Vài châm ngôn của người xưa về tiền tài của cải
- An Hòa
- •
Trong xã hội hiện đại ngày nay, có rất nhiều nghiên cứu về cách sử dụng tiền tài, cách buôn bán, đạo kinh doanh. Điều thú vị là lật lại những cuốn sách cổ xưa, chúng ta sẽ phát hiện những cách nhìn tương tự, đáng giá để tham khảo.
Bần nhi vô siểm, phú nhi vô kiêu
Sách “Luận Ngữ” viết: “Bần nhi vô siểm, phú nhi vô kiêu“, nghèo mà không nịnh nọt, giàu mà không kiêu căng ngạo mạn.
Cho dù một người ở vào lúc nghèo khó, không có tiền thì cũng phải có ý thức tôn nghiêm của chính mình, phải có lòng tự trọng, ít nhất thì cũng phải có phẩm giá của một người nghèo “không nịnh nọt” đồng thời cũng không đố kỵ người khác. Còn khi một người ở vào lúc giàu có thì cũng không thể xa hoa lãng phí, kiêu căng ngạo mạn mà coi thường người khác.
Hảo vật bất tiện, tiện vật bất hảo
Trong cuốn “Tỉnh thế nhân duyên truyện” viết: “Hảo vật bất tiện, tiện vật bất hảo”, vật tốt thì không rẻ, vật rẻ thì không tốt.
Trong cuộc sống, thứ thực sự tốt thì giá cả nhất định là không rẻ, còn thứ có giá rẻ thì cũng không nhất định tốt, dù không phải tuyệt đối đến vậy. Ở đây muốn nói rằng, chất lượng hàng hóa sẽ tỷ lệ thuận với giá cả của nó. Cho nên, khi muốn mua được hàng tốt thì đừng cầu mua được giá rẻ.
Quân tử ái tài, thủ chi hữu đạo
Trong sách “Tăng Quảng Hiền Văn” viết: “Quân tử ái tài, thủ chi hữu đạo”, người quân tử coi trọng tiền tài của cải nhưng chỉ nhận khi nó phù hợp với đạo, không nhận một cách tùy tiện.
Tiền tài là thứ không thể thiếu trong cuộc sống của chúng ta, nó có thể giúp chúng ta rất nhiều trong cuộc sống thường ngày, trong công việc hay trong quá trình theo đuổi ước mơ. Nhưng vô luận là yêu thích tiền tài đến mức nào đi nữa thì cũng phải thông qua cách thức chính đáng, đúng đắn để có được. Tiền bạc bất nghĩa là tuyệt đối không thể lấy.
Trường tụ thiện vũ, đa tiền thiện cổ
Sách “Hàn Phi Tử. Ngũ đố” viết: “Trường tụ thiện vũ, đa tiền thiện cổ”, nghĩa gốc của câu này là tay áo dài thì múa sẽ đẹp, cho dù không biết múa thì thoạt nhìn cũng giống như biết múa. Người nếu nhiều tiền, nhìn thì giống như là biết làm ăn buôn bán nhưng kỳ thực rất có thể là vì có tài chính tốt, nên cho dù bị lỗ vốn thì vẫn có thể tiếp tục làm ăn được. Một người nếu như có điều kiện thuận lợi thì làm việc sẽ dễ thành công, giống như có tiền vốn nhiều thì việc buôn bán cũng thuận lợi.
Tham mãi tam nguyên, liêm mãi ngũ nguyên
Trong “Sử ký. Hóa thực liệt truyện” viết: “Tham mãi tam nguyên, liêm mãi ngũ nguyên”, ý nói người kinh doanh mà muốn lãi lớn với từng món thì cuối cùng tổng cộng chỉ có thể thu lãi được 30%, nếu lợi ít mà tiêu thụ nhiều thì cuối cùng lại có thể đạt được lợi nhuận 50%. Cho nên, trong việc làm ăn buôn bán thì cần phải có con mắt nhìn xa, nhìn lâu dài,
(nước chảy nhỏ thì dòng chảy sẽ dài), như thế việc làm ăn mới thịnh vượng lâu dài.
Niên phong đa tích, tuế kiệm xuất chẩn
Trong cuốn “Ngụy thư. Hàn kỳ lân truyện” có câu: “Niên phong đa tích, tuế kiệm xuất chẩn”, nghĩa là năm được mùa thì cần tiết kiệm nhiều hơn, năm mất mùa thì lấy ra dùng để cứu trợ.
Tục ngữ có câu: “Trời có mưa gió bất trắc, người có phúc họa sớm tối”. Trong cuộc đời đều sẽ hoặc ít hoặc nhiều gặp phải những tình huống hiểm nghèo, cấp bách, như bệnh tật, thất nghiệp, tang ma… Cho nên, phải có sự chuẩn bị chu đáo, vào lúc cuộc sống khá giả thì phải có tích lũy từng chút từng chút một để phòng bị cho những lúc bất thường.
Thủ chi hữu độ, dụng chi hữu tiết, tắc thường túc
Sách “Tư trị thông giám” viết: “Thủ chi hữu độ, dụng chi hữu tiết, tắc thường túc”, nghĩa là lấy có độ, dùng có tiết chế thì sẽ sung túc.
Trong cuộc sống hàng ngày, chi tiêu phải có tiết chế, việc không nên tiêu thì không tiêu, phải tránh xa xỉ lãng phí. Nhưng những việc cần chi tiêu thì vẫn phải chi tiêu, một đồng cũng không được cắt bớt. Nếu một người có thể kiên trì thực hiện nguyên tắc này thì cuộc sống sẽ sung túc lâu dài.
Thành bổn kí trọng, cố tích tất chu
Cuốn “Đới ấn kì oan quách công truyện” viết: “Thành bổn kí trọng, cố tích tất chu”, khi làm ăn kinh doanh lớn thì cần phải phải trân trọng nó, đồng thời phải thật thận trọng “như đi trên băng mỏng” và cân nhắc mọi thứ một cách chu đáo. Ngoài ra còn phải suy xét đến những trường hợp không hay có thể đột nhiên xảy ra và phương pháp ứng đối, như vậy thì khi có sự cố xảy ra chúng ta cũng có thể tránh bị tổn thất lớn.
Hóa vô đại tiểu, khuyết giả tiện quý
Sách “Tỉnh thế hằng ngôn. Tam thập ngũ quyển” có câu: “Hóa vô đại tiểu, khuyết giả tiện quý”, hàng hóa dù lớn hay nhỏ cứ lúc thiếu thì sẽ đắt. Giá cả hàng hóa sẽ luôn luôn chịu ảnh hưởng của quan hệ cung cầu. Thời điểm mà cung lớn hơn cầu thì giá cả sẽ hạ, khi cung không đủ cầu, lúc vô cùng khan hiếm thì giá cả sẽ tăng cao trên diện rộng.
Quý xuất như phẩn thổ, tiện thủ như châu ngọc
“Sử ký. Hóa thực liệt truyện” viết: “Quý xuất như phẩn thổ, tiện thủ như châu ngọc”, đại ý là một người kinh doanh buôn bán thì phải giỏi nắm bắt cơ hội làm ăn. Khi giá hàng hóa mà mình đang có trong tay lên cao thì cần nhanh chóng bán đi, còn khi hàng hóa bên ngoài có giá cả thấp thì cần nhanh chóng mua vào.
Theo Vision Times tiếng Trung
Tác giả: Phương Sát
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa của cải tiền bạc trí tuệ cổ nhân