“Mất nước” hay “mất thiên hạ”: Suy nghĩ về bài phát biểu của ông Vance tại Munich
- Thái Thận Khôn
- •
Chính sách của Tổng thống Trump về Nga và Ukraine gây tranh cãi dữ dội. Trọng tâm của cuộc tranh luận tất nhiên là về sự tồn vong của Ukraine. So với câu hỏi “Ukraine liệu có bị ‘vong quốc’ hay không”, điều mà ông Vance đề cập trong bài phát biểu ở Munich là một vấn đề sâu xa hơn — “vong thiên hạ”, tức là sự sụp đổ của những giá trị cốt lõi như tự do, dân chủ, đạo đức và trật tự quốc tế.
1. Ông Vance nói về “vong thiên hạ”
Mọi người có lẽ đều cảm thấy rằng vấn đề lớn nhất ở châu Âu hiện nay là vấn đề Ukraine. Tại Hội nghị An ninh Munich thu hút sự chú ý của toàn cầu, Phó Tổng thống Mỹ Vance không bình luận trực tiếp về cuộc chiến Nga – Ukraine, thay vào đó ông đưa ra một mệnh đề có lực xung kích lớn hơn:
Vấn đề lớn nhất của châu Âu không phải là Nga hay Trung Quốc, mà là việc họ ruồng bỏ các giá trị tự do ngôn luận và dân chủ.
Ông nói, châu Âu từng là nơi sản sinh ra nền dân chủ phương Tây, nhưng hiện nay lại đang hạn chế ngôn luận và kiểm duyệt những người bất đồng chính kiến. Xu hướng này còn nguy hiểm hơn cả những mối đe dọa từ bên ngoài.
Ông nói: “Ở Anh và khắp châu Âu, tôi lo ngại, quyền tự do ngôn luận đang thụt lùi. Điều khiến tôi lo lắng hơn nữa là… Châu Âu đang lùi bước khỏi một số giá trị cơ bản nhất của mình, những giá trị mà họ chia sẻ với Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.” Ông cũng nói rằng ở Anh, “quyền tự do tín ngưỡng đang bị đảo ngược”, dẫn đến các cuộc tấn công vào “các quyền tự do cơ bản của người Anh có tín ngưỡng tôn giáo”.
Vance cho rằng châu Âu vẫn có thể thống nhất khi đối mặt với Nga và Trung Quốc, nhưng nếu bản thân châu Âu không còn duy trì không gian cho tự do biểu đạt, thì nền tảng của nền dân chủ sẽ bị xói mòn. Đây mới là nguy cơ thực sự.
Ngay khi nhận xét của ông được đưa ra, các nước châu Âu đã xôn xao. Đây không chỉ là lời chỉ trích châu Âu mà giống như lời nhắc nhở đối với thế giới tự do toàn cầu – khi những trụ cột tinh thần của nền văn minh bị lung lay, toàn bộ trật tự thế giới sẽ sụp đổ.
2. “Vong quốc” và “Vong thiên hạ”: Những hiểu biết sâu sắc của Cố Viêm Vũ thời nhà Minh
Hai khái niệm “vong quốc” (mất nước) và “vong thiên hạ” (mất thiên hạ) lần đầu tiên được nêu ra bởi Cố Viêm Vũ, một nhà tư tưởng thời cuối nhà Minh và đầu nhà Thanh [tại Trung Quốc].
Vong quốc đề cập đến sự diệt vong của một chính quyền (chế độ), ví dụ như một quốc gia bị kẻ thù nước ngoài chinh phục hoặc bị lật đổ bởi một cuộc cách mạng nội bộ.
Vong thiên hạ chỉ về sự biến mất (suy tàn) của văn hóa, giá trị quan và lối sống. Ngay cả khi chính quyền của quốc gia vẫn còn, xã hội không còn tiếp tục truyền thống tinh thần vốn có từ ban đầu.
Ông Cố Viêm Vũ cho rằng “vong quốc” là chuyện của đế vương, lão bách tính có thể không quan tâm. Nhưng “vong thiên hạ” thì lại khác, “Thiên hạ hưng vong, thất phu hữu trách”. Bởi vì quốc gia có thể thay đổi, chế độ có thể xây dựng lại, nhưng nếu nền tảng văn hóa bị phá hủy thì toàn bộ xã hội sẽ không còn thuốc chữa, cuộc sống của người dân sẽ bị ảnh hưởng. Trong lịch sử, sau khi nhiều vương triều diệt vong, chính quyền mới vẫn có thể tiếp tục nền văn minh Trung Hoa. Nhưng khi văn hóa hoàn toàn sụp đổ, xã hội sẽ rơi vào hỗn loạn và khó có thể phục hồi.
Bài phát biểu của ông Vance hôm đó nhắc nhở châu Âu rằng: Kẻ địch bên ngoài xâm lược thì có thể ngăn chặn được, nhưng nếu các giá trị cốt lõi bị xói mòn thì toàn bộ nền văn minh sẽ không thể được tiếp nối. Quý vị quan tâm đến vong quốc, nhưng lại không quan tâm đến vong thiên hạ, là không có tầm nhìn hay là không có lương tâm?
3. Từ Mỹ tới châu Âu, cuộc “chỉnh phong” của Trump và Vance
Tôi từng nói Trump và Vance đang tiến hành một cuộc “chỉnh phong” (chỉnh đốn tác phong) ở Mỹ, cố gắng khôi phục địa vị chủ đạo của đức tin Cơ đốc và chủ nghĩa bảo thủ. Họ tin rằng vấn đề ở Mỹ không chỉ là sự mất cân bằng chiến lược toàn cầu, mà chính xã hội Mỹ đã sụp đổ ở phương diện giá trị quan.
Hiện họ mang phong trào chỉnh phong này đến châu Âu. Theo quan điểm của ông Vance, các vấn đề ở châu Âu cũng tương tự như ở Mỹ – những quốc gia từng bảo vệ dân chủ và tự do đang trở nên khép kín, ngày càng sợ hãi những người bất đồng chính kiến và ngày càng sử dụng kiểm duyệt để chèn ép những tiếng nói khác nhau. Với tư cách là nhà lãnh đạo của thế giới tự do, Mỹ phải thiết lập lại các tiêu chuẩn trong cuộc chiến văn hóa này.
Điều này gợi nhớ đến thời kỳ Chiến tranh Lạnh vào thế kỷ 20, khi Mỹ không chỉ kiềm chế Liên Xô về mặt quân sự mà còn thống trị diễn ngôn toàn cầu về mặt văn hóa. Giờ đây, Trump và Vance một lần nữa đang cố gắng định hình một chiến trường ý thức hệ mới, lần này họ không nhắm vào kẻ thù nước ngoài mà nhắm vào sự ăn mòn bên trong của nền văn minh phương Tây.
4. Chúng ta quan tâm đến điều gì? “Vong quốc” hay “vong thiên hạ” ?
Bài phát biểu của ông Vance cũng gây sốc và tranh cãi. Đúng vậy, chúng ta rốt cuộc là nên quan tâm đến “vong quốc” hay “vong thiên hạ”? Chúng ta thường quan tâm đến việc thảo luận về các xung đột địa chính trị, quan tâm đến việc liệu một quốc gia nào đó có diệt vong hay không, một chính quyền nào đó có sụp đổ hay không. Tuy nhiên, điều thực sự ảnh hưởng đến hướng đi của thế giới là sự tồn tại của văn hóa và các giá trị quan. Liệu điều này có đáng được quan tâm hơn hay không?
Nếu một quốc gia tồn tại nhưng tinh thần của nó đã chết, thì nó có còn là một quốc gia không?
Nếu một xã hội giàu có nhưng tư tưởng bị khép kín, thì liệu có còn văn minh?
Nếu người dân sống tạm bợ qua ngày, hơn nữa đã mất đi linh hồn tự do, thì họ có còn là con người không?
Đây rõ ràng là những vấn đề cực kỳ thử thách con người và chúng cũng là những lựa chọn phải đối mặt trong mọi thời đại. Vong quốc thì có thể phục hưng lại, nhưng vong thiên hạ thì là sự kết thúc thực sự.
Phong trào “chỉnh phong” của Trump và Vance là phản ứng trước cuộc khủng hoảng của văn hóa phương Tây. Năm 2024, người dân Mỹ đã đáp lại bằng lá phiếu của họ. Châu Âu sẽ ứng phó với thách thức này như thế nào là điều vẫn chưa biết.
Đồng thời, điều chắc chắn là cuộc chiến về giá trị này không chỉ là vấn đề của Mỹ và châu Âu, mà còn của toàn thế giới. Trước những thay đổi to lớn của thời đại, chúng ta nên bảo vệ điều gì? Chỉ quan tâm đến sự tồn vong của một quốc gia, hay quan tâm đến tương lai của nền văn minh nhân loại? Vong quốc hay vong thiên hạ, đây là vấn đề mà mỗi quốc gia, mỗi người dân phải trả lời.
Thái Thận Khôn
(Bài viết thể hiện lập trường và quan điểm của cá nhân tác giả, được đăng lại từ bài gốc tiếng Trung trên tài khoản mạng xã hội X của tác giả)
Từ khóa Hội nghị An ninh Munich Chiến tranh Nga - Ukraine J.D. Vance Thái Thận Khôn
