Tìm hiểu về nguồn gốc của cụm từ “quan phụ mẫu”
- An Hòa
- •
Ngày nay, khi nói về các bậc quan thanh liêm thời xưa, thi thoảng chúng ta vẫn sử dụng đến cụm từ “quan phụ mẫu”, nghĩa là người làm quan giống như người làm cha mẹ. Đây là sản phẩm đặc biệt của thời kỳ quân chủ mà không phải là chế độ dân chủ. Dân chủ thì có khái niệm “đầy tớ của nhân dân”, nhưng mà địa vị và đãi ngộ của các vị “đầy tớ” này dường như không tương xứng với hai chữ “đầy tờ” cho lắm.
Cụm từ “quan phụ mẫu” xuất hiện trong rất nhiều tác phẩm thời xưa. Cao Khải triều nhà Minh trong “Thư bác kê giả sự” đã viết: “Vu cáo hãm hại sứ quân tài đức khiến cho dân chúng mất đi cha mẹ”. Trong “Trì bắc ngẫu đàm”, Vương Sĩ Trinh triều nhà Thanh cũng viết: “Quan châu huyện ngày nay được xưng là cha mẹ”.
Trong chế độ quân chủ thời xưa có khái niệm gọi là “Quân quyền Thần thụ”, Thần trao cho quân vương quyền lực trị vì vương quốc. Điều này không chỉ tồn tại ở phương Đông mà cũng đồng thời tồn tại ở phương Tây. Ví như Hoàng đế La Mã Thần thánh là danh hiệu do Giáo hoàng trao cho quân vương của đế quốc La Mã.
Cổ nhân cho rằng bậc Đế Vương nhờ Thiên mệnh mà có được thiên hạ, cho nên Đế Vương là con của Thượng Thiên và được xưng là “Thiên tử”. Tiếp theo nữa, bậc Thiên tử đối với dân chúng thì như thế nào? “Tả truyện” viết rằng: “Nuôi dân như con, che chở dân như Trời, dung nạp dân tựa Đất, dân kính trọng Quân Vương, yêu thương như cha mẹ”.
Trời đất là cha mẹ của vạn vật. Thiên tử thay Trời mà che chở cho dân, nên được coi như cha mẹ của vạn dân. Mà lệnh của Thiên tử đến quan lại địa phương là thể hiện ý chỉ của Thiên tử. Cho nên quan lại địa phương đối với dân chúng cũng hình thành nên một mối quan hệ cha mẹ tương ứng. Có thể nói loại văn hóa truyền thống này thời xưa là xuyên suốt, từ Trời đến dân, hình thành sự ràng buộc như vậy. Đây là về mặt lý niệm kinh điển.
Bên cạnh đó, cụm từ “quan phụ mẫu” này cũng thực sự hình thành trong dân gian. Sách “Hán Thư” có chép một điển cố như vậy.
Thời Tây Hán, có một vị quan Thái thú ở Nam Dương tên là Triệu Tín Thần. Khi làm Thái thú, ông đã cho khởi công xây dựng nhiều công trình thủy lợi, giáo dục cảm hóa dân chúng, khuyến khích canh tác nông nghiệp, đề xướng tiết kiệm. Dưới sự hiền năng của ông, Nam Dương bấy giờ trở thành quận lớn giàu có và đông đúc. Người dân Nam Dương vô cùng cảm kích trước đức hạnh và tấm lòng của Triệu Tín Thần nên gọi ông là “Triệu phụ”.
Đến thời Đông Hán, người dân Nam Dương lại nghênh đón một vị Thái thú ân cần chính trực tên là Đỗ Thi. Theo “Hậu Hán thư” ghi lại thì Đỗ Thi là người sống giản dị, thi hành các chính sách công bằng và thanh liêm. Ông cho giảm bớt lao dịch và thuế má, còn khuyến khích người dân khai hoang canh tác, xây dựng hệ thống thủy lợi, đúc nông cụ… giúp cho người dân có cơm ăn áo mặc đầy đủ. Thời ấy, dân chúng xem ông như “Triệu phụ” thứ hai.
Người dân Nam Dương ghi nhớ sâu sắc công lao của Triệu Tín Thần và Đỗ Thi nên đã xây dựng nhà thờ để tưởng nhớ, đồng thời còn truyền nhau câu nói: “Trước có Triệu phụ, sau có Đỗ mẫu”. Lúc này, từ “phụ mẫu” đã mang hàm ý chỉ quan lại địa phương và cũng là hình thức ban đầu nhất của cụm từ “quan phụ mẫu”.
Tới thời Tống, quan lại của các châu huyện bắt đầu được xưng là “quan phụ mẫu” một cách phổ biến. Loại xưng hô này được ghi lại trong văn hiến, trong thơ ca và được sử dụng thịnh hành vào thời nhà Minh và Thanh. Tuy vậy không phải quan lại nào cũng được dân gian công nhận là quan phụ mẫu thực sự.
Quan phụ mẫu phải làm việc công chính liêm minh, vì dân, che chở và lo cho dân. Nếu không làm được như vậy là đã trái với Thiên ý, làm mất lòng dân và ắt sẽ bị Trời trừng phạt. Cổ nhân nói: “Mất thiên hạ là bởi vì mất dân. Mất dân là bởi vì mất lòng dân. Được lòng dân thì được thiên hạ. Điều dân muốn thì hãy làm cho đầy đủ, điều dân ghét thì đừng đem đến cho dân”. Đây là bài học được lưu truyền nhiều đời.
Ngày nay trong chế độ dân chủ thì có khái niệm “đầy tớ của nhân dân”. Nhưng mà ngẫm ra thì địa vị và đãi ngộ của các vị “đầy tớ” này không tương xứng với hai chữ “đầy tờ” cho lắm. Về cơ bản, dân gian từ trước tới nay cũng không bao giờ cho rằng làm quan là có địa vị thấp kém, là ở dưới. Bậc quân vương thời xưa, người quân tử thời xưa khi tự hạ mình khiêm cung thì đó là một loại cảnh giới cao thượng về tinh thần chứ không phải thật sự coi bản thân là “đầy tớ” thấp kém. Bởi vậy không có gì đáng ngạc nhiên khi ngày nay người ta cảm thấy cách nói “đầy tờ” này chỉ là một loại khẩu hiệu.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
- Đạo trị quốc: Nước nâng thuyền, nước cũng có thể lật thuyền
- Đạo trị quốc thời xưa: Nhìn mặt nước tự soi mình
Mời xem video:
Từ khóa Thiên mệnh quan lại thời xưa Quan phụ mẫu