Blog: Xét về khía cạnh này, người Trung Quốc không được như người Iran
- Tử Long
- •
Mahsa Amini, một phụ nữ Iran bình thường, thuộc nhóm dân tộc thiểu số, đã khiến người Iran không phân biệt giới tính và chủng tộc đoàn kết lại với nhau để biểu tình chống lại chế độ độc tài Iran. Lòng dũng cảm của người dân Iran khiến bình minh đang trở lại với quốc gia này.
Đã hơn 15 ngày kể từ khi các cuộc biểu tình quy mô lớn ở Iran bắt đầu, khi cô Mahsa Amini (22 tuổi) bị cảnh sát Iran đánh vì đeo khăn trùm đầu không phù hợp. Amini qua đời sau 3 ngày hôn mê. Cái chết của cô đã trực tiếp dẫn đến các cuộc biểu tình lớn ở Iran.
Các cuộc biểu tình nhanh chóng lan đến 31 tỉnh ở Iran, đám đông tham gia đã bao phủ hầu hết các tầng lớp xã hội ở nước này. Toàn bộ cuộc biểu tình ban đầu là để đòi công lý cho cô Amini, nhưng điều mà các nhà chức trách không ngờ đến là cuộc biểu tình đã sớm biến thành một phong trào chính trị, đòi Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei phải từ chức.
Đây không phải là lần đầu tiên dư luận chĩa mũi dùi vào Chính phủ. Kể từ khi Hoa Kỳ tái khởi động lệnh cấm vận dầu mỏ Iran, nền kinh tế trong nước của Iran đã bị ảnh hưởng nặng nề. Dầu mỏ là mạch máu của nền kinh tế nước này. Đồng tiền của Iran giảm mạnh sau lệnh cấm vận, vật giá leo thang và lạm phát nghiêm trọng đã xảy ra.
Ngày 28/12/2017, một cuộc biểu tình đã diễn ra tại Mashhad, thành phố lớn thứ 2 của Iran. Ban đầu người dân biểu tình phản đối khó khăn về kinh tế và nạn tham nhũng, giống như vụ của cô Amini, người dân Iran cũng chĩa mũi dùi vào Chính phủ.
Năm 2019, tại thành phố Mahshahr, miền nam Iran, do không hài lòng với kế hoạch tăng giá xăng của Chính phủ, các cuộc biểu tình nhanh chóng trở thành cuộc biểu tình chính trị quy mô lớn. Người dân hô hào chống lại Tổng thống Iran khi đó là ông Hassan Rouhani và Lãnh tụ Tối cao Khamenei.
Sự kiện năm 2019 được Chính phủ Iran coi là cuộc biểu tình tồi tệ nhất trong 40 năm qua, theo New York Times. Người biểu tình xung đột dữ dội với Chính phủ, thậm chí họ còn suýt chiếm được kho vũ khí của Chính phủ. Cuối cùng nhà cầm quyền phải cử Vệ binh Cách mạng đến trấn áp biểu tình, riêng quân Chính phủ đã giết hơn 100 người biểu tình ở Mahshahr.
Không khó để nhận thấy một khuôn mẫu từ điều này, nhưng bất kỳ cuộc biểu tình nào cũng có thể dễ dàng trở thành một chuỗi các cuộc biểu tình trên toàn quốc, kêu gọi Chính phủ từ chức. Dù lần nào nhà cầm quyền cũng dùng vũ lực đàn áp, nhưng các cuộc biểu tình chống chính quyền vẫn không hề suy yếu, mà còn thường khiến nhà cầm quyền phải lúng túng.
Dẫu thất bại liên tiếp nhưng người dân Iran vẫn lần lượt tham gia vào các hoạt động chống Chính phủ. Điều khiến người Trung Quốc cảm thấy xấu hổ, là người dân Iran đã không thỏa hiệp khi đối mặt với họng súng, thay vào đó họ càng trở nên can đảm hơn.
Ít nhất 41 người đã thiệt mạng trong tuần đầu tiên của các cuộc biểu tình lần này, nhưng trong tuần thứ 2 thanh thế của các cuộc biểu tình thậm chí còn lớn mạnh hơn. Cuối tuần qua, tại Toronto, Canada, hơn 50.000 người Iran đã xuống đường biểu tình, phản đối việc quân đội Iran đàn áp người dân.
Ngoài ra, phụ nữ Iran cũng đi đầu trong cuộc biểu tình này, họ cởi bỏ mạng che mặt và cắt tóc. Phụ nữ làm vậy và đàn ông Iran cũng được khuyến khích. Có những người đàn ông Iran chặn đạn cao su thay cho những người phụ nữ biểu tình.
Ở nhiều nơi, những bức chân dung của ông Khamenei đã bị người dân phẫn nộ xé nát. Dù cuộc biểu tình này thất bại, thì hành vi chống Chính phủ của người dân từ lâu đã không thể ngăn cản.
Gần đây, nữ Nghị sĩ Iran Faezeh Hashemi Rafsanjani đã bị Chính phủ bắt giữ vì tình nghi kích động “côn đồ” biểu tình. Những lý do mà các nhà chức trách đưa ra giống với “tội kích động” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Tuy nhiên, thân thế của Faezeh không hề đơn giản, cô là con gái của ông Akbar Hashemi Rafsanjani – cựu Tổng thống phe tự do của Iran.
Nghĩa là, “thế hệ thứ hai” của Iran cũng đã đứng lên đấu tranh giành quyền lực cho phụ nữ. Điều này khiến “thế hệ đỏ thứ 2” (con em cán bộ cách mạng cấp cao) và quan chức đời thứ 2 của Trung Quốc Đại Lục phải hổ thẹn.
Sau khi so sánh, không khó để đưa ra kết luận, dựa trên những đặc điểm trong phong trào chống bạo lực của người dân Iran, tương lai đất nước này vẫn còn nhiều hy vọng.
Nhìn lại “cái chết của Amini“, ngòi nổ của cuộc biểu tình, cô không phải là người gốc Ba Tư, mà là người Kurd ở Iran. Hầu hết người Kurd tin theo đạo Hồi, không giống như người Iran thuộc dòng Shia, người Kurd theo dòng Sunni.
91% người Iran thuộc dòng Shia, 7,8% người Iran theo dòng Sunni và chủ yếu là người Kurd. Vì vậy Iran cũng là thành trì của người Shia, về mặt tôn giáo, người Kurd thực sự không được ưa chuộng ở Iran.
Tuy nhiên, Amini, một phụ nữ bình thường thuộc nhóm dân tộc thiểu số, đã khiến người Iran không phân biệt giới tính và chủng tộc đoàn kết lại với nhau, và họ đều chỉ tay vào chế độ độc tài. Điều này thật đáng khâm phục.
Trên thực tế, làm được điều này tưởng chừng dễ dàng, nhưng thực ra lại rất khó. Có thể so sánh đơn giản như, nếu một người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương bị chính quyền đàn áp, liệu có khơi dậy được sự đoàn kết và ủng hộ của mọi người dân Trung Quốc hay không, kết quả chắc chắn là không thể. Xét về khía cạnh này, người Trung Quốc không thể sánh được với người Iran.
Gần đây, liên tục có thông tin cho rằng Lãnh tụ tối cao Iran Khamenei đang lâm trọng bệnh. Trời sẽ giúp những người tự giúp mình, bình minh ở Iran đang trở lại. Kẻ độc tài chỉ có thể bị đẩy xuống mồ chỉ bởi lòng căm thù chung của tất cả mọi người.
Đối mặt với bạo quyền, chỉ biết quỳ gối và cầu xin sự thương xót thì những gì nhận được là sự bắt nạt ngày càng gia tăng của nhà độc tài. Cuối cùng, xin chúc người dân Iran may mắn, và hy vọng rằng người Trung Quốc có thể học hỏi thêm nhiều điều từ lòng dũng cảm của người dân Iran.
Từ khóa biểu tình Iran Mahsa Amini