Phá gần 50ha rừng dừa nước lớn nhất Quảng Ngãi làm hồ chứa cho nhà máy giấy
- Vĩnh Long
- •
Rừng ngập mặn ở xã Bình Phước, huyện Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) có tổng diện tích khoảng 120ha, trong đó, 70ha là rừng dừa nước có tuổi đời gần trăm năm. Tuy nhiên, sắp tới Cty Cổ phần Bột giấy VNT 19 sẽ tiến hành thu hồi gần 50ha rừng dừa nước tại đây để làm hồ chứa nước phục vụ cho việc sản xuất giấy.
Cái giá nào để “đổi” rừng lấy nhà máy?
Dự án Nhà máy Bột – Giấy VNT 19 được xây dựng vào năm 2012, thuộc khu kinh tế Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi). Dự án có tổng vốn đầu tư lên đến 7.900 tỷ đồng. Tổng diện tích quy hoạch 118ha, trong đó, diện tích đất giai đoạn I khoảng 70ha thuộc địa bàn xã Bình Phước, công suất giai đoạn I khoảng 250 ngàn tấn bột giấy tẩy trắng/năm.
Dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 4/2011, đặt tại xã Bình Thới, huyện Bình Sơn. Tuy nhiên, sau đó, UBND huyện Bình Sơn kiến nghị chuyển địa điểm nhà máy đến xã Bình Phước thay vì xây dựng tại xã Bình Thới với lý do địa điểm này không phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển kinh tế-xã hội của huyện.
Để đáp ứng nhu cầu nước phục vụ sản xuất cho nhà máy Bột – Giấy VNT 19, một hồ chứa diện tích 85ha sẽ được xây dựng tại địa bàn thôn Phú Long (xã Bình Phước, huyện Bình Sơn), trong đó 50ha diện tích hồ chứa nằm trong khu vực rừng dừa nước Cà Ninh.
Cánh rừng dừa nước Cà Ninh rộng khoảng 70 ha có tuổi đời khoảng 70-80 năm, giữ vai trò như “bức tường xanh” giúp giữ đất, ngăn xâm mặn, bảo vệ hệ sinh thái, nuôi dưỡng nguồn cá, tôm…, là nơi trú ngụ của nhiều loài chim, cò quý hiếm. Do đó, rừng gắn liền với đời sống của nhiều thế hệ. Người dân quý rừng không chỉ bởi rừng là nguồn sinh kế quý giá mà còn bởi những giá trị tinh thần không thể thay thế. Việc 50ha rừng dừa đứng trước nguy cơ bị phá sẽ kéo theo nhiều hệ lụy về môi trường, đời sống, văn hóa dân cư.
Năm 2016, Phòng NN&PTNT đã tham mưu cho huyện đề xuất lên tỉnh giữ lại khoảng 50ha dừa nước ở Cà Ninh. Về phần diện tích hồ chứa nước phục vụ nhà máy giấy VTN 19 còn thiếu, Phòng đề xuất khảo sát chọn vị trí ở khu vực đồng cỏ Lác nằm giáp ranh ba xã Bình Phước, Bình Đông, Bình Trị. Tuy nhiên cho tới nay, nguy cơ mất rừng, mất cân bằng môi trường – đời sống an sinh vẫn hiện hữu.
Vai trò chống sạt lở, giảm nhiễm mặn, ngăn lũ bất thường, bảo tồn hệ sinh vật và tài nguyên thiên nhiên của rừng ngập mặn là không thể phủ nhận. Năm 2015, tỉnh Quảng Ngãi thực hiện dự án trồng rừng ngập mặn tại các xã ven biển Bình Phước, Bình Đông, Bình Dương (huyện Bình Sơn), tổng diện tích hơn 45,7 ha, trong đó trồng mới 35,46 ha dừa nước, hơn 10,2 ha để dành đánh bắt thủy sản, làm đường giao thông chăm sóc, bảo vệ rừng.
Tuy nhiên, diện tích trên chưa đủ để bù lại diện tích rừng đã mất. Năm 2015, theo thống kê của Sở TN&MT Quảng Ngãi, hiện toàn tỉnh chỉ còn 197ha rừng ngập mặn ven biển, giảm khoảng 115ha so với năm 2002. Theo đó, chỉ sau hơn 10 năm, gần 40% diện tích rừng ngập mặn trên địa bàn tỉnh đã “biến mất”.
Bất an trước nguy cơ ô nhiễm môi trường
Ông Nguyễn Thế Nhân – Chủ tịch UBND xã Bình Phước cho hay vì dự án được tỉnh cấp phép nên người dân phải ủng hộ, nhưng mọi người đều lo lắng về những mất mát khi rừng dừa bị phá. Theo ông Nhân, việc phá bỏ rừng dừa nước không chỉ ảnh hưởng đến sinh kế của 40 hộ dân mà còn khiến 1.600 nhân khẩu của 4 thôn quanh nhà máy giấy VNT 19 lo ngại về tình trạng ô nhiễm, nhất là khi nhà máy đi vào hoạt động.
Trước đó, đầu tháng 4/2017, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) đề nghị xem xét lại báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án Nhà máy Bột – Giấy VNT19.
Cụ thể, theo báo cáo ĐTM của dự án đã được Bộ TN-MT phê duyệt vào tháng 9/2015, việc lắp đặt vị trí xả thải tại vịnh Việt Thanh (thôn Lệ Thủy, xã Bình Trị), cách bờ biển khoảng 500-1.500m. Với vị trí xả thải này, chủ dự án sẽ phải lắp đặt đường ống ngầm dưới mặt nước – việc này liệu có đúng quy định hay không.
Ngoài ra, để có cơ sở đối chứng về việc kiểm soát chất lượng nước trước khi xả thải ra môi trường, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã đề nghị chủ đầu tư xây dựng một hồ nuôi cá bằng nước thải của nhà máy trước khi thải ra biển. Tuy nhiên, báo cáo ĐTM của dự án đã được phê duyệt không đề cập đến vấn đề này.
Hiện dự án nhà máy đang trong quá trình thi công, hoàn thành. Nhiều con đường trong thôn Phú Long bị hỏng. Bụi bặm, tiếng ồn từ xe tải vận chuyển đất đá cày xới trên đỉnh núi dự kiến làm nhà máy khiến cuộc sống, sinh hoạt, đi lại của người dân xóm thôn Phú Long và các hộ dân xã Bình Phước hiện sống quanh khu vực nhà máy bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Nhà máy Bột – Giấy VNT 19 không phải là dự án nhà máy giấy đầu tiên trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Năm 2010, Nhà máy bột giấy và giấy Tân Mai-Quảng Ngãi đã được Cty cổ phần Tập đoàn Tân Mai – chủ đầu tư động thổ xây dựng tại xã Bình Long, huyện Bình Sơn. Dự án có tổng số vốn đầu tư trên 2.200 tỷ đồng, nhà máy xây dựng trên diện tích 45ha, công suất 130.000 tấn bột giấy và 200.000 tấn giấy tráng phấn/năm.
Theo kế hoạch công bố, 68 ngàn ha rừng trồng trên địa bàn Quảng Ngãi sẽ là nguồn nguyên liệu chính cho nhà máy này.
Vĩnh Long
Xem thêm:
Từ khóa rừng phòng hộ Nhà máy Bột giấy VNT19 tin tức Quảng Ngãi phá rừng dừa nước Quảng Ngãi dự án hồ chưa nước ở Quảng Ngãi rừng dừa nước lớn nhất Quảng Ngãi