Đạo trị quốc của cổ nhân: Khiến dân được an cư lạc nghiệp
- An Hòa
- •
Trong lịch sử có các vương triều bị diệt vong đại đa số là bởi vì khiến lòng dân bất an, đánh mất lòng tin của dân. Trái lại, những vương triều thịnh trị thái bình thì đều chứng kiến cảnh lòng người cùng hướng, dân chúng an cư lạc nghiệp.
Trong sách “Lã Thị Xuân Thu” có chép rằng: Vào những năm cuối triều nhà Hạ có một người tên là Y Doãn, là gia nô của bộ lạc Tân Thị. Ông là người rất có tài năng, hơn nữa còn có tài nấu ăn nổi danh khắp thiên hạ. Y Doãn nhìn thấy vận số của nhà Hạ đã tận, lại biết Thương Thang là người hiền đức, nên dùng kỹ thuật nấu ăn cao siêu của mình để tiếp cận Thương Thang. Ông thuyết phục Thương Thang vì nghĩa mà thế chỗ vua nhà Hạ.
Thương Thang hỏi Y Doãn việc thiên hạ đại sự. Y Doãn nói: Nấu ăn vừa không thể quá mặn cũng không thể quá nhạt, nêm nếm gia vị phải thích hợp mới được. Trị quốc cũng giống như nấu ăn, vừa không thể vội vàng hấp tấp cũng không thể chậm trễ buông lơi, chỉ có thỏa đáng mới có thể trị vì tốt. Chỉ khi biết rõ cái gì là chính yếu cái gì là thứ yếu, thứ gì được đặt lên trước thứ gì cần đặt sau, nắm chắc được sự thích hợp thì việc trị vì mới thông đạt, lòng dân mới vui hòa.
Y Doãn còn nói với Thương Thang rằng: “Ngài muốn trở thành Thiên tử thì phải thi hành nền chính trị nhân từ, làm cho bách tính của ngài có cuộc sống tốt, dân chúng an cư lạc nghiệp, tín nhiệm ngài”.
Thương Thang tôn Y Doãn làm Tể tướng. Dưới sự trợ giúp của Y Doãn, Thương Thang đánh dẹp Hạ Kiệt, thống nhất thiên hạ, thành lập vương triều nhà Thương. Y Doãn cũng trở thành đệ nhất hiền tướng của nhà Thương.
Trong lịch sử nhiều vị hiền thần cũng cho rằng đạo trị quốc cốt yếu là ở an dân. Thời Minh Thần Tông, Trương Cư Chính làm thủ phụ nội các, là một người nhiều lần nhắc đến điều này, như trong “Trương văn trung công toàn tập”, ông viết: “Dùng người và an dân chính là chuẩn tắc trị vì muôn đời” hay trong “Đáp phúc kiến tuần phủ cảnh sở đồng”, ông cũng viết: “Đạo trị vì, không gì ngoài an dân. Đạo an dân là ở chỗ xem xét nỗi khổ của dân”.
Từ tư tưởng an dân của mình, Trương Cư Chính nói: “Trị một nước loạn, nếu dùng hình phạt hà khắc thì kẻ xấu không sợ, dân lành không theo”. Trong năm đầu Vạn Lịch, Trương Cư Chính không chỉ đem quân bình loạn, mà còn tìm hiểu nguyên nhân sâu xa đằng sau. Ông viết: “Dân loạn lạc đều là do tham quan bóc lột, bên trên không cứu tế mà ngang ngược thôn tính, dân nghèo không có nơi nương tựa”.
Trương Cư Chính vì an dân mà dám nhìn thẳng vào những khuyết điểm của triều đình. Đồng thời ông cũng chỉ ra những thói xấu cần sửa đổi đang tồn tại trong xã hội. Ông đề xuất phải có sổ sách ghi chép mọi công việc của nha môn, làm cũng ghi mà không làm cũng ghi, làm đến đâu ghi đến đấy, bất cứ làm việc gì cũng phải nghiêm túc. Ông cũng đưa ra ý kiến phải xác định chức trách của nha môn, làm tốt sẽ được thăng thưởng, làm không tốt phải bị trừng phạt. Ngoài ra, các quan cũng phải chịu sự kiểm tra, nếu không phù hợp sẽ bị cách chức. Nhờ đề xuất của Trương Cư Chính, việc triều chính được cải thiện, các quan lại cũng e dè, không dám làm việc tùy tiện, tham ô như trước.
Năm Vạn Lịch thứ 8, Trương Cư Chính hạ lệnh cho Bộ Lại kiểm tra chuyện tham nhũng, lạm chi, giả chi ở nha môn, kết quả là 156 quan viên bị giáng chức. Năm Vạn Lịch thứ 9, ông cho sa thải một loạt quan chức lớn, khiến cho tổng số quan lại trong nước giảm từ hơn 12 vạn người xuống còn 9 vạn 8 nghìn người, tiết kiệm được rất nhiều chi phí. Ngoài ra ông cũng sửa nhiều chính sách thuế nhằm có lợi cho dân chúng, đặc biệt là dân nghèo.
Trương Cư Chính cho rằng “an dân” và dùng người tài là có mối quan hệ mật thiết. Ông ví việc quản lý triều chính giống như đánh xe trên đường. Người đánh xe thông minh sẽ không cho ngựa và trâu cùng kéo xe. Làm như vậy không chỉ vô bổ mà rất có thể còn khiến cho xe lật người vong. Quản lý triều chính cũng giống như chỉ huy một dàn nhạc, không thể xếp người chơi tốt với người chơi dở cùng diễn tấu một bản nhạc, như thế sẽ khiến bản nhạc rối loạn, lộn xộn.
Trương Cư Chính dùng cách ví von ấy để nói rằng triều đình dùng người phải công chính liêm minh, chọn dùng hiền thần, trừ bỏ gian thần. Nếu để cho gian thần và hiền thần làm việc cùng nhau thì chẳng khác nào để trâu và ngựa cùng kéo xe, kết quả sẽ khiến triều đình rối loạn, dân chúng bất an, từ đó mà mất nước.
Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Lã Thị Xuân Thu lòng dân đạo trị quốc