Cô đơn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của chúng ta. Cô đơn không chỉ gây ra sự khó chịu về mặt cảm xúc mà còn làm phức tạp hóa các bệnh lý hiện có, khiến chúng khó điều trị hơn và thậm chí làm tăng nguy cơ tử vong. 

Co don
Cô đơn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của chúng ta. (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Trong bài viết này, chúng ta sẽ phân tích tác động của cô đơn thông qua một số trường hợp cụ thể và chia sẻ chiến lược thực tế để đối phó với vấn đề này.

Mối nguy hại của sự cô đơn

Cô đơn có liên quan chặt chẽ đến nguy cơ gia tăng bệnh tim mạch, sa sút trí tuệ, đột quỵ, trầm cảm, lo âu và tử vong sớm. Thực tế, tác động của cô đơn đối với tỷ lệ tử vong tương đương với việc hút 15 điếu thuốc mỗi ngày và nghiêm trọng hơn so với béo phì và ít hoạt động thể lực.

Trên thực tế, chúng ta thường thấy nỗi đau mà cô đơn mang lại không kém gì nỗi đau về thể xác và có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề sức khỏe hiện có, khiến việc điều trị bệnh trở nên khó khăn hơn. Nếu không được giải quyết, cô đơn có thể dẫn đến các vấn đề tâm lý nghiêm trọng.

Nghiên cứu cho thấy những người có điểm số cô đơn cao nhất có nguy cơ mắc RLC (Rối loạn Trầm cảm Chủ yếu) cao gấp khoảng 14 lần và RLT (Rối loạn Lo Âu Tổng quát) cao gấp 11 lần so với những người ít cảm thấy cô đơn nhất.

Cô đơn có thể làm tăng nguy cơ tử vong sớm lên đến 26% và cũng làm tăng nguy cơ tử vong, đặc biệt là do bệnh tim và đột quỵ.

Các yếu tố dẫn đến cô đơn

Nguyên nhân gây ra cô đơn có thể xuất phát từ các yếu tố nội tại và ngoại lai. Các yếu tố bên ngoài bao gồm những thay đổi trong cuộc sống như chuyển đến nơi ở mới, thay đổi công việc, thay đổi trường học hoặc mất người thân. Các yếu tố bên trong thường phức tạp hơn, bao gồm những vấn đề như trầm cảm nặng, sợ xã hội và lo âu.

Những cảm giác như tự ti, luôn cảm thấy không đủ tốt và bị người khác phán xét có thể khiến mọi người không muốn hoặc sợ hãi khi giao tiếp với người khác. Ngoài ra, có những người bẩm sinh sống nội tâm và có thể gặp khó khăn trong việc tham gia các hoạt động xã hội dù họ rất khao khát có bạn bè.

Người trung niên và cao tuổi cũng thường cảm thấy cô đơn, đặc biệt là sau khi nghỉ hưu, mất người bạn đời hoặc mất người thân yêu.

Không chỉ người già mới dễ bị cô đơn. Nhiều nghiên cứu và khảo sát đã phát hiện rằng cảm giác cô đơn thậm chí còn phổ biến hơn ở người trẻ. Theo một báo cáo gần đây của Đại học Harvard và dự án “Making Care Common,” một trong ba người Mỹ  (34%) từ 18 đến 25 tuổi báo cáo rằng họ cảm thấy cô đơn. Ngoài ra, 36% người trẻ cảm thấy lo âu, 29% bị trầm cảm và 12% cảm thấy không có người bạn nào thực sự quan tâm đến mình. Việc ngày càng phụ thuộc vào mạng xã hội là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến cảm giác cô đơn tăng cao ở giới trẻ.

Hậu quả của cô đơn có thể khá nghiêm trọng, khiến mọi người hình thành các cơ chế đối kháng không lành mạnh. Không phải ngẫu nhiên mà những người cảm thấy cô đơn sâu sắc thường ăn quá mức, hút thuốc, uống rượu, ngủ kém và thiếu vận động, tất cả đều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thể chất và tinh thần của họ. Hơn nữa, cô đơn có thể thay đổi cách não hoạt động, góp phần gây suy giảm nhận thức. Một mối lo ngại khác là cô đơn có thể làm tăng nguy cơ tự gây hại.

Những câu chuyện thực tế

Bà Sợi, đến từ huyện Sóc Sơn, Hà Nội, đã rời gia đình đến trại phong Đá Bạc để tránh bị kỳ thị về bệnh tình của mình. Bà là một trong những người đầu tiên đến đây và cũng là người cuối cùng ở lại sau khi những người bạn thân đã qua đời.

Cuộc sống của bà trông chờ vào đàn gà, rau củ… Khi đau ốm, bà phải bán đồ đạc để trang trải. Niềm vui nhỏ mỗi ngày của bà là có người đến thăm để trò chuyện. “Khi có người, thời gian trôi nhanh; còn ở một mình, thời gian dài đằng đẵng. Đêm về nhìn theo bóng người, không ngủ được. Sợ nhất là khi ốm không ai chăm, còn chết thì bà không sợ”, bà Sợi chia sẻ.

Dù cô đơn, bà vẫn không cho phép mình yếu đuối. Bà quyết định ở lại trại phong Đá Bạc, nơi bà đã gắn bó. Ở lại để hương khói cho người đã mất là mục đích sống cuối cùng của bà.

Một chàng trai trẻ, là con út trong gia đình, đã dần mất kết nối với mọi người do khoảng cách thế hệ từ thời cấp 2 đến khi vào đại học.

Anh chia sẻ: “Mỗi khi nói chuyện với bố mẹ, hầu như không quá 5 phút là bắt đầu cãi vã, to tiếng. Bố mẹ chưa từng hỏi mình có hạnh phúc không hay muốn có cuộc sống như thế nào; họ chỉ quan tâm những gì họ mong muốn. Nhiều lần đi làm về, mình chọn đi dạo quanh tòa nhà vì không muốn về nhà. Mình sợ và thấy khó chịu khi bị tra hỏi. Những người lẽ ra phải hiểu mình lại không ủng hộ, khiến mình cảm thấy cô đơn ngay trong chính ngôi nhà của mình”.

Biến cô đơn thành sức mạnh  

Cô đơn có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai, bao gồm cả những nhân vật có tiếng trong lịch sử. Nhiều người đã biến cô đơn thành động lực để trưởng thành:

Mahatma Gandhi  

Trong cuộc đấu tranh giành độc lập dài đằng đẵng, ông thường cảm thấy cô đơn khi đối mặt với một sứ mệnh tưởng chừng như không thể. Khi bị giam cầm, dù có nhiều người ủng hộ, Gandhi vẫn cảm thấy cô lập. Ông đã tận dụng thời gian này để suy ngẫm, củng cố tinh thần và niềm tin vào chủ nghĩa phi bạo lực. Sức mạnh nội tại này cuối cùng đã giúp ông hiện thực hóa lý tưởng của mình.

Abraham Lincoln  

Là một trong những vị tổng thống đáng kính nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, Lincoln đã trải qua cảm giác cô đơn sâu sắc giữa những thách thức to lớn và mất mát cá nhân. Ông đã biến sự cô đơn của mình thành lòng cảm thông sâu sắc, làm vững chắc thêm quyết tâm của ông trong việc đoàn kết đất nước trong thời kỳ chia rẽ. Câu chuyện của ông cho thấy rằng cô đơn cũng có thể là một nguồn sức mạnh.

Abraham Lincoln
Abraham Lincoln. (Ảnh: Shutterstock)

Giải pháp để đối phó với nỗi cô đơn  

Cô đơn có thể được khắc phục thông qua thay đổi thói quen hàng ngày. Bạn có thể áp dụng một số lời khuyên dưới đây.

Tham gia các hoạt động cộng đồng  

Việc tham gia vào các hoạt động từ thiện hoặc các hoạt động chung với người khác có thể giúp xây dựng các mối quan hệ ý nghĩa.

Kết bạn với những người đáng tin cậy

Đừng kết bạn chỉ vì số lượng và đừng nản khi không tìm thấy bạn bè. Thực tế, điều quan trọng không nằm ở số lượng mà là chất lượng. Một hoặc hai người bạn đáng tin cậy, chia sẻ sở thích chung, có thể đem lại niềm vui nhiều hơn là một vòng tròn xã hội rộng lớn.

Thay đổi tư duy  

Kết bạn cũng giống như việc tìm bạn đời hay công việc – đó là tìm kiếm sự phù hợp. Khi gặp người thích hợp, mối quan hệ sẽ phát triển tự nhiên. Nếu không thành, đừng cảm thấy chán nản hay tự trách. Khi thời điểm đến, tình bạn đó sẽ hình thành và trở nên bền vững nhất.

Giữ liên lạc với người thân và bạn bè 

Khi cảm thấy cô đơn, hãy liên lạc với gia đình và bạn bè vì họ có thể hỗ trợ cho bạ trong những lúc khó khăn. Mọi người đều sẽ cảm thấy cô đơn khi môi trường thay đổi, và đây chính là lúc bạn cần tìm sự giúp đỡ.

Tìm sự hỗ trợ từ chuyên gia  

Nếu cô đơn ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hàng ngày, công việc, hoặc học tập, hãy cân nhắc tìm sự trợ giúp từ các chuyên gia y tế.

Nhìn chung, cô đơn là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và cần được quan tâm. Nếu được quản lý tốt, điều này thậm chí có thể trở thành nguồn sức mạnh và động lực để chúng ta ngày càng phát triển và hoàn thiện bản thân.

Thanh Ngọc biên dịch
Theo
The Epoch Times

Xem thêm: