Đạo trị quốc: Vạn sự thành hay bại, mấu chốt là ở cách dùng người
- An Hòa
- •
Cổ nhân có câu: “Trước có Bá Nhạc, sau đó mới có Thiên lý mã”. Bá Nhạc là người có tài nuôi ngựa, giỏi nhìn ra ngựa tốt. Thiên lý mã thường có nhưng người đời nhìn không ra, chỉ có Bá Nhạc là nhìn ra thôi, nhưng Bá Nhạc lại không thường có. Vậy nên trước phải có Bá Nhạc, sau mới có Thiên lý mã. Nhìn lại sử sách, đất nước có minh quân biết trọng dụng người tài đức thì quốc thái dân an. Trái lại, đất nước có hôn quân bức hại trung thần thì thiên hạ loạn lạc, dân chúng lầm than. Vậy nên đạo trị quốc thì không thể tách khỏi cách dùng người.
Biết cách nhìn người và biết cách dùng người là vô cùng quan trọng. Bậc minh chủ có con mắt tinh tường có thể nhận biết được người tài, ngược lại kẻ vô đạo sẽ trọng dụng tiểu nhân, làm hại trung lương. Hết thảy bậc đế vương anh minh sáng suốt đều là người có con mắt tinh tường và tấm lòng quảng đại. Bởi vì có con mắt tinh tường, trí tuệ sáng suốt, nên họ có thể nhận biết được hiền tài. Bởi vì có tấm lòng quảng đại, nên họ có thể dung nạp được người khác.
Không khó để nhận ra rằng sự hưng suy của một đất nước thường không tách rời việc quân chủ trọng dụng người hiền tài hay bị mê hoặc bởi gian thần. Trong “Đế phạm. Thẩm quan đệ tứ”, Đường Thái Tông Lý Thế Dân viết: “Nếu là người có trí tuệ thì hãy dùng mưu lược của họ, nếu là người ngu đần thì hãy dùng sức lực của họ, nếu là người dũng cảm thì hãy sử dụng uy vũ của họ, nếu là người nhát gan thì hãy sử dụng tính cẩn thận của họ, nếu là người không có những điều trên thì hãy dùng sở trường riêng của họ”. Đây chính là cách dùng người của Đường Thái Tông.
Cổ nhân nói: “Vạn sự thành hay bại, mấu chốt là ở cách dùng người”. Nếu một người lãnh đạo mà không thể nhận biết được người tài thì sẽ không có khả năng sử dụng sở trường của cấp dưới. Bởi thế hiệu quả công việc sẽ không cao, cuối cùng dẫn đến suy thoái, xuống dốc.
Trong dòng chảy dài của lịch sử, những ví dụ về bậc quân vương biết dùng người mà có được thiên hạ là rất nhiều.
Chu Vũ Vương được Khương Tử Nha phò tá mà có thể phạt Trụ. Lưu Bị mời được Gia Cát Lượng phò tá mà cuối cùng có thể xưng đế Hán Trung…
Thời Xuân Thu Chiến Quốc, Tề Hoàn Công dùng người sai mà bị mất thân. Khi Quản Trọng còn là phụ tá Tề Hoàn Công thì nước Tề cường thịnh. Lúc Quản Trọng lâm chung, Tề Hoàn Công tìm đến Quản Trọng để hỏi về việc tìm người giúp cai quản đất nước. Quản Trọng khuyên can Tề Hoàn Công không nên dùng ba kẻ xu nịnh là Dịch Nha, Thụ Điêu, và Khai Phương, nhưng Tề Hoàn Công không nghe. Cuối cùng ba kẻ ấy mặc sức tác loạn, gây rối triều đình, Tề Hoàn Công ở trong cung mà chết đói.
Hoàng đế Đường Thái Tông có cách dùng người tài tình nên danh thần hội tụ mà thành tựu được thời kỳ huy hoàng nhất trong lịch sử Trung Hoa. Còn Tống Cao Tông, Minh Anh Tông có mắt không tròng sát hại trung thần Nhạc Phi, Vu Khiêm, phá hủy Trường Thành. Hoàng đế Sùng Trinh không biết phân biệt đúng sai, chính tà dẫn đến mắc sai lầm giết chết trung thần Viên Sùng Hoán, cuối cùng khiến giang sơn nhà Minh bị tiêu vong. (Xem bài: Đại dịch hạch Bắc Kinh khiến nhà Minh sụp đổ: Tình cờ hay nhân quả?)
Tư Mã Quang, thừa tướng nhà Tống nói: “Đạo trị vì, trước tiên là ở cách dùng người”. Sự hưng suy của một quốc gia, sự thành bại của một sự việc, vinh nhục của một người rốt cuộc đều được quyết định bởi việc có hay không khả năng nhìn người và dùng người chính xác. Bởi vậy, phân biệt đúng sai, phân rõ chính tà là trí tuệ không thể thiếu trong đời người. Bận làm việc mà quên suy xét, không nhận thức được thật giả thì cuối cùng đại sự cũng khó thành.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
- Cao nhân dùng người: Có năng lực không bằng có tĩnh khí
- Cổ nhân nhìn người: Vật họp theo loài, người phân theo nhóm
Mời xem video: Không thể cùng côn trùng mùa hè bàn luận về băng tuyết
Từ khóa Đường Thái Tông Quản Trọng Lưu Bị nhìn người Tam quốc diễn nghĩa Cổ nhân