Đời người cần học được khoan dung và tha thứ
- An Hòa
- •
Các bậc hiền nhân cổ đại thường dạy con cháu rằng khi gặp phải mâu thuẫn, cần “nghiêm khắc với bản thân và khoan dung với người khác”. Điều này không chỉ giúp hóa giải được mâu thuẫn mà còn cảm hóa được đối phương. Đây là một tinh hoa trong đạo đối nhân xử thế của người xưa.
Phạm Thuần Nhân là đại thần, học giả lỗi lạc thời Bắc Tống. Dưới ảnh hưởng của cha là danh thần Phạm Trọng Yêm, ông từ khi sinh ra đã tu thân dưỡng tính, đối với chuyện ăn uống thì rất đơn giản, không kén chọn đòi hỏi. Mỗi ngày sau khi từ cửa quan trở về nhà, ông có thói quen lập tức thay quần áo vải thô để mặc. Từ lúc còn nhỏ đến khi về già, từ khi làm quan nhỏ đến khi làm quan lớn, ông đều luôn luôn như thế.
Phạm Thuần Nhân thường xuyên nhắc nhở các con rằng: “Dù là kẻ ngu dốt nhất cũng có thể hết sức sáng suốt khi quở trách người khác. Còn người thông minh cũng có thể vô cùng hồ đồ trong lúc tự tha thứ cho lỗi lầm của bản thân mình. Vì vậy, nếu các con có thể lấy tâm trách người để trách mình, và khoan dung tha thứ cho người khác như khi tha thứ cho chính bản thân mình, thì các con có thể trở thành bậc Thánh hiền”.
Có lần một người học trò xin Phạm Thuần Nhân cho mình một lời khuyên về đối nhân xử thế. Ông trả lời: “Chỉ có cần kiệm mới có thể bồi dưỡng liêm sỷ, chỉ có khoan dung tha thứ mới có thể trở thành người nhân đức”.
Học trò của Khổng Tử là Tử Cống từng hỏi ông rằng: “Thưa thầy! Có hay không có một chữ mà có thể làm nguyên tắc khiến con người cả đời làm theo?”
Khổng Tử nói: “Chính là chữ Thứ. Chữ Thứ này mang ý nghĩa khoan dung, độ lượng.”
Một vị học trò khác của Khổng Tử là Nhan Hồi cũng từng nói: “Người đối tốt với ta, ta cũng đối tốt với người. Người không đối tốt với ta, ta vẫn đối tốt với người.”
Người xưa luôn nhắc nhở con cháu rằng đối nhân xử thế cần phải “nghiêm khắc với chính mình, khoan dung với người khác”. Nhưng muốn làm được như thế thật là không dễ dàng.
Con người thường có khuynh hướng chú tâm vào những gì không được toàn vẹn, không được tốt đẹp của thế gian, của người khác, mà cảm thấy bất mãn không thoải mái. Khi tâm buồn bực trỗi dậy, họ trách cứ người khác. Vì thế dù là người ngu dốt cũng có thể nhìn thấy rõ ràng và nói ra chính xác những điều lầm lỗi của đối phương.
Nhưng khi người thông minh tự kiểm điểm những lỗi lầm và thiếu sót của bản thân mình, họ thường rất hồ đồ và gặp rất nhiều khó khăn, gần như không tự nhận thức ra được. Người ta còn nói rất nhiều lý lẽ để che giấu điều chưa tốt của bản thân, khi nhìn rõ điều sai trái của người khác còn cảm giác như bản thân mình tốt đẹp lắm, khiến cho việc thăng hoa đức hạnh trở nên chậm chạp khó khăn.
Bước đầu tiên trên con đường tu dưỡng đức hạnh là cần cố gắng chịu khó tìm ra được những điều lầm lỗi của bản thân mình. Mắt nhìn thấy vấn đề của người khác cũng là lúc để nhắc nhở bản thân không nên phạm sai lầm tương tự như thế. Làm được như vậy, chúng ta sẽ có thể tiến bộ dễ dàng. Thời thời khắc khắc nhìn vào bản thân, dùng rất nhiều dũng khí và nghị lực để thay đổi bản thân, như vậy mới có thể đạt tới cảnh giới tinh thần cao hơn nữa.
Vì vậy khi gặp phải khó khăn và mâu thuẫn, người chúng ta phải xem xét lại, phải sửa chữa đầu tiên vĩnh viễn là bản thân mình. Làm được như thế sẽ không chỉ khiến đức hạnh của bản thân tăng cao mà còn có thể hóa giải mâu thuẫn, cảm hóa được người khác, làm thay đổi người khác. Đây cũng là điều quan trọng trong cách giáo dục thế hệ sau của các bậc hiền nhân xưa.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa khoan dung Phương pháp dạy con của bậc hiền nhân xưa