Hà Nội đề nghị cơ chế đặc thù xây dựng 3 tuyến đường sắt đô thị
- Đăng Nguyên
- •
UBND TP. Hà Nội vừa có tờ trình kiến nghị Thủ tướng Chính phủ các cơ chế đặc thù để đầu tư xây dựng 3 tuyến đường sắt đô thị ưu tiên với tổng mức đầu tư 125.614 tỷ đồng.
UBND TP. Hà Nội vừa có Tờ trình số 27 đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến về chủ trương, cơ chế đầu tư 3 dự án đường sắt đô thị ưu tiên giai đoạn đến năm 2025.
Ba tuyến đường sắt đô thị được UBND thành phố đề xuất cơ chế đầu tư nhằm sớm xây dựng gồm:
- Tuyến số 2 Trần Hưng Đạo – Thượng Đình: đi ngầm toàn tuyến với chiều dài 5,96 km; thời gian thực hiện 2018 – 2024;
- Tuyến số 5 Văn Cao – Hòa Lạc: dài 38,4 km, đi ngầm 8 km, 2 km đi trên cao, 28,4 km đi bằng; thời gian thực hiện 2018 – 2024;
- Tuyến số 3 Ga Hà Nội – Hoàng Mai: dài 8,7 km, đi ngầm 8,13 km; thời gian thực hiện 2018 – 2025.
Theo quy hoạch phát triển GTVT Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội chú trọng phát triển giao thông công cộng khối lượng lớn, bảo đảm thị phần đảm nhận của đường sắt đô thị đến năm 2020 là 10 – 15%, đến năm 2030 là 25 – 30% và sau năm 2030 là 35 – 40%, giải quyết tình trạng ùn tắc, bảo đảm an toàn giao thông, cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường…
Do đó, thành phố cho rằng việc sớm đầu tư xây dựng để đưa vào sử dụng 3 tuyến đường sắt đô thị trên là đặc biệt cần thiết.
Ba dự án có tổng mức đầu tư 125.614 tỷ đồng. UBND thành phố đề nghị Thủ tướng cho phép áp dụng một số cơ chế đặc thù để đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt đô thị. Theo đó:
Đề nghị Thủ tướng báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thành phố để lại toàn bộ các khoản vượt thu hàng năm, số thu từ cổ phần hóa trước năm 2017 để đầu tư cho dự án xây dựng các tuyến đường sắt đô thị. Trong đó, các khoản vượt thu trên địa bàn thành phố không bị đối trừ vào các khoản hụt thu từ các nguồn của Trung ương trên địa bàn.
Giữ ổn định cơ cấu ngân sách như năm 2017, ổn định tỷ lệ điều tiết ngân sách, phần TP. Hà Nội được hưởng là 35% trong giai đoạn 2021-2025.
Cho phép điều tiết toàn bộ các khoản tiết kiệm được từ chi thường xuyên để chi đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt đô thị. Các khoản vượt thu, tiết kiệm chi được trích 100% vào quỹ dự trữ tài chính của thành phố để đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt.
Cho phép bán đấu giá tài sản công là nhà và đất, gồm nhà chuyên dùng thuộc sở hữu nhà nước đang cho thuê, trụ sở các sở, ngành sau khi sắp xếp tập trung tại hai khu hành chính (Võ Chí Công; Vân Hồ); lập các dự án đấu giá quyền sử dụng đất để tạo nguồn vốn đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt đô thị;
Trong trường hợp các nguồn tài chính nói trên không đủ đáp ứng nhu cầu, TP. Hà Nội đề nghị phát hành trái phiếu xây dựng Thủ đô theo hạn mức Chính phủ đã cho phép với trần huy động được nới từ 70% (trên số thu ngân sách thành phố được hưởng) lên 90%.
Về phương án cân đối nguồn lực đầu tư cho 3 dự án, UBND TP. Hà Nội đề xuất Thủ tướng cho phép huy động từ 6 nguồn trong thời gian 8 năm (2018-2025) gồm:
- Tiết kiệm chi thường xuyên (8.000 tỷ đồng);
- Tăng thu ngân sách thành phố (12.000 tỷ đồng);
- Nguồn thu từ cổ phần hóa giai đoạn 2016 – 2020 (18.000 – 20.000 tỷ đồng);
- Bán nhà chuyên dùng, trụ sở các sở, ngành (8.000 tỷ đồng);
- Đấu giá quyền sử dụng đất (70.000 – 80.000 tỷ đồng);
- Phát hành trái phiếu bổ sung với tổng giá trị 20.000 – 25.000 tỷ đồng.
Theo quy hoạch giao thông vận tải Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt, thành phố sẽ xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 417,8 km, trong đó 342,2 km sử dụng cầu cạn và cầu cạn kết hợp đi bằng; 75,5 km đi ngầm. 10 tuyến đường sắt đô thị được TP. Hà Nội quy hoạch gồm:
10 tuyến đường sắt đô thị có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 40,056 tỷ USD, trong đó nhu cầu vốn đầu tư từ 2017 – 2020 là 7,55 tỷ USD; từ 2021 – 2025 là 7,6 tỷ USD; từ 2026 – 2030 là 3,56 tỷ USD; sau năm 2031 là 21,3 tỷ USD. |
Đăng Nguyên
Xem thêm:
Từ khóa TP. Hà Nội Đường sắt đô thị quy hoạch giao thông Hà Nội