Nhạc sĩ Minh Kỳ và ‘Xuân đã về’
- Huỳnh Duy Lộc
- •
Nhạc sĩ Minh Kỳ sinh năm 1930, tên thật là Nguyễn Phúc Vĩnh Mỹ, là cháu đời thứ năm của vua Minh Mạng và là người con duy nhất của một gia đình khá giả thuộc hoàng tộc nhà Nguyễn ở Nha Trang.
Ông trải qua thời thơ ấu và thời thanh niên tại Nha Trang nên có nhiều kỷ niệm với thành phồ miền duyên hải này. Năm 1959, 7 năm sau khi lập gia đình, ông chuyển vào Sàigòn hoạt động văn nghệ, sáng tác những nhạc phẩm phù hợp với thị hiếu của đại chúng và kết hợp với nhạc sĩ Lê Dinh và nhạc sĩ Anh Bằng, cho ra mắt những nhạc phẩm để giới thiệu trên làn sóng Đài phát thanh hay những chương trình ca nhạc của các hãng đĩa.
Khi cuộc chiến leo thang, ông không vào quân đội mà gia nhập lực lượng cảnh sát, đến năm 1975 mang cấp bậc đại úy nên sau ngày 30 tháng 4 phải đi học tập cải tạo ở Trại An Dưỡng, Biên Hòa. Khuya ngày 31 tháng 8 năm 1975, một quả lựu đạn được ném vào vách tôn nhà số 3 của Trại tù An Dưỡng làm 3 người chết và 8 người bị thương nặng, hầu hết là những sĩ quan cảnh sát đang học tập cải tạo. Trong số những người chết có Minh Kỳ. Ông được chôn cất sơ sài với một tấm bia viết bằng sơn đỏ dòng chữ “Vĩnh My”, tức Vĩnh Mỹ, tên thật của ông.
Minh Kỳ có nhiều kỷ niệm với thành phố Nha Trang nên những sáng tác đầu tay của ông là những nhạc phẩm về thành phố duyên hải này viết theo điệu slow, sử dụng những quãng âm rộng nghe giống như tiếng sóng rập rờn như “Dòng thời gian”, “Nha Trang”, “Nhớ Nha Trang”, “Tiễn bạn”.
Khi dòng nhạc về người lính được nhiều người yêu thích do sự chia cách giữa những lính ở tiền tuyến và những người ở hậu phương, ông đã viết những ca khúc thể hiện tâm tình của người lính như: “Anh tiền tuyến, em hậu phương”, “Biệt kinh kỳ” (viết chung với Hoài Linh), “Tình hậu phương”, “Biệt động quân”… Nhưng những ca khúc đặc sắc nhất của ông là những ca khúc về những thành phố có phong cảnh đẹp nhất của miền Nam như thành phố Nha Trang, nơi ông sinh ra và lớn lên; thành phố Huế, quê nội của ông (các ca khúc nổi tiếng như “Mưa trên phố Huế”, “Người em Vỹ Dạ”, “Thương về xứ Huế”) và thành phố Đà Lạt. 3 ca khúc bất hủ ca ngợi nhan sắc của Đà Lạt là “Thương về miền đất lạnh”, “Đà Lạt hoàng hôn” viết chung với Dạ Cầm, tức nhạc sĩ Anh Bằng, và “Má hồng Đà Lạt”.
Minh Kỳ có 2 ca khúc xuân nổi tiếng là “Xuân đã về” sáng tác năm 1954 và “Cánh thiệp đầu xuân” sáng tác vào năm 1963. “Xuân đã về” là nhạc phẩm vui tươi thể hiện tâm trạng hân hoan của mọi người khi mùa xuân lại về, ánh nắng sáng tươi tràn ngập muôn nơi, muôn ngàn đóa hoa nở rộ đón gió xuân như những thiếu nữ kiều diễm cười tươi như hoa và trẻ nhỏ cười khúc khích từ lúc tiếng pháo đì đùng vang lên để chào đón thời khắc giao thừa:
Xuân đã về, xuân đã về
Kìa bao ánh xuân về tràn lan mênh mông
Trên cánh đồng, chim hót mừng,
Đang thướt tha từng đàn tung bay vui say
Xuân đã về, xuân đã về!
Ngàn hoa hé môi cười vui đón gió mới
Xuân đã về, xuân đã về!
Ta hát vang lên câu ca mừng chào xuân.
Ngoài trời bao la xinh tươi bao cô gái đẹp cười trông xinh như hoa
Lập lòe tà áo xanh xanh chen bông tím vàng đẹp hơn tiên nga
Vài bầy em bé rúc rích, khúc khích tiếng cười rủ nhau vui ca
Từng đàn chim non xinh xinh tung bay khắp trời cùng ríu rít ca
Một bài ca đón chào mừng hòa theo tiếng pháo đì đùng
Mừng xuân nay đã về rồi và đông đã vượt qua
Ngập trời bao tiếng chào mừng, nàng xuân duyên dáng về rồi
Về gieo bao thắm tươi vui lòng ta thấy yêu đời.
Xuân đã về, xuân đã về
Kìa bao ánh xuân về tràn lan mênh mông
Xuân đã về, trên cánh đồng,
Bao bác nông ngưng cày ruộng vui say xuân
Xuân đã về, xuân đã về
Ngàn cô gái quê cười tươi đón gió mới
Xuân đã về, xuân đã về
Ta hát vang chào mừng xuân sang, xuân sang…
Ca khúc “Xuân đã về” với giọng ca Diễm Sương & Kỳ Phương Uyên:
Ca khúc “Xuân đã về” với ban nhạc ATB của ca sĩ Ánh Tuyết: https://youtu.be/wHqYi8K-8mw
Theo facebook Huỳnh Duy Lộc
Xem thêm:
Từ khóa nhạc phẩm mùa xuân ca khúc trước 1975