Đừng “giết” tuổi thơ của trẻ bằng smartphone
- FB NGUYỄN KIM HẢI
- •
Khi tôi còn nhỏ, nhà tôi rất nghèo. Bố làm điện ở Cảng Hải Phòng, thường nhận quấn súp-oăn-tơ ở nhà để kiếm thêm tiền. Mẹ ngoài giờ làm việc ở bệnh viện thì về nhà lại nhận xay bột. Cái thời cả nước khó khăn, nhà nào cũng thế.
Nhưng tuổi thơ của tôi rất đẹp. Ngày đi học mẫu giáo, tối về bố đánh đàn ghi ta cho tôi múa, mẹ hát tôi nghe, rồi tôi gối đầu lên đùi mẹ ngủ. Khi bố quấn súp-oăn-tơ, tôi ngổi cạnh hỏi han đủ thứ, thử táy máy nghịch ngợm bắt chước bố. Mẹ xay bột xong là chơi với tôi, kể chuyện tôi nghe, ru tôi ngủ. Nhờ thế mà trí tò mò và lòng yêu thích khám phá được nuôi dưỡng lớn lên. Tôi cũng yêu thích văn học kể từ đó.
Đó có thể là lí do vì sao tôi trở thành nhà báo: vì tôi có 1 ông bố bà mẹ, tuy công việc của họ không chút liên quan, nhưng cách họ nuôi dưỡng lại tạo cho tôi sự tưởng tượng và khát khao khám phá những thứ quanh mình.
Không riêng tôi, rất nhiều bạn bè đồng trang lứa đã trải qua tuổi thơ ngọt ngào và ấm áp bên cha mẹ như vậy. Một tuổi thơ giản dị, nghèo khó nhưng đầy yêu thương, cả gia đình luôn trò chuyện cùng nhau. Một tuổi thơ không có Sờ-mát-phôn.
Rõ ràng ai cũng hiểu, con cái cần bố mẹ, không chỉ để mua đồ chơi cho chúng, đưa chúng đi học, cho chúng ăn, lùa chúng đi ngủ…; mà còn để nói chuyện, tương tác, lắng nghe và truyền cảm hứng cho chúng trong mọi công việc hàng ngày.
Nhưng ngày nay, nhiều người trong chúng ta thì lại ưu tiên công việc của mình, ưu tiên tương tác với cái điện thoại sờ-mát-phôn nhiều hơn con. Về đến nhà là ôm điện thoại đọc báo, đọc truyện, xem phim; cảm thấy bị con làm phiền, xâm phạm đến thời gian riêng tư của mình khi con cứ đi theo nói chuyện, hỏi han, thắc mắc.
Kết quả là, nếu con không ăn đòn thì cũng bị cằn nhằn: “Sao con nói lắm thế?“, “Phiền quá đi!“, “Đi ra chơi đồ chơi đi con.” Trẻ con thì thời nào cũng thế, cần nói chuyện, cần giao tiếp, cần được chơi cùng. Vậy, không thích con làm phiền thì họ muốn con làm gì?
Hãy ra một góc, ngồi yên và chơi đồ chơi!
Ngày mai, khi con đã lớn, chính những ông bố bà mẹ ấy lại cằn nhằn: “Sao mày cứ lì lì cái mặt ra, tao hỏi mà không nói năng gì à?“, “Sao con không chịu kể với bố mẹ?“, “Mày lúc nào cũng chỉ bạn, bạn và bạn“.
Đừng trách con lạnh nhạt với mình. Chỉ là vì ngày hôm qua, có thể chính chúng ta đã quá vô tình với con. Các bạn có thể hỏi, tôi đang viết sờ-ta-tút này bằng cái gì đấy? Dạ, bằng cái Sờ-mát-phôn, lúc con tôi đang ngủ.
Đúng là ngày nay, khó ai không dùng đến điện thoại, nhất là với những người làm báo. Chúng tôi đào xới thông tin và sản xuất các sản phẩm báo chí, check email, nghe & gọi điện thoại, liên hệ công việc, không ngừng thu nạp và xử lý thông tin. Nhưng cách duy nhất tôi có thể làm, là tối thiểu hoá thời gian sử dụng các thiết bị công nghệ khi đã về nhà, và tối đa hoá thời gian dành cho con cái. Nói chuyện và ôm chúng, chơi với con những trò con thích, kể cho chúng nghe ít nhất 1 câu chuyện. Hay chí ít cũng là kiên nhẫn nghe con nói hết câu, dù chúng phải mất đến vài phút mới diễn đạt xong điều mình muốn.
Trong đoạn clip mà tôi chia sẻ đây, một thí nghiệm đã được thực hiện, cho thấy trẻ chịu ảnh hưởng như thế nào từ thái độ của người mẹ khi tương tác với chúng. Tôi nghĩ nó sẽ khiến nhiều người giật mình khi nhớ ra ngày hôm qua, có thể con đã nói gì đó mà vì mải xem điện thoại, họ đã phớt lờ. Hoặc thậm chí, giật mình vì đã lâu, con không còn chạy đến tìm họ để nói chuyện nữa.
Xem thêm:
Từ khóa trẻ em tuổi thơ điện thoại smartphone