Nhìn thấy gì sau mỗi sự kiện?
- BLOG HOÀNG GIANG
- •
Đi qua chiếc cổng chào lộng lẫy đó, những kẻ viếng thăm sẽ thấy được gì hơn là con đường đất nhầy nhụa mà hàng ngàn trẻ em phải đi mỗi ngày để đến trường, là những đường ven núi cheo leo đang chờ chực từng chiếc xe lao xuống?
Khoảng đầu tháng 9/2016, một chiếc xe tải đã dìu một chiếc xe khách trên đoạn đường từ thành phố Bảo Lộc vào Sài Gòn. Xe khách đang chạy trên đèo Bảo Lộc thì bị mất thắng, đâm vào thùng xe tải phía trước vài giảm tốc cho đến khi hết đường đèo thì dừng hẳn tại một vị trí bằng phẳng. Không có tổn thương nặng nề về nhân mạng. Sau sự kiện này, tài xế xe tải được hoan nghênh nhiệt liệt và phong “anh hùng”. Chủ tịch nước cũng gửi thư khen thưởng anh, và một số hãng xe lớn tại Việt Nam cũng ngỏ ý muốn giúp anh tiền để mua một chiếc xe khác. Những tung hứng của cộng đồng mạng cũng như cánh báo chí khiến câu chuyện trở nên nổi như cồn và anh tài xế xe tải trở thành một Lục Vân Tiên “kiến nghĩa bất vi” của thế kỷ 21. Nhưng chuyện không dừng ở đó. Vài ngày sau lại có những ý kiến trái chiều từ người tài xế xe khách bị mất thắng về “anh hùng rơm” ăn may. Ngần ấy lời qua tiếng lại cũng trở thành một câu chuyện thu hút sự chú ý của dư luận trong một thời gian dài.
Những vụ tai nạn thảm khốc trên đường núi, đường đèo ở Việt Nam xảy ra không phải là hiếm. Nếu ai đã từng ngồi trên xe khách đi đến các vùng núi phía Bắc, hẳn không quên được cảm giác nơm nớp lo sợ khi xe chạy chậm chạp lần theo đường ven núi. Con đường rất nhỏ, hẹp đôi khi có những đoạn không lát bê tông, chỉ có cát, sỏi. Nhiều năm gần đây, các hãng xe nhập nhiều xe khách lớn để chở được nhiều khách hơn. Nhưng con đường liên tỉnh, buồn thay, hàng chục năm nay, vẫn nhỏ và hẹp như thế. Nam Triều Tiên cũng là một đất nước có khu vực núi đồi trùng điệp, hiểm trở chiếm 70% diện tích cả nước, bởi vậy họ tìm cách xây hệ thống đường đâm thẳng qua chân núi, bao gồm cả đường tàu cao tốc liên tỉnh. Những đường hầm qua núi đó được xây dựng vô cùng kiên cố. Công nghệ cầu đường của Nam Triều Tiên vươn tới đỉnh cao thế giới khi cường quốc này xây dựng thành công một con đường xuyên lòng biển nối thành phố Busan với đảo Geoje.
Câu chuyện hàng chục mạng người thoát chết là một niềm vui, nhưng có khi nào cũng là một nỗi buồn khi nghĩ về vấn đề đường sá muôn thuở tại đất nước mình. Chính phủ đã bỏ ra cả ngàn tỉ cho một tượng đài, và sắp tới là cả trăm tỉ cho một chiếc cổng chào. Đi qua chiếc cổng chào lộng lẫy đó, những kẻ viếng thăm sẽ thấy được gì hơn là con đường đất nhầy nhụa mà hàng ngàn trẻ em phải đi mỗi ngày để đến trường, là những đường ven núi cheo leo đang chờ chực từng chiếc xe lao xuống?
Chúng ta, nếu còn vui mừng vì những điều như thế, thì vẫn chưa hết nằm mơ. Ngay Sài Gòn hoa lệ – miền đất hứa của hàng triệu người Việt tứ xứ đổ về làm ăn, mong mỏi một cuộc sống no đủ – cũng ngập đầy nước trong mùa mưa lũ. Con đường đi bộ Nguyễn Huệ lát đá granite trăm năm giữa lòng Sài Gòn hay tuyến đường đất ra Thủ Đức lủng củng ổ gà cũng chả khác nhau là bao. Biệt thự 60 tỉ của một ca sĩ hạng A hay căn nhà khu dân cư lụp xụp cũng ngập tràn nước dưới cơn mưa tầm tã. Khác thế nào khi không hề tồn tại sự cân bằng từ ý thức, giáo dục, hệ thống an sinh xã hội… Đằng sau làn nước mênh mông kia là cả mớ rác đang kẹt cứng miệng cống mà có thể chính mình đã vô tình vứt bừa bãi hàng ngày, là miếng bê tông trộn đất để xây đường đang dứt ra từng mảng từ những mưu tính bòn rút công trình. Người dân hoang mang trong chiều mưa lũ, bực dọc chửi thề, than vãn, chỉ mong sao về được đến nhà. Hà Nội “tay bắt mặt mừng” chia sẻ với bạn bè Sài Gòn vì cũng trải qua cùng cảnh ngộ nước ngập trong mùa mưa.
Tất cả những điều ấy được bàn tán rôm rả khắp các trang mạng xã hội, thông tin báo chí và cũng lạ thay, sẽ lại được lãng quên mau khi nắng lên và nước rút. Nhà nước tiếp tục tính toán, công bố các dự án đường sá triệu đô, người dân tiếp tục lên án kêu ca, để đất nước mình hàng thập niên sau vẫn còn đứng đầu xếp hạng đất nước hạnh phúc và đáng sống nhất hành tinh, từ nhiều câu chuyện vui như thế.
Từ khóa con người Viêt Nam ngập nước sài gòn