VĂN HỌC VÀ ĐẠO ĐỨC

(Nhân đọc lại tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh) [1]

GS.TS. Lê Ngọc Trà

Việc Nhà xuất bản Tiền Giang in lại một loạt tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh, bán rất chạy và được độc giả hưởng ứng là một hiện tượng đáng để suy nghĩ. Nghĩ về chuyện chung và nghĩ về giá trị tác phẩm của Hồ Biểu Chánh.

Trong cuốn “Địa chí văn hoá TP. Hồ Chí Minh” Phần II (Văn học) xuất bản năm 1988, các tác giả đánh giá văn nghiệp của Hồ Biểu Chánh cũng tựa như một cuốn phim xã hội Nam Kì giữa hai cuộc chiến tranh thế giới, một thứ tiểu bách khoa ghi chép lại vô số những điều có thực mà các lớp người sau cần biết.

Giá trị của Hồ Biểu Chánh chính là ở chỗ này (trang 240) “Cái mà độc giả miền Nam lúc nào cũng thích thú là văn chương giản dị, tả thực, phản ánh được nhiều đặc điểm xã hội và con người miền Nam trong một thời kì, thời kì giữa hai cuộc chiến tranh thế giới. Và giá trị của Hồ Biểu Chánh như một nhà tiểu thuyết và giá trị của sự nghiệp văn chương của ông trước hết là ở đó” (tr.241).

Song có thể đặt câu hỏi nếu tác phẩm của Hồ Biểu Chánh chủ yếu là phản ánh những đặc điểm xã hội và con người ở miền Nam trong một thời kì, là mô tả hoàn cảnh thời ấy thì tại sao hiện nay bà con, thanh niên ta đọc tiểu thuyết của ông nhiều như vậy? Phải chăng do họ muốn biết về thời kì ấy, về cách sinh hoạt của xã hội Việt Nam đầu thế kỉ?

Chúng tôi không phủ nhận điều đó. Mỗi tác phẩm văn học cũng là một tài liệu lịch sử – dân tộc học về xã hội trong một giai đoạn nhất định. Đó là ý nghĩa khách quan của nó, song ý nghĩa ấy được đánh giá chủ yếu từ góc độ của khoa học lịch sử, từ cảm nhận của những người đọc làm công tác nghiên cứu, còn với người đọc bình thường, với công chúng rộng rãi cái chính có lẽ không phải ở chỗ đó.

Trong quyển “Chân dung Hồ Biểu Chánh” (Sài Gòn, Lửa Thiêng, 1974) Nguyễn Khuê viết: “Có thể nói, tính chất luân lí bao trùm mọi tiểu thuyết của ông, ông viết tiểu thuyết phong tục cũng chỉ nhằm đạt chủ đích luân lí. Thế nên, nếu cần phải xác định một ý hướng làm nền tảng cho sự sáng tác của Hồ Biểu Chánh thì đó chính là ý hướng luân lí và ông là một nhà đạo lí”. (tr.296)

Chúng tôi đồng ý với nhận định này. Hồ Biểu Chánh chủ yếu là một nhà văn về đạo lí. Chính bản thân Hồ Biểu Chánh đã tự xác định rằng nếu trong thơ ông bộc lộ những cảm xúc cũng như quan niệm của mình về chính trị, thì trong tiểu thuyết ông nói chủ yếu về luân lí. Ông viết trong quyển “Tâm hồn tôi” như sau:

“Tôi chắc con cháu tôi ngày sau chúng nó sẽ tìm hiểu coi tôi là người nuôi tâm chí thế nào.

Nếu chúng nó đọc đủ mấy chục bộ tiểu thuyết của tôi, tự nhiên chúng nó sẽ nhận thấy bình sanh tôi là thẳng ngay, ghét gian trá, thương yêu nghèo khổ, khinh rẻ giàu sang. Nhưng chúng nó chưa biết được ý của tôi với quốc gia và đối với chưởng tộc.

Vậy hôm nay tôi lục những thi văn của tôi có ảnh hưởng với quê hương và xã hội mà góp thành tập này để cho con cháu tôi ngày sau được biết rõ tâm hồn của tôi với thời cuộc…”

(Di cảo, dẫn theo Nguyễn Khuê – Chân dung Hồ Biểu Chánh (tr.Nguyễn Đình Chiểu-100).

Mấy chục quyển tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh đã chứng minh lời ông nói. Hầu hết các nhân vật mà ông yêu mến và muốn cổ xuý đều hành động theo mục đích duy nhất là “Thành nhân với Thủ nghĩa” như chữ dùng của nhà văn. Đây là truyền thống văn học đã từng thành tựu rực rỡ trong sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu. Cái hay của Hồ Biểu Chánh cũng như của Nguyễn Đình Chiểu là ở đây đạo đức đã thành đạo lí, hạt giống nhân nghĩa của Khổng Mạnh đã mất đi màu sắc thánh hiền, trở thành cách sống, cách cư xử ở đời, thành đạo lí nhân dân, đạo đức bình dân. Cái tinh thần “gặp sự bất bình chẳng tha” trong “Lục Vân Tiên” cũng như cái ý nguyện: “Gặp việc phải làm, dù nát thân con cũng làm, gặp việc chẳng nên làm, dẫu làm được bạc ức, bạc triệu, con cũng chẳng thèm” trong “Cay đắng mùi đời” là cái cốt cách của người dân miền Nam. Cốt cách ấy, tinh thần trọng nghĩa khinh tài ấy hoà với ước mơ đạo lí của người bình dân về cái thiện thắng cái ác, lòng tốt thì được đền bù còn tội ác thì bị trừng trị làm cho tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh gần gũi với người bình dân vốn chuộng tình nghĩa, khát khao công lí ở đời. Đó là một lẽ giải thích vì sao tác phẩm của Hồ Biểu Chánh được nhiều người hâm mộ, nhất là bà con lao động.

Song cái độc đáo nhất và giá trị nhất của tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh nằm chủ yếu không phải ở chỗ nó mô tả phong tục hay tuyên truyền đạo lí, mà ở chỗ nó truyền bá đạo lí thông qua mô tả phong tục, kết hợp tư tưởng, đạo đức với cách tả thực. Chỉ riêng mô tả phong tục không thôi, văn học dễ biến thành dân tộc học. Còn chỉ tuyên truyền đạo đức không thôi, văn học dễ thành luân lí. Vả lại văn học đạo lí trước Hồ Biểu Chánh đã có Nguyễn Đình Chiểu là người thành công trong lĩnh vực này. Cái mới, cái hay của Hồ Biểu Chánh là ông nói đạo lí đi kèm với nói chuyện đời, kể lại những cảnh đời khác nhau có thể là không gắn gì với các biến động chính trị, kinh tế của xã hội nhưng lại gắn chặt với đời người, lại là nội dung của đời sống hàng ngày. Đó là chuyện tình yêu, hôn nhân, chuyện mẹ ghẻ con chồng, chuyện trẻ mồ côi, sinh con nối dõi, phân chia tài sản, kế nghiệp, v.v… Đó là chuyện thuỷ chung hay lừa đảo, phản trắc, là tình thương người nghèo khổ gặp cảnh hoạn nạn hay thói tham tiền bạc nghĩa, chuyện may rủi hay vinh nhục như nước lớn nước ròng trong số phận của mỗi con người dù cho đó là ai. Những chuyện ấy, cảnh ấy rất gần gũi với đời sống hàng ngày của nhân dân nên họ rất dễ dàng chia sẻ với tác giả, thích đọc tác phẩm của nhà văn.

Chính đặc điểm này trong nội dung tác phẩm của Hồ Biểu Chánh đã khiến ông chọn tiểu thuyết làm thể loại cơ bản trong sáng tác của mình. Có thể nói, Hồ Biểu Chánh là một trong những tiểu thuyết gia đầu tiên của văn học Việt Nam. Đó là địa vị cơ bản của ông trong lịch sử văn học nước nhà. Tìm hiểu nội dung sáng tác của Hồ Biểu Chánh chúng ta thấy rõ rằng thể loại không phải là một khái niệm thuần tuý hình thức mà gắn chặt với loại hình nội dung cuộc sống mà nhà văn muốn tái tạo. Không phải ngẫu nhiên mà Hồ Biểu Chánh chủ yếu viết tiểu thuyết chứ không phải truyện hay dã sử. Cái hiện thực mà ông muốn ghi lại – câu chuyện nhân tình thế thái, những cảnh ngộ éo le của đời người, những phong tục của một xã hội đang biến chuyển theo một chiều hướng mới đòi hỏi ông phải tìm kiếm, lựa chọn một thể loại diễn tả thích hợp. Hình thức thể loại này do giao lưu văn hoá đã du nhập vào nước ta từ đầu thế kỉ XX. Nói cách khác, thể loại tiểu thuyết trong sáng tác Hồ Biểu Chánh nói riêng và của văn học Việt Nam nói chung bắt nguồn một phần từ “chất tiểu thuyết” của chính bản thân hiện thực đời sống trong một giai đoạn nhất định mà nhà văn đã cảm nhận được và muốn chọn để mô tả.

Trở lại chuyện vì sao vừa qua tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh được in ra với một khối lượng rất lớn và được đông người mua đọc, chúng tôi suy nghĩ như thế này. Mấy chục năm qua, văn học cách mạng của chúng ta thiên về tuyên truyền chính trị, phục vụ chủ yếu cho nhiệm vụ chính trị quan trọng nhất là đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đề tài về cuộc sống bình thường của con người ít được nói đến, hoặc giả nếu có thì cũng chỉ nói thoáng qua, dưới góc độ của chính trị. Trong các tác phẩm hiện nay người đọc ít thấy nói về đời thường, ít gặp những cảnh ngộ, những tình huống éo le, trắc ẩn của cuộc đời. Báo chí thường đề cao những sáng tác có nội dung chính trị trực tiếp. Người bình dân vốn gần gũi với đạo lí hơn chính trị, nhưng đạo lí lại không được văn học quan tâm thật đầy đủ. Văn học chúng ta có nói đến đạo đức, nhưng đó chủ yếu vẫn là đạo đức – chính trị, chứ không hẳn là đạo đức nhân bản, đạo lí truyền thống. Những phẩm chất đạo đức được đề cao về cơ bản vẫn là những phẩm chất chính trị (yêu nước, đoàn kết, gần gũi quần chúng, giản dị, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư,v.v…). Chuyện ăn ở với nhau trung thực, tình nghĩa, hào hiệp, vị tha, gặp nạn cứu người, không tham tiền bỏ ngãi… ít được nói đến trong văn học. Thành ra người bình dân nói chung ít ham đọc tác phẩm văn học là vì vậy. Không thấy điều này cũng sẽ không hiểu được vì sao người đàng trong lại mê cải lương, trước hết là tuồng cũ.

Đây chính là chỗ mà tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh hấp dẫn người đọc. Tác phẩm của ông thường kể về những cảnh ngộ, những chuyện nhân tình, thường tuyên truyền cho những cách cư xử theo đạo lí truyền thống. Hồ Biểu Chánh đã kiên trì theo đuổi khuynh hướng đạo lí trong suốt cuộc đời sáng tạo văn học của mình. Đó là bản lĩnh, là chỗ mạnh của ông, mà cũng là giới hạn của tiểu thuyết ông. Bởi vậy khi trong xã hội Việt Nam xuất hiện một hiện thực mới mang đậm màu sắc tư sản, khi trong sự phát triển của đời sống tinh thần con người Việt Nam ý thức cá nhân nổ bung ra đánh dấu một bước tiến mới trên chặng đường con người đi tìm tự do cá nhân và sự phong phú của chính mình, thì địa vị của Hồ Biểu Chánh trên văn đàn còn đó, nhưng không được như trước. Công chúng đã phát triển, phân hoá. Tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh tiếp tục làm bạn đời với đa số quần chúng bình dân trong khi Thơ mới, sáng tác của Tự lực văn đoàn hướng về một lớp người đọc khác.

Khi nghiên cứu tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh có thể có người chê trách rằng trong sáng tác của mình ông hoàn toàn không đặt chuyện đói no, nghèo khổ, oan trái, ức hiếp con người thành vấn đề chính trị xã hội, càng không có đề nghị giải quyết vấn đề. Từ góc độ của cuộc cách mạng dân tộc và dân chủ, hiển nhiên đó là một khiếm khuyết. Do những quan điểm riêng, Hồ Biểu Chánh không thể phản ánh trong tác phẩm của mình cuộc đấu tranh đòi độc lập, tự do của quần chúng. Song khi đánh giá các hiện tượng văn học, thiết nghĩ cũng cần chú ý rằng không phải mọi văn học đều đi đến cách mạng, cũng như không chỉ văn học cách mạng mới là yêu nước, mới là văn học hay nhất, cao nhất. Nói đến cách mạng là nói đến chính trị. Nhưng văn học thì lại không phải là chính trị, mà còn là đạo đức, nhân sinh, chân lí, thẩm mĩ. Đó là chưa kể việc ngày nay người ta đã phân định khá rõ giới hạn và quan hệ giữa tính giai cấp với tính toàn nhân loại. Một giai cấp, dù là giai cấp tiên tiến nhất vẫn không thể bao quát hết sự phong phú của nhân loại.

Hồ Biểu Chánh là một ông quan phủ của chính quyền thực dân Pháp. Nhưng ông quan phủ đó là Hồ Văn Trung chứ không phải Hồ Biểu Chánh – nhà tiểu thuyết. Hai mặt này, hai con người này- nhà chính trị và nhà văn, ông quan và nhà đạo đức tuy có quan hệ với nhau, nhưng không phải bao giờ cũng là một. Nhiều nhà văn có quan điểm chính trị sai lầm nhưng vẫn viết được những tác phẩm văn học mang tinh thần nhân đạo cao cả. Nhiều ông quan làm việc cho chính quyền phong kiến, tư sản nhưng vẫn giữ cốt cách thanh liêm. Đạo đức có tính độc lập của nó đối với chính trị. Không nên nghĩ rằng hễ phong kiến, tư sản là tất cả đều xấu, một người nào đó có quan điểm chính trị lầm lạc hay khác mình là mọi thứ đều đáng bỏ đi, còn một người chỉ cần lập trường đúng đắn là hoàn toàn đáng tin cậy. Cuộc đời vốn phức tạp và đa dạng hơn rất nhiều.

Hồ Biểu Chánh rất có ý thức về tính độc lập tự do của đạo đức. Ông cho rằng dù người ta có theo chủ nghĩa này hay chủ nghĩa nọ thì vẫn cần phải giữ cho được đạo đức truyền thống, tức đạo lí làm người của dân tộc. Trong bức thư gởi cho Ban trị sự Khổng Tử tế tự hội tỉnh Gò Công để xin từ chức hội trưởng, ông viết: “Đã biết luồng gió Âu hoá thổi vào xứ ta lâu rồi. Nhưng trước kia tôi cùng nhiều bạn đồng chí không cần lo ngại cho lắm, nghĩ vì luân lí bao giờ cũng là luân lí, đồng bào dù có tấn bộ văn minh đến bậc nào, dù có cảm diễn phong tục Âu Mĩ nhiều hay ít, dân tộc ta cũng không thể vày đạp lên luân lí tổ phụ của ta được”. (Biểu Chánh thi văn tập III di cảo. Dẫn theo Nguyễn Khuê- Chân dung Hồ Biểu Chánh, SG, 1974, tr.302). Cũng có lúc ông băn khoăn tự hỏi: “Ta có nên cặm cụi giữ mãi cái luân lí nhân nghĩa, giữa lúc chung quanh ta thiên hạ đua nhau kẻ thờ kim ngân, người đòi quyền đồng đẳng không? Kêu gọi đồng bào duy trì luân lí nhân nghĩa, ta có tội với đời, là tội ôm trói đồng bào cho người lật lưng lấy tiền, hoặc vày bừa chà sát chăng?” (Sđd, tr.303). Nhưng rồi ông vẫn tiếp tục viết, tuyên truyền đạo lí nhân nghĩa. Vâng, nhân nghĩa chứ không phải là quan điểm chính trị của mình. Đó là cái may cho ông mà cũng là cái ông còn lại với đời sau.

Ngày nay người đọc bình dân say mê tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh một phần vì tìm thấy ở đó cái yên tĩnh của một thời, cái hương vị đẹp đẽ của đạo lí truyền thống ngày xưa. Hương vị ấy có phần phôi pha theo thời gian trong khi mà lòng người ta lại hướng về nó, khao khát nó trong lúc này.

Việc công chúng rộng rãi ưa thích tác phẩm của Hồ Biểu Chánh còn nói lên một điều nữa – đó là tính đa dạng của cảm thụ văn học và nhu cầu vì sự đa dạng của văn học. Không thể chỉ có một thứ văn học, dù đó là văn học cao, hoàn thiện. Nhu cầu của công chúng và giá trị của văn học không phải lúc nào cũng đồng nhất với nhau. Xã hội có nhiều tầng, nhiều lớp, nên văn học cũng phải có nhiều kiểu, nhiều dạng khác nhau. Cần phải phấn đấu để có một thứ văn học hoàn thiện, nhưng cũng cần phải nghĩ đến loại văn học cho mọi người. Chỉ chú ý đến mặt này hay mặt kia đều không đúng. Cuộc sống sẽ tự phá vỡ những khuôn mẫu cứng nhắc, tự điều chỉnh để hợp với quy luật, với lẽ tự nhiên của nó.

[1] In trong quyển Lý luận và văn học, Nxb Trẻ, 2005, từ trang 202 đến trang 210

Đăng lại từ website Hồ Biểu Chánh (hobieuchanh.com)