TT Trump tái nhiệm và Brexit có thể định hình lại thế giới
- Hà Thanh Liên
- •
Đảng Bảo thủ cầm quyền của Anh đã giành chiến thắng áp đảo trong bầu cử năm 2019. Sự kiện thể hiện trước thế giới không chỉ là sự thay đổi bức tranh chính trị của Anh, vì trong năm tới nếu Tổng thống Trump giành chiến thắng trong bầu cử năm 2020 thì liên minh Mỹ-Anh sẽ ảnh hưởng đến bối cảnh chính trị của thế giới.
Tổng thư ký NATO Stoltenberg, Tổng thống Mỹ Trump và Thủ tướng Anh Johnson (Ảnh: Getty Images)
Nước Anh thoát khỏi vũng lầy chính trị đấu đá đảng phái
Kết quả của cuộc bầu cử này là sự khẳng định đối với Brexit (nước Anh rời Liên minh châu Âu/EU), cho dù “thiên nga đen” xuất hiện vào năm 2016 trì hoãn cất cánh, nhưng sau hơn ba năm khốn đốn, lần cất cánh này có thể có lợi hơn cho chính quyền của đảng Bảo thủ Anh.
Thứ nhất, đây là chiến thắng lớn nhất mà đảng Bảo thủ Anh đã đạt được kể từ khi bà Thatcher giành chiến thắng trong bầu cử vào những năm 1980. Đảng Bảo thủ không chỉ nhiều hơn 80 ghế trong Hạ viện so với tổng số ghế của các phe đối lập và ứng viên độc lập, mà còn tạo ra những bước đột phá trong các khu vực bầu cử miền bắc nước Anh đã ủng hộ Công Đảng nhiều thập kỷ qua, làm thay đổi bức tranh chính trị trong nhiều năm. Đảng cánh tả Công Đảng đã chịu thất bại mang tính lịch sử, chỉ giành được 203 ghế tại Hạ viện, giảm 59 ghế so với lần bầu cử trước, đã chịu thất bại nặng nề nhất kể từ năm 1935. Kết quả này đánh dấu sự tái tổ chức quyền lực trong chính trị Anh.
Thứ hai, điều này cho thấy suy nghĩ của cử tri Anh đã trưởng thành hơn qua ba năm tranh chấp Brexit sau cuộc trưng cầu dân ý. Trước tranh luận bất tận tại Quốc hội và những thông tin không hay về Brexit mà phe chống Brexit đưa ra, người dân Anh đã có lựa chọn đầy cân nhắc. Vào thời điểm mà chính trị và kinh tế thế giới có nhiều thay đổi lớn, viễn cảnh này mang lại cho Thủ tướng Johnson không gian rộng lớn hơn trong giải quyết các vấn đề đối nội và đối ngoại.
Thứ ba, so với tâm thái tức giận trong trưng cầu dân ý về Brexit ba năm trước, thái độ của EU hiện đã nhẹ nhàng hơn. Trong ba năm qua, Đức và Pháp đã kiệt sức vì các vấn đề tị nạn, tấn công khủng bố, suy thoái kinh tế và nợ cao, khiến việc duy trì EU ngày càng khó khăn. Do đó mà EU nhận thức sâu sắc rằng cưỡng ép ở lại là vô ích, chẳng bằng chia tay sẽ tốt hơn.
Tóm lại, trước thời điểm bầu cử ở Anh lần này, vô số những vấn đề của Brexit đã bộc lộ đến tận cùng. Khi các cuộc thăm dò dân ý cho thấy đảng Bảo thủ dễ dàng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử thì tỷ giá hối đoái đồng bảng Anh tăng vọt so với đồng đô la Mỹ và đồng Euro.
Trụ cột đầu tiên trong ba trụ cột của chính sách đối ngoại truyền thống của Anh là thống nhất giữa chủ nghĩa Đại Tây Dương và xuyên Đại Tây Dương. Về các vấn đề an ninh quốc tế quan trọng, London luôn nhất quán với Washington, ủng hộ chính sách đối ngoại của Mỹ dựa trên hệ giá trị chủ nghĩa quốc tế làm nền tảng, định vị bản thân là cầu nối xuyên Đại Tây Dương, giải thích các quan điểm và chính sách của châu Âu đối với Mỹ (đồng thời cũng giải thích chính sách và quan điểm của Mỹ cho châu Âu).
Sau Brexit, đối mặt với sự trỗi dậy của Trung Quốc về các khía cạnh chính trị, kinh tế, quân sự, còn các đồng minh khác của Mỹ từng bị chia rẽ, chính phủ mới của Johnson đã tính toán xem xét tình thế để phát huy vai trò và tầm ảnh hưởng độc đáo trong các vấn đề quốc tế.
Tổng thống Trump đang đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại
Sự kiện “thiên nga đen” lớn nhất năm 2016 theo đánh giá của của thế giới phương Tây là việc Trump đắc cử Tổng thống, thực sự đã mở ra một trang mới cho vận thế nước Mỹ.
Tính bất ngờ của lần bầu cử này vượt xa so với tình cảnh nước Anh ngày nay. Hầu như giới truyền thông cánh tả đã chán nản như có tang (tại Anh có khoảng một nửa số cơ quan truyền thông ủng hộ Brexit), đảng Dân chủ Mỹ thì tuyên bố đại chúng rằng “Trump không phải là Tổng thống của chúng tôi”, những chiếc xe mang theo người nhập cư bất hợp pháp liên tục chạy đến biên giới Mỹ-Mexico.
Nhưng trong những khó khăn chính trị khác nhau do đảng Dân chủ gây ra, từng lời hứa của Trump trong tranh cử đã từng bước được thực hiện: ngăn chặn người nhập cư bất hợp pháp, xây dựng bức tường biên giới, và từ tháng Sáu năm nay bắt đầu cho hồi hương hàng triệu người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ; bắt đầu hành động rút khỏi Liên Hợp Quốc, trong đó đặc biệt là đã từ chối ký “Hiệp định Toàn cầu về vấn đề di dân” của Liên Hợp Quốc, rút khỏi “Thỏa thuận Khí hậu Paris”, đây không chỉ là vấn đề nhắm vào hai lá cờ “đúng đắn chính trị” mà phe cánh tả giương cao, khiến vấn đề nhập cư bất hợp pháp (núp đằng sau là nạn buôn lậu người) không còn được tiếp nhận, còn vấn đề khí hậu liên quan đến các tổ chức phi chính phủ (NGO) môi trường hàng năm làm hao tổn cho nước Mỹ hơn 20 tỷ đô la Mỹ. Do đó mà giới bảo vệ môi trường, truyền thông và chính phủ Pháp rất cay đắng về điều này.
Nhưng vận thế của nước Mỹ lại đang lên: các chỉ số kinh tế chính như tăng trưởng GDP, tỷ lệ việc làm, chỉ số quản lý mua hàng, và tỷ lệ tiêu thụ đều cho thấy nền tảng vật chất tuyệt vời của nước Mỹ đang vươn lên, ngay cả Phố Wall luôn không ưa Trump, nhưng gần đây đã buộc phải thừa nhận rằng cơn sóng thị trường lên cao này sẽ tiếp tục đến bầu cử năm 2020.
Việc ký kết một thỏa thuận mới để thay thế Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) là lời hứa của Trump trong tranh cử, bất chấp những chế giễu và phản đối của giới truyền thông và đảng Dân chủ, nhưng cuối cùng “Hiệp thương Mỹ – Canada – Mexico” (USMCA) cuối cùng đã được chính thức thông qua vào ngày 10/12. Thỏa thuận mới này đã hủy bỏ yêu cầu bằng sáng chế 10 năm đối với quy định về dược phẩm sinh học, bao gồm các tiêu chuẩn lao động và môi trường mạnh mẽ hơn có lợi cho công nhân Mỹ, tăng lương và tăng sức mạnh của các công đoàn tại Mỹ và Mexico. Ngay cả chủ tịch Richard Trumka của Liên đoàn Lao động Mỹ là người luôn phản đối Trump cũng phải nhìn nhận đây là một chiến thắng.
Do tình trạng yếu kém của hơn 20 ứng cử viên Tổng thống đảng Dân chủ và những lo ngại sâu sắc về vấn đề Trump tái đắc cử khiến lãnh đạo đảng Dân chủ là bà Nancy Pelosi đã phải vạch ra bản luận tội đầy khiên cưỡng, khi giới truyền thông hỏi liệu bà có tin tưởng vào kết quả của cuộc luận tội hay không, bà Pelosi công khai tuyên bố rằng lý do khiến bà lo lắng là “Trump tiếp tục trúng cử thì nước Mỹ sẽ không bao giờ quay lại con đường ban đầu”.
Cái gọi là “con đường ban đầu” này không phải là con đường của chủ nghĩa tư bản cạnh tranh tự do ở Mỹ mà là con đường gần như xã hội chủ nghĩa mà cựu Tổng thống Obama trước đó đã xây dựng.
Cho dù đảng Dân chủ và đông đảo giới truyền thông cố gắng làm mất uy tín Trump, nhưng dữ liệu liên quan cho thấy tình hình kinh tế Mỹ có thể được so sánh với thời kỳ kinh tế tân tự do thời Tổng thống Reagan, còn các vấn đề an ninh quốc gia và an ninh nội địa vẫn tốt hơn nhiều so với thời Obama. Nếu đảng Dân chủ không thúc đẩy các hoạt động bí mật quy mô lớn, để hoạt động bầu cử diễn ra bình thường thì việc Trump tái nhiệm là vấn đề không thể nghi ngờ.
Phong cách nổi loạn của Trump khiến nhiều người không thích, nhưng đông đảo cử tri Mỹ vẫn luôn chia sẻ: Tôi không thích Trump, nhưng tôi thích Tổng thống Trump.
“Thiên nga đen” Pháp gãy cánh
Vào thời điểm quan trọng, người Pháp đã không ngần ngại từ bỏ Le Pen – đại diện cho phe chính trị cánh hữu, thay vào đó đã chọn là Macron – nhân vật tuyên bố “không tả không hữu, vừa tả vừa hữu”. Nhưng tuần trăng mật của thần đồng chính trị đã sớm kết thúc, trong thời gian ngắn chưa đầy một năm nhưng Macron đã thay đổi từ hỗn hợp tả hữu thành lấy tả bỏ hữu. Bắt đầu từ “Chiến dịch Áo vàng” vào tháng 11/2018, đến nay chiến dịch này đã trải qua 18 lần, thu hút tham gia của tất cả các xu hướng chính trị tả – hữu – trung. Macron đã tuyên bố sẽ thúc đẩy cải cách lương hưu, hiện nay ông đang bị chống đối mạnh mẽ trên khắp nước Pháp, những người mà năm 2017 đã bầu Macron giờ đây thề sẽ buộc Macron phải quỳ xuống xin tha thứ. Nợ công của Pháp trong năm 2018 đã lên đến 22.553 tỷ Euro, còn bình quân thuế doanh nghiệp của Pháp cao tới 62,8%, cao nhất ở châu Âu.
Thuế suất thuế thu nhập cá nhân cao tới 57,5%, cao hơn mức trung bình 45,1% của EU. Nguyên nhân gây mức thuế cao tất nhiên là để đáp ứng nhu cầu phúc lợi ngày càng cao của người dân. Để giành chiến thắng trong bầu cử, chính đảng Pháp đã áp dụng chiến lược dùng phúc lợi thu hút lá phiếu, hệ quả là phúc lợi của người dân Pháp ngày càng tốt hơn, chế độ bảo hộ hoàn thiện hơn, thời gian làm việc trở nên ngắn hơn, còn các kỳ nghỉ được trả lương trở nên dài hơn. Dưới bao bọc của “Luật lao động” dài hơn 3.000 trang và nặng hơn một cân, mỗi tuần người Pháp chỉ phải làm việc 35 giờ, động chút không vừa ý là họ đình công nhiều tuần. Nhiều người Pháp không cần làm việc, chỉ dựa vào phúc lợi xã hội cũng có thể sống đầy đủ.
Hiện trạng ở Pháp gợi liên tưởng đến người khởi xướng chủ nghĩa bảo thủ, trong “Luận về Cách mạng Pháp” nhà chính trị Edmund Burke người Ireland đã mô tả, “Dường như mọi thứ đều thoát khỏi tự nhiên trong sự hỗn loạn kỳ khôi của cảnh tàn bạo này, tất cả các loại tội phạm và tất cả các loại ngu ngốc đều hòa trộn vào nhau.” Hiện trạng ở Pháp một lần nữa cho thấy sự đúng đắn của mô tả này, bất cứ ai được bầu cũng không thể khiến người Pháp thay đổi được tính ỳ về phúc lợi của họ. Thất bại của Macron không phải là thất bại của cá nhân ông mà là thất bại của hệ thống chính trị và xã hội Pháp.
Liên minh Mỹ-Anh có thể tấn công trào lưu xã hội chủ nghĩa
Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, mâu thuẫn xã hội tại các nước Âu Mỹ không thể được giải quyết, thêm vào là hệ giá trị đã thay đổi từ sau Chiến tranh Lạnh, trào lưu thiên đường chủ nghĩa xã hội lại nổi lên. “Thiên đường chủ nghĩa xã hội” chủ trương nhà nước can thiệp và phân phối cào bằng, chủ trương phúc lợi xã hội cao hơn. Ngày 10/12, Tổ chức Ân xá Quốc tế đã công bố một khảo sát trong giới thanh niên ở 22 quốc gia (bao gồm cả nước dân chủ và phi dân chủ), theo đó giới thanh niên phổ biến cho rằng họ đang phải sống trong một hệ thống thất bại, cần khẩn cấp thay đổi.
Thứ nhất, biến đổi khí hậu là vấn đề nghiêm trọng nhất mà thế giới gặp phải. Thứ hai, trách nhiệm chính của chính phủ là cải thiện phúc lợi của người dân. Hai điểm này chính xác là những gì chính phủ Pháp đã hướng tới trong nhiều năm qua, hệ quả là đông đảo người Pháp tin tưởng để Chính phủ chia phần là hợp lý, như Macron tuyên bố trong thông điệp năm mới năm 2019: “Làm việc ít hơn, nhưng kiếm nhiều tiền hơn; cắt giảm thuế nhiều hơn, nhưng tăng chi tiêu; không thay đổi lối sống của chúng tôi, nhưng muốn hít thở không khí trong lành hơn.” Giới trẻ ở tất cả các quốc gia cảm thấy “hệ thống thất bại” là một thực tế, nhưng họ không biết nguyên nhân hệ thống thất bại là do đâu.
Bà Thatcher, Thủ tướng xuất sắc trong lịch sử nước Anh, từng tự hào tuyên bố: “Tất cả các thảm họa của nhân loại đều đến từ lục địa châu Âu, và tất cả các giải pháp đều đến từ các quốc gia nói tiếng Anh.” Nếu vào năm 2020 Trump tái nhiệm Tổng thống, còn đảng Bảo thủ Anh nắm quyền, hoàn thành Brexit. Giá trị cốt lõi của nền văn minh hiến pháp phương Tây hiện đại đứng vững, xã hội loài người có thể có cơ hội chống lại xu hướng tư tưởng cánh tả trên toàn cầu, đây là biến cố lớn liên quan đến định hướng của nền văn minh tương lai.
Nước Nga ngày nay không thể như Liên Xô năm 1917 trước đây trở thành trung tâm của cách mạng xã hội chủ nghĩa thế giới, và người đứng đầu ĐCSTQ ngày nay cũng không thể như Mao Trạch Đông hồi năm 1968 là thần tượng cách mạng của thanh niên cánh tả trên thế giới. Nói cách khác, có thể kỳ vọng xu hướng của thiên đường chủ nghĩa xã hội sẽ không có trung tâm và lãnh đạo: Đây là may mắn của thế giới.
Nếu đảng Dân chủ Mỹ không giành chiến thắng trong bầu cử, kết cục như Công Đảng của Anh ngày nay sẽ bị những người ủng hộ trong truyền thống của họ bỏ rơi, bản đồ chính trị của Mỹ sẽ được tái tạo lại: Đây là hạnh phúc của nước Mỹ.
Xã hội loài người hiện đang đứng trước bước ngoặt lớn. Liệu Mỹ và Anh có thể thành lập liên minh kinh tế tân tự do như Reagan-Thatcher xưa kia hay không, đây là việc có tầm quan trọng sống còn đối với tương lai của thế giới.
Hà Thanh Liên
Xem thêm:
Từ khóa Donald Trump cánh tả cánh hữu bầu cử Mỹ 2020 đảng bảo thủ Anh Brexit