Chiến lược chiến tranh trên biển của ĐCSTQ
- Trương Lâm
- •
Thời gian gần đây Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã gây nhiều thù địch với cộng đồng quốc tế do chính sách ngoại giao “sói chiến”: chiến tranh với Mỹ ở Biển Đông có thể xảy ra bất cứ lúc nào, bầu không khí ở eo biển Đài Loan ngày càng căng thẳng, tại biên giới Trung – Ấn chỉ trong thời gian ngắn mới đây đã nổ ra hai lần đụng độ có thương vong, hiện lại đang gây rắc rối đối với người Mông Cổ…
Dưới đây là bài viết của Trương Lâm, thể hiện quan điểm cá nhân của riêng tác giả.
Những diễn biến đã gây nhiều thắc mắc không hiểu vì sao Tập Cận Bình lại kiêu ngạo như vậy, dựa vào đâu để tự tin chống lại nhiều nước?
Nếu cho rằng ĐCSTQ tự tin vào dân số đông để có thể gây chiến với Ấn Độ hoặc Việt Nam, vậy thì ĐCSTQ dựa vào đâu để đối đầu với Mỹ trên biển, dựa vào nguồn lực nào để có thể vượt qua eo biển Đài Loan mà chiếm Đài Loan?
Đặc biệt, cho dù hiện nay số lượng tàu chiến của ĐCSTQ đã vượt qua Mỹ và chiếm số một thế giới, nhưng công nghệ của tàu chiến Trung Quốc lại lạc hậu, trang thiết bị lỗi thời, mỗi chiếc tàu chiến lớn của ĐCSTQ đều có thể bị tan tành bởi một tên lửa của Mỹ. Đài Loan cũng có đủ tên lửa đất đối hạm và tên lửa không đối hạm chiến đấu cơ F16 để “phục vụ” quân đội ĐCSTQ.
Một trung sĩ Đài Loan đã nhiều năm phục vụ ở tiền tuyến Kim Môn chia sẻ rằng, ĐCSTQ chủ yếu dựa vào chiến thuật “biển người”. Vào những năm 1980, cứ đến dịp Tết Nguyên Đán là hàng ngàn tàu đánh cá ĐCSTQ lại bao vây đảo Kim Môn, một số lượng khổng lồ đèn đánh cá đã làm sáng cả vùng biển trong những đêm tối.
Những lúc như thế, quân đội Đài Loan thường rất lo lắng, bởi vì họ không biết quân của ĐCSTQ sẽ có hành động gì, trong khi không thể tùy tiện khai hỏa làm châm ngòi cuộc chiến, họ chỉ có thể chờ đợi. Chỉ khi nào tàu đánh cá của ĐCSTQ tiến đến quá gần bờ thì quân Đài Loan mới nổ súng cảnh cáo.
Sau này các lực lượng phòng thủ Đài Loan dần quen với tình trạng hăm he này của quân đội ĐCSTQ, cũng đã xây dựng các biện pháp phòng thủ, bao gồm pháo kích nhanh, đánh chặn bằng súng máy cao xạ và súng máy hạng nặng, thậm chí là triển khai một số lượng lớn bom xăng. Không quân Đài Loan cũng chuẩn bị hệ thống phòng thủ thứ cấp, một khi quân đội ĐCSTQ sử dụng số lượng lớn tàu đánh cá tấn công Đài Loan thì chắc chắn sẽ phải trả giá rất đắt.
Sau khi mãn hạn tù lần thứ tư và lần thứ năm, tôi đã đi khám phá biên giới trên bộ và trên biển phía nam Trung Quốc nhằm tìm hiểu về con đường vượt biên. Nhưng tôi đã thất vọng về vài cảng mà tôi khảo sát. Những chiếc thuyền đánh cá nhỏ mà vốn dĩ trước đây có thể trả tiền đi lậu thì ngày nay đã bị ĐCSTQ phá hủy và cấm hoạt động.
ĐCSTQ đã buộc ngư dân phải sở hữu những chiếc thuyền đánh cá lớn, thông thường giá trị của mỗi chiếc tàu mới là vài triệu nhân dân tệ, cần có hơn chục ngư dân trên tàu. Đặc biệt hơn nữa là quy định mỗi tàu phải có chi bộ Đảng hoặc ít nhất là dân binh đảng viên, vì như vậy thì tàu cá mới nằm trong kiểm soát được.
Trước đây tôi từng nghĩ rằng biện pháp đó của ĐCSTQ chủ yếu là ngăn chặn vượt biên cũng như buôn lậu. Tuy nhiên, kinh nghiệm do cư dân mạng Đài Loan cung cấp cho thấy lý do chính khiến ĐCSTQ làm điều này là vì mục đích quân sự. Một khi rơi vào tình trạng chiến tranh thì quân đội ĐCSTQ có thể đưa hàng trăm ngàn tàu đánh cá như vậy bao vây Đài Loan để tìm khoảng trống cho các hoạt động đổ bộ.
Mặc dù quân đội của ĐCSTQ kết hợp cùng cảnh sát vũ trang và lực lượng đặc biệt chỉ lên tới hơn ba triệu. Tuy nhiên, trong những năm gần đây với sự phát triển mạnh mẽ của nền công nghiệp, khả năng sản xuất vũ khí, tàu và các phương tiện khác của ĐCSTQ đã được cải thiện chưa từng có, giúp bất cứ lúc nào cũng có thể thành lập được một đội quân hàng chục triệu người.
Hiện có khoảng 800.000 tàu đánh cá dọc theo bờ biển Trung Quốc, lực lượng này bất cứ lúc nào cũng có thể được quân đội trưng dụng. Loại tàu đánh cá lớn đó có thể chở cả đội quân Giải phóng cùng súng máy hạng nặng, súng cối và tên lửa nhỏ loại vác vai.
Hơn nữa, những chiếc tàu đánh cá này đã tham gia các cuộc diễn tập quân sự do quân đội ĐCSTQ tài trợ và có ý thức chiến đấu cần thiết. Một khi chiến tranh nổ ra có thể trở thành lực lượng vũ trang hùng mạnh và đáng sợ nhất của quân đội ĐCSTQ!
Tất nhiên, những tàu đánh cá này không có phương tiện bảo vệ nên rất dễ bị đánh chìm, gây thương vong nặng nề. Nhưng vấn đề là sử dụng chiến thuật “biển người” luôn là truyền thống của quân đội ĐCSTQ. Từ chiến thuật “biển người” đến chiến thuật tàu biển đều thể hiện một lối tư duy của ĐCSTQ: xem quân dân như con kiến để chà đạp và làm bia đỡ đạn! ĐCSTQ luôn coi thường tính mạng con người và không quan tâm đến mức độ thương vong, miễn là có thể giành được thắng lợi.
Nhận rõ vấn đề này, quân đội Mỹ trên Biển Đông đã lên tiếng cảnh báo rõ ràng: Trong mọi trường hợp, tàu cá Trung Quốc không được tiếp cận tàu chiến Mỹ, nếu không sẽ bị đánh chìm mà không cần cảnh báo trước!
Trương Lâm
(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của cá nhân tác giả, được đăng lại bởi Epoch Times)
Xem thêm:
Từ khóa biển Đông tàu cá Trung Quốc Xung đột biển Đông Chiến lược