Bà Ginsburg qua đời: Vị trí Thẩm phán quan trọng thế nào với Mỹ?
- Nhị Đại Gia
- •
Ngày 18/9, Thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ Ruth Bader Ginsburg qua đời vì bệnh ung thư tuyến tụy. Là đất nước ưa kiện tụng nhất thế giới, hoàn toàn xác đáng khi hình dung về tầm quan trọng của thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ là “quyền cao chức trọng”. Sự qua đời bất ngờ của bà Ginsburg sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến đường hướng chính trường Mỹ trong thời gian dài sắp tới, cũng như cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp diễn ra.
Những ai là fan của điện ảnh hay chủ nghĩa nữ quyền chắc hẳn đã từng nghe đến cái tên Ruth Bader Ginsburg. Trong 9 Thẩm phán Tòa án tối cao Mỹ, từng có 3 người là nữ, một trong số đó là bà Ginsburg. Hollywood có bộ phim đặc sắc “Trên cơ sở giới tính” (On the Basis of Sex) đã khiến nữ luật sư tốt nghiệp trường Luật Harvard này, một người từ thời trẻ đã bị ám ảnh bởi vấn đề quyền bình đẳng, trở thành cái tên quen thuộc khắp thế giới.
Cái chết đột ngột của bà có lẽ không chỉ khiến giới nữ quyền bị mất một người mang tính biểu tượng, mà quan trọng hơn, có thể là đòn nặng đánh vào đảng Dân chủ trong thời điểm hiện nay, ở một mức độ nào đó có thể mang hiệu ứng tác động nhạy cảm về xu hướng của toàn nước Mỹ trong thời gian dài. Thậm chí có thể cho rằng gián tiếp giúp ông Trump và đảng Cộng hòa. Tại sao có thể tuyên bố như vậy?
Chúng ta biết rằng trong hệ thống tam quyền phân lập của Mỹ thì Nhà Trắng nắm quyền hành pháp, Quốc hội nắm quyền lập pháp, và tòa án nắm quyền tư pháp. Ở Mỹ thì Tòa án Tối cao có địa vị siêu việt, đó là tòa án duy nhất được thành lập đặc biệt theo Hiến pháp Mỹ, trong khi các tòa án khác do Quốc hội thành lập. Tòa án Tối cao có Quyền diễn giải cuối cùng (The right of final interpretation) đối với tất cả các luật liên bang bao gồm cả Hiến pháp Mỹ. Thẩm phán Tòa án tối cao được đặc biệt xem là “Công lý” (Justice), trong khi thẩm phán các tòa án cấp dưới chỉ có thể được gọi là “Phán định” (Judge).
Tòa án Tối cao Mỹ có 01 Thẩm phán cao nhất (Chánh án) và 8 Thẩm phán cấp dưới. Lý do số lượng thẩm phán là số lẻ vì để tránh trường hợp khi biểu quyết xảy ra vấn đề nan giải hai xu hướng giữa hai bên cân bằng nhau. Trong hệ thống án lệ của Vương quốc Anh và Mỹ thì Thẩm phán là một nghề có tính chuyên môn đặc biệt cao, vừa đòi hỏi kiến thức chuyên môn phong phú vừa phải tích lũy đủ kinh nghiệm. Do đó, không giống bầu cử vào vị trí hành chính theo định kỳ, nhằm đảm bảo vị thế độc lập cho Thẩm phán không bị ảnh hưởng bởi các đảng phái, chính phủ và tổ chức nào đó, thẩm phán Mỹ là chức vụ trọn đời. Nghĩa là, một khi được bổ nhiệm, chỉ cần bản thân người đó không tự xin nghỉ thì có thể giữ chức vụ cho đến khi qua đời.
Ở Mỹ, các thẩm phán do Tổng thống Mỹ đề cử và chỉ có thể được bổ nhiệm sau khi thông qua tại Thượng viện. Nhưng một khi đã nhậm chức thì Thẩm phán hoàn toàn không chịu kiểm soát từ bộ máy hành chính. Do đó, dù có là tổng thống nhưng không phải lúc nào bạn cũng có cơ hội để đề cử Thẩm phán. Chỉ khi nào vị trí thẩm phán bị khuyết, như bị Quốc hội luận tội và kết tội, hay chủ động xin nghỉ hưu hoặc qua đời thì họ mới có cơ hội để bổ khuyết vị trí trống.
Vậy tại sao trong chính trị lưỡng đảng ở Mỹ vấn đề bầu chọn Thẩm phán lại quan trọng đặc biệt như vậy? Xin tùy tiện nêu ví dụ. Trong bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2000, tỷ lệ ủng hộ ứng cử viên đảng Dân chủ Al Gore và ứng cử viên đảng Cộng hòa Bush (con) đã luôn rất sát sao nhau, chỉ chênh lệch “vài milimet”, quyết định cuối cùng là ở bang Florida, kết quả bỏ phiếu cho thấy Bush dẫn trước Al Gore chưa đến 1.000 phiếu. Do số phiếu ít ỏi này mà thua cuộc nên đương nhiên Gore không phục, đã kiện lên tòa phúc thẩm yêu cầu kiểm phiếu lại. Vụ kiện đã được đưa lên Tòa án Tối cao, và cuối cùng yêu cầu của Gore đã bị từ chối với tỷ lệ thua mong manh tại Tòa án Tối cao là 5:4, như vậy thực tế trường hợp này là chính các thẩm phán đã quyết định vị trí chức vụ tổng thống. Và Gore cũng không còn lựa chọn nào khác phải tuyên bố thất bại.
Vì Mỹ là đất nước theo án lệ nên phán quyết của Tòa án Tối cao phải thực thi, rất khó để lật lại. Điều này sẽ tạo ảnh hưởng lâu dài đến toàn bộ đất nước. Ví dụ thành tựu chính trị quan trọng nhất của Obama: cải cách y tế chỉ được thực hiện sau khi Tòa án Tối cao thừa nhận là phù hợp Hiến pháp. Một ví dụ khác là khi Trump mới nhậm chức đã từng muốn bãi bỏ “Chương trình trì hoãn hành động đối với người nhập cư vào Mỹ khi còn nhỏ” (DACA) của đảng Dân chủ, nhưng Tòa án Tối cao đã bác bỏ, khiến Trump phải than thở: “Có vẻ như Tòa án Tối cao không thích tôi?”
Chính vì uy quyền tột đỉnh của Tòa án Tối cao Mỹ trong đời sống chính trị Mỹ, bất kể tổng thống nào nhậm chức cũng xem việc đề cử Thẩm phán là chuyện hệ trọng, thường chọn thẩm phán gần với lập trường chính trị của đảng mình. Bởi lẽ thời hạn đối với chức vụ Thẩm phán là trọn đời nên có thể nói việc chọn thành công một người sẽ mang lại lợi ích lâu dài. Vì vậy, lần trước khi Trump đề cử Kavanaugh làm Thẩm phán, đảng Dân chủ như gặp đại thù địch, thậm chí dùng cáo buộc tấn công tình dục để ngăn chặn đề cử, nhưng cuối cùng Trump đã thành công.
Vậy thì hai đảng dựa vào tiêu chí nào để lựa chọn Thẩm phán?
Bản thân thẩm phán không có bất kỳ quy định cứng nào, các thẩm phán khác nhau có cách hiểu và thực thi pháp luật khác nhau; thông thường được chia thành phe bảo thủ, phe ôn hòa, và phe tự do. Điều gọi là bảo thủ không hàm nghĩa là tư tưởng bảo thủ mà chủ yếu là khi phán quyết chú ý hơn đến ý nghĩa gốc trong văn bản pháp lý chứ không tùy ý mở rộng diễn giải; gọi là phái tự do là nhấn mạnh đến người xem trọng đổi mới về khái niệm, thường có những cách giải thích vượt ra ngoài các quy tắc cũ trong việc áp dụng pháp luật. Còn phe ôn hòa thì ở đâu đó giữa hai phe.
Tại Mỹ hiện nay thì đảng Cộng hòa được xem là đảng Bảo thủ, và thẩm phán do đảng đề cử đương nhiên là người hướng bảo thủ; đảng Dân chủ được coi là đảng Tự do và thẩm phán do họ đề cử đương nhiên là người theo chủ nghĩa tự do. Khi tranh chấp giữa hai đảng không phân thắng bại thì đề cử khó thông qua, sẽ phải dựa vào người ôn hòa. Nhưng thực tế bầu không khí chính trị hiện nay của Mỹ đã không còn ôn hòa.
Trước đó trong Tòa án Tối cao Mỹ thì tỷ lệ phe bảo thủ so với phe tự do là 5:4, hiện giờ bà Ginsburg đã qua đời thì ông Trump có một đề cử cực kỳ hiếm hoi khi nhiệm kỳ đầu tiên của ông chỉ còn chưa đầy 3 tháng. Hiển nhiên ông sẽ đề cử người mình ưa thích, trường hợp này xảy ra thì tỷ lệ giữa người bảo thủ và tự do có khả năng là 6: 3 đầy áp đảo, sẽ ảnh hưởng sâu sắc đối với xu hướng lâu dài của chính trường Mỹ. Nếu đảng Dân chủ muốn đảo ngược tình thế, e rằng trong ngắn hạn sẽ khó đạt được.
Vốn lẽ trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, tình trạng chuyển hướng mạnh mẽ khiến chủ nghĩa bảo thủ cũng trở lại mạnh mẽ trong bầu không khí văn hóa chính trị xã hội Mỹ, tiếp cận gần gũi hơn với hệ giá trị của người Mỹ thời Tổng thống Reagan. Nếu giờ đây lại có được một lợi thế mang tính quyết định ở Tòa án Tối cao thì không khí văn hóa chính trị xã hội Mỹ chuyển hướng cánh hữu trở thành xu thế lớn.
Cuối cùng cần nhận định rằng, bà Justice Ginsburg thực sự là nữ thẩm phán rất đáng kính trọng có tầm vóc của một huyền thoại, những nỗ lực gian khổ vì bình đẳng nam nữ, bình đẳng chủng tộc, bình đẳng giai cấp mà bà hoài bão từ thời trẻ thực sự là câu chuyện rất đáng để lưu danh. Tôi nghĩ không chỉ người Mỹ sẽ nhớ đến bà, mà nhiều thế hệ sau cũng sẽ không quên bà.
Nhị Đại Gia
(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của cá nhân tác giả, đường dẫn bài gốc tại đây)
Xem thêm:
Từ khóa Ruth Bader Ginsburg Thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ