Truyện ngắn: Biển mặn
- Lê Nguyên
- •
Từng con sóng bạc đầu chạy vào bờ, lớp lớp sóng sau xô lên sóng trước, biển rì rào mênh mông, những cơn gió mang vị mặn thổi qua khóe mắt, qua mái tóc, để rồi đôi mắt mẹ ngày càng nhăn nheo, mái tóc mẹ ngày càng bạc…
Tôi sinh ra ở vùng biển, trong một làng chài nhỏ đìu hiu, lọt thỏm giữa bạt ngàn rừng phi lao. Bố mẹ sinh được ba anh em, tôi là lớn nhất. Trong khi hai đứa e nhỏ còn nhõng nhẽo đòi mẹ thì tôi đã phải dậy sớm phụ giúp gia đình. Những buổi sáng khi bình minh lên là bố mẹ lại rong thuyền ra khơi đánh bắt cá, và khi trời tối mịt, ông mặt trời lặn xuống dưới mặt biển, bố mẹ mới về. Còn những lần đi đánh bắt cá xa bờ thì chỉ có mình bố đi. Tôi và mẹ ở nhà, mẹ sửa lại những chỗ lưới rách, tôi phụ mẹ trông 2 đứa em. Con Chít mới có 4 tuổi, con Mít thì mới có 3. Hai đứa nó hay chạy nhảy linh tinh, bao giờ cũng lấm lem, và kết quả là tôi bị mẹ la vì không biết trông chúng.
Lúc đầu tôi ghét phải dậy sớm hàng ngày lắm. Nhưng sau này tôi lại thích hơn, vì mỗi lần ngủ dậy muộn vào dịp trời bão hay bố ốm, không phải phụ bố mẹ, thì tôi thường bơ phờ, lê mãi mới ra khỏi cái giường. Dậy sớm thì được ngắm mặt trời lúc bình minh. Vào những ngày hè, buổi sáng khi mặt trời còn chưa ló ra, gió biển vi vu sẽ mang theo hơi nước mát làm tôi muốn lang thang ngoài bãi biển mãi. Chỉ khi nào đến giờ 2 đứa em thức dậy, tôi mới mò về.
Hai đứa em tôi nghịch ngợm lắm, cả bố tôi nhiều lúc cũng là nạn nhân. Khi ở nhà, bố tôi rất chiều chuộng chúng nó. Con Chít và con Mít toàn đòi bố xoa lưng, kể chuyện trước khi đi ngủ. Mà bọn nó đâu có bao giờ chịu ngủ luôn, lại còn nghịch ngợm xoa lại đầu bố tôi, mỗi đứa một bên, cười đùa ríu rít. Tôi nhớ có lần bố cho 2 đứa ngủ, rồi bố ngủ. Vậy là 2 đứa mò dậy lấy cây bút của tôi vẽ chi chít lên người bố.
Có lần, tôi bận việc để con Chít trông con Mít. Con Chít mải chơi, lỉnh đi, bỏ con Mít ở nhà. Con Mít khóc lóc, trèo bằng được qua cái cửa tôi dùng để ngăn chúng nó lại. Lần ấy bọn nhỏ trong xóm lén hái ớt, rồi rủ nhau ra rừng phi lao ăn. Con Chít ăn xong, khóc thét chạy về. Tôi phải cho nó uống nước cả buổi sáng, lấy đường dỗ nó, nó mới chịu im.
Năm tôi vào lớp 9, con Chít mới vào lớp 1. Cái năm cuối cấp đó cũng là thời điểm gia đình tôi nếm trải một nỗi đau đột ngột. Bố tôi mất.
Đó là một buổi chiều, khi cái nắng bắt đầu tắt, mặt trời đỏ rực, tôi và mẹ đang đi cào hến, thì bà Vân cùng xóm hớt hải chạy tới:
– Cô Sang ơi về ngay đi, chú Hành cảm nặng rồi, ông nhà tôi bảo gọi mẹ con cô về gấp.
Mẹ kéo tôi tức tốc trở về. Ở nhà, con Chít và con Mít đang xoa tóc bố tôi khóc lóc:
– Bố ơi… Bố ơi…
Ông hàng xóm nhìn mẹ tôi lắc đầu im lặng. Mẹ tôi ngây ra, tựa vào tường ngồi thẫn thờ.
Người trong làng cùng nhau đến giúp mẹ đưa bố ra phía rừng phi lao.
Bố mất, mẹ buồn và già đi nhiều. Mẹ ít nói hơn, thường ngồi khóc một mình. Con Chít và con Mít luôn mồm hỏi mẹ về bố. Chúng nó kêu khóc không chịu và nhất quyết đòi mẹ gọi bố về xoa lưng.
Nhiều tối, con Chít cứ ra hỏi mẹ:
– Mẹ ơi, bố đi đâu rồi? Con muốn bố về kể chuyện cho con nghe.
Mẹ tôi ôm nó vào lòng và thì thầm, nhưng nó nhất quyết không chịu và nằng nặc đòi. Mẹ giận quá phát cho nó mấy cái. Nó mếu máo đi ra cửa, hướng mặt ra biển gọi:
– Bố Hành ơi về với Chít đi, mẹ không thương Chít, mẹ đánh Chít, ô ô…
Ngày qua ngày, con Chít thi thoảng lại khóc gọi bố, con Mít thấy thế cũng nhớ ra, khóc theo. Mỗi lần như vậy, mẹ lại ôm chúng nó vào lòng rồi nức nở khóc. Mãi sau này con Chít vẫn còn sờ soạng đầu tôi lúc nửa đêm, rồi tỉnh dậy gọi bố…
Xóm chài vắng bố, đìu hiu lặng lẽ, buồn đứng khuất sau hàng phi lao bên biển bao la vô tận.
Kể từ ngày bố mất, kinh tế cũng eo hẹp, mẹ phải làm nhiều hơn. Tôi cũng vừa phải trông hai đứa vừa phải học, rồi phụ giúp mẹ những việc lặt vặt. Hai đứa lớn lên, đi học cũng tốn kém. Tôi quyết định xin mẹ nghỉ học. Tôi chẳng có tâm chí học, nên học lực yếu, hơn nữa tôi muốn phụ giúp mẹ đỡ phần nào gánh nặng kinh tế. Mẹ nhất định từ chối nhưng khi thấy tôi nhất quyết thì mẹ cũng ngậm ngùi…
Tôi từ giã xóm chài, vào Tây Nguyên làm ở trang trại Cafe nhờ một người bà con giới thiệu. Hợp đồng làm thuê ở đó phải cam kết làm ba năm, và mỗi năm chỉ được nghỉ một lần để về thăm gia đình. Tây Nguyên khác lắm, xa miền biển, đồi cây um tùm, rặt cafe.
Ba năm qua đi như một cái chớp mắt, nhưng thời gian vẫn vương lại trên dáng mẹ… Mỗi một năm mắt mẹ lại hõm sâu hơn, tóc bạc đi và lưng còng hơn một chút. Mỗi dịp về thăm làng chài, là một lần tôi quyết tâm ra đi với mong ước giúp được mẹ nhiều hơn. Ký ức của tôi chỉ đọng lại lời thì thầm của mẹ:
– Con nhất định phải nhớ làm người tốt, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Hết hợp đồng, tôi lại quyết tâm học nghề sửa chữa tàu bè với mong ước về giúp quê mình, ở gần mẹ và hai em. Con Chít đã lớn rồi, biết phụ mẹ như tôi ngày xưa. Con Mít cũng tự chơi, không phiền chị Chít nữa.
Sợi dây liên lạc khi ở nơi đất khách quê người là những bức thư tôi viết cho mẹ, và mẹ đọc con Chít viết cho tôi. Thư kể về làng chài, về mấy nhà hàng xóm, về những cơn bão quét…
Năm năm, cuối cùng tôi cũng trở về được với làng chài nhỏ bé yên bình. Tôi vẫn luôn không thích cái guồng quay của thành phố. Người ở đó sống gấp, luôn nghĩ xem làm giàu thế nào, mua xe gì, ở nhà gì… Tôi thấy thèm cái cảnh bố mẹ đánh cá về, cùng ba đứa ngồi quây quần bên mâm cơm, bố kể về biển, về ông bà khi còn sống, giữa cái mặn mòi của gió biển.
Những con sóng cứ thế xô đi, để rồi mẹ lại về cùng bố sau rừng phi lao, để lại ba anh em chúng tôi. Tôi đem trong mình những nỗi niềm mẹ dặn, để rồi lại tiếp tục cuộc sống như một cái vòng quay định mệnh không ai có thể tránh. Biển vẫn mang những cơn gió có vị mặn và chát thổi qua, kéo thời gian tuột đi, cố níu kéo cũng không được… Tôi chỉ có thể trân quý và sống sao cho có nghĩa trong cái thời gian hữu hạn này.
Lê Nguyên
Xem thêm:
Từ khóa biển quê hương truyện ngắn