2016 8 10 minghui beijing lili 13 ss
Ảnh minh họa: Lao động cưỡng bức trong nhà tù ĐCSTQ (Ảnh: Minghui.org).

Tại sao thu nhập của cai ngục Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cao gấp mấy lần, thậm chí mấy chục lần so với công chức bình thường? Có bí mật ẩn nào đằng sau thu nhập cao của các công ty nhà tù của ĐCSTQ?

“Ý kiến ​​chỉ đạo về công tác thí điểm cải cách hệ thống trại tù của Hội đồng Nhà nước được Bộ Tư pháp phê duyệt và chuyển giao” ban hành ngày 31/1/2003 của nước này nêu rõ “... hoạt động sản xuất của các xí nghiệp trại tù đã mang lại lợi nhuận to lớn cho nhà tù và lợi ích thiết thực cho cảnh sát trại giam. Do vậy mà thu nhập của cảnh sát trại giam cao gấp mấy lần, thậm chí mấy chục lần so với công chức bình thường.”

Screen Shot 2020 09 17 at 8.07.33 PM
Ảnh chụp màn hình bài báo “Ý kiến ​​chỉ đạo về công tác thí điểm cải cách hệ thống nhà tù của Hội đồng Nhà nước được Bộ Tư pháp phê duyệt và chuyển giao” của ĐCSTQ. (Ảnh: Tổ chức Truy xét quốc tế)

Cư dân mạng Đại Lục: Thu nhập hàng năm của mỗi cai ngục có thể đạt 300.000 NDT trở lên

Ngày 5/1/2020, một bài báo trên trang web tài chính đại lục c1s.com dẫn lời cư dân mạng zhizhanglilun cho biết: “Anh họ của tôi được nhận vào làm tại nhà tù tỉnh cách đây vài năm. Sau khi chuyển sang một chức vụ nhỏ trong biên chế, thu nhập (bao gồm quỹ hỗ trợ nhà ở và trợ cấp tiền nhà) là 300.000 Nhân dân tệ (khoảng hơn 1 tỷ VND). Sau đó đã mua một căn nhà để ở gần nơi làm việc (thành phố cấp ba), cuộc sống còn khấm khá hơn so với công chức chúng ta.”

Cư dân mạng kakaguoguo chia sẻ: “Có thể hiểu là, thu nhập của cảnh sát trại giam quốc gia tỷ lệ thuận với trình độ kinh tế địa phương. Lấy thu nhập sau thuế hàng năm của giám thị (quản giáo) cấp ba mới vào làm ví dụ: Tại thành phố cấp một (Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến…) khoảng 300.000 Nhân dân tệ (NDT), miền nam Giang Tô: khoảng 250.000, miền bắc Giang Tô: ít hơn 200.000, Chiết Giang là 200.000. Giang Tây là mức cao nhất ở miền trung, gần bằng Giang Tô.”

Cư dân mạng Daihuanggou cho biết: “Các nhà tù chủ yếu là đơn vị tỉnh, một số ít là đơn vị thành phố. Có nhiều loại trợ cấp như: trợ cấp cấp bậc cảnh sát, trợ cấp nghĩa vụ… Ở tỉnh tôi, các cảnh sát bình thường (quản giáo) khoảng 35 tuổi, có thu nhập trước thuế hàng năm là con số khá ấn tượng, vào khoảng 280.000 NDT.”

Thu nhập cao của quản giáo đến từ nguồn thu lớn của các trại giam. Điều ít được biết đến là các ông chủ nhiều công ty lớn ở Trung Quốc hiện nay, một số đồng thời cũng là quản lý và giám đốc trại giam của ĐCSTQ.

Lợi nhuận khổng lồ của các doanh nghiệp nhà tù

Theo số liệu do Bộ Tư pháp ĐCSTQ cung cấp, “Tổng giá trị sản lượng của các xí nghiệp trại giam trên toàn quốc tăng từ 2,77 tỷ NDT (năm 1984) lên 11,72 tỷ NDT (năm 2001), tăng hơn 4 lần; tài sản cố định tăng từ 3,4 tỷ NDT lên 11,6 tỷ NDT.”

Tạp chí Lens, Trung Quốc từng đưa tin: “Vào thời kỳ đỉnh cao, Trại tù Mã Tam Gia có hơn 5.000 lao động tù nhân không lương, tạo ra nguồn lợi khổng lồ… (gồm lợi nhuận từ hàng hóa khẩu) tổng giá trị sản lượng một năm gần 100 triệu NDT (tương đương 342 tỷ VND).”

Theo thông tin của Tổ chức Quốc tế Điều tra Cuộc đàn áp Pháp Luân Công (Gọi tắt là Truy xét quốc tế WOIPFG), Tổng giám đốc Tất Khả Kính (Bi Kejing) của Công ty TNHH Sản xuất Ô tô Tề Lỗ trực thuộc Nhà tù tỉnh Sơn Đông đồng thời kiêm Giám đốc trại tù, tổng giá trị sản lượng công nghiệp năm 2011 của công ty này là 1,25 tỷ NDT (tương đương 4.280 tỷ VND) và doanh thu bán hàng là 1,46 tỷ NDT.

Công ty TNHH Tập đoàn Hoàn Trung trực thuộc Cục quản lý nhà tù tỉnh An Huy. Chủ tịch công ty, Hứa Hiểu Cương (Xu Xiaogang), đồng thời là giám đốc Cục quản lý nhà tù tỉnh An Huy. Công ty này được thành lập vào tháng 12/1996, với 19 công ty con, phân bố ở 11 thành phố và quận trong tỉnh, với hơn 7.000 công nhân xí nghiệp và 47.000 tù nhân. Theo Bách khoa toàn thư Baidu, thu nhập hoạt động năm 2007 của công ty này là 1,44 tỷ NDT (tương đương gần 5000 tỷ VND), lợi nhuận là 82 triệu NDT, thuế là 70,9 triệu NDT.

 

Công ty TNHH Tập đoàn Hòa Cường trực thuộc Cục quản lý nhà tù tỉnh Tứ Xuyên có ít nhất 43 công ty con. Tổng giám đốc của công ty Tằng Vĩnh Trung (Zeng Yongzhong) cũng từng là phó giám đốc và ủy viên đảng của Cục quản lý nhà tù tỉnh Tứ Xuyên. Công ty được thành lập vào tháng 11/2011. Tính đến ngày 3/12/2017, tổng tài sản nhà nước của các xí nghiệp trại giam trong tỉnh đạt 3,485 tỷ NDT, trong đó tổng vốn nhà nước là 1,47 tỷ NDT, tăng 320 triệu NDT so với mức 1,15 tỉ NDT tại thời điểm thành lập công ty (tăng 27,82%). Lĩnh vực kinh doanh bao gồm: sản xuất thiết bị điện tử; phát điện thủy lực, phòng ở; dệt may gia công quần áo; vật liệu xây dựng, sản phẩm nhựa, nhu yếu phẩm, đồ dùng hàng ngày; bán lẻ thực phẩm đóng gói sẵn, sản phẩm từ sữa; bán lẻ thuốc lá điếu, xì gà…

Công ty TNHH Gia công hàng may mặc Hồng Thông Linh Nguyên trực thuộc nhà tù số 1 Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, có 18 công ty con thuộc doanh nghiệp do nhà tù quản lý. Tổng giám đốc công ty Lưu Quý Mãn (Liu Guiman) đồng thời cũng là quản giáo của nhà tù thứ năm Linh Nguyên. Hoạt động của công ty bao gồm: gia công quần áo; gia công sản phẩm dệt thoi; sản xuất hành lý; vật liệu giày, vật liệu bóng, chế biến thủ công mỹ nghệ; chế biến thay thế gỗ; sản xuất và kinh doanh phụ tùng ô tô; thiết bị điện, vật liệu xây dựng phần cứng, thiết bị may và bán phụ tùng; Gia công sản phẩm… 

Bóc lột lao động tù nhân sản xuất hàng xuất khẩu để thu gom ngoại hối

Vào năm ngoái, anh Vũ Minh, một người tập Pháp Luân Công đã nhiều lần bị giam giữ tại Trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia, hiện đang sống ở Hoa Kỳ, đã phát hành một đoạn video được bí mật ghi lại cho thấy, năm 2008, trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia đã sản xuất đèn điốt và bán ra thị trường quốc tế.

Tháng 5/2016, Ngân hàng Thế giới công bố báo cáo “Giàu lên nhờ may mặc” cho biết, xuất khẩu quần áo của Trung Quốc chiếm 41% xuất khẩu quần áo của thế giới. Một người giấu tên trong ngành công nghiệp quần áo nói rằng, sản xuất quần áo từ hệ thống nhà tù của Trung Quốc chiếm khoảng 10% sản lượng quần áo của cả nước, có nghĩa là sản phẩm quần áo do tù nhân Trung Quốc sản xuất chiếm khoảng 4% tổng sản lượng của thế giới.

Tài liệu của Tổ chức Truy xét Quốc tế cho thấy, các nhà tù số 1, số 4, số 5 và số 7 của Chiết Giang có mối quan hệ làm ăn lâu dài với Công ty TNHH Quần áo Cù Châu Hạo Long. Trong quảng cáo của công ty này nêu rõ, đơn đặt hàng chủ yếu được sản xuất trong các nhà máy và nhà tù của riêng họ, với hơn 20.000 “nhân viên gia công” thuộc nhà tù. “Nhà máy của chúng tôi hiện có 70% thị trường Pháp, 20% thị trường Mỹ, và 10% thị trường nội địa. Thị trường Mỹ hiện chỉ  gia công cho một vài thương hiệu thuộc khuôn khổ COSCO.”

Mặc dù tháng 2/2016, cựu Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã ký một dự luật thương mại cấm nhập khẩu bất kỳ sản phẩm nào có nguồn gốc từ lao động tù nhân và trẻ em, tuy nhiên các nhà tù, trại lao động và trung tâm giam giữ của ĐCSTQ luôn luồn lách bằng các hợp đồng phụ để che đậy các địa điểm sản xuất thực sự, tiếp tục sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm bóc lột lao động tù nhân.

Epoch Times đưa tin, Fred Rocafort, một cựu quan chức ngoại giao Mỹ hiện làm việc cho Công ty Luật Quốc tế Harris Bricken cho biết, các công ty nước ngoài thường thuê công ty Trung Quốc gia công sản phẩm cho họ. Các công ty Trung Quốc trung gian này sau đó sẽ hợp đồng lại với các công ty sử dụng tù lao động hoặc ký trực tiếp với các trại tù.

Tù nhân lao động đã mang lại lợi nhuận và ngoại hối khổng lồ về cho các nhà tù của ĐCSTQ. Vậy ĐCSTQ trả thù lao cho những lao động tù nhân này như thế nào?

 

Tiền lương của lao động tù là bao nhiêu?

Sau đây là thu nhập từ của các lao động tù trong 12 nhà tù do Minghui.com (một trang web chính thức của người tập Pháp Luân Công) đưa ra:

Screen Shot 2020 09 17 at 7.44.08 PM
(Ảnh:minghui.org)

Bà Lý Điện Cầm, một người tập Pháp Luân Công hiện sống ở New York, từng bị giam giữ tại Nhà tù nữ Liêu Ninh từ năm 2007 – 2010, bà bị bắt ép phải may quần áo rẻ tiền, từ áo lót đến quần tây. Mỗi ngày, bà làm việc không lương 17 giờ, nếu không đạt chỉ tiêu, sẽ phải đối mặt với sự trừng phạt của quản giáo.

Pháp Luân Công là một môn pháp tu luyện được truyền ra từ những năm 90 tại Trung Quốc, gồm năm bài tập giúp cơ thể nhẹ nhàng, đầu óc minh mẫn và thực hành tu luyện tâm tính theo nguyên lý “Chân – Thiện – Nhẫn”. Tháng 5/1998, Tổng cục Thể thao Trung Quốc từng tiến hành khảo sát toàn tỉnh Quảng Đông, kết luận rằng Pháp Luân Công giúp trị bệnh và rèn luyện sức khỏe hiệu quả đến 97,9%.

Theo thống kê của Trung Quốc trước năm 1999, số học viên theo học Pháp Luân Công khoảng 70 – 100 triệu, nhiều hơn số lượng đảng viên ĐCSTQ vào thời điểm đó. Điều này khiến chế độ độc tài sợ hãi, kể từ năm 1999 đến nay, chính quyền Trung Quốc đã phát động và tiếp tục đàn áp Pháp Luân Công trên quy mô lớn.

“Đó không phải là nơi con người ở,” bà Lý Điện Cầm nói. “Họ bắt chúng tôi phải làm việc như súc vật, ăn thứ thức ăn không bằng đồ cho lợn.” 

Có lần, một nhóm khoảng 60 công nhân không hoàn thành chỉ tiêu đã bị buộc phải làm việc liên tục ba ngày mà không được phép ăn uống hay đi vệ sinh. Lính canh sẽ sốc điện bất cứ ai ngủ gật.

 

Người tập Pháp Luân Công bị bức ép làm việc quá sức, thậm chí chết vì kiệt sức

Tổ chức Truy xét Quốc tế cho biết, kết quả điều tra thể hiện, trong chuỗi công nghiệp lao động nô lệ khổng lồ của ĐCSTQ, lao động tù nhân bao gồm Pháp Luân Công, tù tôn giáo, luật sư nhân quyền, nhóm tín ngưỡng khác… trong đó Pháp Luân Công là nhóm bị bức hại nặng nề nhất.

Theo một báo cáo từ trang Minghui.org công bố năm 2013, trong số 3.653 trường hợp bị bức hại đến chết trong các trại tù, có 221 trường hợp là người tập Pháp Luân Công bị bức lao động liên tục, gục chết do kiệt sức.

Trong số những trường hợp tử vong nêu trên, có 47% người tập Pháp Luân Công bị cưỡng bức lao động hơn 10 giờ mỗi ngày; 32% bị cưỡng bức lao động trong tình trạng sức khỏe cực kỳ yếu hoặc đang bệnh nặng.

WOIPFG kêu gọi quốc tế ngưng sử dụng các sản phẩm từ bóc lột lao động tù nhân của ĐCSTQ

Ngày 14/9, chính quyền Tổng thống Trump tuyên bố sẽ ngăn Hoa Kỳ nhập khẩu bông, quần áo và các sản phẩm khác từ 4 công ty ở khu vực phía tây Tân Cương. Tuy nhiên, đề xuất cấm nhập khẩu bông và các sản phẩm cà chua được sản xuất trên khắp Tân Cương đã tạm thời bị hoãn lại.

Tháng Bảy năm nay, Chính phủ Hoa Kỳ đã liệt một số công ty quần áo nổi tiếng vào danh sách đen vì vấn đề lao động tù nhân ở Tân Cương.

Báo cáo năm 2019 của Tổ chức Truy xét Quốc tế “Ngành công nghiệp quốc gia dựa trên lao động tù nhân — Vũ khí bí mật trong chiến tranh thương mại của ĐCSTQ” đã liệt kê 681 doanh nghiệp sử dụng lao động tù nhân thuộc sở hữu nhà nước ở 30 tỉnh, thành phố và khu tự trị của Trung Quốc.

Chủ tịch Tổ chức Truy xét Quốc tế, ông Uông Chí Viễn cho biết, “ĐCSTQ xuất khẩu các sản phẩm lao động tù nhân ra khắp thế giới. Khi mọi người sử dụng những sản phẩm được quảng cáo là ‘chất lượng tốt và giá rẻ’ này, họ không ngờ đến tội ác xấu xa đằng sau chúng.”

“Tổ chức Truy xét Quốc tế mạnh mẽ kêu gọi Hoa Kỳ và chính phủ các quốc gia khác nhìn thẳng vấn đề và ngăn chặn các sản phẩm lao động tù nhân của ĐCSTQ xâm nhập vào Hoa Kỳ và các thị trường quốc tế”,  ông Uông Chí Viễn cho hay.

Diệp Phong / Epoch Times

Xem thêm: