13 lý do khiến rất nhiều người Trung Quốc muốn di cư đến Mỹ
- Thanh Bình
- •
Từ trước đến nay, Mỹ luôn là quốc gia mà người Trung Quốc ưu tiên lựa chọn để di cư đến. Những năm gần đây, do tình hình nhân quyền của đại lục không ngừng xấu đi, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng lên từng ngày nên ngày càng có nhiều người Trung Quốc đến Mỹ mua nhà, du học, sinh con… Vậy thì rốt cuộc Mỹ có điều gì thu hút người Trung Quốc đến thế?
Theo tờ “Đây mới là Mỹ Quốc”, một người Hoa đã tổng kết 13 lý do di cư đến Mỹ dưới đây:
Đời sống
“Đến bây giờ vẫn còn nhớ, ngày đầu tiên tới Mỹ nhìn thấy một bà cụ khoảng 60 hoặc 70 tuổi, tóc đã bạc trắng một mình lái xe trên đường cao tốc rồi đỗ xe trước cửa một tiệm Starbucks, chậm rãi mở cửa xe, chống nạng thong thả đi mua một ly cà phê.”
“Tất cả những nhà vệ sinh công cộng ở Mỹ hầu như đều có giấy, ngay cả nhà vệ sinh của công viên quốc gia cũng có… đáng ngạc nhiên hơn là ở những công viên quốc gia hẻo lánh này hầu như không hề nhìn thấy bất cứ nhân viên nào cả, nhưng mức độ gọn gàng sạch sẽ trong nhà vệ sinh gần như không hề thua kém các trung tâm thương mại lớn.”
“Khi đó tôi đang đứng ở cửa sổ của tầng 12 trong công ty và bị kinh ngạc bởi hình ảnh trước mắt! Bên ngoài mưa bão, bốn phía ngã tư đều có xe xếp hàng dài, tất cả xe cộ đều tuần tự lái theo bốn phía, tôi nghĩ thầm, đây là quy tắc giao thông gì vậy? Sau này mới nhận ra là đèn giao thông bị hỏng do thời tiết, trong nửa giờ đồng hồ không có cảnh sát chỉ huy, không có chiếc xe nào lấn hàng, không có tiếng còi, sự yên tĩnh trật tự khiến người ta nghi ngờ không biết có thật là không có đèn giao thông hay không?”
“Trình độ phát triển của một quốc gia không phải là thành phố lớn nhất của họ phồn hoa đến mức nào, mà phải xem từng ngóc ngách hẻo lánh nhất đẹp đẽ ra sao. Sống ở Mỹ 11 năm, thích du lịch, dấu chân tôi đã từng đi qua hầu hết các thành phố, thị trấn lớn nhỏ trên khắp nước Mỹ.
Tôi nhận thấy dù cho sống ở một thị trấn nhỏ nghèo nhất của Mỹ cũng có thể đáp ứng được những nhu cầu cơ bản trong cuộc sống một cách dễ dàng, những dịch vụ xã hội như bưu điện, trạm xăng, siêu thị, bệnh viện, thư viện, mạng lưới ngân hàng… đều rất đầy đủ, đặc biệt là trường học được trang bị đầy đủ đến mức khiến bạn hoài nghi mức sống thật sự ở đó.
Điều khiến tôi ngạc nhiên hơn là những chuỗi nhà nghỉ như Holiday Inn, Best Western… vẫn có đủ, rất tiện lợi ở cả các thành phố lớn và trên đường cao tốc.”
Chữ tín
“Ở Mỹ, một hộp táo không ngon đã ăn hết phân nửa, quả dưa hấu đã cắt dở, một chiếc nồi chiên không xoay được đã dùng một năm rưỡi… đều có thể trả hàng!”
“Từng đến một công viên quốc gia, ở gần bãi xe có một ngôi nhà gỗ nhỏ, con đường tắt nhỏ bên cạnh thông ra khu thắng cảnh, bên trên hộp thư trong căn nhà gỗ có viết dòng chữ vé 10 đô la, xung quanh hoàn toàn không có nhân viên thu phí, cũng không có khóa cửa hay thanh chắn, tôi tự nhủ thầm, nơi bán vé này chỉ để làm cảnh thôi à?”
“Trong tiệm đồ ăn nhanh, dù gọi một ly coca hay soda (rất nhiều cửa tiệm miễn phí soda), nhân viên cũng sẽ đưa cho bạn một cái ly rỗng, khu vực thức uống thường nằm ở góc bên cạnh quầy thu ngân, nhân viên sẽ không kiểm soát xem bạn có chọn loại nước uống có cùng giá hay không, tất cả các món uống cũng đều là châm thêm miễn phí. Nhưng kỳ lạ là, sau khi quan sát rất nhiều lần, những người không gọi nước uống cũng chỉ là nhận lấy ly nước, chứ không lén lấy nước uống.”
“Thẻ tín dụng của Mỹ hầu như rất thoải mái, khi tính tiền trong tiệm ăn, cứ thế đưa thẻ tín dụng cho nhân viên phục vụ, trên thẻ cũng không có cài mật mã! Điều này có nghĩa là nhân viên có thể tùy ý quét thẻ. Đương nhiên cũng không loại trừ những sự việc thẻ ngân hàng bị quét trộm, nhưng cuối cùng ngân hàng đều sẽ bù lại cho bạn.”
Sự tôn trọng
“Có một lần bị kẹt trong thang máy ở trường, tòa nhà có tổng cộng 3 tầng, tôi bị kẹt ở tầng 2… sau khi gọi điện thoại cầu cứu bảo vệ trường, tôi bèn thư thái chụp ảnh. 10 phút sau, khi cửa thang máy mở ra, tôi ngơ ngẩn ra, trước cửa có rất nhiều lính cứu hỏa, bảo vệ, còn có người kiên quyết kéo tôi lên xe cứu thương, trước cổng có đến 3 chiếc xe cứu hỏa, họ còn bắt tôi đến phòng y tế trường để xem có tổn thương về mặt tinh thần nào không….”
“Trường chúng tôi có một học sinh câm điếc có 3 người phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu, 3 người luân phiên đi học cùng cậu ta, ngay cả giường trong ký túc xá cũng đặt giường rung, khi còi cứu hỏa vang lên thì giường sẽ lắc mạnh để nhắc nhở cậu ta mau chóng rời khỏi.”
“Một điều khiến tôi cảm thán về nước Mỹ đó là họ dành rất nhiều tiền bạc cho cơ sở hạ tầng không sinh lợi, ví dụ như nước, điện, sưởi, dịch vụ dành cho người khuyết tật, an toàn phòng cháy chữa cháy cũng như đường cao tốc, hầu như đều là miễn phí!”
Sự công bằng
“Ngôi trường công lập mà tôi học, từ hiệu trưởng có vẻ ‘bí ẩn’ đến thư ký hành chính hay giáo sư ‘nổi tiếng’, mỗi học sinh, mỗi y tá, mỗi nhân viên quản lý thư viện, mỗi người làm vệ sinh, tất cả họ đều có thể xem thu nhập 3 năm gần nhất và chính xác đến hai chữ số thập phân.”
“Tôi đến Mỹ đã gần 10 năm rồi, tìm việc, đổi việc, làm thẻ xanh, mua nhà mua xe, cho con đi học… chưa bao giờ phải nhờ vả ai cả, mọi thứ đều theo trật tự, không có ai đòi thêm tiền hay cố ý làm khó, kéo dài.”
“Mỗi lần vào cửa, nếu trước mặt có người, họ sẽ luôn giúp tôi kéo cửa sau khi đi vào, nam nữ già trẻ, thậm chí cả trẻ em….”
Tổng kết
Nguyên nhân khiến người Hoa lưu luyến nước Mỹ:
1. Giá trị quan tự do, bình đẳng
Trong tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ có đoạn: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng, tạo hóa đã cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong đó có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
Ở đây, mọi công dân đều được đối xử công bằng như nhau dù là người bản địa hay là người nhập cư.
2. Vật giá thấp
Mỗi tháng 3.000 đô la cơ bản là có thể tự thuê một căn nhà một phòng ngủ và bảo dưỡng một chiếc xe mới, cũng như có thể đáp ứng điều kiện sống cơ bản. Đương nhiên là không bao gồm mức độ sang trọng. Đây chỉ là so sánh nhu cầu vật giá cơ bản với Trung Quốc mà thôi. Ở Trung Quốc, 3000 tệ mỗi tháng thật sự chẳng làm được gì mấy.
3. Đời sống giản đơn
Ở Mỹ, người ta không đặt nặng việc ăn uống là gì to tát. Thời gian rảnh rỗi sẽ đi thư giãn để nạp năng lượng.
4. Thực phẩm an toàn
Ở Mỹ, người ta không cần lo lắng có lúc sẽ bị ngã vào ống cống không có nắp, cũng không cần lo lắng thực phẩm có độc.
5. Không thờ ơ
Ở Mỹ, nếu khi tôi ngã mà có người nhìn thấy, nhất định sẽ hỏi: “Bạn có sao không? Có cần giúp gì không?”
6. Không so sánh
Ở Mỹ, không ai so sánh nhà ai sống tốt hay không tốt, tự mình sống cuộc sống riêng. Nếu không đeo nhẫn kim cương, không dùng túi hàng hiệu cũng sẽ không có ai cười nhạo cả.
7. Không lo chuyện bao đồng
Ở Mỹ, không có ai thương hại tôi không đi làm, càng không có ai thương xót tôi không kiếm tiền, việc ai người nấy lo.
8. Tính bao dung mạnh
Tuy nước Mỹ không hoàn hảo, nhưng có thể hào phóng chấp nhận người nước ngoài di cư đến.
9. Công việc có nhân tính
Ở Mỹ, việc bị bệnh mà vẫn kiên trì làm việc bị xem là không có trách nhiệm, đầu tiên bạn không có trách nhiệm với bản thân, sau đó nếu là bệnh truyền nhiệm thì là không có trách nhiệm với đồng nghiệp và mọi người. Vì vậy, ở Mỹ không đề cao việc kiên trì làm việc dù bị bệnh.
10. Đường xá tốt
Đa phần đường xá ở Mỹ có chất lượng rất cao, dù là những tiểu bang hẻo lánh ít người, đường xá vẫn được bảo trì rất tốt, đương nhiên hiện nay những cơ sở hạ tầng này đều đã cũ. Điều quan trọng là đường xá ở đây rất ít thu phí.
11. Công việc không phân giàu nghèo
Học đại học là một cách nâng cao trình độ cá nhân, chứ không phải là để thể hiện và nâng cao giá trị bản thân. Ở một số nước, học lực thường được xem là thước đo giá trị bản thân, còn ở Mỹ, bạn sẽ nhận thấy rằng không hiếm những thành phần trí thức làm những công việc phổ thông.
12. Giáo viên
Dù điểm số của học sinh ra sao, giáo viên đều sẽ không làm khó phụ huynh, khi gặp những em khó bảo, giáo viên cũng sẽ bàn bạc với gia đình để tìm cách giải quyết.
13. Sự tin tưởng
Ghi chép tín dụng cá nhân ở Mỹ luôn gắn chặt với số an sinh xã hội, ghi chép này luôn ảnh hưởng đến khả năng vay mua xe mua nhà của một cá nhân, thậm chí tác động đến sự nghiệp của người đó. Điều này khiến đời sống giữa người với người trở nên đơn giản hơn rất nhiều, không còn cần phải đấu trí nữa. Vì vậy người ta thường nói, sau khi di cư đến Mỹ, người Trung Quốc càng ngày “khờ”.
Thanh Bình
Xem thêm:
Từ khóa Người Trung Quốc di cư nước Mỹ Người Hoa