Vài tìm hiểu về một thành ngữ mang nghĩa “thật giả lẫn lộn”
- An Hòa
- •
Khi nói về việc người không có chân tài thực học nhưng trà trộn vào nhóm người tài, có chuyên môn; hoặc nói về việc dùng những thứ không tốt trộn lẫn vào với những thứ tốt cho đủ số, người xưa có một thành ngữ là “Lạm vu sung sổ”. “Lạm vu sung sổ” nếu để nói về người khác thì mang ý nghĩa chế giễu, nhưng khi để nói về bản thân thì nó mang ý nghĩa thể hiện sự khiêm tốn. Liên quan đến thành ngữ này có một điển cố trong cuốn “Hàn Phi Tử. Nội trữ thuyết” như sau.
Thời chiến quốc, vua nước Tề là Tề Tuyên Vương rất thích nghe hợp tấu kèn vu. Đội nhạc công của ông lên đến ba trăm người. Tề Tuyên Vương cũng xuất tiền nuôi dưỡng rất nhiều người giỏi chơi vu. Lúc ấy xuất hiện một người tự xưng mình là Nam Quách xử sĩ, yêu cầu được gia nhập đội thổi kèn vu của Tề Tuyên Vương. Sau khi Tề Tuyên Vương biết được việc này đã vô cùng mừng rỡ và đồng ý cho ông ta được gia nhập. Đồng thời, Tề Tuyên Vương còn có những đãi ngộ rất tốt cho Nam Quách xử sĩ.
Sau khi Tề Tuyên Vương qua đời, con của ông là Tề Mẫn Vương lên ngôi. Tề Mẫn Vương cũng giống như cha, rất thích nghe kèn vu, nhưng khác ở chỗ là Tề Mẫn Vương lại chỉ thích nghe độc tấu kèn vu. Tề Mẫn Vương ban lệnh từng người nhạc công đến thổi cho mình nghe. Đến Nam Quách xử sĩ thì mới phát hiện ông ta đã biến đi đâu mất.
Thì ra, khi chứng kiến việc Tề Mẫn Vương yêu cầu những người chơi vu thổi lần lượt thì Nam Quách xử sĩ bắt đầu thấy hoang mang, vì bản thân không biết thổi vu. Tình thế đã thay đổi, bản thân ông không thể trà trộn vào với đội nhạc công thổi kèn được nữa nên đã nhanh chóng ra đi để tránh rước lấy họa.
Thành ngữ “Lạm vu sung sổ” từ đó được dùng để chỉ một người không có chuyên môn mà trà trộn vào với người khác để cho đủ số lượng người chơi. Trên thực tế, thành ngữ này còn được dùng để biểu đạt tình huống khi trình độ thực sự hoặc là năng lực thực tế của một người không đạt được yêu cầu của cấp bậc, vị trí mà người đó đang ở.
Về sau, mọi người bắt đầu trích dẫn mở rộng câu thành ngữ này, với ý đem những thứ không tốt, không thật đến để trà trộn vào với những thứ tốt, thứ thật, khiến người ta không biết được đâu là tốt đâu là xấu, đâu là thật đâu là giả nữa.
Tuy nhiên “Lạm vu sung sổ” cũng không phải đều dùng để châm biếm, chế nhạo người khác. Một người có kỹ năng thực sự hoặc đã có những đóng góp cụ thể trong lĩnh vực công việc nào đó cũng có thể dùng “Lạm vu sung sổ” để thể hiện sự khiêm tốn của mình, tự nhận mình là người không đủ tài năng và đức độ. Ví dụ, nói: “Ở đây người giỏi nhiều lắm, tôi bất quá chỉ là ‘lạm vu sung sổ’ mà thôi!”
Câu chuyện “Lạm vu sung sổ” này còn để nói với mọi người rằng, những hành vi giống như của Nam Quách xử sĩ chỉ có thể lừa gạt được người khác trong nhất thời chứ không thể lừa được lâu dài. Suy cho cùng, gian lận sẽ không bao giờ có thể đứng vững trước thử thách của thời gian. Khi chưa ai biết được sự thật, một người thực sự có thể chiếm được một chút lợi ích, nhưng cuối cùng khi sự thật phơi bày ra, người đó sẽ bị coi thường, khinh bỉ, thậm chí sẽ phải trả giá đắt gấp nhiều lần so với thứ mà mình đã lừa gạt được.
Một người nên chăm chỉ học tập và rèn luyện để bản thân có được tài năng thực sự vững chắc và kiến thức thực tế chứ không nên trở thành một người chỉ biết giả tạo, ngụy trang. Một người chỉ có chân chính trải qua tôi luyện thì mới có thể khiến năng lực của mình ngày một tăng lên, trở thành chuyên gia tài năng thực sự.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa trung thực Câu chuyện thành ngữ