thư liền nổi giận nói: “Trẫm dùng một nội thần, tại sao lại nguy hại đến thiên hạ?”
Thương Lộ nói:
“Bệ hạ tin nghe Uông Trực, còn ông ta lại xếp đặt tai mắt trong quần thần như Vy Anh, Vương Anh và những người như thế. Bọn họ giả truyền Thánh chỉ, hoặc tự xưng là phụng theo mật chỉ, lạm sát người vô tội, tác oai tác quái, ức hiếp người thiện lương, có lúc còn tùy tiện bắt giữ hàng chục người, như thế quốc pháp có vững chắc hay không? Khiến cho sĩ phu bất an khi đương chức, thương nhân bất an ở ngoài chợ, lữ hành bất an ở trên đường, binh sĩ bất an trong quân ngũ, thứ dân bất an trong nghề nghiệp. Bây giờ mà không trừ bỏ bọn chúng, chẳng phải sẽ vô cùng nguy hiểm hay sao?”
Lúc này các đại thần Vạn An, Lưu Dực, Lưu Cát cùng bước ra ủng hộ. Thương Lộ nói với họ: “Chư công đều vì quốc gia mà làm như vậy, ta còn lo lắng điều gì nữa đây?”
Sau khi nghe Thương Lộ và các đại thần hết mực khuyên can, cuối cùng Hiến Tông đã hạ lệnh cách chức Uông Trực, phế trừ Tây xưởng. Mặc dù sau này Tây xưởng lại được thiết lập lại, nhưng lòng quả cảm của Thương Lộ đã được lịch sử ghi nhận. Tấu sớ “Thỉnh bãi Tây xưởng” của Thương Lộ đã trở thành một tác phẩm bất hủ được lưu truyền qua nhiều thế hệ.
Hành thiện tích đức mang lại phúc báo cho gia tộc
Thương Lộ luôn chấp hành pháp luật theo lẽ công bằng, biểu dương chính nghĩa, nhiều lần sửa lại án oan, hết mực cứu giúp các quan viên chính trực và bách tính vô tội bị những kẻ nịnh thần hãm hại. Ông không suy nghĩ đến sự thăng quan hay giáng chức của bản thân, cũng không tính toán đến sự được mất của danh lợi. Bất kể việc gì ông làm, ông đều vì lợi ích của quốc gia và của bách tính. Trong “Minh sử”, ông được ca ngợi là một người “đơn giản và thẳng thắn, rộng lượng và khoan dung trong đối nhân xử thế. Còn trong các việc đại sự, ông lại rất kiên định và lý trí.”
Gia tộc họ Thương được thiện báo bất đoạn. Các thế hệ con cháu của Thương Lộ đều là những người tài năng và đỗ đạt khoa cử, nhiều người trong số họ đã trở thành những đại thần trong triều đình. Vào cuối đời, một đồng sự đến thăm Thương Lộ, khi chứng kiến con cháu của ông đông đúc và đều là những người hiền tài, người đó đã cảm thán mà thốt lên: “Bao năm qua làm việc cùng ông, tôi chưa từng bao giờ thấy ông hạ bút kết tội ai một cách xằng bậy. Do đó con cháu của ông đều hiền tài vinh hiển, đó chính là phúc báo do ông đã luôn hành thiện tích đức.”
Theo “Gia đình tích thiện, con cháu được hưởng phúc đức“
Đăng trên Minghui.org
Vũ Tường biên tập
Xem thêm:
- Đạo làm quan xưa: Thả phạm nhân, phạm nhân đến hẹn tự tới
- Vị thư sinh bị vợ đuổi đi vẫn thi đỗ tiến sĩ làm quan đầu triều
Mời xem video: Một người có thể không thành công nhưng nhất định phải thành thục
Từ khóa đạo làm quan