Chất vấn Bộ trưởng Tư pháp về chất lượng dự án luật không cao, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết
- Kim Long - Hải Anh
- •
Sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành phiên họp thứ 22 thí điểm hình thức mới: “Chất vấn và trả lời chất vấn ngay”. Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long là người trả lời các chất vấn của đại biểu.
Điều hành phiên họp sáng nay là Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chung Lưu.
Theo hình thức chất vấn thí điểm mới, ĐBQH sẽ chất vấn ngắn gọn, rõ ý, không quá 1 phút/lần; người trả lời chất vấn sẽ trả lời trong thời gian không quá 3 phút/lần.
Các ĐBQH chất vấn Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long về các nhóm vấn đề: các giải pháp đảm bảo tiến độ, chất lượng và hồ sơ thủ tục các đề án, dự án Chính phủ trình Quốc hội, đặc biệt là việc thẩm định đảm bảo chất lượng các đề án, dự án luật; giải pháp khắc phục tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đẩy mạnh thực hiện tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật.
Lần đầu tiên thí điểm hình thức mới, phiên chất vấn sáng nay có 28 câu hỏi và 6 ý kiến tranh luận được gửi tới Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Đại biểu Nguyễn Sĩ Cương (Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội) chất vấn Bộ trưởng về vai trò “gác cửa” của Bộ Tư pháp liên quan đến Quyết định 2218 về việc tinh giản biên chế không được thực hiện một cách nghiêm túc. Đại biểu Cương cho hay: “Quyết định 2218 nêu rõ “Từ nay trở đi không đưa tổ chức bộ máy biên chế vào các dự án luật chuyên ngành. Tuy nhiên, quy định về tổ chức bộ máy vào biên chế đang làm phình bộ máy biên chế.”
Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) chất vấn Bộ trưởng về việc rà soát và tình trạng lạm phát các văn bản pháp luật trong hệ thống. Đại biểu đặt câu hỏi: “Nghị quyết của HĐND tỉnh trung bình ban hành từ 10 hoặc hơn 10 nghị quyết. Tính theo nhiều kỳ họp và 63 tỉnh thành như vậy có thể dẫn đến lạm phát văn bản pháp luật hay không?”
Đại biểu Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) đưa ra vấn đề một số luật hiện hành có nội dung quy định mâu thuẫn nhau, không đảm bảo thống nhất đối với cùng một vấn đề điều chỉnh như: Luật đầu tư không quy định báo cáo đánh giá tác động môi trường trong hồ sơ thủ tục quyết định đầu tư và cấp giấy chứng nhận đầu tư, nhưng Luật bảo vệ môi trường lại quy định việc đánh giá tác động môi trường phải thực hiện ngay trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư và trong đề nghị cấp giấy chứng nhận đầu tư. Quyết định như trên đã làm các nhà đầu tư lúng túng, gặp khó khăn trong quá trình thực hiện, ảnh hưởng đến đầu tư phát triển kinh tế – xã hội.
Bộ trưởng cho hay hiện Bộ đã có kế hoạch rà soát và bắt đầu thực hiện kế hoạch đến các ngành, địa phương. Đối với những vướng mắc tại các địa phương và bộ ngành do sự vênh nhau giữa Luật bảo vệ môi trường, Luật đầu tư và Luật đầu tư công, Bộ trưởng đề cập tới hai giải pháp hiện thời gồm: Đề xuất đưa Luật bảo vệ môi trường vào chương trình luật pháp lệnh năm 2019, Chính phủ sẽ xem xét và sửa tổng thể những vấn đề khác có liên quan; Về báo cáo đánh giá tác động môi trường, Bộ Tư pháp cũng đang đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích luật theo hướng đưa việc lập dự án xin chủ trương đầu tư thực hiện theo Luật đầu tư công và Luật đầu tư – chỉ cần trình đánh giá tác động môi trường sơ bộ.
Nhiều đại biểu như: Nguyễn Sĩ Cương, Trần Thị Dung, Phan Thanh Bình… chất vấn Bộ trưởng về chất lượng dự án luật không cao, phải điều chỉnh rất nhiều cho tới khi được thông qua như: Luật Tố cáo (sửa đổi), Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Luật Quy hoạch; đồng hành với sự thay đổi này, các văn bản hướng dẫn thi hành đã xây dựng ngay từ đầu trở nên không có giá trị. Đại biểu Cương và đại biểu Nguyễn Trường Giang cho rằng việc xây dựng các nghị định kèm theo theo những quy định của luật xây dựng hệ thống văn bản pháp luật còn mang tính chất đối phó.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng cho biết cần có điều kiện và thời gian để nghiên cứu thêm, nhưng chất lượng chắc khó đảm bảo bởi sức ép về mặt thời gian, sẽ liên quan đến chất lượng chung của một dự án dự thảo mà Chính phủ trình.
Bộ trưởng cũng thừa nhận có dự thảo vản bản khi Chính phủ trình, qua quá trình thẩm tra của các Ủy ban hội đồng và các Ủy ban có liên quan dưới sự chỉ đạo của Ban thường vụ Quốc hội thì có nội dung thay đổi, nếu như không muốn nói là có nhiều nội dung thay đổi. Bộ trưởng cho rằng đây là quá trình tự nhiên đóng góp trí tuệ của các chủ thể khác nhau. Trong quá trình chỉnh lý, có vấn đề không thống nhất, Chính phủ đề xuất, Quốc hội nghiên cứu tiếp. Bộ trưởng cho rằng bàn về chất lượng của các cơ quan trình nhưng đồng thời phải xem xét quy trình làm luật.
Trong phiên họp sáng nay, các đại biểu cũng chất vấn Bộ trưởng các vấn đề khác như: lương giáo viên, tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, xã đảo Thổ Chu (Phú Quốc – Kiên Giang) sẽ thuộc đơn vị hành chính nào khi tháng 5 tới Quốc hội dự kiến thông qua đề án thành lập đặc khu Phú Quốc… Kết thúc phiên chất vấn, vẫn còn 38 câu hỏi đăng ký gửi đến Bộ trưởng nhưng hết thời gian trả lời.
Phiên chất vấn chiều nay đối với Bộ trưởng KH-CN Chu Ngọc Anh theo hình thức “chất vấn và trả lời chất vấn ngay” được tiến hành với sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng.
Kim Long – Hải Anh
Xem thêm:
Từ khóa họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long chất vấn và trả lời chất vấn ngay