Con người thế gian, hầu như ai cũng mong sinh ra và nuôi dưỡng con thành người khỏe mạnh, thông minh, thành đạt, giống như câu nói mà người xưa đã đúc kết: “Vọng tử thành long, vọng nữ thành phượng”, mong con trai thành rồng, mong con gái thành phượng. Nhưng thi nhân thời Bắc Tống, Tô Đông Pha sau khi đã trải qua nửa cuộc đời gập ghềnh trắc trở thì lại có mong muốn khác đối với con trai mình.

Trí tuệ cổ nhân: Người xảo trá không bằng người thành thật
(Tranh minh họa: Họa sĩ Trần Hồng Thụ thời Minh, Wikipedia, Public Domain)

Khi con trai chào đời, thi nhân thời Bắc Tống, Tô Đông Pha đã viết bài thơ có tựa đề “Tẩy nhi thi”. Tuy rằng bài thơ chỉ có bốn câu ngắn gọn nhưng lại chứa đựng cảm ngộ nhân sinh nửa đời của Tô Đông Pha:

Nhân giai dưỡng tử vọng thông minh,
Ngã bị thông minh ngộ nhất sinh.
Duy nguyện ngô nhi ngũ thả lỗ,
Vô tai vô nạn đáo công khanh.

Tạm dịch:

Ai cũng mong con thành người thông minh,
Nhưng ta đã bị thông minh làm hại cả đời
Chỉ mong con ta sẽ ngốc nghếch, vụng dại
Chẳng gặp tai nạn nào mà thành công.

Bài thơ rất giản dị, không trau chuốt. Nội dung đại khái là nói nên nỗi lòng của chính tác giả: Mọi người đều hy vọng con mình thông minh, nhưng ta lại vì thông minh mà ngược lại bị thông minh làm hại. Vì vậy, ta hy vọng con ta sẽ hơi ngốc nghếch một chút, nếu có thể thì làm một chức quan nhỏ mà không gặp tai nạn gì thì đã là tốt rồi.

Bài thơ này dường như khác với mong đợi của nhiều bậc cha mẹ ngày nay, thường kỳ vọng con cái thành đạt. Khối lượng bài vở của con trẻ ngày nay rất nặng, ngoài ra còn học thêm ở nhiều nơi, chính là vì cha mẹ muốn con có thể vào trường tốt. Cả quá trình học có thể ví như “cá chép vượt long môn”, thật là vất vả khổ sở. Sau khi vào đại học, cha mẹ lại mong muốn con tìm được một công việc ở vị trí cao với một mức thu nhập cao. Cuối cùng, bởi vì lẽ đời, chủ thì ít người làm công thì nhiều, nên tất nhiên các phụ huynh đạt được kỳ vọng sẽ ít, thất vọng sẽ lại càng nhiều hơn.

Tô Đông Pha viết bài thơ này như một mong ước, một lời chúc giản dị dành cho con trai mình sau khi ông đã trải qua những thăng trầm của cuộc sống.

Sau khi Tô Đông Pha thi đỗ tiến sỹ, ông tham gia thi “chế khoa” do Hoàng đế Tống Nhân Tông đặc biệt bổ sung thêm. Cuộc thi chế khoa là để một lần nữa lựa chọn ra nhóm nhân tài đặc biệt trong số các sỹ tử đã thi đỗ tiến sỹ. Trong cuộc thi đó, thành tích của Tô Đông Pha thuộc hạng ba.

Trong “Thạch lâm yên thoại” có ghi lại rằng cuộc thi chế khoa này có năm hạng, hai hạng cuối là chỉ để cho có, chỉ có ba hạng trên mới thực sự chọn người, hạng thứ ba rất ít người đỗ, phần lớn những người trong cuộc thi đạt hạng tư, còn những người rớt bảng thuộc hạng năm. Thành tích hạng ba của Tô Đông Pha có thể coi là thành tích cao nhất trong cuộc thi này. Ngoài ra, theo thống kê, trong lịch sử hơn 300 năm của triều đại nhà Tống, số người vượt qua các cuộc thi chế khoa chỉ có hơn 40 người, người đạt hạng ba chỉ có bốn người mà thôi. Vì vậy, Tô Đông Pha “thông minh” đã thực sự có được con đường làm quan rộng mở ở độ tuổi ngoài hai mươi. Ông thành danh khi còn trẻ, được Hoàng đế coi trọng, lại có tài văn chương.

Nhưng tài năng không lay chuyển được bóng tối nơi quan trường, Tô Đông Pha bị tiểu nhân cấu kết hãm hại trong, thiếu chút nữa là bị xử trảm, cuối cùng bị giáng chức nhiều lần. Vì vậy, lúc ở Hoàng Châu, tâm nguyện duy nhất của Tô Đông Pha khi con trai chào đời là hy vọng con sẽ “ngốc nghếch” chứ không phải là thông minh giống như bản thân ông.

Cái “ngốc” này có hai tầng hàm ý. Hàm ý thứ nhất là nếu như “ngốc nghếch” thì trong giao tế với mọi người, con sẽ không để tâm đến những lời mỉa mai của người khác, cũng không chủ động bày mưu tính kế hãm hại người khác. Có thể ít suy nghĩ, ít mong tưởng, ít động tà niệm, tích đức hành thiện, đây mới là mong ước tốt đẹp nhất cho con cái.

Một tầng hàm nghĩa thứ hai là Tô Đông Pha tài trí hơn người, lại học cao hiểu rộng, ông biết rõ trong lịch sử có những người giả ngốc, giả hồ đồ mà bảo toàn được mạng sống.

Khi xưa ở nước Vệ thời Xuân Thu có đại phu Ninh Võ Tử. Ông đã trải qua sự thay đổi từ đời Vệ Văn Công đến Vệ Thành Công mà có thể làm quan lớn một cách bình an, không gặp phải tai nạn nào. Khổng Tử nói rằng: “Ninh Vũ Tử bang hữu đạo tắc tri, bang vô đạo tắc ngu. Kì tri khả cập dã, kì ngu bất khả cập dã”, tức là Ninh Vũ Tử, khi quốc gia có đạo thì ông liền hiển lộ ra sự thông minh tài trí của mình, còn khi quốc gia vô đạo thì lại giả như người ngốc nghếch. Sự thông minh ấy thì người khác có thể làm được nhưng sự ngốc nghếch ấy thì người khác không làm được.

Bởi vậy, Tô Đông Pha mong muốn con “ngốc nghếch” là mong cái ngốc nghếch của Ninh Vũ Tử. Người xưa giảng “Đại trí nhược ngu”, đây là điều mà người bình thường khó làm được. Tô Đông Pha thấu hiểu rằng bản thân đã bởi vì quá mức thể hiện mà dễ dàng trở thành cái gai trong mắt người khác. Vì vậy, ông mong muốn con trai mình có thể ở vào lúc cần cất giấu tài năng thì có thể giả ngốc, đây cũng là một loại trí tuệ nhân sinh.

Theo Vision Time tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: