Sự ấm ức của những người không thể lên tiếng
- Khải Đơn
- •
Tháng này, 2 vụ án được xử như những cái tát vào pháp luật ở hai miền Nam – Bắc.
Đây là những vụ án mà báo chí đã tường thuật với nhiều tình tiết rõ ràng, nhưng lại bị xét xử kéo dài với những tình tiết chứa đựng nhiều uất ức.
Vụ thứ nhất là vụ án chạy thận làm chết 8 người tại Bệnh Viện Hoà Bình. Hệ thống máy chạy thận tại bệnh viện Hoà Bình do một công ty tư nhân đầu tư, xử lý việc súc rửa, vận hành và ăn chia lợi nhuận với Ban Giám Đốc bệnh viện Hoà Bình.
Nhân viên của công ty này súc rửa đường ống nước RO dùng để chạy thận ẩu tả làm tồn dư hoá chất khiến 8 bệnh nhân tử vong ngay lập tức. Và người bị khởi tố trong vụ án này là bác sĩ trẻ Hoàng Công Lương.
Trong ngành y tế cũng như trong một bệnh viện, ai cũng biết mỗi người chịu trách nhiệm về chuyên môn của mình. Đối với các bác sĩ điều trị tại bệnh viện, nhiệm vụ của họ là chẩn bệnh, kê đơn, chỉ định điều trị, họ không chịu trách nhiệm về chất lượng thuốc cùng các thiết bị, phương tiện phục vụ điều trị. Trách nhiệm về lĩnh vực đó đã được bệnh viện giao cho những người khác, bộ phận khác, dưới sự giám sát của Giám đốc Bệnh viện.
Cũng tại phiên tòa tuần rồi, những lời thống thiết nhất của người nhà nạn nhân đã qua đời trong phiên tòa lại không nhắm vào bác sĩ Lương, mà họ đòi điều tra lại trách nhiệm quản lý đối với lãnh đạo BV Đa khoa Hòa Bình và Công ty Thiên Sơn, là ông Trương Quý Dương và ông Nguyễn Anh Tuấn.
Người chịu trách nhiệm chính phải trả lời sự cố chết người này là nguyên Giám đốc Bệnh viện Hòa Bình Trương Quý Dương, đã ký gói thầu làm hệ thống RO, và khi ấy đang vi vu ở nước ngoài. Còn bác sĩ chữa bệnh cho bệnh nhân lại bị khởi tố và vướng vòng lao lý.
Tại Sài Gòn, thứ 2 tuần tới [ngày 28/5], một vụ đại án với những tình tiết mười năm rõ mười tương tự cũng được đưa ra xét xử. Điều đáng chú ý vụ này đã bị kéo dài xét xử tới 7 năm trời.
Vụ án này thậm chí còn nổi tiếng hơn vụ bác sĩ Hoàng Công Lương, kéo dài thời gian xét xử hơn vụ bác sĩ Hoàng Công Lương, và toà cũng từng phán xét những kết quả tréo ngoe không kém.
Đó chính là đại án “Huỳnh Thị Huyền Như và Vietinbank”, và nạn nhân là nhiều công ty với cả nghìn tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm, như công ty chứng khoán Saigonbank Berjaya (SBBS) hay công ty Hưng Yên và nhiều nạn nhân khác.
Cách đây 7 năm, 5 công ty này đã mang hơn 1.000 tỷ gửi vào tài khoản của Vietinbank, việc mở tài khoản và chuyển tiền vào Vietinbank hoàn toàn đúng luật, đã được Vietinbank xác nhận. Tuy nhiên khi nhân viên của Vietinbank rút ruột hơn 1.000 tỷ này thì Vietinbank lại phủi tay, đổ vấy trách nhiệm lên mình Huyền Như. Và kết quả các phiên toà đã xử: Vietinbank vô can, Huyền Như phải trả 1.000 tỷ cho các nạn nhân.
Những phóng viên mảng tòa hẳn đã quen nhìn thấy những nạn nhân như bà Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Saigonbank Berjaya. Họ điều có một luận điểm vô cùng đơn giản, như bà từng trả lời báo chí: “Tài khoản của tôi mở tại ngân hàng – đó là tài khoản thực. Tiền tôi gửi vào tài khoản của ngân hàng, đó là giao dịch thực. Tôi gửi tiền vào ngân hàng, nay tiền mất thì ngân hàng phải có trách nhiệm đền lại cho tôi. Còn Huyền Như giả chữ ký rút ra thì đó là việc nội bộ của ngân hàng, sao lại có thể bắt Huyền Như đền tiền cho tôi được mà ngân hàng lại phủi tay. Cho đến khi nào tôi còn sức, tôi còn đi được thì tôi vẫn sẽ đấu tranh để giành lẽ phải về mình”.
Bà từng nói trên nhiều báo rõ ràng: Công ty bà chuyển tiền vào tài khoản của Vietinbank chi nhánh TP.HCM chứ không chuyển vào tài khoản cho Huyền như. Mọi thứ chứng từ còn đầy đủ rõ ràng giấy trắng mực đen.
Nhưng đến hôm nay, sau thêm nhiều vụ tiền tiết kiệm bốc hơi hàng trăm tỷ, và những lãnh đạo ngân hàng được đem ra xét xử, còn ngân hàng như Vietinbank thì… im lặng phủi tay, coi bộ cuộc đòi tiền của những phụ nữ như bà tổng giám đốc SBBS có lẽ còn là cuộc đấu tranh pháp lý mòn mỏi.
Dễ thấy cách hành xử của Vietinbank, nói nôm nay thì cách xử của toà giống như câu chuyện này:
Bà A cho bà B vay 100 triệu khi bà B khó khăn. Bà B hẹn 1 tháng sau trả. Tuy nhiên vừa mang tiền về cất vào tủ, thì không may người em cờ bạc của bà B cậy tủ lấy mất. Đến kì hạn trả tiền, bà A đến đòi tiền thì chỉ nhận được câu trả lời ráo hoảnh: tôi không biết, tiền tôi thằng em tôi lấy trộm rồi, nó ngoài ý muốn của tôi, cô đi mà đòi thằng em của tôi ấy.
Hai vụ án này đều như 2 cú tát nặng nề vào luật pháp. Hy vọng rằng những phiên toà tới, cán cân công lý sẽ không thể bị bẻ cong.
Nhưng những người yếu thế, sẽ phải tiếp tục cuộc đấu tranh pháp lý mòn mỏi với rất nhiều ấm ức và kiên trì.
Theo Facebook Nhà văn, người viết báo tự do Khải Đơn
Xem thêm:
Từ khóa Huỳnh Thị Huyền Như đại án tham nhũng Việt Nam BS Hoàng Công Lương