Về bức tường đặt sau cổng chính trong kiến trúc cổ
- An Hòa
- •
Trong kiến trúc cổ đại, hầu hết các ngôi nhà đều quay lưng về hướng Bắc, quay mặt về hướng Nam. Những gia đình có địa vị và thế lực thì ở bên trong cổng chính luôn xây một bức tường. Bức tường này được gọi là “Ảnh bích” hay “Chiếu bích” hoặc “Chiếu tường”, là một bức tường bình phong.
Bức tường bình phong này được xây dựng ở bên trong cổng và ở trước nhà, lăng…, nên cũng còn được gọi là “Nam tường” (Bức tường nam) hay “Tiêu tường” (Bức tường nội bộ).
Bức tường này có tác dụng như một tấm chắn, chặn tầm nhìn của người khác vào trong nhà. Ngay cả khi cổng và cửa rộng mở thì người bên ngoài cũng không thể nhìn thấy các tình huống ở bên trong nhà. Muốn biết được tình hình ở bên trong ngôi nhà ra sao, trước tiên phải đi qua bức tường nam này bằng cách đi sang bên trái hoặc bên phải của nó để vào bên trong thì mới có thể nhìn được trong nhà.
Bức tường nam còn có tác dụng làm vật trang trí để tăng thêm khí thế cho ngôi nhà. Nó có thể là bức tường thông thường hoặc cũng có thể được chạm khắc tinh xảo hình ảnh của kỳ lân, rồng, bạch hổ, tùng hạc, bạch hạc… Đặc biệt trong các gia đình giàu có thì bức tường này được khắc hoa văn tinh tế tỉ mỉ cầu kỳ, làm tăng khí thế và mỹ quan cũng như mức độ quyền quý và giàu có của gia đình.
Bức tường này cũng còn có một tác dụng khác. Cuốn “Thủy long kinh” có viết rằng: “Trực lai trực khứ tổn nhân đinh”, nghĩa là luồng khí từ ngoài xộc thẳng vào nhà hay luồng khí bên trong đi thẳng ra thì sẽ gây hại đến người và hại tới tài sản của gia đình. Vì vậy mục đích xây dựng bức tường nam này là để ngăn cản luồng khí đó. Như vậy luồng khí thổi ra vào sẽ được giảm hoãn, hài hòa.
Thời nay, kiến trúc này hầu như không còn nữa. Còn trước đây, mỗi sân cung điện trong Cố Cung đều có bức tường bình phong. Sự khác biệt của các bức bình phong này chủ yếu nằm ở vật liệu xây dựng khác nhau, bao gồm gạch, chạm khắc gỗ và các loại ngọc thạch quý.
Bức tường bình phong có lịch sử rất lâu đời. Tàn tích của nó tồn tại sớm nhất nằm trong cung điện của nhà Tây Chu ở làng Phụng Hoàng, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Thiểm Tây, cho đến nay đã có lịch sử hơn 3.000 năm.
Cũng vì sự tồn tại của bức tường bình phong mà khi muốn ra khỏi nhà, người ta phải đi sang bên trái hoặc bên phải của bức tường này mới ra ngoài cổng được. Nếu đi thẳng ra ngoài thì sẽ đụng phải tường, bởi vậy mới xuất hiện cách nói “Bất chàng nam tường bất hồi đầu” (không đụng tường nam không quay đầu). Câu nói này nghĩa là cố chấp đi thẳng đến khi đụng phải bức tường chắn này rồi thì mới nhận thức bản thân phải rẽ. Người cố chấp làm theo ý mình mặc cho nhiều người khuyên can rồi nhận hậu quả đau đớn thì mới biết sai mà quay đầu.
Câu nói cũng khuyên răn con người phải biết lắng nghe ý kiến của người khác, lựa chọn cách làm đúng đắn, không nên cố chấp mà đi vào con đường không có lối thoát hay gặp phải hậu quả không mong muốn. Trái lại, nó cũng chỉ ra một đạo lý rằng con người thông qua thất bại thì có thể tự điều chỉnh được hướng đi phù hợp với bản thân mình, tìm được lối thoát cho chính mình.
Theo Vision Times tiếng Trung
Tác giả: Sơ Tân
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa kiến trúc cổ