Vài tìm hiểu về việc thưởng cho người dũng cảm bắt cướp thời xưa
- An Hòa
- •
Trong “Luận Ngữ. Vi chính” viết rằng: “Thấy việc chính nghĩa mà không làm thì chẳng phải kẻ dũng”. “Nghĩa” và “dũng” được người xưa coi trọng, Khổng Tử nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của hai điều này, bởi vì lòng chính nghĩa là thứ trong nội tâm, biểu hiện ra làm nên dũng khí. Các triều đại thời xưa còn có cả điều luật liên quan đến việc tưởng thưởng cho những người dũng cảm bắt cướp.
Trong “Luận ngữ. Hiến vấn”, Khổng Tử nói: “Nhân giả, tất hữu dũng”, người nhân từ coi trọng chính đạo, nhìn thấy việc phù hợp chính đạo thì nhất định sẽ dũng cảm thực hiện. Khổng Tử cũng nói: “Dũng giả bất cụ” nghĩa là người dũng cảm thì không sợ hãi điều gì. Khổng Tử còn nói: “Kiến nghĩa bất vi, vô dũng dã”, gặp việc nghĩa mà không làm thì không phải người dũng cảm.
“Dũng” ở đây là dũng của lòng nhân nghĩa, là điều xuất phát từ chính nghĩa chứ không phải thứ được kích phát bởi sự xúc động nhất thời. Lòng nhân ái khởi nguyên từ thiện, nó chứa đựng sức mạnh của dũng. Điều này cũng chính là giá trị quan truyền thống lấy cái thiện làm cơ sở. Bởi vậy người xưa nói đến “dũng” thì cũng không phải là nói về việc xông lên trước trong chiến tranh hay loạn lạc.
Trong “Tống sử. Âu Dương Tu liệt truyện” ghi Âu Dương Tu thông minh bẩm sinh, thấy việc nghĩa thì dũng cảm làm, dù trước mặt có cơ hội hay cạm bẫy thì ông cũng không để tâm. Trong “Trần Công Bật truyện”, Tô Đông Pha cũng ghi chép về Trần Hy Lượng cả đời thanh liêm, ít ham muốn, không lấy lòng người, vương công quý tộc cũng phải sợ, thấy việc nghĩa thì dũng cảm làm, không tính toán họa phúc của bản thân. Bởi vậy trong “Tả truyện. Chiêu Công tứ niên” viết: “Phương diện lễ nghĩa không có thiếu sót gì, làm sao phải lo lắng nghị luận của người khác”. Có thể thấy trong lý niệm của người xưa, “dũng” xuất phát từ “nghĩa”.
Thuận theo sự trượt dốc của đạo đức, người hiện đại thường lý giải lệch lạc về lòng dũng cảm, đôi khi còn lẫn lộn với nội hàm bạo lực, cho rằng đây là một loại biểu hiện của cá tính. Kỳ thực không phải như vậy, ở bất luận thời điểm nào, dưới tình huống gì thì những chuẩn tắc đạo đức của nội tâm con người phải được giữ vững. Một khi đi chệch khỏi những nguyên lý đúng đắn dựa trên cái thiện thì cái “dũng” kia sẽ mang tính phá hoại khôn lường.
Việc khuyến khích mọi người thấy việc nghĩa thì làm cũng thể hiện qua một vài câu chuyện. Ví như trong “Lã Thị Xuân Thu” có ghi lại rằng:
Căn cứ vào pháp luật của nước Lỗ thời xưa, nếu có người nào nhìn thấy người của nước Lỗ bị làm nô lệ ở nước ngoài mà chuộc về thì sẽ được nhận tiền bồi thường của triều đình. Một lần, Tử Cống chuộc được người của nước Lỗ về nhưng lại không tiếp nhận tiền bồi thường. Khổng Tử biết chuyện đã nói rằng làm vậy là không tốt.
Một lần Tử Lộ cứu được một người sắp chết đuối, người đó đối với Tử Lộ vô cùng cảm kích và đã tặng cho Tử Lộ một con bò. Tử Lộ không cự tuyệt mà nhận lấy ngay. Khổng Tử biết chuyện đã khen ngợi Tử Lộ.
Thoạt xem thì câu chuyện này có vẻ không đúng lắm, nhưng kỳ thực nó đã cho thấy cách nhìn về việc tưởng thưởng cho việc “nghĩa” của người xưa. Nếu lấy Tử Cống làm gương thì sau này sẽ không có ai nguyện ý chuộc người nước Lỗ làm nô lệ ở nước ngoài về nữa. Khoản tiền bỏ ra để chuộc người khác là không nhỏ, không phải ai cũng có khả năng và có nguyện ý bỏ ra. Nếu cách làm của Tử Cống được tuyên dương, sau này người ta sẽ ngượng khi đến nhận tiền bồi thường, dù đó là khoản tiền họ xứng đáng được hưởng. Vậy thì người ta thấy việc “nghĩa” sẽ phải đắn đo. Một người bình thường không phải là quân tử, không có khí độ “chính nghĩa” đến mức quên mình, mà cần phải được khuyến khích. Tuyên dương Tử Cống vừa hay chính là làm nhụt đi cái “nghĩa” của họ. Tương tự như vậy, Tử Lộ cứu người, một mạng người là không thể so sánh với một con bò được. Tử Lộ không cần bò, nhưng nhận lấy để làm gương, chính là tuyên dương lòng dũng cảm cứu người, làm tăng thêm cái “dũng” cho người khác.
Do vậy, người xưa có cách làm trực tiếp để tưởng thưởng cho việc nghĩa, tưởng thưởng cho người dũng cảm.
Nhà Tần là triều đại sớm nhất ban thưởng vật chất cho những ai dũng cảm làm việc nghĩa. Trong “Pháp luật đáp vấn” quy định nếu một tên trộm bỏ trốn bị bắt và có tiền trên người thì tiền và tài sản sẽ thuộc về người bắt được tên trộm, lúc này phần thưởng cho người dũng cảm không phải do triều đình trả mà lấy từ tên tội phạm.
Thời nhà Tùy, nhà Đường là thời kỳ pháp luật được hoàn thiện và đã có quy định chi tiết hơn về hành vi dũng cảm làm việc nghĩa.
Đến thời nhà Minh, ngoài việc ban thưởng vật chất cho người bắt được cướp ra thì còn có ban thưởng chức quan. Đây được xem là phần thưởng lớn và người được thưởng rất vui vẻ đón nhận.
Theo ghi chép thời Minh, từng có một người thanh niên 17 tuổi là Tôn Kiên đang cùng cha đi thuyền đến sông Tiền Đường, trên đường đi gặp toán cướp Hồ Ngọc đang cướp tiền của các nhà buôn và chia chác với nhau trên bờ. Mọi người trên thuyền đều sợ không dám tiến lên, Tôn Kiên nói với cha muốn đánh cướp. Dù cha đã can không nên mạo hiểm nhưng Tôn Kiên vẫn xách dao nhảy lên bờ, vừa chạy vừa cầm dao chỉ đông chỉ tây giống như đang chỉ huy mọi người nghe hiệu lệnh. Bọn cướp thấy vậy tưởng rằng có quan binh đến bắt, liền vứt hết tiền của bỏ chạy. Tôn Kiên thừa thế đuổi theo, chém chết một tên cướp trong khi cha vừa mừng vừa sợ. Nhờ hành động dũng cảm này mà Tôn Kiên trở nên nổi tiếng, quận phủ liền triệu kiến Tôn Kiên và phong làm Hiệu úy.
Trong “Đại Minh lệnh” được ban bố vào năm Hồng Vũ thứ nhất quy định: “Thường dân bắt được một tên cướp, hai kẻ cắp thì được thưởng hai mươi lượng; nếu bắt được trên năm tên cướp, trên mười kẻ cắp thì được thưởng chức quan”.
Có thể thấy các triều đại quân chủ đã đề cao và khuyến khích hành vi dũng cảm làm việc nghĩa. Những quy định như vậy đều là để cổ vũ khích lệ nhiều người dân thường hơn nữa thấy việc nghĩa thì dũng cảm đi làm.
Theo Vision Times tiếng Trung
Tác giả: Sơ Tân
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa dũng cảm chính nghĩa