10 điều cần tránh để có giấc ngủ ngon
- Thanh Xuân
- •
Trong cuộc đời mỗi người, giấc ngủ chiếm trọng 1/3 tổng số thời gian và có mối liên hệ chặt chẽ với sức khỏe con người. Nói cách khác, giấc ngủ đóng vai trò quan trọng quyết định chất lượng cuộc sống. Vậy chúng ta cần lưu ý những gì để có thể đảm bảo có được giấc ngủ ngon và khoa học?
1. Với một số người, tránh nằm ngửa khi ngủ
Nằm ngửa là tư thế phổ biến thường thấy nhất khi ngủ. Tư thế này có thể giúp cột sống cũng như toàn thân duỗi và thả lỏng tạo cảm giác thoải mái. Nhưng với những người có hội chứng ngưng thở khi ngủ, nằm ngửa có thể làm hạn chế không khí hít vào dẫn đến tình trạng thở gấp, ho, khịt mũi hay ngủ ngáy. Đặc biệt những người bị ngáy sẽ tăng triệu chứng ngáy và khiến tình trạng ngưng thở nghiêm trọng hơn. Do đó, khuyến cáo khi ngủ nên tránh nằm ngửa, mà nên nằm nghiêng sang một bên.
2. Tránh suy nghĩ quá nhiều vấn đề trước khi đi ngủ
Trước khi ngủ nếu trong đầu có đủ loại suy nghĩ sẽ dễ nảy sinh tâm trạng lo lắng, căng thẳng, phấn khích và dẫn đến mất ngủ. Tốt nhất là cố gắng không suy nghĩ vấn đề gì trước khi ngủ, có thể ngồi dậy, thiền hoặc thực hiện một vài động tác thể dục nhẹ nhàng, nghe nhạc thư giãn giúp điều hòa nhịp thở và làm tâm trí bình ổn trở lại. Như vậy mới có thể dễ đi vào giấc ngủ và ngủ sâu hơn.
3. Tránh nói chuyện trước khi ngủ
Cả khi ăn và khi ngủ đều nên tránh nói chuyện. Trước khi ngủ mà nói chuyện có thể gây ảnh hưởng đến cảm xúc và vô tình sẽ tạo thành nguyên nhân gây mất ngủ. Với những ai bị rối loạn giấc ngủ và khó ngủ, việc nói chuyện và tập trung vào một vấn đề nào đó sẽ càng dễ bị ảnh hưởng đến giấc ngủ hơn. Do đó, kiến nghị nên hạn chế tối đa giao tiếp trước khi ngủ, hãy cố tạo ra một môi trường yên tĩnh để dễ đi vào giấc ngủ.
4. Tránh để đèn sáng khi ngủ
Trung Y tin rằng quá trình con người đi vào giấc ngủ là “dẫn dương vào âm”. Khi thức là dương, khi ngủ là âm. Ánh sáng là dương, bóng tối là âm. Vì thế khi ngủ tốt nhất nên ngủ trong bóng tối. Ngoài ra, nếu bật đèn khi ngủ sẽ gây cản trở việc sản sinh melatonin (một loại hormone gây buồn ngủ) và các hormone tăng trưởng, gây ảnh hưởng đến giấc ngủ.
5. Tránh uống rượu và ăn no trước khi ngủ
Ăn nhiều vào buổi tối sẽ khiến hệ tiêu hóa làm việc quá sức, gây ảnh hưởng dạ dày và tạo cảm giác khó chịu khi ngủ. Cũng có một số người thích uống một chút rượu vào buổi tối, họ tin rằng rượu có thể giữ ấm và cảm giác dễ ngủ hơn. Nhưng kỳ thực, giấc ngủ do rượu và giấc ngủ sinh lý bình thường rất khác nhau. Sau khi uống rượu, dù có đi vào giấc ngủ thì não bộ vẫn rất hưng phấn. Vì vậy sau giấc ngủ do rượu thường khiến bạn đau đầu, mệt mỏi. Thường xuyên uống rượu buổi đêm dễ gây bệnh về thần kinh và bệnh gan. Do đó, nên cố gắng hạn chế ăn quá no trước giờ đi ngủ và bỏ uống rượu, thay vào đó là nước ấm hoặc sữa tươi.
6. Tránh chùm trăn kín đầu khi ngủ
Trùm chăn kín đầu khi ngủ sẽ khiến không khí đi vào bị hạn chế, và vì vậy chúng ta sẽ phải hít một lượng lớn khí carbon, gây cản trở hô hấp và dễ khiến tỉnh giấc. Thêm nữa, có những chiếc chăn lâu ngày không giặt tích tụ nhiều vi khuẩn và bụi bặm, trùm kín chăn sẽ khiến chúng ta hít những vi khuẩn này vào cơ thể và gây ra hệ quả xấu cho sức khỏe.
7. Tránh ngủ ở những nơi có gió
Chức năng sinh lý của cơ thể con người trong lúc ngủ dễ bị suy yếu và sức đề kháng cũng kém hơn. Do đó, khi ngủ, nên hạn chế nằm ở những nơi có gió trời thổi thẳng vào, tránh bị trúng gió độc. Thêm nữa, vào mùa hè cũng không nên để quạt hay điều hòa thổi gió lạnh thẳng vào người, điều này sẽ khiến vùng tiếp xúc trực tiếp cùng với gió khô mồ hôi nhanh hơn, làm mất cân bằng sự bài tiết mồ hôi nên ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng, từ đó sẽ gây ra các bệnh về đường hô hấp, cảm cúm, đau đầu…
8. Tránh há miệng khi ngủ
Khi ngủ nếu há miệng sẽ khiến cho không khí đi vào phổi qua đường miệng và không được lọc sạch qua đường mũi, từ đó dễ gây ho, cảm lạnh và viêm họng. Hơn nữa, thói quen ngủ há miệng có thể dẫn đến hội chứng ngừng thở khi ngủ và các vấn đề tim mạch. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ làm mất ngủ, nấm miệng, thay đổi giọng nói hoặc các bệnh nghiêm trọng về đường hô hấp. Do đó, cần phải theo dõi để bỏ thói quen há miệng khi ngủ, đặc biệt là với trẻ nhỏ, điều chỉnh tư thế ngủ cũng có thể giúp loại bỏ tình trạng này.
9. Tránh nhịn tiểu khi ngủ
Việc nhịn tiểu trong khi ngủ không chỉ gây cảm giác khó chịu, bứt rứt, ngủ không ngon giấc mà còn có nguy cơ dẫn đến nhiều bệnh lý nguy hiểm. Khi nước tiểu ứ đọng lâu sẽ thuận lợi cho cặn lắng trong nước tiểu kết tinh và nguy cơ dẫn đến sỏi thận. Về lâu dài, việc nhịn tiểu có thể dẫn đến mất phản xạ tiểu theo đúng chu kỳ, làm ảnh hưởng đến chức năng thận.
10. Tránh ngủ muộn dậy muộn
Việc duy trì đồng hồ sinh học bình thường có vai trò rất quan trọng để duy trì một cuộc sống lành mạnh. Giấc ngủ bất thường sẽ làm gián đoạn nhịp sinh học, dẫn đến rối loạn hệ thần kinh và hệ nội tiết. Nếu bạn không đi ngủ sớm đúng giờ thì cũng không thể thức dậy đúng giờ. Về cơ bản, con người có khả năng điều chỉnh nhịp sinh học của mình, nhưng việc phá vỡ nhịp sinh học như vậy có thể khiến những người vốn bị mất ngủ càng khó ngủ hơn. Thêm nữa, dậy muộn sẽ khiến cho đại tràng không được hoạt động, việc tiêu hóa và bài tiết của cơ thể do đó sẽ bị ngưng trệ.
Ngoài ra, từ 7-9h sáng cũng là khoảng thời gian các cơ quan tiêu hóa làm việc hiệu quả nhất, dậy sớm và ăn sáng vào khoảng thời gian này sẽ giúp cho việc trao đổi chất và hấp thụ các chất dinh dưỡng diễn ra thuận lợi hơn. Do đó, tốt nhất là nên ngủ sớm và dậy sớm. Cũng cần lưu ý là thời gian ngủ còn phải dựa vào tuổi tác, thói quen của từng người. Có người ngủ nhiều đến 8-9 giờ mỗi ngày, có người chỉ cần ngủ 6-7 giờ. Trẻ nhỏ thường ngủ nhiều và người cao tuổi thường ngủ ít hơn.
Thanh Xuân
Xem thêm:
Từ khóa giấc ngủ ngụ ngôn Làm thế nào để ngủ ngon