Biển Đông: Trung Quốc có thể triển khai chiến cơ lên các đảo nhân đạo bất cứ lúc nào
Một viện nghiên cứu ở Mỹ vừa cho biết Trung Quốc đã gần hoàn tất việc xây dựng trên ba đảo nhân tạo ở biển Đông và có thể triển khai máy bay chiến đấu và các thiết bị quân sự bất cứ lúc nào họ muốn.
Theo Reuters, tổ chức Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á (AMTI), một bộ phận của Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế (CSIS) ở Washington hôm 27/3 cho rằng trên các đảo đá Subi, Vành Khăn và Chữ Thập, Trung Quốc đã xây xong hoặc sắp xong đường băng, nhà để máy bay, cơ sở radar và kho chứa hỏa tiễn đất đối không.
Reuters trích dẫn tuyên bố của giám đốc cơ quan tham vấn AMTI Greg Poling cho biết hình ảnh vệ tinh mới nhất (tháng 3) do vệ tinh chụp cho thấy Trung Quốc vừa trang bị thêm nhiều ăng-ten ra-đa trên hai đảo đá Chữ Thập và Subi. Theo ông Poling, với hai ăng-ten mới này, Trung Quốc chuẩn bị các động thái mới trong nay mai.
Các đá Subi, Vành Khăn và Chữ Thập đều thuộc quần đảo Trường Sa và đều bị bốn bên tranh chấp là Trung Quốc, Philippines, Đài Loan và Việt Nam, nhưng do Trung Quốc kiểm soát.
Theo các phân tích của CSIS, trên các đảo đá này, Trung Quốc đã xây dựng mỗi nơi những cơ sở đủ để đậu 24 chiến đấu cơ và bốn chiếc máy bay cỡ lớn hơn như máy bay ném bom hoặc máy bay cảnh báo.
Một cơ sở tương tự đã được thiết lập trên đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa, nơi Trung Quốc đặt tên lửa đất đối không di động HQ-9 hơn một năm nay, và ít nhất một lần đã phóng tên lửa hành trình chống hạm.
Các cơ sở và thiết bị tân tiến trên các đảo nhân tạo này sẽ cho phép quân đội Trung Quốc kiểm soát gần như toàn bộ biển Đông.
Phúc trình của CSIS viết: “Bắc Kinh nay có thể chuyển vũ khí khí tài, kể cả phi cơ chiến đấu và dàn phóng hỏa tiễn di động, tới Trường Sa bất cứ lúc nào“.
Theo Reuters, một phát ngôn viên của Lầu Năm Góc đã từ chối bình luận khi được hỏi, vì vấn đề thuộc phạm trù tình báo, nhưng nói: “Việc Trung Quốc tiếp tục xây dựng ở biển Đông là bằng chứng ngày càng rõ rằng họ đang thực hiện các hành động đơn phương, gây gia tăng căng thẳng trong khu vực và nguy hại tới các biện pháp giải quyết tranh chấp bằng hòa bình“.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh sau đó nói rằng bà không biết chi tiết về phúc trình của Viện nghiên cứu Mỹ nhưng khẳng định “quần đảo Trường Sa là lãnh thổ của Trung Quốc“, nước ngoài không nên can thiệp.
“Về việc Trung Quốc triển khai hay không triển khai các thiết bị quốc phòng trong chính lãnh thổ của chúng tôi, đây là vấn đề trong nội bộ chủ quyền của chúng tôi“, bà Oánh khẳng định trong buổi họp báo.
Kế hoạch xây dựng bảy đảo nhân tạo ở biển Đông của Trung Quốc bị Hoa Kỳ và một số nước khác chỉ trích, cho rằng Bắc Kinh dùng bá quyền quân sự, thay đổi hiện trạng địa lý để cưỡng ép các yêu sách chủ quyền.
Hồi đầu năm, khi tới thăm Úc, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường vẫn lặp lại tuyên bố “không có ý đồ quân sự hóa biển Đông” mà chỉ muốn bảo vệ lưu thông hàng hải quốc tế.
Ngoại trưởng Trung Quốc đã tuyên bố nước này hoàn thành dự thảo Bộ Quy tắc Ứng xử ở biển Đông, nhưng nhưng chưa thấy phản ứng đồng ý hay bác bỏ từ các lãnh đạo ASEAN.
Đức Trí (t/h)
Xem thêm:
Từ khóa tranh chấp biển Đông