Trương Tam Phong nói về thực hành đạo Hiếu
- An Hòa
- •
Trong cõi hồng trần cuồn cuộn, đạo đức thế gian trượt xuống không ngừng, vì để thức tỉnh, cảm hóa con người thế gian, ông tổ Thái Cực quyền là Trương Tam Phong đã sáng tác tác phẩm “Thiên Khẩu”, bao gồm 24 thiên, đề cập đến rất nhiều nội dung như Ngũ đức, hiếu hạnh, dâm ác, vợ chồng, kính Thần, y dược, và toán quái đoán mệnh. Trong đó “Thiên Khẩu. Hiếu hành thiên” bao gồm các lý niệm và những câu chuyện xưa, được Trương Tam Phong kể ra để dẫn dắt, chỉ điểm con người thực hành đạo Hiếu – đạo căn bản của làm người.
Trong “Thiên khẩu. Hiếu hành thiên”, Trương Tam Phong viết: “Quang minh khai nhật nguyệt, ái mộ thông địa thiên”, ánh sáng của đức hiếu giống như ánh sáng mặt trăng mặt trời chiếu rọi khắp muôn nơi. Hiếu hạnh, hiếu đức là vô cùng vô tận nhưng biểu hiện chung của hiếu hạnh là yêu thương mọi người, là cái thiện thật thà chất phác, có thể tạo ra kỳ tích cảm thiên động địa.
Từ cách một người thực hành đạo Hiếu, có thể trực tiếp kiểm tra được nội tâm họ là thiện hay ác, thật hay giả, mức độ thuần tịnh của tâm địa. Quá trình thực hành đạo Hiếu còn có thể giúp một người nhìn sâu được vào thế giới nội tâm của bản thân, tìm kiếm được bản thân mình một cách chân thật nhất.
Trương Tam Phong còn cho rằng: “Nhất hiếu bao ngũ luân, tu tri hiếu khả phong”. Nghĩa là hiếu còn bao hàm và khiến cho năm loại quan hệ nhân luân trong xã hội bao gồm cha con, quân thần, vợ chồng, anh em, bạn bè trở nên hoàn thiện. Bởi vì người có hiếu đạo mới có thể đối đãi chân thành với bạn bè, trung thành với người trên, trở thành tấm gương tốt cho con cái, có được sự tín nhiệm với mọi người xung quanh.
Không chỉ vậy, theo Trương Tam Phong, trong hiếu còn bao hàm tâm đại nhẫn, tâm từ bi lương thiện, tâm chân thành. Chỉ khi một người có trong mình những đức tính tốt đẹp ấy, người ta mới có thể thực hành đạo Hiếu một cách chân thành nhất.
Trong các câu chuyện hành hiếu mà Trương Tam Phong thu thập, sao lục lại có thể thấy, từ bậc Thánh hoàng đế vương, cho tới hiền thần dân chúng trong suốt hàng ngàn năm đều vô cùng coi trọng chữ Hiếu và kính trọng người hiếu thảo. Cũng thông qua đó, chúng ta có thể thấy, thực hành đạo Hiếu bao gồm rất nhiều phương diện và cấp độ khác nhau, nhưng đều có kết quả chung nhất là: Bậc làm vua hành hiếu thì thiên hạ hưng thịnh thái bình; Cá nhân hành hiếu thì đắc được hậu phúc. Dưới đây là một số điển phạm về lòng hiếu thảo mà Trương Tam Phong tập hợp trong tập “Hiếu hành thiên”.
Ba ngàn năm trước, khi Chu Văn Vương vẫn là thế tử, mỗi ngày ông đều hành lễ bái cha ba lượt. Lúc gà vừa gáy sớm, Chu Văn Vương đã rời khỏi giường và đi đến bên ngoài phòng của cha ông hỏi người hầu hạ xem sức khỏe của cha mình có an khang hay không. Mỗi khi nhận được câu trả lời “an khang” từ người hầu hạ, Chu Văn Vương lại vô cùng vui vẻ. Nhưng nếu biết sức khỏe cha không được tốt lắm, ông sẽ cảm thấy buồn thương, thậm chí bước đi không được vững chãi như bình thường.
Mỗi lần, Chu Văn Vương dâng tặng cho cha đồ ăn, ông thường sẽ nếm trước một chút xem đồ ăn lạnh hay nóng, ngon miệng hay không ngon miệng rồi mới dâng lên. Sau khi cha ông ăn cơm xong, ông lại cẩn thận hỏi người hầu xem hôm đó cha thích ăn gì, lượng ăn như thế nào. Sau đó, ông lại căn dặn người làm bếp nấu các món đó theo nhu cầu của cha mình.
Nói về Chu Văn Vương, Trương Tam Phong viết trong “Hiếu hành thiên”: “Chu văn bách độ trinh, hiếu cư lệnh văn tiên” ý nói rằng, Chu Văn Vương tuy rằng trải qua nhiều sóng gió nhấp nhô, trải qua nhiều đại nguy, nhưng vì đức hiếu mà cuối cùng có thể biến nguy thành an.
Đúng như Trương Tam Phong nói, Chu Văn Vương bị người khác hãm hại vu cáo, bị Trụ Vương bắt giam ở Dũ Lý, nhưng ông vẫn nhẫn nhục, bồi dưỡng đức hạnh bản thân, cuối cùng được phóng thích. Về sau, người con trai của Chu Văn Vương kế vị Tây Bá, thuận theo chí hướng của cha, phát binh đánh bại Trụ Vương, thành lập nên vương triều nhà Chu.
Các Đế vương triều nhà Hán cũng rất coi trọng lý niệm đạo đức “hiếu thảo”. Trong cả lời nói và việc làm, triều đình đều thực hành đạo Hiếu để làm gương cho dân chúng thiên hạ.
Năm Thái Sơ thứ 4 đời Hán Vũ Đế, triều đình xây dựng một tòa Quế cung. Bên trên cung điện có ghi đôi câu đối: “Vạn ác dâm vi thủ, bách thiện hiếu vi tiên” (trong vạn cái ác thì dâm đứng đầu, trong trăm việc thiện thì hiếu đứng trước nhất).
Hán Văn Đế Lưu Hằng phụng dưỡng mẹ là tấm gương mẫu mực về thực hành đạo Hiếu. Nói về tấm lòng hiếu thảo của Hán Văn Đế Lưu Hằng, Trương Tam Phong viết rằng: “Văn tổ năng hành hiếu, hinh hương vạn vạn niên”, ý nói Hán Văn Đế vì đức hiếu mà tiếng thơm lưu mãi ngàn năm sau.
Trong suốt ba năm mẹ Lưu Hằng bị ốm, mặc dù trong cung có rất nhiều thị nữ, thái giám, nhưng Hán Văn Đế vẫn đích thân tự mình phụng dưỡng mẹ. Ông tự sắc thuốc, tự cho mẹ uống thuốc. Mỗi lần sắc thuốc xong, ông lại nếm trước một chút, nếu thuốc không quá nóng thì mới đút cho mẹ uống. Đức hiếu thảo của Hán Văn Đế làm ảnh hưởng đến cả đất nước.
Trong suốt 23 năm tại vị, ông đều dùng nhân để trị nước. Ông cùng với con trai là Hán Cảnh Đế Lưu Khải lấy hiếu đối đãi với cha mẹ, lấy Hiếu đạo cai trị thiên hạ, cuối cùng sáng lập nên “Văn Cảnh chi trị” lưu danh thiên cổ.
Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Hiếu thảo Trương Tam Phong Lòng hiếu thảo đạo làm người