Hồi tố cho Thủ Thiêm
- Nguyễn Tiến Tường
- •
“Còn làm đại biểu, tôi sẽ giải quyết bằng được vấn đề Thủ Thiêm”, đó là khẳng định của bà Nguyễn Thị Quyết Tâm. Cá nhân tôi nghe câu nói này, tột đỉnh chán chường.
Chán chường, vì câu nói của bà chủ tịch hội đồng thành phố, có hội sở chỉ cách Thủ Thiêm 1,5 km. Mà miên mãi 20 năm người dân sống trong cay cực lầm than, sống trong điều kiện sống không dành cho con người và “bị đối xử như không tồn tại” (lời của PGS.TS Erik Harms, chuyên gia ĐH Yale).
1,5 km và 20 năm người dân mới được nói, mới được khóc. Mới được gào thét về khối oan trái nghìn cân đè nặng lên bao nhiêu thân phận. Dân, ở trong tận cùng mất mát, cũng chỉ muốn được trình bày, muốn chính quyền hiểu điều họ biết. Muốn chứng minh rằng họ “có tồn tại”, chứ không phải vô hình trong ý chí thô bạo của quan chức.
Một hệ thống chính quyền bao nhiêu con người hoặc thô bạo với dân, hoặc vô thanh vô ảnh, bàng quan với những thân phận, đánh cắp quá khứ lẫn tương lai của họ. Bây giờ, người đứng đầu cơ quan giám sát trở lại với một tuyên bố đầy lãng mạn.
Bà Tâm sẽ giải quyết bằng cách nào?
Đô thị Thủ Thiêm với tấm áo mỹ miều “hiện đại nhất nhì Đông Nam Á” chỉ có 26 lô đất dành cho công trình công cộng, 150 lô dành cho thương mại. Thương mại, nghĩa là gì? Là đất giao cho doanh nghiệp (DN) bán. Đó là kết quả lộ thiên hôm nay. Điều đáng lẽ phải minh bạch với dân khi bắt đầu và đương nhiên DN phải thương lượng với dân, thay vì đánh tráo bằng quy hoạch hay ho để tước đoạt đất của họ.
Đất giá 3 tô phở giờ hàng chục triệu đồng, giá mười mấy triệu đồng thành vài trăm triệu đồng. Người dân, chủ sở hữu của những miếng đất ấy, bị gạt ra ngoài tiến trình lợi ích một cách thô bạo.
Tôi có đọc hợp đồng đóng chữ “MẬT” giữa UBND TP.HCM do ông Tất Thành Cang đại diện và Đại Quang Minh khi ấy là ông Trần Đăng Khoa mà thành phố cam kết DN sẽ không gặp bất cứ trở ngại nào về pháp lý và không liên quan trách nhiệm trực tiếp hay gián tiếp đến tranh chấp nào trong việc sử dụng các khu đất.
Thậm chí là dự án chỉ gặp trở ngại khi gặp điều kiện bất khả kháng cấp Chính Phủ, tức là chiến tranh và những hoàn cảnh ngặt nghèo khác. Chừng đó, thể hiện phần nào ý chí khủng khiếp của chính quyền trong việc “dọn đất sạch” cho DN và “cung phụng” DN đến tận răng!
150 lô đất Thủ Thiêm đã sử dụng gần hết, 101 lô làm BT đổi hạ tầng. Một mình Đại Quang Minh chiếm 60 lô đất để đổi 4 tuyến đường “dát vàng” trị giá 1.000 tỷ/km. BT nghĩa là suất đầu tư lớn thì đất được cấp càng nhiều. Và đương nhiên, 4 tuyến đường nội đô đó, chỉ mang lại lợi ích cho DN. Điều này, chắc chắn đã không nằm trong sự minh bạch của chính quyền với dân ngay từ ban đầu.
“Hiện thực” ở Thủ Thiêm là bút sa gà chết, bê tông đã phủ lấp phận người. Đất đã giao cho DN, ván nhân dân đã đóng thuyền lợi ích rồi. Bà Tâm giải quyết vấn đề gốc bằng cách nào?
“Hiện thực” Thủ Thiêm là sự phân rã, 15 nghìn hộ dân đã rời đi với giá rẻ hơn mức họ nhận được. Những người bám trụ bị đập nhà cửa chưa biết sẽ giải quyết ra sao. Người đi kẻ ở ngổn ngang thân phận.
Chỉ có một cách hữu hiệu nhất là “hồi tố”, rà soát lại các dự án BT và thương mại và trích lục hồ sơ để xem đất của dân “dính” vào dự án nào. Nếu là dự án thương mại, thì phải bồi thường xứng đáng cho những người mất đất hiện hữu và bù giá cho những người đã ra đi để nhường đất. Đó là cách duy nhất “khai quật” được niềm tin của nhân dân và tạo án lệ cho những quy hoạch “xảo trá” đã và đang chĩa mũi rìu về phía nhân dân.
Hồi tố cho Thủ Thiêm, dẫu biết là rất khó nhưng nó là một cơ hội cho các khái niệm “quyết tâm của hệ thống chính trị” vẫn thường kêu ca lảnh lót. Và nó đương nhiên cần sự chung sức của cả hệ thống, chứ không thể nào trông cậy vào câu nói vuốt đuôi của một bà nghị.
Hồi tố cho Thủ Thiêm, tại sao không?
Theo Facebook Nhà báo Nguyễn Tiến Tường
(*) Bản đăng có chỉnh sửa chi tiết nội dung so với nguyên bản
Xem thêm:
Từ khóa tranh chấp đất đai người dân Thủ Thiêm sài gòn