Vì sao phong trào Black Lives Matter lại bảo vệ chế độ toàn trị Cuba?
Dưới đây là bài viết của Cathy Young, phó tổng biên tập Arc Digital và Cộng tác viên biên tập cho Reason. Quan điểm trong bài viết này là của riêng tác giả.
Các cuộc biểu tình phản đối chính phủ làm rung chuyển Cuba những ngày qua là thể hiện của sự bất bình bi thảm nhất trên hòn đảo trong sáu thập kỷ thống trị của chế độ cộng sản. Tổng thống Biden đã gửi một thông điệp bày tỏ tình đoàn kết với người dân Cuba và ước muốn tự do chống lại “chế độ độc tài Cuba”, ca ngợi việc người biểu tình đòi “những quyền cơ bản và phổ quát.” Một số đảng viên Dân chủ cũng lên án ban lãnh đạo Cuba tham nhũng và quản lý kém.
Tuy nhiên, không phải tất cả đều thống nhất trong việc lên án này. Nhiều nhân vật nổi bật của phe cánh tả dường như ủng hộ chế độ độc tài.
Đáng kể nhất trong những người này là phong trào Black Lives Matter (BLM – Mạng sống Người Da đen Đáng giá). Các tuyên bố của nhóm này đã đổ lỗi cho lệnh cấm vận của Mỹ là nguyên nhân gây ra những khó khăn đối với kinh tế của Cuba; đồng thời hoan nghênh chế độ Cuba “vì đã đoàn kết với người dân gốc Phi bị áp bức.”
Theo tuyên bố của BLM, “người dân Cuba đang bị chính quyền Mỹ trừng phạt vì đất nước đã duy trì cam kết về chủ quyền và quyền tự quyết của họ. Các nhà lãnh đạo Mỹ đã cố gắng nghiền nát cuộc Cách mạng này trong nhiều thập kỷ.” Điều hết sức phi lý khác là tuyên bố của BLM còn buộc tội Mỹ đã “phá hoại quyền lựa chọn chính phủ của người dân Cuba.”
“Sự lựa chọn” trong tình cảnh này là hệ thống độc đảng mà tất cả các ứng viên muốn vào cơ quan chính trị sẽ bị xét lý lịch chặt chẽ bởi các uỷ ban do đảng cộng sản kiểm soát.
BLM không phải là nơi duy nhất ở Mỹ có quan điểm như vậy. Đảng XHCN Dân chủ Mỹ, trong đó có bốn dân biểu Đảng Dân chủ bao gồm các cô Alexandria Ocasio-Cortez và Jamaal Bowman (bang New York), Rashida Laib (bang Michigan) và Cori Bush (bang Missouri), cũng tuyên bố đoàn kết với “nhân dân Cuba và cuộc cách mạng của họ trong thời điểm bất ổn này.”
Cần nói rõ ở đây rằng, “cuộc cách mạng” của Đảng XHCN Dân chủ Mỹ là một chế độ đã 63 tuổi; “người dân Cuba” là những người trung thành với Đảng cộng sản, chứ không phải là những người dân đã xuống đường; và những cuộc biểu tình chỉ là “sự bất ổn”. Đến nay, cả Ocasio-Cortez lẫn các đồng nghiệp cấp tiến của cô này đều không bình luận về sự ủng hộ của Đảng XHCN Dân chủ Mỹ hoặc BLM với chế độ Cuba. Nhưng từ các đoạn tweet, có thể thấy các nhà hoạt động xã hội của nhóm ủng hộ mạnh mẽ quan điểm này.
Người ta có thể tranh luận về tính đúng đắn của lệnh cấm vận, vốn đã được nới lỏng một phần dưới thời Tổng thống Obama và sau đó bị chính quyền Trump thắt chặt trở lại. Nhưng đổ lỗi về những tai họa kinh tế của Cuba cho Mỹ là điều lố bịch. Tác động của lệnh cấm vận luôn bị hạn chế bởi thực tế là không đất nước nào tham gia vào. Trong khi đó, chính quyền Liên Xô đã rót những khoản trợ cấp khổng lồ cho Cuba trong nhiều thập kỷ cho tới khi nó sụp đổ.
Tất nhiên, sự đồng cảm với chế độ Cuba của những người cánh tả Mỹ (và phương Tây) không phải là điều mới mẻ: Cuộc cách mạng Cuba từ lâu đã được lãng mạn hoá như một biểu tượng về “công bằng xã hội” lẫn “sự phản kháng anh dũng” trước sức mạnh của Mỹ.
Từ 1989, ông Bernie Sanders, khi đó là Thị trưởng Burlington (bang Vermont), đã ca ngợi cuộc các mạng của Cuba là “rất sâu sắc” và đã viết rằng, bên cạnh việc cung cấp các dịch vụ xã hội miễn phí, “họ …đang tạo ra một hệ thống giá trị rất khác biệt.”
Cũng như các chế độ cộng sản khác, câu chuyện mơ mộng lãng mạn mang tính cách mạng này liên tục bỏ qua các vụ đàn áp nghiêm trọng người bất đồng chính kiến ở Cuba.
Thậm chí những thành tựu được tung hô rộng rãi trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ của Cuba cũng bị huyền thoại hoá nặng nề. Ví dụ, tỷ lệ tử vong thấp ở trẻ sơ sinh có thể là một tạo tác do đàn áp chính trị theo nhiều phương cách. Các bác sĩ bị áp lực phải ghi nhận cái chết của trẻ sơ sinh là chết lưu để cải thiện con số thống kê, trong khi phụ nữ mang thai có nguy cơ cao bị ép phá thai hay buộc phải nhập viện.
Và câu chuyện lãng mạn vẫn tiếp tục, được tiếp thêm năng lượng bởi những lời tuyên bố là chủ nghĩa cộng sản Cuba là một hình mẫu về chống phân biệt chủng tộc. Trong một podcast hai năm trước, cây bút của tờ Thời báo New York Nikole Hannah-Jones, với Công trình nghiên cứu 1691 nổi tiếng, đã khẳng định Cuba là “đất nước đa chủng tộc bình đẳng nhất ở bán cầu chúng ta… phần lớn là do chủ nghĩa xã hội.” Trong một bài báo năm 2008 cho tờ The Oregonian sau một chuyến thăm Cuba, bà này tuôn trào những lời khen hơn về các thành tựu được cho là của chế độ, điều bà cho rằng làm những người Cuba da đen đặc biệt hãnh diện.
Có lẽ Hannah-Jones nên gặp các thành viên (hầu hết là da đen) của nhóm nghệ thuật bất đồng chính kiến Cuba – Phong trào San Isidro, mà bài hát của họ “Patria y Vida (Tổ quốc và cuộc sống) đã trở thành quốc ca không chính thức của những người biểu tình. Còn người đồng sáng lập, ca sĩ nhạc rap Cuba gốc Phi Maykel Castillo Perez, đã bị bỏ tù từ tháng 5 vì “không tuân lệnh và gây rối loạn xã hội”.
Liệu những người bất đồng chính kiến như Castillo có thể mang đến một sự thay đổi có ý nghĩa hay không vẫn còn phải xem xét. Nhưng đã đến lúc ngừng việc lãng mạn hoá một chế độ đàn áp như là một “Cuộc cách mạng.”
Ngân Hà dịch
Xem thêm:
Từ khóa biểu tình ở Cuba BLM ủng hộ Cuba Dòng sự kiện BLM