Vì sao một người không nên giận dữ?
- An Hòa
- •
Có câu nói rất hay rằng người sáng suốt giỏi khống chế cơn giận còn người ngốc thì để cơn giận khống chế mình. Trong cuộc đời của một người, tu dưỡng bản thân, trở thành một người tâm bình khí hòa, không dễ dàng giận dữ, là một điều vô cùng quan trọng.
Không giận dữ là trí tuệ
Thời kỳ Chiến Quốc, quân Hung Nô thường quấy phá biên ải nước Triệu. Khi Lý Mục đến làm tướng, chỉ cần người Hung Nô đến công kích thì ông sẽ lệnh cho binh lính ẩn náu vào trong thành, canh gác nghiêm ngặt và không bao giờ xuất chiến. Rất nhiều người chê cười Lý Mục nhát gan hèn kém. Triệu Vương biết chuyện đã vô cùng tức giận, triệu Lý Mục về và thay thế bằng một vị tướng khác.
Sau đó vị tướng mới khiến quân Triệu thất bại thảm hại. Triệu Vương không còn cách nào khác lại quay lại dùng Lý Mục, đồng thời phải đáp ứng yêu cầu của Lý Mục là không được can thiệp vào sách lược quân sự của ông. Sau khi phục chức, Lý Mục tiếp tục chiến thuật ban đầu khiến cho Hung Nô không có cơ hội tấn công. Trải qua mấy năm, binh lực của Lý Mục đã đủ, sĩ khí lên cao, quân Hung Nô xâm phạm biên giới nước Triệu bị Lý Mục dùng kế dụ địch, đánh bại 10 vạn đại quân, khiến cho không còn dám bén mảng đến biên giới nước Triệu nữa.
Một người ở vào lúc tức giận thì đưa ra quyết định gì cũng đều rất dễ sai lầm. Bởi vì lúc ấy họ không tính toán được hậu quả về sau, cũng không thể chú ý đến các nhân tố ở mọi phương diện. Có câu: “Cuộc đời giống như một ván cờ, đi bước nào tính bước đó là kẻ tầm thường, đi một bước tính mười bước là trí giả”.
Không giận dữ là tu dưỡng
Lâm Tắc Từ, Khâm sai đại thần triều Thanh, thuở còn trẻ là một người thông minh, học rộng, trí tuệ hơn người. Nhưng tính tình ông lại vô cùng dễ nổi nóng và khó có thể bình tĩnh, nhẫn nhịn. Bản thân Lâm Tức Từ cũng nhận thức được thói xấu của mình.
Để sửa bỏ tính xấu này, Lâm Tắc Từ đã treo trên đại đường hai chữ “chế nộ” (khắc chế cơn tức giận). Trong suốt cuộc đời mình, ông đã dùng hai từ “chế nộ” ấy để răn mình nhẫn nhịn, tu dưỡng bản thân.
Khi làm quan tổng đốc, có một lần trong lúc xử lý công vụ, Lâm Tắc Từ đã không thể khắc chế được tức giận. Trong lúc nóng nảy, ông đã ném vỡ tan một chén trà quý. Nhưng vừa ngẩng đầu lên, nhìn thấy hai chữ “chế nộ” của chính mình, ông liền ý thức được “bệnh cũ tái phát”. Vì thế ông đã tự mình dọn dẹp chén trà vỡ mà không cho ai động vào, rồi ăn năn hối lỗi.
Chỉ những người có tu dưỡng mới có thể tiết chế được cảm xúc của bản thân, không hề nóng giận trước bất kể sự việc gì. Cũng bởi vì không nóng giận nên mọi việc người đó làm đều là lý tính, có thể tỉnh táo đánh giá tình hình và đưa ra phương án sáng suốt.
Không giận dữ là phúc khí
Ở vùng đất Tây Tạng có lưu truyền một câu chuyện xưa. Chuyện kể rằng có một người đàn ông tên là Ái Ba, mỗi lần tức giận thì anh ta đều chạy quanh nhà ba vòng. Đợi đến khi hết giận thì lại cố gắng chăm chỉ làm việc. Thói quen này của anh ta được duy trì suốt mấy chục năm liền. Bởi vì anh ta rất cần cù chăm chỉ cho nên tài sản ngày càng nhiều, nhà cửa trở nên lộng lẫy, sân vườn cũng càng ngày càng lớn hơn.
Đến khi Ái Ba đã già, mỗi khi tức giận, ông vẫn chạy ba vòng quanh nhà như trước đây, sau đó ngồi dựa cửa nghỉ ngơi. Có người hỏi ông: “Ông luôn chạy quanh nhà là vì sao?”
Ái Ba nói: “Lúc tuổi trẻ, tôi vừa chạy vừa nghĩ, cái nhà của mình sao mà nhỏ thế, đã không cố gắng làm việc lại còn tức giận, thật sự là ngu xuẩn. Lúc tuổi già rồi, tôi vừa chạy vừa nghĩ, cái nhà của mình đã lớn như vậy lại còn tức giận làm gì, thật sự là rất không đáng!”
Câu chuyện hài hước này cho thấy rằng người không tức giận có thể giữ năng lượng để làm được thật nhiều việc khác, đồng thời cũng vì không tức giận mà không lưu lại hối hận gì. Đây cũng là một loại phúc khí, mở rộng tấm lòng mình để sưởi ấm nội tâm.
Không giận dữ là khỏe mạnh
Đông y cổ đại cũng có sự phân tích và trình bày rất đầy đủ, rõ ràng về “nộ” (giận dữ). Đông y cho rằng “tức giận” sẽ khiến khí huyết hao tổn. Có câu: “Tức mà chết”, trong hiện thực cuộc sống cũng không thiếu người vì tức giận, phẫn nộ mà thật sự bỏ mạng. “Tức giận” còn làm tổn thương gan. Đó là bởi vì đức “nhân” (lòng nhân từ, nhân ái) đối ứng với gan. Người từ bi lương thiện, có thể thông cảm với người khác thì sẽ không tức giận, bởi vậy nếu có thể khắc chế cơn giận thì khí huyết và gan đều khỏe mạnh.
Khi một người tức giận phẫn nộ thì sẽ ăn không ngon ngủ không yên, đi không thuận, nhìn gì cũng không vừa mắt, hỏa khí công tâm, khiến bệnh tình sinh ra. Trong sách “Mạc sinh khí” viết rằng: “Biệt nhân sinh khí ngã bất khí, khí xuất bệnh lai vô nhân thế”, ý nói dù gặp phải khó khăn gì trong cuộc sống thì tốt nhất cũng đừng nóng giận, bởi vì một khi nóng giận thì người chịu tổn hại là bản thân mình chứ không ai thay cho mình được.
Theo Vision Times tiếng Trung
Tác giả: Phương Sát
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video: