157 con Cá voi Sát Thủ Giả mắc cạn trên bờ biển Tasmania, phá kỷ lục 50 năm
- Lâm Mộc
- •
Một vụ mắc cạn tập thể của 157 con cá voi sát thủ giả đã xảy ra tại một bãi biển hẻo lánh ở Tasmania, Úc. Tính đến sáng nay, chỉ còn 90 con sống sót. Do không thể đưa những sinh vật khổng lồ này trở lại đại dương, các cơ quan liên quan tại địa phương buộc phải quyết định thực hiện cái chết nhân đạo đối với chúng.
Ngày 19 tháng 2 năm 2025, Sở Tài nguyên và Môi trường Tasmania xác nhận rằng một vụ mắc cạn nghiêm trọng của cá voi sát thủ giả đã xảy ra trên bãi biển gần cửa sông Arthur, bờ tây Tasmania. Cơ quan này cho biết, việc cá voi sát thủ giả mắc cạn theo đàn trên các bãi biển của Úc không phải hiếm gặp, nhưng đây là lần đầu tiên trong 50 năm qua Tasmania ghi nhận một trường hợp mắc cạn quy mô lớn của loài này.
Theo điều tra sơ bộ, thời gian mắc cạn của những động vật có vú biển lớn này ước tính đã kéo dài từ 24 đến 48 giờ. Khi được phát hiện, chỉ còn 90 con vẫn còn sống. Nhân chứng mô tả cảnh tượng tại hiện trường là “không thể chịu đựng nổi”, nhiều con cá voi sát thủ giả đang vật lộn để sinh tồn trên bãi cát.
Cá voi sát thủ giả (False killer whale), mặc dù có chữ “cá voi” trong tên gọi, nhưng thực tế, cũng giống như cá voi sát thủ, nó thuộc họ cá heo. Loài cá heo này được đặt tên theo hình dạng hộp sọ tương tự cá voi sát thủ. Chúng là một loài có tính xã hội cao, với trọng lượng có thể đạt từ 500 kg đến 3 tấn, và chiều dài cơ thể lên tới 6 mét.
Để ứng phó với sự việc này, chính quyền đã cử các bác sĩ thú y và nhà sinh vật biển đến hiện trường để đánh giá tình trạng của những con cá voi sát thủ giả còn sống. Tuy nhiên, do địa điểm xảy ra vụ mắc cạn quá hẻo lánh, điều kiện biển khắc nghiệt, cùng với việc gần đó có di tích văn hóa của người bản địa, nên rất khó để vận chuyển các thiết bị chuyên dụng quy mô lớn đến hiện trường, khiến công tác cứu hộ gặp nhiều trở ngại.
Bà Shelley Graham, quan chức thuộc Cơ quan Công viên và Động vật hoang dã Tasmania (Tasmania Parks and Wildlife Service), nói với phóng viên AFP: “Sau khi được các chuyên gia thú y đánh giá, chúng tôi buộc phải quyết định thực hiện cái chết nhân đạo đối với những con vật này. Rất có thể biện pháp này sẽ được áp dụng cho toàn bộ 90 con cá voi sát thủ giả”.
Nhà sinh vật học Kris Carlyon bổ sung rằng, mọi nỗ lực để nâng đỡ và đưa những con cá heo nặng hơn một tấn này trở lại biển đều đã thất bại. Ông nói: “Sáng nay, chúng tôi đã thử mọi biện pháp có thể giúp chúng nổi lên lại, nhưng đều không thành công. Thật sự chúng tôi không còn cách nào khác”.
Hiện tại, giới chức vẫn chưa xác định được nguyên nhân cụ thể khiến đàn cá voi sát thủ giả này mắc cạn, và cuộc điều tra liên quan đang được tiến hành.
Được biết, lần gần nhất một vụ mắc cạn quy mô lớn của cá voi sát thủ giả xảy ra tại Tasmania là vào tháng 6 năm 1974, khi khoảng 160 đến 170 con bị mắc cạn.
Lâm Mộc theo The Epoch Times
Từ khóa mắc cạn cá voi sát thủ giả
