Vị công nữ giúp người Việt mở mang bờ cõi về phương Nam
- Trần Hưng
- •
Trong lịch sử nước ta, người tiên phong khai phá vùng đất phương nam phải kể đến trước nhất là Chúa Nguyễn Hoàng. Ông giúp người dân khai khẩn vùng Thuận Hóa và Quảng Nam, đồng thời mở rộng lãnh thổ vùng Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên, tạo ra tiền đề cho các chúa Nguyễn sau này mở mang bờ cõi.
Đầu thế kỷ 17, chúa Nguyễn Hoàng mất, chúa Nguyễn Phúc Nguyên lên thay, tiếp tục chính sách mở rộng về phương nam, người dân Đàng Trong tin yêu gọi ông là chúa Sãi, chúa Bụt hay chúa Phật. Đây cũng là thời điểm xuất hiện một vị công nữ đóng vai trò then chốt giúp người Việt mở mang bờ cõi phía Nam.
Vua Cao Miên cầu hôn công nữ Ngọc Vạn
Lúc này Cao Miên trong thế yếu hơn phải thần phục Xiêm La (tức Thái Lan ngày nay) và phải chịu sự đô hộ của nước này. Vua Cao Miên muốn có được sự giúp đỡ từ bên ngoài, trong khi đó chúa Nguyễn nổi lên như một thế lực hùng mạnh có thể đánh bại Xiêm La.
Khi vua Cao Miên ghé thăm Đàng Trong hội kiến với chúa Nguyễn Phúc Nguyên, bàn về việc bang giao và thông thương giữ hai nước, chúa Nguyễn đồng ý ngay.
Về nước một thời gian, sứ bộ của Cao Miên lại sang, dâng lễ vật cùng thư của vua Cao Miên muốn được tăng cường bang giao hơn nữa bằng cách xin được cưới người con gái thứ hai của chúa Nguyễn. Đây là công nữ Nguyễn Phúc Ngọc Vạn.
Ngọc Vạn là con gái yêu của chúa Sãi, nên đương nhiên chúa không muốn phải xa cách, để con gái sống nơi xứ người. Huống chi chúa vẫn muốn gả công nữ cho Trần Đình Huy, con một vị quan trong Triều. Tuy vậy, quân sư Đào Duy Từ khuyên chúa rằng đây là cơ hội tốt để tiến về phía nam, là việc lớn trọng đại. Cuối cùng chúa Sãi thuận lời, đồng ý gả công nữ Ngọc Vạn cho vua Cao Miên là Chey Chetta II.
Công nữ Ngọc Vạn giúp mở mang bờ cõi
Công nữ Ngọc Vạn đến Cao Miên với đoàn hộ tống lên đến 800 người (cũng có tài liệu ghi 500 người), trong đó có rất nhiều người thân cận với công nữ từ nhỏ. Nhà nghiên cứu lịch sử Hồ Nam nhận định: “Đoàn đưa dâu của chúa Sãi có rất nhiều người là thợ thủ công giỏi, học trò. Mục đích của chuyến đi ngoài việc cưới hỏi, còn ngầm cài người Việt vào những công việc quan trọng và tham gia triều chính của Chân Lạp(*).”
(*) Chân Lạp được dùng để chỉ Campuchia vào thời này, ứng với các đời chúa Nguyễn. Tuy nhiên danh từ Cao Miên thường được sử dụng nhiều hơn.
Đặc biệt trong đoàn người đưa dâu có cả Trần Đình Huy. Sau này ông trở thành quan lớn ở Cao Miên và có nhiều cống hiến cho chúa Nguyễn. Tại Cao Miên, công nữ Ngọc Vạn được vua Chey Chetta II sắc phong Hoàng hậu và giữ vai trò quan trọng trong triều đình.
Cũng trong thời gian này, chúa Nguyễn gửi quân cùng vũ khí sang giúp Cao Miên đẩy lui các cuộc xâm lược của Xiêm La. Lần đầu tiên trong 100 năm, Cao Miên mới đánh bại được Xiêm La nhờ sự giúp sức của chúa Nguyễn.
Năm 1623, chúa Sãi cử đoàn sứ bộ sang gặp Chey Cheta II. Với sự giúp đỡ của công nữ Ngọc Vạn, vua Chey Chetta II đồng ý nhượng lại một dinh điền ở Mô Xoài (gần Bà Rịa ngày nay) cho chúa Nguyễn, chúa Nguyễn cũng được phép lập hai thương điểm là Prei Nokor (thuộc khu Chợ Lớn, Sài Gòn sau này) và Kas Krobey (khu vực Bến Nghé, Sài Gòn sau này) để thu thuế.
Người Việt ở Đàng Trong được phép đến sinh sống ở vùng Thủy Chân Lạp (tức Đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam và miền nam Campuchia ngày nay). Nhân cơ hội đó, người Việt khai khẩn đất đai, tạo điều kiện để bành trướng về phương nam.
Công nữ Ngọc Vạn cũng tác động để vua Cao Miên cho phép người Việt tự trang bị vũ khí bảo vệ đất đai của mình, đồng thời sẵn sàng giúp Cao Miên đánh đuổi Xiêm La nếu quân Xiêm lại tiến sang. Được sự đồng ý, chúa Nguyễn liền cho quân đến đóng ở vùng Prei Nokor (tức Sài Gòn, Biên Hòa, Bà Rịa) của Chân Lạp nhằm bảo vệ người Việt làm ăn buôn bán sinh sống.
Nhờ đó chỉ trong một thời gian ngắn người Việt xuất hiện rất đông ở Cao Miên, tập trung ở khu vực hiện là Đồng bằng sông Cửu Long, Sài Gòn, Biên Hòa, Bà Rịa…
Nguyễn Cư Trinh, người phò tá cho chúa Nguyễn Phúc Nguyên đưa người Việt vào Nam Bộ đã có lời tổng kết rằng: “Đời trước lập Gia Định, tất trước mở xứ Mỗi Xoài, rồi mở xứ Đồng Nai, để cho quân dân hoàn tụ, rồi mới mở xứ Sài Gòn, thế là lấy ít đánh nhiều, lấn dần như tằm ăn.” (trích Phủ Biên tạp lục của Lê Quý Đôn).
Năm 1632, thời hạn các trạm thu thuế của người Việt đã hết, công nữ Ngọc Vạn lại xin vua cho phép gia hạn và được đồng ý.
Nhờ có công nữ Ngọc Vạn, người Việt xuất hiện ngày càng đông đúc đặc biệt ở vùng Đông Nam bộ ngày nay. Do khác biệt về văn hóa nên người Cao Miên tự bỏ đi mà hầu như không có sự xung đột lớn.
Chỉ 5 năm sau khi công nữ Ngọc Vạn kết hôn, người Việt đã sống trải dài từ Bà Rịa, Biên Hòa, Bến Nghé lên tới Châu Đốc đến tận kinh đô Oudong (Phnom Penh ngày nay).
Triều đình Cao Miên biến động
Năm 1628 vua Chey Cheta II qua đời, tình hình Cao Miên rối ren, nội bộ hoàng tộc tranh đoạt quyền. Công nữ Ngọc Vạn trở thành hoàng thái hậu uy tín trong triều, lo bảo vệ cho con dân Đại Việt ở Cao Miên. Nhiều hoàng tộc Cao Miên mong được bà ủng hộ nhằm có được địa vị trong triều.
Hai con của vị vua đã quá cố là Ang Sur và Ang Tan dấy binh chống lại vua Ramathipadi I (Nặc Ông Chân) nhưng thất bại, hai người này tìm đến thái hậu Ngọc Vạn mong được giúp đỡ.
Ngọc Vạn liền báo với cháu của mình là chúa Nguyễn Phúc Tần. Chúa Nguyễn cho quân tiến đánh, bắt được vua Ramathipadi I.
Từ đó triều chính Cao Miên thay đổi, Ang Sur được làm quốc vương, xưng là Barom Reachea V, đóng tại Oudong. Còn Ang Nan (Nặc Nộn) làm phó vương đóng tại thành Sài Gòn ngày nay.
Quốc vương của Cao Miên nhờ công nữ Ngọc Vạn và chúa Nguyễn mà lên ngôi nên biết ơn và thần phục, nhờ đó người Việt tiếp tục di dân rất đông, kiểm soát nhiều vùng đất.
Sau đó Triều chính Cao Miên liên tục biến động, các hoàng thân vẫn liên tục tranh đoạt quyền vị. Ngọc Vạn chán nản quyết định trở về nước, tìm đến Mô Xoài (Bà Rịa) là nơi người Việt tập trung trước khi di dân. Rồi bà lên núi Chứa Chan, chọn chùa Gia Lào tu hành cho đến cuối đời.
Công nữ Ngọc Vạn đã đóng một vai trò then chốt giúp người Việt di dân khai phá phương nam, mở mang bờ cõi, hình thành nên vùng đất Nam bộ sầm uất sau này.
Trần Hưng
Xem thêm:
- Các đời chúa Nguyễn mở rộng lãnh thổ – P3: Lãnh thổ đến Gia Định
- Vị quân sư là đệ nhất khai quốc công thần của triều Nguyễn (P2)
Mời xem video:
Từ khóa công nữ Ngọc Vạn chúa Nguyễn mở rộng lãnh thổ thời chúa Nguyễn