Trí tuệ cổ nhân: Tranh tốt cũng giống như thuốc hay
- An Hòa
- •
Một bức tranh tốt không chỉ mang lại cơ hội thưởng thức cái đẹp. Đằng sau một bức tranh tốt có rất nhiều năng lượng thuần chính nên người xem tự nhiên sẽ thư thái, tích cực hướng về phía trước, nhận được những lợi ích về tinh thần. Trái lại, những tác phẩm hội họa không theo một trình tự kết cấu, chứa đựng ma tính, sẽ không có nội hàm tốt đẹp. Sự rối loạn và lộn xộn sẽ mang đến cho con người cảm giác suy đồi, sa đọa, tối tăm. Cổ nhân nói: “Bức tranh tốt tựa như thuốc hay, có thể trị khỏi bệnh cho người”.
Vương Thời Mẫn, một họa sĩ có danh tiếng thời nhà Thanh, khi xem bức tranh “Khê sơn hồng thụ đồ” thì khen ngợi không ngớt. Ông cũng không ngờ rằng sau khi bản thân thưởng thức bức “Khê sơn hồng thụ đồ” xong thì bệnh ho khan vốn quấy nhiễu ông nhiều năm tự nhiên khỏi hẳn. Vì thế ông đã cảm khái mà viết lời đề tựa cho bức tranh này, trong đó có đoạn viết: “Bị bệnh ho khan làm khổ lâu ngày, sau khi thưởng lãm bức tranh thì bệnh đột nhiên biến mất, lúc này mới biết chuyện người xưa dùng cách này chữa khỏi bệnh quả thực là không phải hư giả”. Tác giả của bức tranh “Khê sơn hồng thụ đồ” này chính là Vương Huy, một họa sĩ xuất chúng thời nhà Thanh.
Vương Huy sinh ra trong một gia đình hội họa. Tổ tiên của ông là những người rất giỏi về vẽ tranh sống vào thời Ngũ Đại. Cụ của Vương Huy là Vương Bá Thần, giỏi về tranh hoa, chim muông. Ông nội Vương Huy là Vương Tái Sĩ nổi tiếng về tranh phong cảnh, nhân vật, hoa cỏ. Còn cha Vương Huy là Vương Vân Khách có sở trường tranh phong cảnh. Lúc nhỏ, Vương Huy bái Trương Kha làm thầy, chuyên vẽ phỏng theo các bức tranh phong cảnh của bậc thầy hội họa Hoàng Công Vọng thời nhà Nguyên.
Năm 21 tuổi, Vương Huy gặp Vương Giám và được nhận làm đệ tử. Về sau, ông lại trở thành học trò của Vương Thời Mẫn. Vương Thời Mẫn thường đem các bức tranh được xem là trân bảo của gia đình ra cho Vương Huy vẽ lại. Cuối cùng, Vương Huy đã tiến bộ vượt bậc trong hội họa và trở thành một họa sĩ nổi tiếng của triều đại nhà Thanh. Thi nhân Ngô Mai Thôn đã gọi Vương Huy là “Họa Thánh”.
Đề tài trong các tác phẩm của Vương Huy rất rộng, bao hàm cổ kim, kỹ năng hội họa đạt đến trình độ đệ nhất triều Thanh. Rất nhiều bức tranh cổ bị thất lạc từ thời nhà Tống nhưng nhờ vào bản sao của Vương Huy mà được lưu truyền đến nay. Nét bút của Vương Huy thường mảnh, thanh tú nhưng dày đặc, màu mực đậm và có sức sống, ý cảnh sâu xa, hơn nữa còn rất cô đọng súc tích.
Tranh phong cảnh của Vương Huy có sự biến hóa và được chia làm ba giai đoạn là lúc ban đầu, lúc trung niên và lúc tuổi già. Trước 25 tuổi, Vương Huy chủ yếu vẽ mô phỏng theo các bức tranh cổ nổi tiếng, bút mực chưa được thành thục. Từ 25 đến 60 tuổi là thời trung kỳ, lúc này Vương Huy đã tiếp thu sâu rộng những kỹ xảo tinh mỹ của người đi trước, tụ hợp những điểm mạnh của các trường phái phía bắc và phía nam nên tranh của ông tinh xảo và có hàm ý hơn. Tranh phong cảnh của Vương Huy lúc về già trở nên khỏe khoắn, nghiêm cẩn, màu mực biến hóa phong phú hơn, thể hiện việc tìm kiếm sự vô tận trong đơn giản. Nhưng cho dù là khi nét bút chưa thành thục hay khi đã tinh xảo, tranh Vương Huy luôn có cấu tứ tỉ mỉ, không một nét cẩu thả, đem lại cho người thưởng thức sự thư thái, trầm lắng và tĩnh tại trong tâm.
Hoàng đế Khang Hy từng yêu cầu Vương Huy vẽ tranh về đoạn thời gian Hoàng đế đi tuần thú Giang Nam. Khang Hy Đế từng sáu lần đi tuần phía nam để xem xét tình cảnh của dân chúng. Khang Hy muốn tìm hiểu phong tục tập quán địa phương, đồng thời có ý muốn cho thần dân thấy được lòng nhân từ và uy nghiêm của triều đình. Trong mỗi chuyến đi xuống phía nam, Hoàng đế đều cố gắng đơn giản nhất có thể, yêu cầu mọi người không làm phiền đến dân chúng địa phương, nghiêm cấm quan lại địa phương tổ chức tiếp đón xa hoa.
Bức “Khang Hy Nam tuần đồ” của Vương Huy tổng cộng có 12 cuộn, dài 213 m, vẽ lại tỉ mỉ hành trình Hoàng đế đi tuần lần thứ hai. Bắt đầu từ lúc Hoàng đế rời khỏi kinh thành, đi qua các con sông ngọn núi, các thành trì và danh thắng cổ, có hàng vạn nhân vật. Bức tranh cũng thể hiện ra diện mạo kinh tế, văn hóa cùng với cảnh lao động sinh hoạt của dân chúng. Sau khi hoàn thành bức họa, Vương Huy được ngự ban danh hiệu “Sơn thủy Thanh Huy”.
Theo Sound of Hope
An Hòa biên tập
Xem thêm:
- Chút suy tưởng về mục đích chân chính của nghệ thuật
- Một liên tưởng khác về sự khỏa thân trong nghệ thuật
Mời xem video:
Từ khóa tranh cổ Tranh Trung Hoa hội họa