Từ chối làm quan, sống ẩn dật dạy học, ông được xem là sư biểu, người đặt nền móng cho đất học phương nam. Nhân cách của ông ảnh hưởng đến nhiều thế hệ sau này.

Nguồn gốc

Khi nhà Thanh đánh bại nhà Minh, nhiều người Hoa đã chạy xuốn phía nam tránh nạn, chọn đến Đàng Trong. Những người Hoa này góp công khai phá vùng đất Nam bộ, nhiều nhân tài được sinh ra.

Theo “Đại Nam Nhất thống Chí” thì tổ tiên Võ Trường Toản vào Đàng Trong thì ở miền Trung. Từ năm 1623 có làn sóng lớn người vào nam khai khẩn đất đai, tổ tiên của Võ Trường Toản cũng theo làn sóng người vào nam.

Võ Trường Toản sinh ra ở huyện Bình Dương, phủ Tân Bình vào khoảng đầu thế kỷ 18, nhưng không rõ năm nào.

Ông sinh ra và lớn lên vào cuối thời chúa Nguyễn. Lúc này ở Đàng Trong nho học ít phát triển vì chọn Phật giáo làm tín ngưỡng. Võ Trường Toản nổi tiếng là người hay chữ nhất Đàng Trong, nhưng không rõ ông học với ai vì Đàng Trong rất ít người giỏi chữ Nho. Dân gian cho rằng có lẽ ông được học từ người trong gia tộc người Hoa của mình.

Từ chối làm quan, ở ẩn dạy học

Sau khi quân Tây Sơn đánh bại chúa Nguyễn, Võ Trường Toản ở ẩn rồi mở trường dạy học ở Hoà Hưng. Trường của ông có mấy trăm người đến học, các nhân sĩ miền nam sau đó đều là học trò của ông cả.

Cả nhà Tây Sơn và Nguyễn Phúc Ánh đều muốn ông làm quan. Nhưng nhà Tây Sơn từng thảm sát người Hoa khiến gia đình ông cũng bị hại nên ông từ chối, chỉ chuyên tâm dạy học. Lứa học trò của ông sau này đều làm quan cho nhà Nguyễn.

Năm 1792 khi Võ Trường Toàn mất, Nguyễn vương Nguyễn Phúc Ánh đã rất thương tiếc, tặng cho ông danh hiệu “Gia Định xử sĩ Sùng đức Võ tiên sinh” (tức bậc sĩ phu ở ẩn với đức độ đáng sùng mộ ở Gia Định).

Tương truyền Nguyễn Phúc Ánh đã tưởng niệm ông với đôi câu đối:

“Sinh tiền giáo huấn đắc nhân, vô tử nhi hữu tử
Một hậu thịnh danh tại thế, tuy vong giả bất vong”

Diễn nghĩa:

“Lúc sống dạy dỗ được người, không con mà như có
Khi mất, tiếng tăm còn để, thân tan danh vẫn còn”.

vo truong toan 2
Tượng Võ Trường Toản trong đền thờ. (Ảnh: Bùi Thụy Đào Nguyên, Wikipedia, CC BY-SA 3.0)

Lứa học trò tài năng

Lứa học trò của Võ Trường Toản góp công lớn vào việc phát triển văn hóa giáo dục ở Nam bộ, giúp an dân trị quốc nơi đây. Học trò của ông đều hay chữ, nhưng nổi tiếng nhất là các danh sĩ: Ngô Tùng Châu, Trịnh Hoài Đức, Phạm Ngọc Uẩn, Lê Quang Định, Lê Bá Phẩm, Ngô Nhân Tịnh.

Học trò của Võ Trường Toàn có cả người Việt và người Hoa, những học trò người Hoa nổi tiếng của ông có Trịnh Hoài Đức (người gốc Phúc Kiến), Ngô Nhân Tịnh (người gốc Quảng Đông).

Được xưng là “Gia định tam gia” gồm có Lê Quang Định, Trịnh Hoài Đức và Ngô Nhân Tịnh đều là học trò của Võ Trường Toản.

Còn 2 học trò nữa là bậc danh sĩ nhưng sống ẩn dật như thầy của mình, được dân gian gọi là ông Chiêu, ông Trúc.

Các học trò của ông còn thành lập các hội nhóm, làm hoạt động văn hóa ở miền nam, đặc biệt là vùng Gia Định trở nên sôi nổi, những áng văn thơ Hán Nôm đã xuất hiện. Nhóm “Thi văn tao đàn Hội Sơn” gồm Chỉ Sơn Trịnh Hoài Đức, Hối Sơn Hoàng Ngọc Uẩn, Nhữ Sơn Ngô Nhơn Tĩnh, Kỳ Sơn Diệp Minh Phụng… Sau đó nhóm “Thi văn tao đàn Hội Sơn” lập thêm nhóm “Bình Dương thi xã” – Ngô Nhân Tịnh là người viết đẹp và vẽ tài được đứng đầu nhóm này.

Khi Nguyễn Phúc Ánh lấy lại được vùng đất Gia Định và xưng Nguyễn Vương, các nhân sĩ Nam bộ là học trò của Võ Trường Toản có cơ hội phụng sự Xã Tắc: Ngô Tùng Châu đươc làm sư phó dạy cho Hoàng tử Cảnh; Lê Quang Định làm Thượng thư bộ Hộ kiêm quản Khâm thiên giám; Ngô Nhân Tịnh làm Thượng thư bộ Công lãnh chức Hiệp trấn thành Gia Định…

Khi Nguyễn Phúc Ánh đánh bại quân Tây Sơn, lập ra nhà Nguyễn, lứa học trò của ông nắm các vị trí chủ chốt trong quan văn, được tin tưởng đi sứ báo tin cho nhà Thanh.

Nhiều tác phẩm văn học, lịch sử địa lý đều do các học trò của ông viết như Trịnh Hoài Đức viết “Gia Định thành thông chí”, Lê Quang Định viết “Đại Việt thống nhất dư địa chí”, Ngô Nhân Tịnh cùng Bùi Dương Lịch viết “Nghệ An phong thổ ký”.

Nhân cách ảnh hưởng đến sau này

Sau này khi quân Pháp chiếm Gia Định, các sĩ phu Nam bộ đứng đầu là Phan Thanh Giản đã đưa mộ và hài cốt của ông và cả gia đình đến làng Bảo Thạnh (Bến Tre) quê hương của Phan Than Giản, trên mộ vẫn luôn có chữ “Gia Định xử sĩ Sùng đức Võ tiên sinh” do Nguyễn Phúc Ánh tặng khi còn là Nguyễn vương.

Nhân cách của Võ Trường Toản ảnh hưởng rất lớn, thế hệ các nhân sĩ sau này như Nguyễn Đình Chiểu, Huỳnh Mẫn Đạt, Phan Văn Trị, Bùi Hữu Nghĩa, Trương Định, Nguyễn Hữu Huân… đều chịu ảnh hưởng bởi phong cách, sĩ khí của ông, trở thành những người yêu nước chống Pháp.

Dù ông là người ở ẩn dạy học, nhưng công lao giáo dục nên thế hệ tài năng được nhiều đời sau này nhắc đến, các sĩ phu Nam bộ tôn ông là sư biểu, người đặt nền móng cho đất học phương nam.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: