Tản mạn về con số 108 vị hảo hán trong Thủy Hử
- An Hòa
- •
Thủy Hử của tác giả Thi Nại Am là một trong tứ đại danh tác của văn học cổ điển Trung Hoa, đây là điều rất nhiều người đều biết. Nhưng vì sao trong đó có 108 vị hảo hán mà không phải nhiều hơn hay ít hơn con số này, ý nghĩa của con số đó là gì?
108 vị hảo hán trong Thủy Hử được chia thành 36 Thiên Cương và 72 Địa Sát. 36 cộng 72 vừa đúng là 108. Con số này không phải vô duyên vô cớ mà có hàm chứa sắc thái Đạo giáo vô cùng rõ ràng và sâu sắc. Trong Thủy Hử có rất nhiều nhân vật Đạo giáo, như Tống Nhân Tông nói ông là Xích Cước Đại Tiên hạ phàm, Quách Thị được xưng là Kim Đình giáo chủ… Đạo giáo cho rằng, Bắc Đẩu Tùng Tinh có 36 sao Thiên Cương, 72 sao Địa Sát, mỗi một sao lại ứng với một vị Thần. Kỳ thực 36, 72 hay 108 không chỉ xuất hiện trong Thủy Hử, mà còn được dùng hết sức phổ biến xuyên suốt nền văn minh cổ đại.
Con số 36, 72 và 108 xuất hiện trong Kinh Dịch – một cuốn sách mô tả về Đại Đạo, vừa thuộc về Đạo giáo, lại vừa góp phần vào Chu Dịch – cuốn sách thần bí nhất của kinh điển Nho gia. Chu Dịch được xem là tài liệu học bắt buộc của bậc Đế Vương và quan lại thời cổ đại. Trong Kinh Dịch, 1-2-3-4-5 là sinh số, 6-7-8-9 là thành số, số lẻ là thuần dương, số chẵn là thuần âm.
Số dương là biểu thị cho sự khỏe mạnh, tráng kiện, có triển vọng, là sự tăng lên. Số 9 là số lẻ lớn nhất trong thành số, là số chỉ sự may mắn, tốt lành. 108 là bội số của 9, là tượng trưng cho “chí cao vô thượng” (cao nhất không gì cao hơn). Con số 108 còn mang ý nghĩa là một năm. Bởi vì một năm có 12 tháng, 24 tiết, 72 hậu. Tổng 12 tháng, 24 tiết và 72 hậu này là vừa tròn 108, tượng trưng cho năm tháng tuần hoàn không dừng, trời đất trường tồn, lâu dài. Bởi vậy, 108 đại biểu cho “cực cao”, “may mắn”…
36 vừa đúng bằng 6 nhân 6. Số 6 là số chẵn nhỏ nhất trong thành số. Số 9 được dùng để đại biểu cho dương, số 6 đại biểu cho âm, cổ nhân xem số 6 và số 9 là các con số may mắn. Cho nên, mỗi quái có 6 hào, âm thanh cổ có 6 luật (nhạc cổ đại), quan chức xưa có 6 chức (lục bộ thượng thư), quan hệ gia đình có 6 thân (cha, mẹ, anh, em, vợ, con). Sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Hoa đã lấy số 6 để làm quy định cho rất nhiều thứ, như mũ đội đầu dài 6 thốn, xe dài 6 xích, dùng 6 con ngựa để kéo xe…
Số 72 có khởi nguồn từ ngũ hành. Trong ngũ hành có 5 phương vị là đông, tây, nam, bắc, trung ương; một năm có 360 ngày được chia thành 72 hậu, mỗi hậu 5 ngày. 72 là số tính toán cơ bản trong lịch pháp cổ đại, nó có gắn bó chặt chẽ với đời sống người dân, có ảnh hưởng rộng rãi trong quan niệm về số lượng của mọi người.
Con số 36 và 72 là hai con số có sắc thái thần bí trong văn hóa Trung Hoa cổ đại, được người xưa sử dụng rất nhiều. Số thần tiên trong sách Liệt Tiên truyện là 72 vị. Xi Vưu có 72 huynh đệ. Hoàng Đế chiến Xi Vưu trong truyền thuyết cổ đại cũng phải qua 72 cuộc chiến mới giành thắng lợi. Mọi người đều biết Tôn Ngộ Không có 72 phép thần thông biến hóa, Trư Bát Giới có 36 phép biến hóa…
Khổng Tử có hơn 3000 đệ tử, trong đó có 72 đệ tử là người tài đức tinh thông. Trong Sử Ký của Tư Mã Thiên có ghi chép về Hán Cao Tổ Lưu Bang, đặc biệt nhắc đến đùi trái của ông có 72 nốt ruồi đen. Trong Binh Pháp Tôn Tử có 36 kế. Võ thuật truyền thống có 36 chiêu thức…
Cổ nhân dùng số 36 và 72 để miêu tả cảnh đẹp, như thắng cảnh Vũ Di Sơn có 36 đỉnh núi, Hoàng Sơn, Hành Sơn, Tung Sơn đều có 72 đỉnh núi. Đạo giáo chia danh sơn thắng địa ở Trung Hoa gồm 10 động tiên lớn và 36 động tiên nhỏ, 72 phúc địa. Sơn trang mà vua Khang Hy và Càn Long nhà Thanh thường đến nghỉ mát có 36 cảnh…
Người xưa cũng hay dùng số 108 trong các hoạt động của Phật giáo. Thời cổ, chùa chiền rung chuông lúc sớm hay tối đều là 108 tiếng mới dừng. Chuông rung chậm 18 tiếng, sau lại rung nhanh 18 tiếng, cứ như vậy lặp lại 3 lần, tổng thành 108 tiếng thì dừng. Ở Đông Nam Á có thuyết cho rằng nhân gian có 108 phiền não, mỗi tiếng chuông gõ để trừ đi mỗi phiền não, gõ 108 tiếng là trừ đi tất cả phiền não.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Thủy Hử Đạo giáo Kinh dịch