7 quy luật thay đổi vận mệnh và nhân sinh
- Minh Nguyệt
- •
Nếu muốn thay đổi vận mệnh của mình thì không chỉ có một cách là cải biến phong thủy, bạn cũng nên tìm hiểu những quy luật sau đây, bởi chúng có tác động không hề nhỏ đến nhân sinh của mỗi người.
1. Luật nhân quả
Không có gì trên đời xảy ra ngẫu nhiên, mọi thứ xảy ra đều có lý do. Tất nhiên, số phận của con người cũng tuân theo luật này. Không chỉ Phật giáo, mà giáo lý của các tôn giáo khác cũng hàm chứa luật nhân quả.
Thậm chí nếu chỉ nói trong một đời, thì suy nghĩ, ngôn ngữ và hành vi của con người đều là “nhân” và sẽ tạo ra “quả” tương ứng. Nếu “nhân” tốt, thì “quả” cũng tốt, nếu “nhân” xấu, thì “quả” cũng xấu. Chừng nào mọi người còn có tư tưởng, chắc chắn họ sẽ liên tục “gieo nhân” và gieo “thiện nhân” hay “ác nhân” đều do con người tự mình quyết định.
Do đó, những người muốn thay đổi vận mệnh trước tiên phải chú ý và hiểu rõ mỗi tư tưởng của bản thân mình, xác định xem nó sẽ dẫn đến lời nói và hành vi nào, từ đó biết được chúng sẽ dẫn tới kết quả thế nào. Nếu từng thời khắc đều có thể tỉnh táo dùng lý trí và đạo đức mà nhận định thì sẽ tránh được rất nhiều điều đáng tiếc.
2. Luật “hấp dẫn”
Nhiều điều trong cuộc sống của bạn do nội tâm của bạn mang tới!
Tâm trí của con người luôn bị thu hút bởi điều phù hợp với nó. Ví dụ, nếu một người nghĩ rằng cuộc sống xung quanh đầy cạm bẫy, thì lúc nào anh ta cũng sẽ cảm thấy nguy cơ tứ bề, ra khỏi cửa thì sợ ngã, ngồi trên xe thì sợ tai nạn giao thông, chơi với bạn thì sợ bị bạn bè lừa.
Con người đều nhìn cuộc sống có tính chọn lọc, họ chỉ nhìn thấy và chú ý đến những gì họ tin, đối với những gì họ không tin, họ sẽ không để ý hoặc thậm chí nhìn mà như không thấy. Do đó, hiện thực bên ngoài của con người rất nhiều khi là do nội tâm của họ hấp dẫn mà tới, và con người cũng bị chính hiện thực đó làm tăng cường thêm chấp niệm. Điều này xảy ra vào mọi lúc, nhưng con người lại khó có thể nhận ra.
Tâm niệm của một người mà tiêu cực hoặc xấu xí, thì hoàn cảnh bên ngoài của anh ta cũng tiêu cực hoặc xấu xí. Tâm niệm của một người mà tích cực và lương thiện, thì môi trường của anh ta cũng tích cực và lương thiện.
Tập trung phát huy những điểm tốt của bản thân, thường nhìn vào những điểm tích cực và lương thiện của người, sự, vật thì sẽ thu hút những điều tốt đẹp, lương thiện đến cho cuộc sống.
3. Quy luật tâm thái
Tâm thái nào là tâm thái tốt nhất? Câu trả lời là càng trong sáng, càng không nghĩ gì là tốt nhất! Tập trung vào những lý tưởng bạn mong muốn đạt được về nhân cách, cảnh giới, quan hệ giữa người với người, sau đó thả lỏng tâm niệm, nỗ lực làm việc, làm những gì bạn nên làm, không cần quá để ý tới khi nào đạt được nó, không để những thứ dục vọng, đố kỵ, nóng giận gây phiền nhiễu, bạn sẽ cảm thấy công việc hoàn thành nhanh tới mức bản thân phải ngạc nhiên. Ngược lại, nếu bạn càng nóng lòng vào kết quả, bạn sẽ càng vấp váp, thậm chí nhận phải kết quả ngược lại.
4. Nguyên tắc hiện tại
Sinh mệnh của bạn chỉ có thể sống trong hiện tại, quá khứ là ảo ảnh đã qua, tương lai là ảo ảnh trong tâm trí. Con người không thể kiểm soát quá khứ và cũng không thể kiểm soát tương lai. Những gì họ có thể kiểm soát chỉ là tâm trí, ngôn ngữ và hành vi tại thời điểm này.
Quá khứ và tương lai không tồn tại, chỉ có khoảnh khắc hiện tại là chân thực. Do đó, điều quan trọng nhất để thay đổi vận mệnh, chỉ có thể bắt đầu ở “hiện tại”, không có cách nào khác. Nếu con người luôn mang nặng trong lòng hối hận, áy náy muốn thay đổi quá khứ, sẽ không cách nào giải thoát được. Nếu con người luôn lo lắng về tương lai, sự lo lắng đó sẽ hấp dẫn những điều họ không mong muốn đến và trở thành sự thực.
Chỉ tập trung vào việc điều chỉnh tư tưởng, ngôn ngữ và hành vi hiện tại, số phận sẽ tự nhiên mà thay đổi tốt lên.
5. Đạo lý kiên trì
Rất nhiều việc là phải bỏ thời gian và nỗ lực lớn ra để làm. Người ta thường mang tham vọng lớn, dục vọng nhiều, vậy nên thường thì quá nhiều thời gian và nỗ lực bỏ ra mới thu được một chút thành quả. Có nhiều chuyện trong cuộc sống cần phải thông qua sự kiên trì, ví như sửa một thói quen xấu, ví như giáo dục trẻ nhỏ. Miễn là chuyện bạn làm không thương thiên hại lý, không trái đạo đức lương tri, thì chỉ cần bạn không từ bỏ nỗ lực, đến cuối cùng sẽ có bước nhảy vọt.
6. Định luật gián tiếp
Muốn thay đổi một số khía cạnh của bản thân, chi bằng hãy giúp người khác thay đổi phần đối ứng. Chẳng hạn bạn muốn nâng cao lòng tự trọng của mình, bạn cần phải trước tiên thấu hiểu lòng tự trọng của người khác. Nếu một công ty muốn đạt được lợi nhuận, thì cần cung cấp cho khách hàng dịch vụ chất lượng và sản phẩm chất lượng, điều đó sẽ giúp công ty thịnh vượng và phát triển lâu dài.
Việc tăng giá trị bản thân và tăng giá trị của người khác trong luật gián tiếp thường đồng thời xảy ra, khi bạn nâng cao giá trị của người khác, giá trị bản thân của bạn cũng sẽ không hề chịu thiệt.
7. Nguyên tắc của sự cho đi
Cho người khác chính là cho chính mình, bạn không thể có được nếu không bỏ ra. Chúng ta cùng vạn vật là đồng nguyên đồng thể, không ngừng cho đi, phúc đức sẽ dồi dào. Cho đi mà không mong đợi được hồi báo là cách cho đi tuyệt vời nhất, sẽ mang tới cho bạn sự thăng hoa về tâm linh và phúc báo sau này. Cho đi có phúc hơn nhận lại, và bản thân cho đi là mà không cầu người nhận được báo đáp lại là phúc đức lớn nhất làm thay đổi vận mệnh.
Minh Nguyệt
Xem thêm:
Từ khóa Nhân quả cho đi nhân sinh cảm ngộ tu dưỡng đạo đức