Vừa khánh thành nhà máy thủy điện, tiếp tục xin ‘hạ’ rừng để làm thủy điện
- Vĩnh Long
- •
UBND tỉnh Đắk Lắk vừa tiếp tục kiến nghị Bộ NN&PTNT đồng thuận để tỉnh quản lý, chuyển giao 5,41ha đất rừng đặc dụng thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Ka để làm thủy điện Chư Pông Krông mặc dù trước đó Bộ NN&PTNT yêu cầu UBND tỉnh Đắk Lắk tạm dừng việc chuyển đổi đất rừng đặc dụng, giữ nguyên hiện trạng.
Xin ‘hạ’ rừng làm thủy điện
Ngày 9/2, UBND tỉnh Đắk Lắk gửi công văn số 815/UBND-NNMT đề nghị Bộ NN&PTNT đồng ý chuyển giao 5,41ha đất rừng đặc dụng cho tỉnh quản lý, dự kiến sẽ chuyển sang đất phi nông nghiệp để xây dựng nhà máy thủy điện Chư Pông Krông.
Dự án nhà máy thủy điện Chư Pông Krông nằm trên sông Krông Nô (giáp ranh 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông), có công suất 7,5 MW, do Công ty TNHH MTV Xây lắp điện Hưng Phúc (tỉnh Đắk Lắk) làm chủ đầu tư. Quy mô sử dụng đất là 8,11 ha, trong đó 5,41 ha thuộc Tiểu khu 1306 trong Khu Dự trữ thiên nhiên Nam Ka.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong 5,41 ha đất rừng đặc dụng, 0,94 ha là đất núi nông nghiệp (trồng cà phê), 4,47 ha đất trống, đã được Ban quản lý rừng đặc dụng Nam Ka đồng ý chuyển giao cho địa phương để thực hiện dự án thủy điện.
Về lý do xin cấp phép, UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết dự án đã được Bộ Công thương bổ sung vào quy hoạch thủy điện nhỏ của tỉnh theo công văn 1208 ngày 18/9/2007. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án “Đầu tư xây dựng nhà máy thủy điện Chư Pông Krông, công suất 7,5MW” theo quyết định số 1990 ngày 18/9/2014. HĐND tỉnh thông qua ngày 14/12/2016.
Do đó, “UBND tỉnh Đắk Lắk đề nghị Bộ NN-PTNT có ý kiến đồng thuận trong việc chuyển giao diện tích trên cho UBND huyện Lắk quản lý để có cơ sở lập thủ tục chuyển sang đất phi nông nghiệp và cho Công ty Hưng Phúc thuê triển khai dự án xây nhà máy thủy điện” – theo nội dung văn bản.
Rừng, sông ‘kêu cứu’
Đây không phải là công trình thủy điện đầu tiên trên sông Krông Nô. Ngày 7/1, công trình thủy điện Krông Nô 2, công suất 30 MW, vừa được chủ đầu tư khánh thành. Công trình thủy điện Krông Nô 3, công suất 18MW, ở phía hạ lưu của Krông Nô 2, cũng được khánh thành trước đó một năm, vào tháng 4/2016. Chưa kể tại đầu nguồn dòng sông Krông Nô, thủy điện Buôn Tua Srah công suất 85MW đã được hoàn thành và đi vào khai thác từ năm 2011.
Từ năm 2010, có nhiều cảnh báo trước tình trạng sông Krông Nô bị sạt lở hai bờ, lưu lượng thất thường, nhiều khúc sông cạn sát đáy, nguồn thủy sinh cạn kiệt. Nguyên nhân được xác định do việc xây dựng các đập thủy điện và nạn khai thác cát trái phép. Năm 2013, hàng trăm ha lúa, ngô, hoa màu của người dân khô cháy vì thiếu nước tưới do nhà máy thủy điện không xả nước theo cam kết.
Đáng chú ý, theo Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam (TCXDVN số 285-2002), cả ba công trình thủy điện Krông Nô 2, Krông Nô 3 (đã khai thác) và Chư Pông Krông (chờ duyệt) đều là thủy điện nhỏ (công suất dưới 30MW). Theo nhận định từ các chuyên gia, sự gia tăng mật độ của các công trình thủy điện, đặc biệt là thủy điện vừa và nhỏ, khiến dòng chảy tự nhiên bị chặt đứt tại nhiều điểm, gây thay đổi lưu lượng, phá vỡ hệ sinh thái dòng sông, suối, chưa kể việc đảm bảo chất lượng công nghệ, thiết bị tách dầu từ nước làm mát tuabin gây ô nhiễm nguồn nước… Năm 2016, 463 dự án thủy điện nhỏ trong tổng số 684 dự án thủy điện bị loại khỏi quy hoạch.
Ngày 11/3/2017, tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên lần thứ 4 năm 2017, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương tạm dừng cấp phép đối với các dự án thủy điện gây tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái; thực hiện nghiêm quy định trồng rừng thay thế; thu hồi giấy phép, dừng hoạt động đối với những dự án không chấp hành trồng rừng thay thế và chi trả dịch vụ môi trường rừng. Bộ NN&PTNT được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương kiểm tra việc thực hiện các dự án trồng rừng thay thế trong khi Bộ TN&MT kiểm tra, thanh tra, giám sát thực hiện các quy định về môi trường, các quy trình vận hành liên hồ chứa, có chế tài xử phạt các đối tượng vi phạm.
Cũng tại hội nghị, Thủ tướng tái khẳng định lệnh đóng cửa rừng đối với khu vực này và không cho chuyển đổi đất rừng nghèo sang đất nông nghiệp.
Theo đánh giá tại hội thảo “An ninh nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế xã hội vùng Tây Nguyên“, ngày 22/7/2016, các chuyên gia cho biết một hồ thủy điện cỡ 10MW chạy vào khoảng 60% công suất trong các tháng mùa khô có thể xóa sổ hàng trăm ha rừng. Chỉ tính riêng 25 công trình thủy điện lớn tại Tây Nguyên đã và đang xây dựng đã chiếm dụng hơn 68.000 ha đất, làm ảnh hưởng đến gần 26.000 hộ dân. Tính trung bình, 1MW thủy điện chiếm 14,5 ha đất các loại, làm ảnh hưởng 5,5 hộ dân, trong đó 1,5 hộ phải di dời. |
Vĩnh Long
Xem thêm:
Từ khóa nhà máy thủy điện Chư Pông Krông chặt rừng làm nhà máy thủy điện nhà máy thủy điện Đắk Lắk