Đạo trị quốc: Nước nâng thuyền, nước cũng có thể lật thuyền
- An Hòa
- •
Quân chủ như thuyền, dân chúng như nước – đạo lý trị quốc và xử thế này được Hoàng đế Đường Thái Tông nhắc tới từ hơn 1000 năm trước. Dưới thời trị vì của ông, nhà Đường vô cùng cường thịnh. Sau này triều đại nhà Đường được đánh giá là triều đại cường thịnh nhất trong lịch sử Trung Hoa cả về chính trị, kinh tế và văn hóa…
Đường Thái Tông Lý Thế Dân là một trong những vị minh quân nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Hoa. Ông là người đã đưa triều Đường trở thành “Đại Đường thịnh thế”. Ông cũng được đánh giá là vị Hoàng đế có mối quan hệ gần gũi, tốt đẹp với quần thần và dân chúng.
Đường Thái Tông nói rằng: Đạo của bậc quân vương, trước tiên trong lòng nhất định phải có dân chúng, quan tâm dân chúng, nếu như làm tổn hại dân chúng để được lợi bản thân thì cũng giống như cắt thịt chân mình để ăn no bụng, bụng thì no mà thân thì ngã quỵ. Ông công nhận rằng mối quan hệ giữa quân vương và dân chúng giống như mối quan hệ giữa thuyền và nước. Ông nói: Quân chủ giống như thuyền, còn dân giống như nước. Nước có thể nâng thuyền lên nhưng cũng có thể làm lật thuyền.
Bàn về đạo trị quốc, Tuân Tử cũng nói rằng ngựa kéo xe một khi bị kinh hãi thì quân vương ngồi trong xe cũng sẽ không yên được. Nếu như dân chúng mà sợ sệt chính sự tức thì địa vị của bậc quân chủ cũng không yên. Dân chúng mà sợ hãi chính sự thì không có gì tốt hơn cách ban ân cho họ. Lựa chọn người tài đức làm quan, đề bạt người trung thành mà lại nghiêm chỉnh vì dân phục vụ, đề xướng hiếu đễ, thu nhận nuôi dưỡng mẹ góa con côi, giúp đỡ người nghèo khổ, làm được như vậy tức thì tâm của dân chúng đối với việc chính trị sẽ được an. Như thế thì địa vị của quân chủ mới được lâu dài, vững chắc.
Bởi vậy có thể thấy, bậc Quân Vương của một nước nếu muốn ngai vị được ổn định lâu dài thì nhất định trong lòng phải có dân, thực sự làm được điều mà dân mong muốn làm, thực sự giải quyết được những vẫn đề mà dân mong muốn giải quyết. Nếu không làm được như vậy thì nguy cơ sẽ càng ngày càng tăng, thậm chí chính bản thân người cầm quyền cũng lâm nguy. Trong suốt hàng ngàn năm lịch sử những ví dụ như vậy có rất nhiều.
Trong lịch sử, Hoàng đế Khang Hy triều nhà Thanh đề cao đạo trị quốc “lấy dân làm gốc”, cũng có điểm tương đồng với đạo trị quốc của Đường Thái Tông. Khi Khang Hy lên ngôi Hoàng đế, đất nước rối loạn, dân chúng cực khổ, việc thống nhất Trung Nguyên vẫn chưa hoàn thành, dân chúng mâu thuẫn lớn với triều đình. Thái hoàng thái hậu Hiếu Trang hỏi ông nghĩ gì, Khang Hy đáp: “Duy nhân giả vô địch”, tức là chỉ có người nhân từ là không có kẻ thù.
Ông cũng nói với các đại thần: “Để dẹp loạn, chỉ có duy trì lòng khoan dung, tấm lòng rộng rãi ắt được lòng dân. Đạo lý trị vì thiên hạ, lấy khoan dung làm căn bản”. Ông luôn đề cao đạo lý “lấy dân làm gốc”, dùng khoan dung nhân từ đế đối đãi với sai lầm của dân chúng.
Có thể thấy, mỗi một triều đại hưng thịnh hoặc làm nên cơ nghiệp lớn trong lịch sử đều có yêu cầu nghiêm khắc đối với đức hạnh của người làm vua, làm quan. Đồng thời phải đặt đạo trị quốc “lấy dân làm gốc” lên hàng đầu. Đây là điều phù hợp với đạo lý và là bài học quý giá cho hậu thế.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Tần Thủy Hoàng Đường Thái Tông đức hạnh Khang Hy đạo trị quốc