Nhà vật lý hàng đầu TK 21: Khoa học không thể giải câu đố của ý thức
- Phạm Việt Hưng
- •
Càng nỗ lực khám phá bí ẩn của ý thức, các nhà khoa học càng nhận ra rằng khoa học bất lực trong việc giải mã thách đố này của tự nhiên. Năm 2016, tạp chí Scientific American loan báo: “Nhà vật lý thông minh nhất thế giới Edward Witten cho rằng khoa học không thể phá vỡ bí mật của ý thức”. Đây là tin buồn cho các nhà tiến hóa, nhưng là tin vui cho những người tin vào luận đề của Descartes cho rằng ý thức là một hiện thực phi vật chất vượt quá tầm với của khoa học…
Vấn đề bản chất của ý thức quan trọng hơn rất nhiều so với ta tưởng, bởi lẽ ý thức là đặc trưng cốt lõi của sự sống. Muốn giải thích sự sống bằng những cơ chế thuần túy vật chất như thuyết tiến hóa Darwin chủ trương, nhất thiết phải giải thích được bản chất vật chất của ý thức ─ phải trả lời một cách dứt khoát “ý thức là cái gì?”.
Nếu ý thức là một dạng vật chất nào đó, dù bí hiểm đến mấy, thì hy vọng một ngày nào đó khoa học có thể sẽ khám phá ra nó. Nhưng nếu ý thức không phải là vật chất (hoặc là một dạng vật chất ở không gian khác) thì tham vọng đó sẽ trở thành không tưởng. Khi ấy lý thuyết của Darwin về nguồn gốc loài người sẽ lộ nguyên hình là một lý thuyết sai lầm, ảnh hưởng rất xấu đến đạo lý làm người.
>> Vật chất và ý thức là một thể thống nhất
Albert Camus, một triết gia nổi tiếng người Pháp đoạt Giải Nobel văn chương năm 1957, từng nói: “Con người là tạo vật duy nhất từ chối trở thành cái mà anh ta phải là”
Ý ông nói rằng con người vốn là một cái gì đó cao quý, nhưng con người đã từ chối đóng vai trò cao quý mà lẽ ra phải đóng, để tự hạ thấp mình xuống thang bậc động vật, cho dù là động vật cao cấp, coi việc đấu tranh sinh tồn là lẽ tự nhiên, và do đó chẳng nề hà làm những việc không xứng đáng với giá trị cao quý mà lẽ ra phải có.
Câu nói của Camus thật chua chát, nhưng phản ánh đúng thực trạng xã hội hiện đại, nơi thuyết tiến hóa Darwin được coi là một khoa học chính thức.
Để hiểu câu nói của Camus, tất nhiên phải tin vào các giá trị cao quý của con người mà các nền văn hóa truyền thống từng khẳng định. Ở Đông phương, Nho giáo quan niệm
“… người là cái đức của trời đất, sự giao hợp của âm dương, sự tụ hội của quỷ thần, cái khí tinh tú của ngũ hành. Trời đất sinh ra người lại phú cho cái tính rất quý, tức là người chịu cái đức của trời đất. Người lại bẩm thụ được hoàn toàn cả cái tinh thần linh diệu và cái khí chất tinh tú, cho nên mới nói là linh hơn cả vạn vật. Nhờ có cái tinh thần và cái khí chất ấy người ta mới có cái sáng suốt để hiểu hết các sự vật….. Cái sáng suốt tự nhiên có sẵn trong người ta là minh đức hay lương tri, có thể gọi là trực giác tức là cái khiếu tri giác rất mẫn tiệp, xem xét cái gì có thể đạt ngay đến cái tinh thần và cái chân lý của các sự vật. Cái khiếu tri giác ấy do ở trong tâm của người ta…” [1]
Ở Tây phương, cuốn sách từng ngự trị trong tâm hồn con người là Kinh Thánh nói rõ rằng:
“Thiên Chúa lấy đất nặn một hình người, và thổi sinh khí vào mũi nó, tức thì hình nặn ấy thành vật sống động” (Sáng Thế 2:7). Tức là phải có cái sinh khí do Chúa thổi vào thì con người mới trở nên người, nếu không thì chỉ là cái xác vô nghĩa. Sự cao quý của con người được chính Thiên Chúa nói ra: “Ta hãy dựng nên loài người theo hình ảnh Ta và giống Ta…” (Sáng Thế 1:26).
Dù tin hay không tin vào những quan điểm trong các kinh sách truyền thống nói trên, sự thật lịch sử không thể chối cãi là những quan điểm ấy đã ảnh hưởng tích cực đến đạo lý làm người của con người ở cả Đông phương lẫn Tây phương trong hàng ngàn năm qua. Nhưng sự đảo lộn về ý thức làm người đã diễn ra mạnh mẽ kể từ khi thuyết tiến hóa của Darwin được công nhận như một khoa học chính thức.
Chủ nghĩa quốc xã Đức 1930-1945 là đỉnh cao của việc áp dụng thuyết tiến hóa vào xã hội loài người, để lại những đau thương và những vết nhơ đạo lý không bao giờ có thể xóa bỏ khỏi ký ức nhân loại. (xem bài: Bức ảnh châm lửa cho nạn kỳ thị chủng tộc và cuộc diệt chủng của Hitler)
Nhưng may mắn thay, khoa học càng phát triển, thuyết tiến hóa càng lộ rõ tính chất ngụy khoa học của nó. Rất nhiều tài liệu vạch trần sai lầm của thuyết tiến hóa đã được công bố. Cuối năm 2012, một cuốn sách lột trần sự bất lực của thuyết tiến hóa trong vấn đề ý thức đã ra mắt công chúng:
“Mind and Cosmos: Why the Materialist Neo-Darwinian Conception of Nature Is Almost Certainly False”, xin tạm dịch là “Tinh thần và Vũ trụ: Tại sao khái niệm duy vật về tự nhiên của học thuyết Tân-Darwin gần như chắc chắn sai”. Tác giả là Thomas Nagel, một nhà triết học nổi tiếng từng ủng hộ thuyết tiến hóa.
Ông đã từng có dịp chuyện trò với Kurt Gödel, tác giả của Định lý Bất toàn nổi tiếng. Lúc tranh luận về vấn đề linh hồn và thể xác, Nagel còn chỉ trích quan điểm nhị nguyên của Gödel là không thể chấp nhận được, vì nó không thể dung hòa với thuyết tiến hóa. Có nghĩa là đối với Nagel, đến lúc ấy thuyết tiến hóa vẫn là một chỗ dựa khoa học để đem ra bênh vực chân lý khi tranh luận [2]. Ấy thế mà giờ đây, chính Nagel lại thất vọng với cái học thuyết mà ông đã từng tin tưởng. Tại sao vậy? Vì thuyết tiến hóa hoàn toàn bất lực trong việc giải thích bản chất của ý thức ─ đặc trưng cốt lõi của sự sống.
Trong khi chưa có cuốn sách của Nagel trong tay, độc giả có thể tìm hiểu quan điểm của Nagel qua bài báo Can science explain consciousness? (Khoa học có thể giải thích ý thức được không?) của Jean-François Gariépy, trong đó nói rằng “Trong một cuốn sách mới được xuất bản trong mùa thu 2019 vừa qua, Thomas Nagel đã bảo vệ quan điểm cho rằng khoa học không thể giải thích được ý thức ─ rằng tâm trí là một hiện tượng tự nhiên không thể quy giản thành các trạng thái vật lý của bộ não được. Ông cũng lập luận rằng thuyết tiến hóa, hoặc những lý thuyết phiên bản hiện nay của nó, không đủ để giải thích sự xuất hiện của ý thức”.
Xin nhấn mạnh rằng không chỉ Thomas Nagel, mà rất nhiều nhà khoa học hàng đầu khác cũng nhận thấy khoa học bất lực trước bí mật của ý thức. Nổi bật nhất và thú vị nhất là trường hợp của Edward Witten, như tạp chí nổi tiếng Scientific American loan báo gần đây.
1. Bài báo trên Scientific American ngày 18/08/2016 của John Horgan
Sau đây là bản lược dịch bài báo của John Horgan trên Scientific American nhan đề World’s Smartest Physicist Thinks Science Can’t Crack Consciousness (Nhà vật lý thông minh nhất thế giới cho rằng khoa học không thể phá vỡ bí mật của ý thức).
Gần đây tôi đã và đang viết rất nhiều về ý thức ─ điều bí ẩn lớn nhất. Tôi đã từng nghĩ thách đố lớn nhất là câu hỏi “tại sao tồn tại nhiều thứ thay vì không có gì cả” (something rather than nothing). Nhưng nếu không có ý thức thì có thể cũng chẳng có gì.
Một số nhà tư tưởng sâu sắc, đặc biệt là triết gia Colin McGinn, cho rằng bí mật của ý thức là vấn đề không thể giải quyết được. Nhà triết học Owen Flanagan gọi những người có quan điểm bi quan này là “những người theo thuyết bí ẩn” (mysterian)…
Vậy mà mới đây, nhà vật lý Edward Witten lại xuất hiện như một mysterian. Witten được các nhà vật lý đồng nghiệp của ông kính nể, trong đó một số người đã so sánh ông với Einstein và Newton. Ông là người đóng góp chủ yếu vào việc phổ biến Lý thuyết Dây trong vài thập kỷ qua. Lý thuyết dây cho rằng tất cả các lực của Tự Nhiên bắt nguồn từ những hạt siêu nhỏ rung động trong một siêu không gian bao gồm nhiều chiều phụ trội bổ sung.
Witten vốn là một người có quan điểm lạc quan về sức mạnh của khoa học trong việc làm sáng tỏ các bí ẩn của Tự Nhiên, chẳng hạn như vấn đề “tại sao tồn tại nhiều thứ thay vì không có gì cả”. Trong một cuộc trao đổi vấn đáp với tôi năm 2014, ông nói: “Nỗ lực của khoa học hiện đại đã diễn ra trong hàng trăm năm nay rồi, và chúng tôi đã tiến xa hơn những gì mà những người tiền nhiệm của chúng tôi có thể tưởng tượng được.” Ông cũng khẳng định lại niềm tin của mình rằng Lý thuyết Dây rồi sẽ được kiểm chứng là “đúng”.
Ấy thế mà trong một video phỏng vấn rất thú vị với phóng viên Wim Kayzer, Witten lại tỏ ra bi quan về tương lai của một giải thích khoa học đối với vấn đề ý thức. Nhà hoá học Ash Jogalekar, tác giả bài báo “The Curious Wavefunction” (Hàm sóng kỳ lạ), đã viết về bài phát biểu của Witten và chuyển thể phần liên quan. Dưới đây là một trích đoạn ý kiến của Witten:
“Tôi nghĩ rằng ý thức sẽ vẫn là một bí ẩn. Vâng, đó là những gì tôi có xu hướng tin tưởng. Tôi có xu hướng nghĩ rằng hoạt động của bộ não có ý thức sẽ được làm sáng tỏ ở mức độ lớn. Các nhà sinh học và có lẽ các nhà vật lý sẽ hiểu rõ hơn cách hoạt động của não. Nhưng tại sao một cái gì đó mà chúng ta gọi là ý thức đi cùng với những hoạt động đó, tôi nghĩ rằng sẽ vẫn là bí ẩn. Tôi cảm thấy việc hình dung làm thế nào mà chúng ta hiểu được Big Bang còn dễ dàng hơn nhiều so với việc hình dung làm thế nào mà chúng ta có thể hiểu được ý thức”.
Mặc dù Witten là một thiên tài, điều đó không có nghĩa ông không thể sai. Tôi tin rằng ông ta sai khi cho rằng Lý thuyết Dây cuối cùng sẽ được xác nhận, và ông ta cũng có thể sai khi cho rằng ý thức sẽ không bao giờ giải thích được. Tuy nhiên, tôi thấy ý kiến của ông đáng được đưa lên mặt báo ─ rằng một nhà khoa học tầm cỡ như Witten cũng đang thẳng thắn đề cập đến giới hạn của khoa học. Vì những lý do có lẽ quá rõ ràng, tôi thích nhận xét của Ash Jogalekar về ý kiến của Witten. Sau đây là một đoạn trích:
“Điều thú vị là đem đối chiếu tư tưởng của Witten với luận đề của John Horgan về “Sự kết thúc của khoa học” (The End of Science)… [ta có thể thấy rằng] Sự kết thúc của khoa học thực sự là sự kết thúc của việc tìm kiếm nguyên nhân cuối cùng. Theo nghĩa đó, không chỉ ý thức mà còn nhiều khía cạnh khác của thế giới sẽ luôn luôn là bí ẩn. Cảm thấy dễ chịu hay bối rối với điều này – đây là lựa chọn mà mỗi người chúng ta phải đưa ra.
2. Bình luận của GS. Phạm Việt Hưng về bài báo của John Horgan
Bình luận 1: John Horgan, tác giả bài báo, là một ký giả khoa học nổi tiếng ở Mỹ, chuyên viết cho tạp chí Scientific American. Ông cũng là tác giả của nhiều cuốn sách phổ biến khoa học nổi tiếng, chuyên về chủ đề giới hạn của khoa học.
Theo Horgan, hiện nay khoa học đã tiệm cận tới giới hạn của nó rồi. Từ nay, khó có thể có những lý thuyết khoa học lớn như Thuyết Tương đối của Einstein, Nguyên lý Bất định của Heisenberg,… Nổi tiếng nhất trong các tác phẩm của John Horgan là cuốn “The End of Science” (Sự kết thúc của khoa học), một cuốn sách từng gây xôn xao dư luận và tranh cãi trong giới khoa học.
Cách đây ngót 15 năm, tôi (PVHg) đã có bài giới thiệu cuốn sách này trên tạp chí Tia Sáng. Ngày 23/12/2005, bài báo đó đã xuất hiện trên trang Chungta.com .
Tiêu đề bài báo của tôi đã cố tình giảm nhẹ tuyên bố khó nghe của Horgan, “Sự kết thúc của khoa học” đã được chuyển thể một cách “mềm mại” thành “Buổi hoàng hôn của khoa học”. Ấy thế mà vẫn gặp phải phản ứng gay gắt của một số độc giả trên Tia Sáng. Những độc giả này dường như đã bị nhiễm sâu một căn bệnh khó chữa trong thời đại ngày nay, đó là bệnh tôn thờ khoa học như chúa ─ tôn thờ một cách sùng tín đến nỗi họ muốn ngoảnh mặt đi để khỏi trông thấy những sự thật bộc lộ bản chất hạn chế của khoa học. (xem bài: “Khoa học” – một tôn giáo mới?)
Ngay tại Mỹ, Horgan cũng không tránh được nhiều phản ứng gay gắt. Vì thế ông tỏ ra hứng thú khi thấy Edward Witten, người được coi là một trong những nhà khoa học giỏi nhất hiện nay, rốt cuộc cũng phải thốt lên những nhận định tương tự như ông, rằng có những giới hạn khoa học không thể vượt qua. Ý kiến thú vị nhất của Witten được Horgan nhắc lại nằm ở phần kết, rằng hình dung tại sao lại có Big Bang còn dễ hơn hình dung tại sao lại xuất hiện ý thức.
Quả thật, dù Big Bang khó hiểu đến mấy, nó vẫn là những sự kiện thuần túy biến đổi vật chất; toán học và vật lý thừa sức giải quyết; nhưng sự xuất hiện của ý thức là một vấn đề hoàn toàn khác: “Làm thế nào mà vật chất bỗng nhiên lại đẻ ra một cái gì đó không phải là vật chất?”
Tại đây, Định luật bảo toàn vật chất sẽ sụp đổ, nếu cố bám lấy niềm tin cho rằng ý thức là sản phẩm của sự hoạt động vật chất trong bộ não và hệ thần kinh nói chung. Rõ ràng là có một bước nhảy vọt ở chỗ này ─ sự xuất hiện của ý thức, một hiện thực phi vật chất, là một PHÉP LẠ của Tự Nhiên, khoa học vật chất hoàn toàn bất lực không thể giải thích được. Đó là lý do để Descartes cho rằng sự tồn tại không thể chối cãi của ý thức buộc chúng ta phải tin rằng ý thức là do Chúa truyền cho chúng ta.
Với cái nhìn triết học sâu sắc đó, mọi nỗ lực giải thích nguồn gốc của ý thức bằng sự tiến hóa của vật chất đều trở thành một trò hề trên sân khấu khoa học mà thôi.
Rốt cuộc những bộ óc lớn nhất của nhân loại từ cổ chí kim vẫn gặp nhau: Ý kiến của Descartes (thế kỷ 17), Planck, Einstein, Tesla, Gödel, Schrödinger,… (thế kỷ 20), và bây giờ của Edward Witten (thế kỷ 21) chỉ khác nhau về từ ngữ, còn nội dung đều nhất trí cho rằng ý thức là một hiện thực vượt quá tầm với của khoa học [3].
Bình luận 2: Edward Witten, người được coi là nhà vật lý giỏi nhất thế giới hiện nay, là tác giả chủ yếu của Lý thuyết M, một lý thuyết thống nhất các phiên bản khác nhau của Lý thuyết Siêu dây (Superstring Theory). Ông được giới vật lý coi là người có khả năng kế tục Einstein.
Lý thuyết M của ông được coi là ứng cử viên sáng giá nhất của Lý thuyết về mọi thứ (Theory of Everything), một lý thuyết có tham vọng khổng lồ là thống nhất Mô hình Chuẩn của Cơ học Lượng tử với Thuyết tương đối tổng quát của Einstein.
Mặc dù điều này còn phải chờ sự phán xét của thực tiễn, nhưng về mặt lý thuyết, Lý thuyết M đã làm cho những nhà vật lý hàng đầu hiện nay khiếp sợ trước sự phức tạp, cao siêu và trừu tượng của nó. Nó được mệnh danh là Lý thuyết M vì chứa đựng đủ tất cả những tính chất bắt đầu bởi chữ M: “Matrix” (ma trận), “Mystery” (Bí mật), Murky (tối tăm khó hiểu) + “Magic” (huyền bí) + “Membrane” (màng) +…
Như bài báo của John Horgan đã nhấn mạnh, Edward Witten là người không chịu lùi bước trước bất kỳ khó khăn nào. Hơn bất kỳ ai khác, ông là người tin tưởng mạnh mẽ vào sức mạnh vô địch của khoa học trong việc khám phá bí mật của tự nhiên. Bản thân ông là một hiện thân của sức mạnh đó, ấy thế mà ông lại không tin vào sức mạnh của khoa học trong việc khám phá bản chất của ý thức.
Điều này làm tôi nhớ lại ý kiến của Đức Đạt Lai Lạt Ma trong cuốn “Vũ trụ trong một nguyên tử”. Trong cuốn này, ông kêu gọi khoa học hợp tác với Phật học trong việc khám phá bản chất của ý thức. Nhưng để làm được điều đó, khoa học phải chấp nhận những kinh nghiệm chủ quan về ý thức mà các nhà đạo học chiêm nghiệm được thông qua những phép tu thiền. Thoạt nghe ta thấy đề nghị hợp tác này có vẻ hấp dẫn, nhưng suy nghĩ kỹ có thể thấy ngay rằng điều này là không tưởng. Nếu khoa học chấp nhận kinh nghiệm chủ quan của các nhà tu hành thì khoa học không còn là khoa học nữa.
Thực tế những nghiên cứu PSI (hiện tượng ngoại cảm và tâm linh) không được coi là khoa học. Ấy là vì nó không làm thế nào biến những kinh nghiệm chủ quan của các nhà ngoại cảm hoặc tâm linh thành những định luật khách quan của Tự Nhiên được. Nói như thế không có nghĩa là nên loại bỏ những nghiên cứu PSI. Ngược lại, cần tôn trọng những nghiên cứu này, vì trước hết PSI xác nhận rằng những hiện tượng ngoại cảm và tâm linh là sự thật (có thật).
Nếu khoa học không giải thích được những hiện tượng do PSI quan sát được thì đơn giản đó là sự bất lực của khoa học.
Bình luận 3: Thực ra không cần phải đợi đến Edward Witten chúng ta mới biết khoa học bất lực trước bí mật của ý thức. Các nhà khoa học tiền bối đã nói điều đó rồi, xin nhắc lại:
“Tôi coi ý thức là nền tảng căn bản, và vật chất bắt nguồn từ ý thức. Chúng ta không thể biết được những gì đằng sau ý thức. Mọi thứ chúng ta bàn đến, mọi thứ mà ta coi là đang tồn tại, đều do ý thức mặc nhận” (Max Planck)
“Ý thức không thể giải thích được bằng những thuật ngữ mang tính vật chất. Vì ý thức là khái niệm gốc rễ, không thể giải thích được bằng thuật ngữ của bất cứ thứ gì khác” (Erwin Schrödinger).
Hai ý kiến trên chỉ ra rằng phải có ý thức mới nhận thức được vật chất, vì thế việc dùng khoa học vật chất để giải thích ý thức là một hành trình tư duy ngược với quy trình tự nhiên của nhận thức.
Vả lại, dùng khoa học (một bộ phận của ý thức) để nghiên cứu ý thức thực chất là thực hiện một phép suy luận logic tự quy chiếu (tự mình phán xét mình). Theo Định lý Gödel. mọi hệ logic tự quy chiếu đều dẫn tới mâu thuẫn. Đó là lý do để mọi nghiên cứu khoa học về ý thức đều thất bại. (xem bài Định lý Bất toàn của Gödel: Khám phá toán học số 1 trong thế kỷ 20)
Cũng theo Gödel, muốn nghiên cứu tính đúng đắn của một hệ logic, phải đi ra ngoài hệ logic đó. Vậy muốn nghiên cứu bản chất của ý thức, phải đi ra ngoài ý thức! Làm thế nào để đi ra ngoài ý thức? Đó là câu hỏi dành cho những ai muốn nghiên cứu ý thức bằng những phương pháp bên ngoài khoa học.
Bình luận 4: Tham vọng dùng khoa học để khám phá ra bản chất của ý thức xuất phát từ một ngộ nhận rất ấu trĩ, đó là việc đánh đồng bộ não với ý thức trong bộ não. Những người có tham vọng này không đủ trí thông minh để hiểu điều Thomas Nagel nói: “Tâm trí là một hiện tượng tự nhiên không thể quy giản thành các trạng thái vật lý của bộ não được”.
Ở trên chúng ta cũng đã thấy Edward Witten thừa nhận là những nghiên cứu về bộ não sẽ đạt được nhiều tiến bộ, nhưng điều đó sẽ chẳng hề giải thích được ý thức là cái gì. Nhiều người ngây thơ nghĩ rằng hiểu rõ bộ não thì sẽ hiểu rõ ý thức. Nếu tạm ví bộ não như phần cứng của một chiếc computer thì cũng có thể tạm ví ý thức như phần mềm của computer đó. Phần cứng KHÔNG TẠO RA phần mềm, bộ não KHÔNG TẠO RA ý thức!!!
Đó là điều các nhà khoa học thần kinh và các nhà sinh học tiến hóa cần biết. Hoàn toàn tương tự, có thể nói phân tử DNA không tạo ra mã DNA. vật chất không tạo ra thông tin! Vì thông tin không phải là vật chất, mọi thông tin đều có nguồn trí tuệ thông minh! “Bất kỳ một lý thuyết vật chất nào không thừa nhận điều này đều không thể tồn tại trong thời đại ngày nay” (Norbert Wiener).
Bình luận 5: Trong bài báo của Horgan, những người không tin vào khả năng của khoa học trong việc “bẻ gãy” bí mật của ý thức bị coi là những người “bi quan”. Thật nực cười, ngay cả Edward Witten, nhà khoa học giỏi nhất thế giới hiện nay, người dám nghĩ đến siêu không gian nhiều chiều để tìm cách thống nhất Cơ học Lượng tử với Thuyết tương đối tổng quát, cũng bị coi là một người “bi quan” (!).
Để trở thành sáng suốt, không thể không tốn công nghiên cứu. Nhưng nghiên cứu mà không thoát ra khỏi những định kiến thì cũng vô ích. Chẳng hạn, nền giáo dục trên khắp thế giới đã nhồi nhét vào đầu trẻ em một định kiến rằng con người xuất thân từ vượn.
Nếu định kiến này bám chặt trong đầu không thể ra khỏi đó được thì bao nhiêu nghiên cứu, bao nhiêu bằng tiến sĩ cũng vô ích. Không phải bây giờ, và cũng không phải ở Việt Nam, mà ngay tại Pháp thế kỷ 19, Alexandre Dumas, tác giả của những tiểu thuyết lịch sử trứ danh, đã thất vọng với nền giáo dục đến nỗi ông phải thốt lên rằng “Làm thế nào mà trẻ em thì thông minh thế mà người lớn lại ngu xuẩn thế? Ắt là nền giáo dục đã làm ra như thế” (How is it that little children are so intelligent and men so stupid? It must be education that does it).
Tình trạng một lý thuyết sai lầm như học thuyết Darwin được nhiều người lớn có bằng cấp hẳn hoi ra sức bênh vực, bất chấp sự thật, chính là kết quả điển hình của nền giáo dục toàn cầu trong hơn 150 năm nay. Vì thế, để nhìn nhận một vấn đề khách quan hơn và độc lập hơn, chúng ta phải tìm cách bổ sung những thông tin từ mọi nguồn khác nhau trong cuộc sống. Những thông tin được giới thiệu dưới đây sẽ giúp độc giả có một cái nhìn đầy đủ hơn và khách quan hơn về vấn đề chúng ta đang thảo luận: Khoa học có giải thích được bí mật của ý thức không?
>> 5 mặt trái của khoa học thực chứng hiện đại
3. Khoa học có giải thích được bí mật của ý thức không?
Một bài báo trên trang Quartz, nhan đề Science can’t totally explain consciousness, and it never will (Khoa học không thể giải thích hoàn toàn vấn đề ý thức, không bao giờ) cho biết: Lisa Miracchi, phó giáo sư triết học tại Đại học Pennsylvania nhận định: “Bạn sẽ không thể hiểu được ý thức chỉ nhờ vào các sự kiện về thần kinh” ( you won’t understand consciousness just by looking at neural facts).
Tạp chí New Scientist, trong một bài báo nhan đề Consciousness: The what, why and how (Ý thức: cái gì, tại sao, như thế nào) viết: “Có rất nhiều bài toán khó trên thế giới, nhưng chỉ có một bài toán duy nhất được gọi là bài toán khó”… Đó là bài toán về bản chất của ý thức. Bài báo cho biết, nhà tâm lý học người Anh Stuart Sutherland nói: “Ý thức là một hiện tượng hấp dẫn nhưng khó nắm bắt… Không có một tài liệu nào đáng đọc được viết về ý thức cả”, và cho đến hiện nay, “Bài toán khó” vẫn chưa giải được”.
Cũng trên New Scientist ngày 23/11/2011, bài báo Consciousness is a matter of constraint (Ý thức là một vấn đề gượng gạo) viết: “Trong một Phụ lục Văn học xuất bản năm 1992 của tờ Times, nhà triết học Jerry Fodor đã than phiền bằng một câu nói nổi tiếng rằng “Không ai biết tí gì về thứ vật chất có thể là ý thức. Thậm chí không ai biết làm thế nào mà việc biết về một thứ vật chất nào đó lại có thể là ý thức”. Bất chấp hai thập kỷ của những tiến bộ bùng nổ trong những nghiên cứu về bộ não và trong khoa học nhận thức, đến năm 2011 nhận định của Fodor vẫn phản ánh đúng thực tế”.
Trong bài báo Why can’t the world’s greatest minds solve the mystery of consciousness? tờ The Guardian ở Anh viết: “Trong vài thập kỷ qua, các nhà triết học và khoa học đã và đang cãi vã chiến tranh với nhau về câu hỏi cái gì làm cho con người phức tạp hơn robots”.
4. Kết luận
1. Khoa học không thể phá vỡ bí mật của ý thức. Khoa học sẽ khám phá ra nhiều bí mật của bộ não và hệ thần kinh, nhưng đó chỉ là bí mật của “phần cứng” thuộc thể xác của con người, không phải là bí mật của ý thức, “phần mềm” chạy trong bộ não và hệ thần kinh của con người.
2. Sau 4 thế kỷ nghiên cứu của khoa học, luận đề của Descartes vẫn đứng vững, trong đó khẳng định ý thức là một hiện thực phi vật chất, không tuân thủ mọi định luật của tự nhiên. Khoa học càng tiến lên càng cho thấy Descartes đúng.
3. Đã đến lúc khoa học nên từ bỏ thế giới quan duy vật thuần túy, nếu quả thật nó muốn tiến lên để khám phá thế giới hiện thực, bao gồm những hiện thực phi vật chất và siêu vật chất. Nói một cách dễ hiểu, khoa học hiện nay chỉ quan tâm đến những hiện thực hữu hình.
Đã đến lúc khoa học cần mở rộng tầm nhìn tới cả thế giới vô hình, thế giới siêu hình, nếu khoa học là tổng hợp tất cả những tri thức về thế giới khách quan. Chú ý: vật chất tối (dark matter) và năng lượng tối (dark energy) nếu tồn tại như vật lý học hiện nay tiên đoán, thì những vật chất này vẫn thuộc thế giới hữu hình. Nhưng ý thức thuộc thế giới vô hình (hoặc là một dạng vật chất ở không gian khác), mặc dù nó có quan hệ gắn bó với thế giới hữu hình. (xem bài Tuyên ngôn về một nền khoa học Hậu duy vật)
4. Thuyết tiến hóa không xứng đáng được coi là một lý thuyết về sự sống, vì nó hoàn toàn bất lực trong việc giải thích sự hình thành của ý thức ─ đặc trưng cơ bản của sự sống. Hơn 150 năm trước đây, chính ông tổ của thuyết tiến hóa, Charles Darwin, đã thú nhận điều này.
Trong cuốn “Về Nguồn gốc các loài của ông” (On the Origin of Species), xuất bản năm 1859, ông viết: “Tôi phải nhấn mạnh rằng tôi không đụng đến vấn đề nguồn gốc của những khả năng tinh thần nguyên thủy…” (I must premise, that I have nothing to do with the origin of the primary mental powers,…) (Chương VII, Vấn đề Bản năng (Instinct)), tức là ông không biết gì về nguồn gốc hình thành ý thức ở sinh vật. [4] Hơn 150 năm sau, các đệ tử của ông cũng không biết gì hơn ông. Thậm chí họ còn tảng lờ không nhắc đến chỗ kém cỏi này của thuyết tiến hóa.
Phạm Việt Hưng, Sydney 03/08/2017
(Bản gốc của bài viết ở đây)
Xem thêm chuyên đề: Ý thức – “điểm mù” của khoa học đang dần được hé mở
Chú thích:
[1] Xem “Nho giáo”, Trần trọng Kim, NXB Văn hóa Thông tin, trang 78
[2] Xem Gödel’s Role in Our Quest for the Truth / Vai trò của Gödel trong cuộc tìm kiếm sự thật, phần “Gödel và thuyết tiến hóa”
[3] Xem The Hardest Problem: Consciousness / Bài toán khó nhất: Ý thức
Từ khóa vật lý duy vật và duy tâm ý thức và vật chất Lối mòn tư duy Bí mật của ý thức câu đố của ý thức