Tổng thống Ronald Reagan khi bị ám sát đã 70 tuổi, viên đạn bắn vào vùng ngực cách tim chưa đầy 3 cm đã khiến ông mất hơn một nửa lượng máu, nhưng ông vẫn sống sót. Cả Reagan và Giáo hoàng đều tin rằng Chúa để ông sống sót vì ông có nhiều việc quan trọng hơn phải làm… Nhìn lại, một trong những biến cố lịch sử trọng đại giai đoạn Reagan lãnh đạo nước Mỹ là quá trình tan rã của Liên Xô.

Reagan
Tổng thống Mỹ Ronald Reagan vẫy tay trước khi bị bắn, khi đó các nhân viên an ninh đã phải vất vả mới đẩy được ông vào xe tổng thống. (Ảnh chụp màn hình video)

1. Vụ ám sát Reagan

Chỉ 69 ngày sau khi ông Reagan nhậm chức Tổng thống Mỹ, hôm 30/3/1981 xảy ra sự kiện gây chấn động thế giới: Tổng thống Reagan bị ám sát.

Nước Mỹ sau hơn 200 năm lịch sử có 45 tổng thống, trong 9 tổng thống bị ám sát có 4 người thiệt mạng, trong 5 người may mắn thoát nạn có Reagan.

So với một số tổng thống Mỹ bị ám sát khác, ông Reagan có thể được xem là rất may mắn. Ông cũng là tổng thống đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ bị bắn ám sát mà không mất mạng, ông hồi phục rất nhanh, chỉ sau ngày phẫu thuật đã có thể tiếp đón người tới thăm, đến ngày thứ 13 sau phẫu thuật thì ông ra viện.

2. Thế chiến thứ III?

Đối với các nhà lãnh đạo Mỹ trong thời Chiến tranh Lạnh [Mỹ – Liên Xô], điều tồi tệ nhất tiềm ẩn là hai nước nổ ra chiến tranh quân sự. 

Mặc dù sau nhiều vụ ám sát các nhà lãnh đạo, giới chức Mỹ đã xây dựng các biện pháp phòng ngừa và ứng phó khẩn cấp, nhưng dù thế nào thì xảy ra biến cố ám sát tổng thống cũng là một đòn nặng nề đối với đất nước “bá chủ thế giới” này.

Lúc 2:27 chiều ngày 30/3/1981, Tổng thống Reagan chuẩn bị rời khách sạn và quay trở lại ô tô. Khi đó John Hinckley trú trong đám đông tìm được sơ hở và bắn 6 phát, dù may mắn là không có viên nào trúng ông Reagan nhưng một viên đạn sau khi bắn vào lớp vỏ xe hơi đã bật lại và trúng vào nách của Tổng thống, khoảng cách từ viên đạn đến trái tim của ông chưa tới 3 cm.

Sau vụ việc, người dân có xu thế cho rằng đây là một kế hoạch ám sát của điệp viên Liên Xô, và trong vòng vài giờ sau đó toàn bộ nước Mỹ rơi vào tình trạng báo động khẩn cấp. Nhiều người lo lắng liệu có thể xảy ra thảm họa hàng trăm quả bom hạt nhân bay về phía trên đầu người dân Mỹ hay không.

May mắn vụ việc không phải là kế hoạch gì của Liên Xô, và vài giờ sau đó Reagan tuyên bố ông vẫn an toàn. Nếu Tổng thống Reagan thiệt mạng thì hoàn toàn có khả năng nổ ra Chiến tranh thế giới thứ III, nếu như vậy nước Mỹ bây giờ chắc chắn sẽ khác.

3. Kinh tế Reagan

Khi ông Reagan lên nắm quyền là lúc nước Mỹ vừa trải qua “thời gian ăn năn” của chiến tranh Việt Nam. Nước Mỹ mà ông lên lãnh đạo đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất kể từ cuộc Đại suy thoái.

Trong cuộc khủng hoảng, sản xuất công nghiệp của Mỹ giảm 13,8%, tổng sản phẩm quốc dân giảm 7,8%, số người thất nghiệp trên toàn quốc lên tới 8,5 triệu người và tỷ lệ thất nghiệp là 8,9%, trong khi chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ tăng 15,3%. Sau đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng năm 1975, nền kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng chậm và lạm phát nghiêm trọng. Nước Mỹ lại rơi vào một cuộc khủng hoảng kinh tế khác vào năm 1980, với tỷ lệ thất nghiệp lên tới 10,8%, số người thất nghiệp lên tới hơn 12 triệu người và tỷ lệ lạm phát lên tới hai con số.

Lúc này, người dân Mỹ hy vọng vị tổng thống mới đắc cử có thể lập được những chiến công anh hùng.

Ông Reagan đã làm được. Rất lâu trước khi ông lên nắm quyền, người Mỹ đã kiên quyết theo chủ nghĩa Keynes, cho rằng tình trạng thất nghiệp và lạm phát có thể được giải quyết bằng cách mở rộng nhu cầu của chính phủ và thâm hụt tài chính.

Nhưng thực tế thì ngược lại, một lượng tiền lớn phát hành nhằm mở rộng nhu cầu lại đổ vào thị trường gây ra tình trạng lạm phát trầm trọng, khiến thị trường bị biến động thậm chí đình trệ.

Sau khi Reagan lên nắm quyền, ông đã thay đổi phương pháp “điều chỉnh cung – cầu” trước đó, và áp dụng lý thuyết kinh tế “trường cung ứng” – sau này được gọi là “kinh tế Reagan” (Reaganomics). Nói một cách đơn giản, lạm phát được ngăn chặn bằng cách kiểm soát chi tiêu của chính phủ và lượng phát hành tiền tệ…

Reaganomics đã thành công trong việc kéo nước Mỹ ra khỏi vũng lầy, hàng loạt chính sách kinh tế bắt đầu cho thấy kết quả vào cuối năm 1982.

Vào tháng 8/1983, chỉ số sản xuất công nghiệp của Mỹ đã tăng trong 9 tháng liên tiếp và rất gần với mức đỉnh cao trước khủng hoảng. Trong năm đó, GDP nước Mỹ tăng 4,5%, trong một số quý đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế tới 8%, tổng thể năm 1983 có thêm 3,5 triệu việc làm, xu hướng này tiếp tục kéo dài đến năm bầu cử tổng thống Mỹ năm 1984.

Trong cuộc bình chọn “Người Mỹ vĩ đại nhất” do Matt Lauer tổ chức năm 2005, ông Reagan đã đứng đầu danh sách, vượt cả những “vĩ nhân” một thời như Lincoln và Washington, cho thấy địa vị của Reagan trong tâm trí người dân Mỹ khi đó.

4. “Tay súng” chống cộng

Ảnh hưởng của ông Reagan đối với nền kinh tế Mỹ và cách bố trí chiến lược sau đó cũng đóng vai trò trực tiếp thay đổi tình hình thế giới.

Khi đó, quan điểm chủ đạo của phương Tây đối với Liên Xô là thời đại Xô Viết đang đến và thế giới phương Tây phải hợp tác với họ. Tuy nhiên ông Reagan luôn tin tưởng vào chủ nghĩa chống cộng, cho rằng điều tồi tệ nhất ở Liên Xô là “đi ngược lại xu hướng lịch sử nhân loại và xóa bỏ tự do và phẩm giá của người dân”. Do đó, ông kiên quyết chống lại chủ nghĩa cộng sản, tin chắc chủ nghĩa cộng sản sẽ sụp đổ.

Để đạt được mục tiêu đó, Reagan chủ trương lợi dụng cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng mà Liên Xô đang gặp phải, cắt đứt trao đổi khoa học công nghệ giữa Liên Xô và phương Tây, khiến cho tình trạng khủng hoảng của Liên Xô ngày càng trầm trọng, ngày càng gần bờ vực. Ông thậm chí còn không ngần ngại chi gấp mấy lần ngân sách quốc phòng để mở rộng vũ khí và tăng cường khả năng đe dọa hạt nhân, trong đó có việc thực hiện chương trình phòng thủ “Chiến tranh giữa các vì sao” [bảo vệ nước Mỹ trong trường hợp bị tấn công hạt nhân], buộc Đảng Cộng sản Liên Xô phải chi một số tiền lớn cho cuộc chạy đua vũ trang với Mỹ. Về vấn đề quan hệ với Trung Quốc, Reagan ca ngợi Đạo luật Quan hệ Đài Loan và nhất quyết tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan.

Năm 1983, Reagan công bố kế hoạch chiến lược chống tên lửa đạn đạo – tức kế hoạch “Chiến tranh giữa các vì sao”, trực tiếp kéo Liên Xô sa lầy vào cạnh tranh không gian. Vì lý do này, ông được mệnh danh là “xạ thủ” khiến Liên Xô tan rã.

Reagan kiên định niềm tin vào giá trị và sức mạnh của tự do, ông nhận thức rõ “lời nói dối vĩ đại đầy hoang tưởng” của chủ nghĩa cộng sản. Trong hai chiến dịch tranh cử với nhiều bài phát biểu, ông đã đề cập: “Tiến tới dân chủ tự do sẽ chôn chủ nghĩa Mác-Lênin trong bụi bặm lịch sử”. Bởi vì ông tin rằng “Chủ nghĩa Cộng sản là một trang buồn và kỳ quái trong lịch sử loài người – trang cuối cùng vẫn đang được tiếp tục”. Ông cũng là người đầu tiên gọi Liên Xô là “đế chế tà ác” và “trung tâm tà ác của thế giới hiện đại”.

Niềm tin vững chắc vào con đường chống cộng của ông Reagan đã khiến chủ nghĩa cộng sản khi đó gặp khốn đốn, minh chứng là Bức tường Berlin tượng trưng cho sự chia cắt giữa thế giới dân chủ và phe cộng sản đã bị phá bỏ trước khi nhiệm kỳ 8 năm của ông mãn hạn và rời Nhà Trắng, theo đó kết thúc thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Quan điểm chính thống của các học giả Mỹ về sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh là: “Bởi vì các nước phương Tây tự do và dân chủ tiếp tục duy trì lợi thế về vị thế quân sự, động lực tư tưởng và hệ thống kinh tế, cho nên cuối cùng dẫn đến sự đầu hàng của Liên Xô và sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh”.

Liên Xô sụp đổ

Reagan từ một cậu bé vô danh không có nền tảng gia thế gì, nhưng trở thành một anh hùng nước Mỹ trong mắt người dân Mỹ. Ông không chỉ nhờ vào vẻ ngoài tuấn tú và tài hùng biện xuất chúng, còn nhờ khả năng chính trị xuất sắc và sức quyến rũ cá nhân, giúp ông ảnh hưởng sâu sắc đến thế hệ người Mỹ khi đó.

Trump Reagan
Tổng thống Mỹ Ronald Reagan (1911 – 2004) bắt tay nhà phát triển bất động sản Donald Trump tại Phòng Xanh của Nhà Trắng, Washington DC. Ngày 3/11/1987. (Ảnh: Nhà Trắng/PhotoQuest/Getty Images)

Reagan là người theo đạo Thiên chúa, người ta nói rằng ông sùng đạo nhất trong số tất cả các tổng thống Mỹ. [Phải chăng] chính niềm tin vững chắc vào Chúa Kitô và kiên trì cầu nguyện đã mang lại cho Reagan không chỉ trí tuệ sáng suốt, còn có những đức tính khiêm tốn và cao thượng khác thường. Dù bị ám sát vào ngày thứ 69 sau khi nhậm chức, ông luôn tin tưởng chắc chắn Chúa vẫn còn giao phó sứ mệnh để ông hoàn thành, cả Giáo hoàng Paul II và Mẹ Teresa cũng nói với ông rằng Chúa vẫn muốn ông hoàn thành một sứ mệnh: Chiến thắng Đế chế Cộng sản Liên Xô và chấm dứt Chiến tranh Lạnh. Theo nghĩa này, Tổng thống Reagan là “món quà” của Chúa dành cho người dân Mỹ và tất cả những người khao khát tự do trên thế giới.

Long Sơn
(Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, được đăng trên Vision Times)