Việt Nam hiện nay có 9.000 container phế liệu chưa được xử lý. Các container phế liệu này nằm ở các cảng hoặc các bãi phế liệu.

“Phế liệu thì cứ để dân phế liệu xử lý, liên quan gì tôi?”, bạn có thể hỏi thế. Nhưng không, chính thứ phế liệu đấy và cách xử lý thiếu khoa học sẽ liên quan tới tất cả chúng ta.

nhap khau phe lieu
7.000 lít dầu có chứa PCB – hoá chất siêu độc được nhập về, bị tồn tại cảng Cái Lân trong vòng 7 năm, từ năm 2007 đến năm 2014 mới được xử lý. Số dầu thải biến thể trên được giữ trong điều kiện không đảm bảo, luôn có nguy cơ rò rỉ, tràn ra vịnh Hạ Long. (Ảnh: baoquangninh.com.vn)

Các độc chất kim loại nặng trong phế liệu rất khó xử lý vật tồn tại rất lâu trong môi trường. Độc chất chỉ có thể phát hiện bằng test mẫu chuyên môn chứ không phải quan sát bằng mắt thường. Trong khi đó việc thu gom và xử lý phế liệu tại Việt Nam được thực hiện theo hình thức rất… thủ công.

Thu gom và phân loại phế liệu thủ công là đã có nguy cơ lan tỏa độc chất vào môi trường đất, nước, không khí và chính con người lần thứ nhất. Thiếu kiểm soát xử lý, tái chế phế liệu là quá trình lan tỏa ô nhiễm lần thứ hai, cũng vẫn vào đất, nước, không khí và con người. Ô nhiễm phế liệu sẽ gây nhiễm độc hiệu ứng trên hệ thống miễn dịch, hệ thống sinh sản, hệ thống thần kinh, hệ nội tiết và các ảnh hưởng sức khỏe khác.

Hiểu đơn giản hơn là ô nhiễm phế liệu gây nhiễm độc sẽ dẫn tới ung thư. Và quá trình tích tụ độc (phơi nhiễm) thường kéo dài, khó nhận thấy bằng mắt thường nên đến khi phát hiện thì đã muộn. Đại đa số các trường hợp nhiễm độc thường rơi vào dạng phơi nhiễm độc (nhiễm độc cấp tính thường sẽ chết ngay lập tức).

Lấy ví dụ về độc chất PCB với cách mà nó ảnh hưởng lên chuỗi thức ăn và mang tính di truyền. Cách đây 4 năm, chính quyền Quảng Ninh loay hoay với việc xử lý PCB sau khi phát hiện chúng có trong 3 máy biến thế nhập về từ Hàn Quốc. Một sự cố nhỏ thôi để PCB tràn ra Vịnh Hạ Long thì sẽ là thảm họa môi trường. Thử tưởng tượng khách du lịch đến vịnh Hạ Long mà không thể ăn hải sản hay toàn bộ hoạt động đánh bắt trên vịnh phải dừng lại vì ô nhiễm. Đó chỉ là nói từ góc độ kinh tế! Nếu những người ăn hải sản nhiễm độc và sinh con thì đứa con đã mang sẵn mầm bệnh trong người thông qua nhiễm độc di truyền.

Nhưng đó chỉ là ví dụ thấy được, biết được qua test mẫu trong vô số ví dụ không thấy được, không biết được và không qua test mẫu. Nhẹ nhàng hơn, một lò nấu dầu FO từ vỏ xe thôi cũng đủ khiến cả một khu dân cư cách đó chục km có nguy cơ ung thư do ngửi khói ô nhiễm và tích tụ đủ để phát bệnh. Nạn nhân chỉ cảm giác được mùi, hơi khó chịu đến khó chịu mà không biết đấy là dạng “sát thủ âm thầm”. Có rất nhiều dạng “sát thủ âm thầm” khó phát hiện như vậy tại Việt Nam.

Chỉ là nhắc lại một số liệu không mới: Mỗi ngày có khoảng 25 người ra đi và không trở về nữa vì tai nạn giao thông đã tốn kém quá nhiều tiền bạc, chi phí, tạo gánh nặng xã hội thì với ung thư, con số ấy là 315. Hãy nhân số nạn nhân đã chết được ghi nhân qua điều trị với 365 ngày trong năm sẽ hiểu nguy cơ ung thư đáng sợ ra sao. Và hãy nhớ, không phải người chết vì ung thư nào cũng được ghi nhận trong sổ khám chữa bệnh để thống kê ra con số ấy…

Nguy cơ ô nhiễm từ nhập phế liệu chỉ là một phần trong các nguy cơ ô nhiễm tại Việt Nam. Vấn đề là vì sao phế liệu được nhập vào nhiều đến vậy trong khi chúng ta là “đất nước trên nền rác”?

Hãy khoan nói về trách nhiệm cá nhân, tập thể nào đó; mà hãy tự vấn xem bạn có bị nhiễm thứ độc mang tên thờ ơ và lây lan, có đúng hay không?

Theo Facebook Nhà báo Mai Quốc Ấn

Xem thêm: