Hàn Quốc là đất nước có chiều dài lịch sử 5.000 năm, trải qua nhiều Triều đại, nhưng Triều đại Joseon có ảnh hưởng lớn nhất đến văn hóa Hàn Quốc hiện nay. Triều đại Joseon được thành lập bởi Triều Tiên Thái Tổ Lý Thành Quế vào năm 1392, Kinh đô được dời về Hanseong (Seoul ngày nay). Và trong triều đại Joseon thì Triều Tiên Thế Tông Lý Đào là bậc minh quân nổi tiếng nhất.

cung dien han quoc
Cung Gyeongbok, Seoul. (Ảnh: Svdmolen, Wikipedia, CC BY-SA 3.0)

Được cảm phục mà trao vương vị

Vị Vua thứ 3 của Joseon là Lý Phương Viễn, hiệu là Thái Tông. Ông có nhiều người con, nhưng Hoàng tử thứ 3 là Lý Đào sinh năm 1397 là thông minh hơn cả.

Lý Đào từ nhỏ đã được dạy dỗ theo Nho gia, rất ham mê đọc các kinh điển của Nho gia là tứ thư và ngũ kinh, tương truyền có những cuốn kinh thư ông đọc cả trăm lần. Các thầy giáo nhiều lần bẩm báo với Lý Phương Viễn về việc học tập của các Hoàng tử, rất đề cao Lý Đào.

Trong dân gian Triều Tiên có lưu truyền những câu truyện Hoàng tử Lý Đào ra ngoài thành, chứng kiến cuộc sống cực khổ của dân chúng, giúp đỡ và đồng cảm với những người nghèo khổ. Khi trở về Kinh thành, Lý Đào thường hỏi những người thầy của mình cách giúp đỡ dân chúng, rồi dần dần các câu hỏi lại càng sâu hơn: trị quốc thế nào để dân chúng không còn nghèo khổ và được sung sướng?

Bấy giờ Hoàng tử cả là Lý Đề vốn được truyền ngôi Thái tử, nhưng cảm thấy em Lý Đào mới đích thực là chân mệnh, nên bàn với Hoàng tử thứ hai Lý Bổ giả cách phóng túng, vô lễ. Vậy là Lý Phương Viễn đã truất ngôi Thái tử của Lý Đề vào năm 1418, đồng thời trao ngôi Thái tử lại cho Lý Đào. Lý Đề và Lý Bổ sau đó đã sống ẩn dật, không tham gia chính sự.

Cũng năm 1418, Lý Phương Viễn già yếu nên quyết định trao ngôi cho Lý Đào rồi làm Thượng Vương. Lý Đào lên ngôi Vua, đây chính là Triều Tiên Thế Tông (Sejong).

Trọng giáo dục, tuyển chọn hiền tài

Năm 1419, Thế Tông đưa quân tấn công hải tặc Nhật Bản, làm chủ vùng biển Triều Triên. Ông lại đưa quân tấn công lên phía bắc tiến đánh người Mãn Châu, thu hồi lại các vùng đất vốn của Triều Tiên trước đây.

Để thực hiện mong ước giúp dân chúng thoát khổ thuở nhỏ, Thế Tông thành lập “Tập hiền điện” (tức điện tâp hợp các bậc hiền tài) rồi tập hợp các bậc văn sỹ khắp nước vào làm việc, dùng Nho gia giáo hóa dân chúng, khuyến khích học theo lời dạy của Khổng Tử, đồng thời đưa ra các kế sách giúp dân thoát khổ.

Thế Tông cũng ban hành chính sách mới trên tất cả các lĩnh vực, trong đó quan trọng là chế độ thi cử nhằm tìm được hiền tài phụng sự cho Giang Sơn Xã Tắc.

Xã hội trước đó vốn ưu ái cho tầng lớp quý tộc, trường dạy học cùng các kỳ thi khoa bảng hạn chế với tầng lớp bình dân. Thế Tông muốn rộng chọn người hiền. Những người nghèo khổ cũng được khuyến khích đến trường.

Những ghi chép từ “Joseon Vương triều Thực lục” cho thấy đích thân Thế Tông giám sát các kỳ thi khoa bảng nhằm chọn được bậc hiền tài phụng sự cho Giang Sơn Xã Tắc. Ví dụ:

Năm thứ 9 thời Thế Tông (1427), vào tháng Bảy mùa thu, nhà Vua đích thân đến trường thi, giám sát việc thi cử của các sĩ tử. Sau khi kỳ thi kết thúc, nhà vua thấy nhiều nhân tài xuất sắc được chọn, rất hài lòng, ban thưởng vật phẩm cho những người đỗ đầu để khuyến khích phong trào học tập.

Năm thứ 23 thời Thế Tông (1441), vào tháng Giêng mùa xuân, nhà vua ra lệnh cho các học sĩ ở Tập Hiền Điện mở thêm kỳ thi đặc biệt, tuyển chọn nhân tài xuất sắc, nhằm chuẩn bị cho việc biên soạn “Huấn dân chính âm”. Các học sĩ tuân theo chỉ dụ, chọn được một số người, đều là những người tinh thông học vấn và chăm chỉ.

Các sĩ tử nhiều người xuất thân trong dân chúng, khi đỗ đạt làm quan vốn đã am hiểu đời sống dân chúng nên có những biện pháp phù hợp bảo vệ được tầng lớp những người nghèo khó trong xã hội.

Thi hành chính sách trọng nông

Thế Tông rất coi trọng nông nghiệp. Nhiều cuốn sách được soạn từ “Tập hiền điện” giúp dân từ những điều bình dị nhất, như “Nông sự trực thuyết” giúp dân làm nông nghiệp phù hợp với đất đai địa phương, “Hương ước tập thành phương” hướng dẫn dùng các cây thuốc chữa bệnh dễ tìm…

Thế Tông cũng thực hiện chính sách thuế để giảm gánh nặng cho dân chúng, áp dụng thuế linh hoạt dựa trên năng suất mùa vụ (thay vì cố định như trước).

Nhiều phát minh mới và cải tiến về kỹ thuật xuất hiện ở thời kỳ này, như “máy đo lượng mưa” vốn chưa xuất hiện trước đó, đồng hồ nước, đồng hồ mặt trời.

Bản đồ sao “Cheonsang Yeolcha Bunyajido” và lịch “Chiljeongsan” được biên soạn, giúp cải thiện dự báo thời tiết và lịch nông nghiệp.

Việc áp dụng những kiến thức và chính sách này đã giúp sản lượng nông nghiệp tăng vọt, nạn đói giảm thiểu, đời sống dân chúng sung túc, thiên hạ ấm no thái bình.

Dân là gốc rễ

tuong vua sejong
Tượng vua Thế Tông. (Ảnh: Ewong17, Wikipedia, CC BY-SA 4.0)

Các vị Vua khác xem bản thân là mặt trời, Thế Tông lại không như vậy. Thế Tông thường nói rằng: “Dân là gốc rễ của quốc gia đồng thời là mặt trời của quân chủ”. Triều Tiên Thế Tông tạo nên đã thời kỳ thịnh thế trong lịch sử Hàn Quốc.

Sau khi ông mất, cả đất nước thương tiếc, dân chúng biết ơn gọi ông là Đại Vương (Daewang), thể hiện sự tôn kính đặc biệt vượt xa các vị Vua khác. Ông là vị Vua được tôn kính nhất trong lịch sử Hàn Quốc.

Cuốn “Triều Tiên vương triều thực lục” (Joseongeo Wangjo Sillok) cho thấy dân chúng thường nhắc đến ông như một vị “Thánh quân”.

Ngày nay tượng đài Sejong tại Gwanghwamun và Viện Nghiên cứu Sejong được xây dựng để tôn vinh Thế Tông. Hàn Quốc cũng có nhiều giải thưởng về văn học và học thuật mang tên Sejong.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: