6 loài động vật có thể “tự” hoặc “bị” thay đổi giới tính
- Minh Minh
- •
Trong thế giới tự nhiên, giới tính không phải là một điều tuyệt đối. Có rất nhiều loài sinh ra đã được “cài” sẵn cơ quan đực và cái hoạt động đồng thời. Hoặc có những loài phải thay đổi giới tính của mình do Trái Đất nóng lên hay các chất ô nhiễm hóa học.
Và đây là những loài động vật có thể “tự” hoặc “bị” thay đổi giới tính trong quá trình phát triển.
1. Bươm bướm
Ở một số sinh vật, sự phân chia giới tính có thể nhìn thấy trên đặc điểm cơ thể của chúng. Tình trạng hai giới hiếm gặp này được gọi là gynandromorphism, xuất phát từ lỗi di truyền trong quá trình phân chia tế bào, khiến các đặc điểm đực và cái được sắp xếp một cách dị thường trên cơ thể.
Gynandromorphism được tìm thấy ở động vật giáp xác, côn trùng, chim và các loài bướm. Ví dụ như con bướm trong hình. Mặt đực của nó có đôi cánh màu xanh da trời với viền màu nâu đen, còn mặt con cái có cánh màu nâu với những đốm màu cam.
2. Ếch
Các nhà nghiên cứu đã quan sát thấy ếch tự thay đổi giới tính trong phòng thí nghiệm. Nhưng trong tự nhiên thì quá trình này không hề tự nhiên. Ngày càng có nhiều ếch đực trở thành con cái, cơ thể hoàn chỉnh với các cơ quan sinh sản hoạt động đầy đủ. Nguyên nhân là do thuốc diệt cỏ atrazine bị đổ ra sông hồ, tàn phá sự phát triển của ếch, ngăn chặn sản xuất testosterone (hormone sinh dục đực) và tăng nội tiết tố sinh dục cái estrogen. Tháng 4/2018 vừa qua, Liên minh châu Âu đã thông qua lệnh cấm trên 3 loại thuốc trừ sâu sau khi cơ quan an toàn thực phẩm châu Âu (Efsa) khẳng định các loại thuốc trừ sâu trên đe dọa nghiêm trọng đến ong rừng và ong mật. Các nhà khoa học cho rằng khoảng 40% các loài động vật lưỡng cư đang bị đe dọa, trở thành loài dễ tổn thương do mất môi trường sống, biến đổi khí hậu và ô nhiễm.
3. Cá hề
Loài cá với sọc màu cam – trắng không chỉ nổi tiếng nhờ bộ phim “Đi tìm Nemo” mà còn được nhiều người biết đến bởi sự chuyển đổi giới tính linh hoạt. Nhưng cá hề không phải là loại lưỡng sản xuất trứng và tinh trùng cùng một lúc. Chúng là loài lưỡng tính tuần tự, sinh ra với một giới tính cụ thể nhưng có thể chuyển sang giới khác nếu cần thiết. Cách thức hoạt động của chúng như sau: Cá hề sống theo nhóm gồm 2 con lớn trưởng thành về mặt tình dục, một con đực và một con cái. Phần còn lại là những con đực nhỏ hơn, chưa trưởng thành. Nếu có điều gì đó xảy ra với con cái trong cặp sinh sản, con đực lớn đó sẽ biến thành con cái và chọn con đực lớn nhất tiếp theo trong nhóm để trở thành bạn đời mới.
4. Cá vược
Có lẽ mẹ thiên nhiên không có ý định cho cá vược phát triển các bộ phận “phụ nữ”, nhưng chúng có các tế bào trứng chưa trưởng thành phát triển trong tinh hoàn. Đặc biệt là cá vược trên các con sông nước Mỹ, chỉ có sông Alaska Alaska Yukon không có dấu hiệu của tình trạng này. Nguyên nhân của việc này là do các hợp chất dược phẩm như thuốc tránh thai và thuốc trừ sâu ngấm vào trong nước khiến đàn cá bị phát triển nội tiết tố sinh dục nữ estrogen.
5. Cá chình moray
Hầu hết các loài cá chình moray được sinh ra là cái hoặc đực rồi cứ như vậy cho đến hết đời, nhưng vẫn có những trường hợp bị thay đổi giới tính tuần tự (như cá hề). Khi chuyển đổi, con đực bắt đầu trở nên nhỏ và đen, có thêm vây lưng màu vàng. Khi chúng trưởng thành, bắt đầu thụ tinh với trứng, chúng sẽ chuyển sang màu xanh với khuôn mặt màu vàng. Khi lớn hơn một chút, con đực có màu vàng hoặc vàng lục và phát triển cơ quan sinh sản nữ, sống hết phần đời còn lại là con cái đẻ trứng.
6. Sên chuối
Sên chuối (banana slug) có cơ thể màu vàng và chiều dài cơ thể khoảng 25 cm. Sên chuối là động vật lưỡng tính, nghĩa là chúng đồng thời sử dụng cả cơ quan sinh sản đực và cái. Mặc dù có khả năng tự thụ tinh, nhưng hầu hết những con sên chuối đều tìm cho mình một bạn tình khác để giao phối. Khi giao phối, hai con sên cuộn tròn quanh nhau, giống như một biểu tượng âm dương. Sau đó, cả hai con sên sẽ để trứng dưới lá hoặc khúc gỗ rồi bỏ đi và không quan tâm gì cả.
Minh Minh
Xem thêm:
Từ khóa Động vật hoang dã khám phá thế giới động vật Bươm bướm