Hà Tinh và Lý Gia Thành liên thủ đập tan ảo ảnh “nhất tôn” của Tập Cận Bình
- Đỗ Chính
- •
Tình hình chính trị Trung Quốc gần đây xuất hiện những diễn biến khiến giới quan sát quốc tế cảm thấy kỳ lạ. Một mặt là hàng loạt thân tín trong quân đội của Chủ tịch Tập Cận Bình bị cách chức hoặc “mất tích”; mặt khác, bên ngoài Trung Quốc Đại Lục lại xuất hiện những nhân vật từng thân Bắc Kinh có hành động phản kháng trong im lặng, thậm chí công khai đối đầu với Tập, như tỷ phú Hồng Kông Lý Gia Thành và bà Hà Tinh (phu nhân cựu Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long).
Việc công ty CK Hutchison của ông Lý Gia Thành bán cảng ở Panama cho tập đoàn tài chính Mỹ, cùng việc bà Hà Tinh chia sẻ một bài viết chỉ trích ông Tập Cận Bình, đã trở thành đề tài nóng trong dư luận quốc tế, chắc chắn cũng gây chấn động trong nội bộ Trung Quốc và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Hai sự kiện này dường như có mối liên hệ ngầm.
Ông Lý Gia Thành phớt lờ sức ép từ ĐCSTQ

Liên quan đến việc CK Hutchison bán cảng ở nước ngoài, chính quyền Bắc Kinh đã tăng cường gây áp lực với ông Lý Gia Thành. Tờ Đại Công Báo tại Hồng Kông (có quan hệ mật thiết với chính quyền ĐCSTQ) hôm 1/5 đã có bài viết tiếp tục chỉ trích thương vụ của CK Hutchison.
Bài báo cho rằng Bộ Ngoại giao ĐCSTQ và Tổng cục Giám sát Thị trường Quốc gia ĐCSTQ đều đã lên tiếng, nhưng CK Hutchison vẫn “làm ngơ”, và cảnh báo rằng “họ chắc chắn sẽ chịu hậu quả nghiêm trọng”. Bài viết còn dọa rằng ngoài việc áp dụng Luật Chống Độc quyền, chính quyền có thể sẽ viện đến luật An ninh Quốc gia nếu cần thiết.
Vào ngày 28 và 29/4, Văn phòng các vấn đề Hồng Kông và Ma Cao thuộc Quốc vụ viện ĐCSTQ đã liên tiếp đăng lại các bài viết của Đại Công Báo liên quan đến thương vụ bán cảng của CK Hutchison. Trong đó, có nhắc đến bài của Wall Street Journal cho biết tập đoàn CK Hutchison dự định chia nhỏ thương vụ bán cảng thành hai phần và vẫn tiếp tục xúc tiến giao dịch.
Trước đó, ngày 4/3, CK Hutchison công bố đã đạt được thỏa thuận nguyên tắc với tập đoàn BlackRock (Mỹ) và công ty vận tải biển Mediterranean Shipping Company (MSC), nhằm bán khoảng 80% tài sản của Hutchison Ports với giá 22,8 tỷ USD. Giao dịch này bao gồm 43 cảng tại 23 quốc gia trên toàn cầu, trong đó có hai cảng nằm tại kênh đào Panama. Đây là một trong những thương vụ bán cảng lớn nhất thế giới trong những năm gần đây. ĐCSTQ tỏ ra cực kỳ không hài lòng, liên tục chỉ trích và tìm cách ngăn chặn bằng Luật Chống Độc quyền.
Ngày 27/4, Tổng cục Giám sát Thị trường ĐCSTQ tiếp tục cảnh báo: “Các bên liên quan không được tìm cách né tránh sự giám sát, nếu không sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý”. Ngày 28/4, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao ĐCSTQ cũng phát biểu: “Chúng tôi hy vọng các bên liên quan hành động một cách thận trọng”.
Wall Street Journal ngày 17/4 đưa tin rằng MSC (công ty vận tải biển của gia tộc Aponte – Ý) đang đàm phán để tách phần cảng Panama ra khỏi thương vụ mua Hutchison Ports.
CK Hutchison đến nay vẫn giữ im lặng, không công khai phản hồi, được xem là một hình thức phản kháng trong âm thầm. Chính quyền ĐCSTQ vì vậy càng thêm tức giận, không ngần ngại dùng đến cả Luật An ninh Quốc gia để đe dọa.
Đại Công Báo trong hơn một tháng qua đã liên tiếp đăng tải các bài công kích ông Lý Gia Thành vì “phớt lờ lợi ích quốc gia”, nhiều bài trong số đó được Văn phòng Liên lạc Trung ương và Văn phòng Hồng Kông – Ma Cao đăng lại.
Học giả người Úc gốc Hoa Viên Hồng Băng cho biết, hơn 40 cảng mà CK Hutchison sắp bán là kết quả của chiến lược mở rộng toàn cầu được hình thành từ thời Giang Trạch Dân. Ông Lý Gia Thành bắt đầu đầu tư mạnh vào Trung Quốc từ thời Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng, đến thời Hồ Cẩm Đào – Ôn Gia Bảo cũng được ưu ái, được xem là doanh nhân yêu nước. Nhưng từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, để triệt tiêu ảnh hưởng của các thế lực cũ, chính quyền đã dần siết chặt ông Lý Gia Thành bằng nhiều biện pháp như điều tra thuế, quản lý kinh doanh… Sau đó, ông Lý Gia Thành rút dần vốn khỏi Trung Quốc và hiện gần như đã rút hết.
Viên Hồng Băng còn dẫn nguồn tin nội bộ cho biết, chính ông Tập Cận Bình đã chỉ đạo chiến dịch phê phán ông Lý Gia Thành. Trung Nam Hải thậm chí đã tìm cách cho doanh nghiệp nhà nước nhảy vào can thiệp thương vụ, nhưng ông Lý Gia Thành không thèm đếm xỉa. Việc ông Lý hành động như vậy cho thấy phía sau ông là một lực lượng các gia tộc quyền quý bất mãn với ông Tập Cận Bình đang âm thầm hậu thuẫn.
Bà Hà Tinh chia sẻ bài viết chỉ trích Tập Cận Bình là “ông trùm xã hội đen”

Ngày 18/4, truyền thông Singapore đăng một bài bình luận về chuyến công du gần đây của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Việt Nam và một số quốc gia khác. Bài viết thẳng thừng chỉ ra rằng trong suốt 12 năm cầm quyền, ông Tập luôn “hành xử như một ông trùm xã hội đen”, giống như phiên bản Trung Quốc của “Don Corleone” (nhân vật ông trùm mafia trong loạt phim Bố già), luôn đưa ra những “đề nghị không thể từ chối” cho mọi người, nhưng nay lại muốn các “nạn nhân” coi ông như bạn bè và đối tác.
Ngày 21/4, bà Hà Tinh – phu nhân của cựu Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long – đã chia sẻ bài viết này trên Facebook cá nhân, lập tức thu hút sự chú ý rộng rãi.
Trước đó không lâu, ngày 10/4, bà Hà Tinh cũng đã chia sẻ một bài viết khác trên Facebook, do học giả Michael Petraeus thuộc một viện nghiên cứu ở Singapore đăng trên nền tảng Critical Spectator. Bài viết cho biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang áp thuế 125% đối với hàng hóa Trung Quốc, trong khi tạm hoãn tăng thuế trong vòng 90 ngày đối với 75 quốc gia sẵn sàng đàm phán, nhằm cô lập Trung Quốc (ĐCSTQ) và buộc Bắc Kinh phải nhượng bộ trong các cuộc đàm phán đa phương.
Bài viết đính kèm một bức ảnh ông Tập Cận Bình đeo khẩu trang, cô đơn ngồi trên một chiếc ghế ngoài trời, tượng trưng cho sự cô lập của Trung Quốc trên trường quốc tế. Việc bà Hà Tinh chia sẻ bài viết và hình ảnh này đã nhanh chóng lan truyền trên các nền tảng mạng xã hội ở nước ngoài.
Bà Hà Tinh lâu nay là thành viên cố vấn và thành viên danh dự của Ủy ban cố vấn Trường Quản lý Kinh tế thuộc Đại học Thanh Hoa – một trong những “địa bàn quyền lực” của cựu Thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ. Cuối năm 2024, cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc Vương Kỳ Sơn đã kế nhiệm ông Chu Dung Cơ làm Chủ tịch danh dự của Ủy ban này.
Ngoài ra, ông Chu Dung Cơ và ông Vương Kỳ Sơn từng có mối quan hệ mật thiết với cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu và con trai ông là Lý Hiển Long. Việc bà Hà Tinh bất ngờ chia sẻ bài viết chỉ trích ông Tập Cận Bình được đánh giá là hành động mang tính chính trị nhạy cảm hiếm thấy.
Mối quan hệ thân thiết giữa ông Lý Gia Thành và bà Hà Tinh
Ngày 3/4, ông Lý Gia Thành đã xuất hiện qua video tại một sự kiện do Quỹ Lý Gia Thành và Quỹ tín thác Temasek – thuộc Tập đoàn đầu tư quốc gia Singapore – đồng tổ chức. Đây là lần đầu tiên ông xuất hiện kể từ ngày 4/3, khi CK Hutchison thông báo sẽ chuyển nhượng 43 cảng biển – bao gồm cả cảng trên kênh đào Panama – cho một tập đoàn tài chính do BlackRock của Mỹ đứng đầu, gây ra nhiều tranh cãi.
Tại sự kiện, Quỹ Lý Gia Thành và Quỹ tín thác Temasek cam kết sẽ tài trợ 12 triệu đô la Hồng Kông để mua thiết bị và hỗ trợ thử nghiệm lâm sàng, cung cấp miễn phí phương pháp điều trị cho 40 bệnh nhân ung thư, đồng thời đưa thiết bị chữa ung thư này vào hai bệnh viện tại Singapore.
Ông Lý Gia Thành đã phát biểu bằng tiếng phổ thông trong một đoạn video dài khoảng 4 phút, được phát tại buổi họp báo. Trong đó, ông nói rằng sứ mệnh của Quỹ Temasek rất giống với Quỹ Lý Gia Thành – “Quỹ Temasek mong muốn xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho mọi thế hệ”, và điều đó rất đồng cảm với phương châm của ông: “Xã hội vạn biến, lời hứa bất biến”.
Theo nhà bình luận thời sự Hồng Kông Phùng Hi Can, câu nói “Xã hội vạn biến, lời hứa bất biến” là tiêu đề một bài viết của ông Lý Gia Thành đăng trên tạp chí Business Weekly năm 2007. Ông Phùng Hy Can nói rằng câu nói này là tiêu đề bài viết do ông Lý Gia Thành viết cho Business Weekly vào năm 2007. Trong đó, ông nói: “Những chuyển biến phức tạp và không ngừng của cỗ máy chính trị và kinh tế đã đè nặng lên cuộc sống của nhiều người, khiến họ rơi vào hoàn cảnh khốn khó, tuyệt vọng, lạc lối và giận dữ. Chúng ta không thể làm ngơ mà phải thấu hiểu.” Ông còn nói: “Tôi tin rằng những người mạnh mẽ càng cần phải học cách lắng nghe tiếng thét câm lặng của những người yếu thế; kẻ mạnh mà không có lòng cảm thông thì chỉ là một phường phàm phu tục tử.”
Ông Phùng Hy Can cho rằng ngày càng có nhiều người Hồng Kông kính trọng vị tỷ phú này không chỉ vì sự giàu có, mà vì những giá trị quan mà ông theo đuổi, đó cũng chính là điều mà đại đa số người dân Hồng Kông trân quý. Điều bất ngờ là đến cả ông Lý Gia Thành giờ đây cũng cảm nhận được áp lực. Việc ông chọn xuất hiện tại tại sự kiện công khai trong thời điểm bị vây ép tứ phía chính là câu trả lời bằng hành động mạnh mẽ nhất.
Đáng chú ý, bà Hà Tinh – Chủ tịch Quỹ tín thác Temasek và cũng là phu nhân của cựu Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long – cũng tham dự sự kiện này. Bà cho biết, vào tháng Tám năm ngoái, Quỹ Lý Gia Thành đã tặng 3 thiết bị y tế cho Hồng Kông, và không lâu sau đó, ông Lý lại hào phóng đề nghị tặng một thiết bị cho Singapore thông qua quỹ của mình.
Theo những người có mặt tại sự kiện, bà Hà Tinh còn nói bằng tiếng Quảng Đông: “Ông Lý, cảm ơn ông rất nhiều!”
Ông Lý Gia Thành và bà Hà Tinh đã có mối quan hệ hữu hảo nhiều năm. Nhưng quan trọng hơn, ông Lý và cố Thủ tướng sáng lập Singapore – Lý Quang Diệu – từng có mối quan hệ gắn bó sâu sắc, một người đứng đầu chính trường, một người thống lĩnh thương trường. “Song Lý” có quan hệ rất mật thiết, và Quỹ Lý Gia Thành đã từng tài trợ với số tiền lớn cho Đại học Quản lý Singapore và Học viện Chính sách công Lý Quang Diệu.
Trong lần họp báo đó, tuy ông Lý không trực tiếp có mặt, nhưng người bạn tri kỷ lâu năm của ông – bà Chu Khải Hoàn – đã thay mặt ông tham dự. Bà Chu là người điều hành công ty đầu tư Victoria Harbour Investment và cũng là thành viên Hội đồng quản trị của Quỹ Lý Gia Thành.
Quỹ Lý Gia Thành còn công bố một bức ảnh tại sự kiện, trong đó bà Chu Khải Tuyền và bà Hà Tinh trò chuyện thân mật; cùng hiện diện trong khung hình còn có giáo sư Từ Trăn (Zhen Xu) – Giáo sư Kỹ thuật Y sinh Lý Gia Thành tại Đại học Michigan.
Ông Lý Gia Thành và bà Hà Tinh có thể bắt tay chống Tập
Hiện vẫn chưa rõ bà Hà Tinh có quan điểm gì về việc ông Lý Gia Thành bị chính quyền Bắc Kinh gây áp lực mạnh mẽ, nhưng việc bà chia sẻ lại các bài viết và hình ảnh châm biếm ông Tập Cận Bình rõ ràng đã xảy ra đúng vào lúc ông Lý Gia Thành đang ở tâm bão chỉ trích của ĐCSTQ, điều này có vẻ như là một cách gián tiếp công kích ông Tập, đồng thời giúp ông Lý Gia Thành thoát khỏi tình thế khó khăn.
Một số nhà quan sát khi nói về ông Lý Gia Thành hoặc bà Hà Tinh có thể cho rằng cả hai đều có liên quan đến lợi ích của gia tộc Giang Trạch Dân. Tuy nhiên, Giang đã qua đời, và dù gia tộc ông ta từng được mệnh danh là “gia tộc tham nhũng số một Trung Quốc”, nhưng thế lực chính trị của họ cũng đã suy yếu theo sự ra đi của Giang. Hiện nay, sự hậu thuẫn dành cho ông Lý Gia Thành trong nội bộ ĐCSTQ, cũng như sức mạnh hỗ trợ mà bà Hà Tinh nhận được, chắc chắn phải đến từ một số nguyên lão còn sống trong đảng, chẳng hạn như ông Hồ Cẩm Đào, Ôn Gia Bảo, Lý Thụy Hoàn, Chu Dung Cơ và Vương Kỳ Sơn, v.v.
Ông Lý Gia Thành là doanh nhân Hồng Kông hiếm hoi từng có sự tương tác trực tiếp với bốn thế hệ lãnh đạo ĐCSTQ: Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào và Tập Cận Bình. Ông Đặng Tiểu Bình thậm chí từng công khai cam kết rằng “Hồng Kông 50 năm không thay đổi” nhằm trấn an giới kinh doanh. Nhưng chính ông Tập Cận Bình trong những năm gần đây đã phá vỡ cam kết này của Đặng, và đây mới là ý nghĩa thật sự sau câu nói của ông Lý Gia Thành: “Dưa trên giàn vàng, cớ sao hái tận” (Hoàng đài chi qua, hà kham tái trích).
Mặc dù sau khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền từng có một cái bắt tay kéo dài 13 giây với ông Lý Gia Thành, được giới phân tích cho là dấu hiệu Tập coi trọng ông, nhưng ông đã sớm hiểu rõ tính cách của Tập.
Năm 1993, khi còn là Bí thư Thành ủy Phúc Châu, ông Tập Cận Bình thông qua bố mình là ông Tập Trọng Huân đã mời ông Lý Gia Thành đến đầu tư tại Phúc Châu. Ông Lý Gia Thành đã ủng hộ mạnh mẽ dự án cải tạo khu phố cổ, nhưng hợp tác này không diễn ra suôn sẻ và cuối cùng không đạt được kỳ vọng. Sau khi ông Tập thăng chức lên Tỉnh ủy Chiết Giang, chính quyền Phúc Châu ngay lập tức chấm dứt hợp tác và thu hồi quyền sử dụng đất.
Trong cuộc bầu cử Trưởng Đặc khu Hồng Kông năm 2012, ông Tập Cận Bình muốn ông Lý Gia Thành công khai ủng hộ ông Lương Chấn Anh, nhưng ông Lý lại công khai ủng hộ Đường Anh Niên, điều này khiến ông làm mất lòng ông Tập. Sau khi ông Tập trở thành Tổng Bí thư, ông Lý Gia Thành từng yêu cầu được gặp nhưng bị lạnh nhạt.
Lý Gia Thành không phải là người bình thường, ông hiểu sâu sắc văn hóa chính trị Trung Quốc, biết rằng ông Tập Cận Bình hẹp hòi, dễ thay đổi thái độ và vô tình. Đặc biệt là trong cuộc đối đầu Trung-Mỹ, ông Lý Gia Thành bị kẹt ở giữa, bất cứ lúc nào cũng có thể trở thành vật hy sinh. Việc tập CK Hutchison bán các cảng ở nước ngoài chính là một cuộc rút lui chiến lược được tính toán kỹ càng.
Với con mắt tinh tường và khả năng dự đoán khủng hoảng kinh doanh, ông Lý Gia Thành chắc chắn cũng có thể nhìn thấu chiều hướng chính trị. Có thể ông đã dự đoán được rằng chế độ ĐCSTQ dưới sự thao túng của Tập đang gặp khủng hoảng, có thể nói là “tòa nhà đang nghiêng sắp đổ”.
Chính vì điều này đã chạm đến mức độ sinh tồn, nên mới thúc đẩy ông Lý Gia Thành bất chấp tất cả, không màng đến việc chính quyền ĐCSTQ nhiều lần gây áp lực.
Còn về bà Hà Tinh, vì Singapore từ trước đến nay chịu ảnh hưởng rất lớn từ ĐCSTQ, lần này bà dám công khai chỉ trích ông Tập Cận Bình, rõ ràng là không sợ sự trả đũa của Tập. Lý do có thể liên quan đến cuộc đấu đá quyền lực trong nội bộ cấp cao của ĐCSTQ.
Một khả năng là vì nhiều thân tín của ông Tập đã bị loại bỏ, bản thân ông ta cũng đã mất đi quyền lực chủ yếu. Dưới sự giám sát của các nguyên lão, ông Tập còn phải chịu trách nhiệm về việc dùng người thất bại và sự thất bại của Trung Quốc trong các chính sách kinh tế và đối ngoại, có thể sẽ bị chất vấn nghiêm trọng tại Hội nghị Trung ương 4 sắp tới. Vì vậy, bà Hà Tinh mới yên tâm chia sẻ các bài viết chống Tập mà không sợ đắc tội.
Một người thân cận với giới chính trị Singapore tiết lộ rằng với vai trò là Chủ tịch Temasek, bà Hà Tinh có rất nhiều khoản đầu tư tại Trung Quốc, những năm gần đây thua lỗ nghiêm trọng, bảo là không oán hận Tập thì là không thể. Nhưng khả năng lớn hơn là với tầm cỡ của mình, bà có thông tin nội bộ rất nhạy bén, có thể đã biết trước một số thông tin, nên giờ đã đến mức không còn sợ bị Tập trả thù, và đó mới chính là nguyên nhân lớn nhất khiến bà “nói thẳng không kiêng dè” với Tập.
Người này cho rằng bề ngoài có thể thấy rõ là bà Hà Tinh rất bất mãn và không còn sợ Tập, và dù thế nào thì đây cũng là một việc tốt.
Đập tan ảo ảnh “nhất tôn” của Tập Cận Bình
Với địa vị của ông Lý Gia Thành và bà Hà Tinh, việc họ cứng rắn đối đầu với ông Tập Cận Bình hoặc không sợ hãi ĐCSTQ không chỉ tuyên bố ra quốc tế một xu hướng khinh miệt Tập và ĐCSTQ, mà chắc chắn cũng sẽ gây chấn động trong nội bộ Trung Quốc, đặc biệt là trong ĐCSTQ.
Theo quan điểm của người viết, bất kể là vì lý do gì, việc ông Lý Gia Thành và bà Hà Tinh dám “đối đầu” mạnh mẽ với ông Tập Cận Bình như vậy đã cho thấy hành vi ngang ngược của Tập đã đánh mất lòng dân cả trong và ngoài nước.
Do đó, bất kể ông Tập có được các quan chức địa phương trong nước tổ chức “diễn viên quần chúng” vây quanh hay được một số quốc gia thân Cộng sắp xếp nghi thức đón tiếp long trọng ở nước ngoài, tất cả chỉ là ảo ảnh mà thôi; hình tượng “nhất tôn” của Tập trong ĐCSTQ cũng đã tan vỡ trong chớp mắt!
Từ khóa Tập Cận Bình Hà Tĩnh Lý Gia Thành
