Tác hại của việc ĐCSTQ kiểm duyệt ngôn luận đối với người dân Trung Quốc
- Vi Khiết Tiểu, Mộng Phi Chu
- •
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã biến việc kiểm duyệt ngôn luận thành một công cụ kiểm soát chính trị mang tính hệ thống. Bài viết này sẽ phân tích một cách hệ thống những tác động tiêu cực của chế độ kiểm duyệt ngôn luận của ĐCSTQ đối với người dân Trung Quốc, từ các khía cạnh như tiếp cận thông tin, giám sát xã hội, áp lực tâm lý, đổi mới văn hóa và giao lưu quốc tế.
Trong thời đại thông tin thế kỷ 21, tự do ngôn luận đã trở thành một giá trị cốt lõi không thể thiếu của xã hội hiện đại. Nó không chỉ liên quan đến quyền biểu đạt cá nhân mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng quản trị quốc gia, công bằng xã hội và sự phát triển đa nguyên của văn minh nhân loại.
Chế độ ĐCSTQ vận hành liên tục dưới danh nghĩa “duy trì ổn định”, “chống tin đồn”, “ngăn ngừa bất ổn xã hội”. Nhưng thực chất là đàn áp quyền cơ bản của công chúng, tước đoạt quyền được biết, quyền phát biểu và quyền tham gia vào các vấn đề công cộng của người dân.
1. Hạn chế tiếp cận thông tin, cản trở sự phát triển nhận thức của người dân
Dưới sự cai trị của ĐCSTQ, Internet, xuất bản, giáo dục, truyền thông tại Trung Quốc Đại Lục đều bị giám sát và kiểm duyệt nghiêm ngặt. Thông qua các biện pháp kỹ thuật như “Tường lửa Trường Thành” (GFW), lọc từ khóa, khoá tài khoản…, nhiều người dân trong nước không thể truy cập các nền tảng thông tin quốc tế như Google, YouTube, Twitter, Wikipedia…
Tình trạng cô lập thông tin này khiến người dân chỉ có thể tiếp cận các nội dung đã qua kiểm duyệt và sửa đổi theo tuyên truyền nhà nước của ĐCSTQ.
Lấy ví dụ về các sự kiện lịch sử như “Vụ thảm sát Thiên An Môn 1989”, “nạn đói do Đại Nhảy Vọt gây ra”, “trại cải tạo lao động Tân Cương”… đều bị xoá sạch hoặc xuyên tạc hoàn toàn trong hệ thống giáo dục và tuyên truyền do ĐCSTQ kiểm soát, khiến nhiều thế hệ người dân thiếu kiến thức cơ bản về lịch sử của đất nước.
Thế hệ trẻ trưởng thành trong môi trường “lịch sử bị cắt xén” nên năng lực nhận thức bị suy yếu, sự hiểu biết về quốc gia, xã hội và thế giới trở nên phiến diện và thiếu lý tính.
2. Kiểm soát thông tin khiến người dân mất khả năng suy nghĩ độc lập
Xã hội không có nguồn thông tin chân thực và đa dạng sẽ dễ khiến cá nhân rơi vào trạng thái mù quáng, thiên kiến, thậm chí là hận thù. Điều này tạo điều kiện để chính quyền thao túng dư luận, kích động chủ nghĩa dân tộc, nhưng lại tước đi khả năng phân tích, phán đoán của người dân khi đối mặt với các vấn đề phức tạp của xã hội.
3. Đàn áp dư luận, làm suy yếu cơ chế giám sát xã hội
Trong xã hội dân chủ, dư luận đóng vai trò giám sát quan trọng, là nền tảng đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm của chính phủ.
Tuy nhiên, ĐCSTQ sử dụng toàn bộ hệ thống kiểm duyệt ngôn luận, từ xoá bài, khoá tài khoản, thành lập “cảnh sát mạng”, đến khuyến khích tố cáo lẫn nhau, nhằm bóp nghẹt tiếng nói phản biện và các hành động bảo vệ quyền lợi trên mạng internet.
Trong các sự kiện công cộng lớn như thảm hoạ tàu điện ngầm Trịnh Châu, hoả hoạn Urumqi, “Phong trào Giấy trắng”..., khi người dân muốn lên tiếng trên mạng xã hội để đòi công lý hay thể hiện sự phẫn nộ, các nội dung liên quan thường bị xoá bỏ nhanh chóng, người phát ngôn bị cảnh cáo, giam giữ hoặc truy tố hình sự.
Kết quả là khả năng giám sát chính phủ của người dân bị suy yếu, các hiện tượng bất công xã hội khó bị phơi bày, tham nhũng và lạm quyền dễ dàng lan rộng.
Kiểu kiểm soát dư luận này không chỉ tước đi cơ hội lên tiếng của quần chúng mà còn khiến dư luận có vẻ như đang trong tình trạng thịnh vượng giả tạo. Bề ngoài, người dân có vẻ như đang sống trong hòa bình và thịnh vượng, nhưng thực tế họ đang sống trong sự đàn áp sâu sắc và sự phản kháng thầm lặng.
Quần chúng dần hình thành nên một “số đông im lặng”, giữ khoảng cách với các vấn đề công cộng, ý thức tham gia xã hội và trách nhiệm xã hội của họ bị suy yếu nghiêm trọng.
4. Tạo bầu không khí sợ hãi, gây áp lực lên nhân phẩm và sức khỏe tâm lý
Hệ thống kiểm duyệt không chỉ là công cụ kiểm soát thông tin mà còn là phương tiện đàn áp tinh thần. Việc tuỳ tiện bình luận về chính trị, chỉ trích quan chức, chia sẻ nội dung “nhạy cảm” có thể bị cảnh cáo, hạn chế tiếp cận thông tin, thậm chí là giam giữ và kết án. Điều này khiến người dân phải tự kiểm duyệt bản thân trong từng lời nói và hành động.
Nhiều người Trung Quốc thường ghi chú “chỉ bạn bè mới xem được” trong WeChat hay dùng từ ẩn dụ như “sự kiện nào đó”, “nhân vật quan trọng nào đó”, “vào tháng năm nào đó” khi nói về các chủ đề nhạy cảm.
Bản chất của hành vi tự kiểm duyệt này là biểu hiện của nỗi sợ hãi trước quyền lực. Sống lâu dài trong trạng thái căng thẳng này khiến con người dễ bị lo âu, trầm cảm, bất lực, thậm chí dẫn đến việc “học được sự bất lực”.
Tâm lý học cho thấy tự do biểu đạt là quyền cơ bản của con người và là yếu tố quan trọng duy trì sức khỏe tâm thần. Khi cá nhân không thể bày tỏ suy nghĩ thực sự, cảm xúc bị dồn nén lâu dài, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ gia đình, giao tiếp xã hội và dẫn đến suy thoái tinh thần trong toàn xã hội.
5. Bóp nghẹt tư tưởng đa nguyên, cản trở đổi mới văn hóa và khoa học
Tư tưởng tự do là nền tảng của sự phát triển văn hóa và đổi mới khoa học. Nhưng trong chế độ kiểm duyệt khắt khe của ĐCSTQ, xuất bản bị kiểm tra nghiêm ngặt, nghiên cứu học thuật bị giới hạn bởi tư tưởng chính trị, sáng tác truyền thông phải tuân theo định hướng của ĐCSTQ.
Nhiều tác phẩm nghệ thuật bị cấm vì “nhạy cảm”, “vô văn hóa”, “không năng lượng tích cực”; nhiều bài luận khoa học buộc phải “thể hiện giá trị quan xã hội chủ nghĩa” nếu không sẽ bị từ chối xuất bản.
Kết quả là lĩnh vực văn hóa của Trung Quốc thiếu tính sáng tạo, học thuật chạy theo hình thức và giả dối, nghiên cứu khoa học bị thay thế bằng quản lý hành chính. So với các xã hội mở, nơi học thuật và nghệ thuật phát triển đa dạng, tri thức ở Trung Quốc bị kìm hãm nghiêm trọng, người dân cũng mất đi cơ hội tiếp nhận các tư tưởng và đổi mới văn hóa đa chiều.
Đồng thời, xã hội thiếu sức mạnh phản biện thực sự và sự khai sáng về mặt tư tưởng khiến giới trẻ Trung Quốc nói chung cảm thấy bối rối về mặt tinh thần. Họ có vẻ như đang tận hưởng cuộc sống vật chất sung túc, nhưng giá trị của họ lại vô cùng trống rỗng, khó có khả năng gánh vác vai trò lãnh đạo tư tưởng và xây dựng văn hóa trong tương lai đất nước.
6. Cắt đứt giao lưu quốc tế, tăng cường thành kiến dân tộc và hiểu lầm
Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, việc cô lập thông tin khiến người dân Trung Quốc khó đối thoại thật sự với thế giới.
ĐCSTQ vừa ngăn chặn các nền tảng quốc tế, vừa thúc đẩy tuyên truyền chủ nghĩa dân tộc, miêu tả mọi phê phán từ bên ngoài là “âm mưu của thế lực thù địch”. Môi trường dư luận như vậy khiến người dân có cái nhìn nghi ngờ, thậm chí thù địch với phương Tây, thiếu hiểu biết cơ bản về sự khác biệt văn hóa.
Ví dụ, khi phong trào biểu tình ở Hồng Kông nổ ra, người dân Đại Lục chỉ nhận được tuyên truyền một chiều như “phần tử bạo loạn đòi độc lập phá hoại trật tự xã hội”, mà không hiểu được đằng sau là các yêu sách chính trị và lý tưởng dân chủ.
Trong cuộc chiến Ukraine, dư luận nhà nước lại nghiêng về ủng hộ Nga, bỏ qua luật pháp quốc tế và nhân quyền, điều này phản ánh sự sai lệch trong giáo dục và truyền thông. Tình hình này không những không có lợi cho quá trình quốc tế hóa của Trung Quốc, mà còn cản trở quần chúng hình thành một thế giới quan lành mạnh.
Thêm vào đó, do rào cản ngôn ngữ và mạng internet, nhiều người Trung Quốc không thể tiếp cận thông tin quốc tế và giao lưu bình đẳng với người dân thế giới. Họ dễ bị tụt hậu trong giao tiếp học thuật, nghề nghiệp quốc tế và khó có tiếng nói đại diện cho ý chí của người dân trong hệ thống truyền thông toàn cầu.
Kết luận:
Kiểm duyệt ngôn luận là công cụ quan trọng giúp ĐCSTQ duy trì quyền lực, nhưng cái giá mà xã hội phải trả là rất lớn. Từ việc hạn chế nhận thức, bóp nghẹt giám sát, gây áp lực tâm lý, đến việc phong tỏa văn hóa và cô lập quốc tế, tất cả tạo thành một hệ thống gây tổn hại nghiêm trọng đến người dân Trung Quốc.
Một xã hội thật sự tự do, công bằng và đầy sức sống phải dựa trên môi trường thông tin mở và quyền tự do ngôn luận chân thực.
Việc gỡ bỏ chế độ kiểm duyệt không thể thực hiện trong ngày một ngày hai, nhưng sự thức tỉnh là bước đầu tiên. Khi ngày càng nhiều người Trung Quốc nhận ra giá trị của tự do ngôn luận, dám suy nghĩ, dám lên tiếng và hành động, tương lai mới có thể tìm thấy lối thoát trong bức tường phong tỏa.
Đối với người dân Trung Quốc, tranh đấu cho tự do ngôn luận không chỉ là đòi quyền lợi, mà còn là bảo vệ phẩm giá con người và tinh thần trách nhiệm xã hội.
Từ khóa Tự do ngôn luận nhân quyền Trung Quốc
