Bà Rịa – Vũng Tàu: Nước hồ điều tiết lũ 10ha chuyển màu hồng, ô nhiễm nghiêm trọng
- Thủy Minh
- •
Gần nửa tháng qua, nước trong hồ chứa rộng 10ha tại thôn Cát Hải, xã Tân Hải, huyện Tân Thành (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) chuyển sang màu hồng tím và bốc mùi hôi thối.
Khu vực cống số 6 (sát các nhà máy chế biến hải sản, xã Tân Hải, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) là một trong những điểm nóng về ô nhiễm môi trường – ô nhiễm nguồn nước trong nhiều năm qua.
Trong khoảng nửa tháng nay, nước trong hồ chứa rộng khoảng 10ha tại cống số 6 phía sau các nhà máy chế biến hải sản xã Tân Hải chuyển sang màu hồng tím, bốc mùi hôi thối và tràn qua một khúc sông – từ đây sẽ đổ ra sông Chà Và, nơi có hàng trăm hộ dân đang nuôi cá lồng bè.
Được biết đây là hồ để xả lũ trong mùa mưa, ngăn mặn xâm lấn đất nông nghiệp nhưng trong nhiều năm qua, ngoài chức năng điều tiết thủy lợi, hồ đã trở thành nơi chứa nước thải của các nhà máy chế biến hải sản xã Tân Hải.
Ngoài hiện tượng nước đổi màu, không khí tại khu vực cũng bị ô nhiễm nặng, bốc mùi hôi thối.
Sau khi nhận được thông tin phản ánh của người dân về hiện tượng nước trong hồ đổi màu, sáng ngày 28/3, Thanh tra Sở TN-MT Bà Rịa – Vũng Tàu đã kiểm tra các cơ sở chế biến tại xã Tân Hải và ghi nhận một cơ sở chế biến hải sản tại đây có hành vi xả thải ra môi trường. Đoàn kiểm tra đã yêu cầu cơ sở tạm ngưng hoạt động và lấy mẫu nước để phân tích.
Theo người dân sinh sống tại đây, hiện tượng nước trong hồ đổi màu đã xuất hiện trước đây do nguồn xả thải từ các nhà máy chế biến. Sau khi các nhà máy bị xử lý, tạm ngừng hoạt động, hiện tượng ô nhiễm nguồn nước trong hồ có giảm nhưng khoảng nửa tháng nay, nước lại tiếp tục bị chuyển màu.
Việc các nhà máy chế biến hải sản tại xã Tân Hải gây ô nhiễm nước sông Chà Và, ảnh hưởng lớn đến các hộ nuôi cá lồng trên sông đã diễn ra trong nhiều năm qua.
Trước đó, từ ngày 9/10/2016, cá trong lồng tại các hộ nuôi trên sông Chà Và (xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu) bắt đầu chết rải rác. Chỉ 3 ngày sau, số lượng cá chết tại đây đã lên tới hàng ngàn con, trong đó chủ yếu là cá bớp, cá mú,…
Bức xúc khi cho rằng chính quyền tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu hứa giải quyết dứt điểm tình trạng các nhà máy chế biến hải sản ở xã Tân Hải xả thải gây ô nhiễm sau đợt cá chết năm 2015 nhưng tính đến thời điểm tháng 10/2016, các nhà máy vẫn chưa bồi thường hết thiệt hại, cá tiếp tục chết lên tới hàng ngàn con, sáng ngày 13/10/2016, hàng chục hộ dân nuôi cá lồng bè trên sông Chà Và đã chở xác cá chết lên Quốc lộ 51 (đoạn ngã ba Long Sơn, gần với trạm thu phí), kéo lê những con cá bớp nặng hơn 5kg đi bộ thẳng ra giữa đường rồi ngồi tại chỗ để biểu thị sự phản đối.
Theo thống kê từ Sở NN&PTNT Bà Rịa – Vũng Tàu, tính đến ngày 10/10, có 254 tấn cá của 90 hộ dân tại xã Long Sơn bị chết, chủ yếu là cá chim, cá bớp đang vào giai đoạn thu hoạch, ước tính thiệt hại khoảng 29 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tại cuộc họp thông tin về tình trạng cá chết trên sông Chà Và diễn ra vào chiều ngày 17/10/2016, ông Trần Văn Cường – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bà Rịa – Vũng Tàu cho hay hoạt động của các nhà máy chế biến hải sản tại xã Tân Hải có tác động tới cá chết nhưng đó không phải là nguyên nhân chính.
Theo kết quả phân tích mẫu nước, mẫu cá và kết quả đo đạc trên sông, nguyên nhân chính làm cá chết với số lượng lớn như vậy là do ảnh hưởng của mưa lớn, lượng nước đổ về sông Chà Và nhiều khiến độ mặn trong nước bị giảm, oxy giảm đột ngột.
Theo ghi nhận, từ năm 2012, các hộ nuôi cá lồng bè trên sông Chà Và (xã Long Sơn) đã có nhiều lần cá bị chết hàng loạt, gây thiệt hại hàng tỷ đồng, không ít hộ nuôi cá sau nhiều năm thua lỗ đã phải bỏ nghề.
Trao đổi về việc xử lý ô nhiễm nước tại khu vực cống số 6, ông Trần Đình Khoa – Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết tỉnh đã có đề án phối hợp với viện môi trường để xử lý cống số 6, trong đó sẽ tiến hành vét toàn bộ trầm tích để xử lý và kiểm soát đóng cống số 6 theo thủy triều để đảm bảo đời sống cho người dân xung quanh.
Ông Khoa cũng cho hay trước đây khi xảy ra vấn đề ô nhiễm nguồn nước do các nhà máy chế biến hải sản xả thải khiến cá nuôi trên sông Chà Và chết, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã yêu cầu các doanh nghiệp ngừng hoạt động. Sau khi kiểm tra, tỉnh yêu cầu việc xả thải của doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn mới cho phép hoạt động trở lại và doanh nghiệp đã cam kết không xả thải ra môi trường. Tuy nhiên, thực tế, doanh nghiệp vẫn không đảm bảo được các vấn đề xả thải.
Thủy Minh
Xem thêm:
Từ khóa Chất thải nhà máy Ô nhiễm môi trường Bà Rịa - Vũng Tàu xả thải ô nhiễm nguồn nước Nguyên nhân làm cá chết công ty xả chất thải Chất thải làm cá chết xả chất thải làm cá chết