Thân người tan biến
- Khải Đơn
- •
Bạn hỏi tôi: “Em muốn làm gì ở Mỹ?” – Tôi nói: “Mình sẽ đi vành đai miền Nam, mình muốn thấy nước Mỹ mà Jack Kerouac đi, nghe nhạc Jazz và nhìn thấy Grand Canyon.” – và rồi tôi được thấy nước Mỹ, nhưng theo cách mà tôi chưa bao giờ thấy được qua những tấm bưu thiếp du lịch hoặc các bài báo tươm tất.
Đó là buổi tối tôi đứng ở Portland, Oregon. Trời mưa đẫm rượt. Tay tôi rất đau vì lạnh. Nhưng tôi đã đứng đó bảy phút để nhìn người đàn ông co ro dưới mưa. Từ nơi tôi đứng, cửa nhà sách Powell’s Bookstore lớn nhất thế giới về sách cũ, phía trong là những người tĩnh lặng chậm rãi lướt qua hàng giá sách cao chót vót, máy sưởi ấm tỏa hơi ấm gáy và bàn tay. Phía ngoài, ông ngồi giữa cơn mưa với dù mỏng.
“Hãy hỏi tôi bất cứ gì, tôi sẽ trả lời, hãy giúp đỡ tôi, bất cứ gì cũng tốt cho một bữa ăn.” – Đó là câu chữ mực đen ghi trên tờ giấy carton màu nâu. Tôi chợt nhớ ra, ông chỉ là một trong con số 549.928 người vô gia cư ở Mỹ. Và Portland này, đầy mưa gió, nhưng ấm áp hơn, là một trong những nơi mà ta thấy mình đi giữa hàng hàng lớp lớp người không nhà cửa giữa những con đường thênh thang đổi nắng thành mưa rào trong vài phút.
Người vô gia cư ở bất cứ đâu cũng khiến những câu hỏi vô phương trong đầu tôi trỗi dậy ồn ào . Họ sẽ đi vệ sinh ở đâu? Họ tắm ở đâu? Khi họ ngủ, ai sẽ quấy rầy họ? Khi cô gái ngủ, cô có yên thân không? – Tôi hỏi Israel Bayer của một tờ báo tên Street Roots có mạng lưới người bán là người vô gia cư, ông kể: “Người vô gia cư trên đường rất yếu ớt. Họ là người trở thành nạn nhân của những kẻ thích giết người vô gia cư, những kẻ chuyên đi tìm và cưỡng hiếp phụ nữ vô gia cư, những kẻ chuyên tuyển mộ người vô gia cư để bán ma túy từ các cartel ma túy ở Mexico.” – Có vụ, tờ báo này phải chứng kiến hàng loạt các nạn nhân nữ không nhà cửa bị các nhóm cưỡng hiếp bắt cóc và sau đó thủ tiêu.
Cứ ngồi như vậy với cây dù trong cơn mưa lạnh căm, người đàn ông không một lần ngẩng đầu lên. Cơ thể ông như co rút lại trong lớp áo dày độn và xỉn màu. Tôi bước lại gần cố nhìn ông kỹ hơn. Một ánh mắt đã cạn kiệt ánh sáng. Run lẩy bẩy. Mệt mỏi. Tôi bỏ vào cốc của ông một chút tiền. Ông hỏi: “Cô muốn hỏi gì?” – Tôi đáp: “Có quyển sách nào ông nghĩ tôi nên mua không?” – Ông đáp: “Nếu đó là quyển cô cần, thì ở đây có thể cho cô những quyển sách giá rất rẻ so với nhà sách mới. Nhưng đừng vì rẻ mà mua, khi cô không cần, quyển sách chẳng có giá trị gì đâu.”
Tôi cố gắng mỉm cười. Ông mỉm cười. Mưa sập xuống. Tôi đã bị ướt và lạnh buốt. Sẽ có bao nhiêu tối thế này ông ngồi ngoài cơn mưa, đối thoại với người mua sách từ khắp thế giới ở cái nhà sách khổng lồ này. Phía trong, ánh đèn sáng trưng, sách vô tri được sưởi ấm. Phía ngoài, những người qua lại – hay thực ra họ không qua lại – mà chỉ là trôi dạt giữa những ngả đường ấy cho hết thời gian của một ngày. Vì không có chốn nào để về.
Người vô gia cư ở Washington DC, Seattle, Manchester, Portland rất giống nhau. Họ mặc hàng chồng lớp quần áo. Màu quần áo xỉn đen, cũ rách. Họ cuộn mình trong từng lớp vải chồng dày khi đêm khuya ập tới. Họ lang bang trên phố với chiếc xe đẩy tay chứa cả ngôi nhà trong đó. Họ cầm trên tay những tờ giấy carton nâu với lời xin gọi giúp đỡ. “Anything helps“, “cold and hungry, anything helps!“. Vài người trẻ hơn đeo chiếc balô nhỏ, gọn gàng, đứng giữa ngã tư đường như đợi chờ điều gì đó. Có người đọc báo lấy từ những thùng báo phát miễn phí. Vậy sự chờ đợi kéo dài đến bao giờ?
Họ chờ khái niệm thời gian tắt lịm, chờ bữa ăn trưa, tối qua đi trong cơn đói hành hạ, chờ một cánh cửa nhà cấp thực phẩm thiện nguyện mở, chờ gió tắt, mưa dừng. Hoặc… có gì để chờ đợi, sau 24 giờ vật lộn với những điều sơ nguyên nhất của đời sống để tồn tại.
Phải chăng điều đau lòng nhất ở con người là khi họ không còn gì để kỳ vọng và không thể dịch chuyển trong khoảng thời gian kế tiếp của đời sống? – Họ bị níu lại bởi vô số khốn cùng giăng mắc trong cái bẫy của cơ thể và sự tồn tại. Làm sao để bớt lạnh? Làm sao để bớt đau chân? Làm sao để tắm sạch và gội đầu? Làm sao để ngừng đói? – Thời gian đã hóa thành một cái bẫy.
Một lần khác, khi dừng chân ở một tiệm bán thức ăn nhanh ở bang New Mexico, tôi không thể tìm được nhà vệ sinh công cộng. Thật kỳ lạ. Tôi chưa từng gặp nơi nào ở Mỹ không có nhà vệ sinh công cộng, cho tới lúc đó. Mọi cánh cửa đều đóng. Một số nhà hàng khách phải có hóa đơn mới có chìa khóa mở cửa nhà vệ sinh. Một siêu thị buộc khách phải có mã số để vào được nhà vệ sinh.
Và khi bước ra đường, tôi lạc vào giữa những người da đỏ địa phương đang lửng lơ trên đường. Họ nằm, ngồi, đứng ở mọi góc đường. Họ bán những cái bánh mì chiên giữa cơn nắng buốt và gió lạnh căm của hoang mạc. Họ bán những hạt thu hoạch từ quả thông trên rừng. Họ bán tất cả những gì có thể bóc ra từ cát sỏi hoang mạc, để hầu như được đứng đó giữa phố thị – một cái quần thể nhà cửa hiếm hoi, hiện đại, lạc lõng và siêu thực kiểu Mỹ – để kiếm được từng đồng đô la sinh tồn, khi thế giới hiện đại quét ngang qua những cánh đồng cát bụi vô tận mà họ làm chủ hàng trăm năm trước.
Khóa cửa nhà vệ sinh để từ chối họ. Đẩy họ ra đường. Quay lưng với họ. Quá đông. Nước Mỹ nói về người vô gia cư ở khắp nơi. Họ đầy rẫy Los Angeles, Hawaii, Portland, Seattle, Washington, San Francisco. Bạn tôi kể: “Có bữa tôi đang ngủ trong xe ở Los khi lái xe về, tỉnh dậy giữa đêm khuya, thấy vô số những bóng người đi lang thang vật vờ như những bóng ma zombie. Tất cả họ đều là người vô gia cư. Quá nhiều. Họ tìm kiếm gì đó ăn. Tìm kiếm gì đó rơi rớt lại trong bãi xe. Tôi không biết. Họ cứ như đang tìm kiếm suốt đêm.“
Người vô gia cư không phải ung nhọt nhưng họ như một chiếc xương mỏng găm vào tay của người bình thường. Bởi chúng ta là con người, và vô tình đâu đó sẽ thấy trái tim mình phiền muộn khi chứng kiến một người xa lạ đau khổ, rạc rầy.
Một phóng viên ở Seattle kể: “Có những bang người ta không muốn làm phiền người giàu có, họ đẩy người vô gia cư ra ngoại thành. Bạn tới đó, bạn có thể thấy thành phố đó sạch sẽ, gọn gàng, nhưng đừng nghĩ nơi đó không có người vô gia cư. Họ chỉ bị đẩy đi cho khuất mắt thôi, họ ngủ ở trong những căn lều ngoài bìa rừng, trạm dừng chân, lạnh buốt. Ở đây, người dân muốn giúp đỡ, chính quyền bang không cực đoan đẩy họ đi. Bạn có thể thấy họ khắp nơi trong thành phố.” – Seattle của bạn và Portland là hai thành phố có đông người vô gia cư đến mức báo động trên toàn nước Mỹ. Họ đổ về đây vì dù mưa nhiều, nhưng trời ấm áp hơn.
Người vô gia cư nghĩ gì về thời gian? – Họ có tất cả thời gian và không có gì cả. Có bao giờ họ mong thời gian kết thúc và dừng lại ở đâu đó – để cơn đói ngừng lại và mùi thức ăn không bùng lên từ những khu nhà hàng quanh ngã tư? – Họ như tan rã dần trước mắt tôi. Một người trai trẻ còn lành lặn với chiếc balo gọn gàng. Một người trung niên mặc chiếc quần vấy bẩy và tay cầm tờ báo. Một người trung niên khác ngã xuống và liêu xiêu đứng dậy, vịn vào chiếc xe đẩy kiệt quệ, vải vóc, báo giấy chất mớ. Một phụ nữ ngồi trên xe lăn, mũ trùm đầu che kín mái tóc bết.
Họ ngủ ở bất cứ đâu. Ngồi nhìn bất cứ gì. Đón nhận bất cứ cuộc hội thoại nào, và dường như họ sẽ tan đi mà không ai buồn biết tới. Như chưa từng có tồn tại. Hoặc chưa từng được định danh để ngưng trôi dạt trong cõi thời gian này.
Một bạn phóng viên của tôi kể: “Khi bạn là người vô gia cư, bạn trở nên vô cùng yếu ớt. Chỉ cần nhìn thấy bạn đi ra vào xe hơi nhiều, họ nghĩ bạn không nhà, họ báo cảnh sát. Chỉ cần nhìn thấy bạn bước vào thương xá với bộ quần áo không được sạch, họ nghĩ bạn vào đây ăn trộm, họ sẽ báo cáo với an ninh. Nhưng bạn nghĩ sao, khi nhu cầu tối thiếu nhất của con người là đi vệ sinh. Tôi có khác gì họ. Tôi có thể đi vệ sinh ở nhà vệ sinh công cộng trong siêu thị. Họ thì sẽ bị đẩy ra.”
Một buổi chiều tối tôi đi bộ trong công viên. Hai người đàn ông không nhà cửa vừa giăng mắc căn lều của họ cho đêm khuya. Từ xa, một đám mây tối màu ập tới. Tôi không thoát khỏi cơn mưa.
Và tôi trộm nghĩ, tất cả chúng ta liệu có phải chỉ là những khối chất hữu cơ vô lý đang tan ra trong cõi đời này. Trong khi đó, ta vẫn mải miết tự hỏi về những người có nhà hay không nhà, có nơi để về hay không chốn nương thân, có chỗ để tắm hay không có nhà vệ sinh…
Thật tàn bạo…
Xem thêm:
Từ khóa người vô gia cư nước Mỹ nghèo đói người da đỏ